Tin vào những gì mình muốn tin (confirmation bias)

Kết quả bầu cử bên Mỹ đã rõ ràng: đương kim TT Donald Trump thất cử, và người thắng cử là Joe Biden. Ấy vậy mà cho đến nay vẫn có nhiều người nhứt định không tin rằng ông Trump đã thất cử! Niềm tin này làm tôi nhớ đến tâm lí ‘chỉ tin vào những gì mình muốn tin‘ và chỉ nghe những gì mình muốn nghe — một khuyết tật tâm lí nổi tiếng trong mỗi chúng ta.

The vaunted human capacity for reason may have more to do with winning arguments than with thinking straight.
Hình của New Yorker

Tôi có một đồng nghiệp rất nổi tiếng vì anh ấy xiển dương một giả thuyết về mỡ và xương. Anh ấy có xu hướng chỉ tin những kết quả nghiên cứu phù hợp với giả thuyết của mình, và bác bỏ hầu như tất cả những kết quả không nhứt quán với giả thuyết. Những người trong labo nghiên cứu của anh ấy cũng chỉ tin vào giả thuyết đó, và họ làm nhiều nghiên cứu chỉ nhằm để ‘chứng minh’ rằng họ đúng. Ngay cả kết quả nghiên cứu của chính họ không nhứt quán với giả thuyết, họ tìm cách làm nhẹ bớt sức mạnh của dữ liệu. Chẳng những thế, khi được mời viết ‘review’ (tổng quan), mặc dầu anh ấy điểm qua chứng cớ đàng hoàng, nhưng chỉ tập trung vào những chứng cớ phù hợp với giả thuyết, và xem nhẹ chứng cớ không phù hợp với giả thuyết của anh ấy. Đó là một thiên kiến có tên là ‘confirmation bias‘ hay ‘thiên kiến chứng thực’.

Anh bạn tôi không phải là trường hợp cá biệt.

Hầu như ai trong giới khoa học, kể cả tôi, đều theo đuổi một giả thuyết hay một lí thuyết. Có khi chúng ta bỏ ra cả đời để theo đuổi nó, và chúng ta hình thành cái ‘confirmation bias’. Và, vì thế chúng ta cảm thấy đau đớn khi lí thuyết đó sai.

Thiên kiến chứng thực

Thiên kiến chứng thực là một xu hướng tâm lí của con người sàng lọc thông tin và dữ liệu phù hợp với định kiến đã có sẵn.

Anh bạn tôi ngã bệnh và có nhập viện. Thế nhưng cái tin nhập viện đó là yếu tố làm cho nhiều người [không biết anh] đồn đại rằng anh ấy bị ung thư ở giai đoạn cuối. Nhưng trong thực tế thì anh bạn tôi chỉ nhập viện để kiểm tra một rối loạn khó giải thích, anh ấy vẫn bình thường. Tôi giải thích cách nào người ta cũng không tin, mà còn lấy những thông tin gián tiếp để chứng minh cho luận điểm của họ.

Tất cả chúng ta, không ít thì nhiều, đều là nạn nhân của thiên kiến chứng thực.

Có lẽ một phần là do não bộ của chúng ta được thiết kế để duy trì những định kiến, tức là kiên trì tin vào những niềm tin mình đã có sẵn. Một khi niềm tin đã được thiết lập trong trí não, chúng ta thường không chịu xem xét thêm chứng cớ. Ngay cả chứng cớ đi ngược lại với niềm tin, chúng ta vẫn không tin vào chứng cớ đó. Có thể nói rằng nhiều qui định và chánh sách về dịch hiện nay cũng chẳng có cơ sở khoa học vững chắc, mà chỉ là định kiến có sẵn của những nhóm người.

Năm 2016, Gallup có làm một cuộc thăm dò ý kiến, mà kết quả trở thành bài học kinh điển cho thiên kiến chứng thực. Trong cuộc thăm dò ý kiến này, Gallup hỏi người tham gia rằng tình hình kinh tế có khá hơn trước (1-7 tháng 11) hay sau ngày (9-13 tháng 11) bầu cử tổng thống. Tỉ lệ trả lời ‘nền kinh tế tốt hơn’ ở nhóm người thuộc đảng Cộng Hoà tăng từ 16% lên 49%, còn ở nhóm người theo đảng Dân Chủ thì giảm từ 61% xuống còn 46%. Dĩ nhiên, nền kinh tế không thay đổi gì đáng kể trong 1 tuần sau bầu cử. Thế nhưng hai nhóm người lại có hai cái nhìn rất khác nhau về tình hình kinh tế! Kết quả này nói lên cái định kiến mà người ta đã có sẵn, chớ không dựa vào dữ liệu thực tế.

Sự khác biệt về cách nhìn giữa hai nhóm cử tri Cộng Hoà và Dân Chủ trên đây hoàn toàn có lí do và có thể dự báo bằng văn hoá bộ lạc. Chúng ta là những sinh vật xã hội, và chúng ta thường tụ tập thành những nhóm mà tôi hay gọi đùa là ‘bộ lạc’. Trong khoa học, những hiệp hội chuyên ngành chính là những bộ lạc. Mỗi bộ lạc có những qui định và qui ước riêng. Khi chúng ta quyết định trở thành thành viên của một bộ lạc, suy nghĩ của chúng ta theo thời gian sẽ giống với những thành viên khác trong bộ lạc. Chúng ta cũng muốn nhìn bộ lạc mình bằng cái nhìn tích cực hơn là tiêu cực: chúng ta muốn bộ lạc mình thắng, chẳng ai muốn thua. Do đó, không ngạc nhiên, khi cả hai nhóm cử tri — Cộng Hoà và Dân Chủ — phản ứng rất khác nhau khi ông Trump đắc cử vào năm 2016. Và, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy phe Cộng Hoà vẫn chưa chịu công nhận rằng ‘bộ lạc’ của họ đã thất cử.

Hậu quả của quá trình tiến hoá?

Ngược lại, có những người chộp được một tấm hình nào đó hợp với cách diễn giải của mình bèn đem ra quảng bá. Thật ra, câu chuyện đằng sau tấm hình phức tạp hơn nhiều, nhưng bởi vì cái thiên kiến chứng thực nên người ta dùng tấm hình để bêu rếu nhân vật mà họ ghét. Ngạc nhiên thay, thiên kiến này hay xảy ra ở những người hay kêu gọi đạo cao đức trọng.

Tại sao chúng ta có thiên kiến chứng thực?

Theo giới tâm lí học và thần kinh học thì não bộ của chúng ta qua quá trình tiến hoá lại có xu hướng bị thuyết phục bởi thông tin giật gân, và tin vào những gì chúng ta muốn tin. Nhiều nghiên cứu khoa học tâm lí chỉ ra rằng con người chúng ta có 2 hệ thống suy nghĩ nhanh và chậm, với hệ suy nghĩ nhanh dựa trên những thông tin phi lí và thiếu chính xác. Chẳng hạn như thấy con cọp thì chúng ta tránh nó cho … chắc ăn. Hệ suy nghĩ nhanh giúp chúng ta sống sót theo thời gian, nhưng thường dẫn đến sai lầm. Thấy người có khuôn mặt Thuý Kiều hay Thuý Vân, chúng ta có cảm tình, nhưng coi chừng sai lầm vì có thể họ đã qua phẫu thuật.

Chúng ta tiến hoá và xuất phát từ xã hội không có nhiều thông tin. Thời săn bắt hay hái lượm thì làm gì có nhiều thông tin. Ngay cả trước thế kỉ 20 hay đầu thế kỉ 20, chúng ta cũng đâu có nhiều thông tin. Não bộ của chúng ta được tiến hoá để xử lí xử lí thông tin trong điều kiện thiếu thông tin.

Và, đó chính là vấn đề của ngày nay. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều thông tin. Nhưng não bộ chúng ta được ‘thiết kế’ thời xưa chỉ để xử lí ít thông tin. Một sự bất xứng.

Tình hình khó khăn hơn khi thế giới này không tử tế với chúng ta: thay vì chúng ta có những thông tin giúp mình biết tốt hơn, thì sự thật lại là một đống thông tin bừa bộn, hỗn loạn, ngẫu nhiên, không mang tính đai diện, thông tin thứ phát, v.v. Có thể nói rằng thay vì chúng ta có một rừng information, thì nay chúng ta có một biển misinformation (tin giả) và thậm chí disinformation (giả tin). Não bộ chúng ta không có khả năng đối phó với một rừng thông tin như thế một cách nhanh chóng, và do đó hệ suy nghĩ nhanh có vấn đề.

Chúng ta cố gắng tìm qui luật và trật tự từ dữ liệu ngẫu nhiên hay dữ liệu không đầy đủ. Nhìn đám mây trên bầu trời, có người tưởng tượng ra hình Chúa Jesus. Nhìn bức hình của một kẻ du côn ngồi vào ghế chủ tịch Hạ viện, dù chưa biết danh tánh là ai, nhưng người ta nghĩ ngay đến một kẻ cuồng Trump đang làm bậy. Nhìn cái hình DNA bình thường, người ta lập tức thấy có ‘đột biến’ gen trong virus Vũ Hán! Nhưng những qui luật đó và những suy luận đó hoàn toàn vô nghĩa vì dữ liệu chỉ là ngẫu nhiên và không đầy đủ, hay đầy đủ thì lại không mang tính đại diện.

Làm tôi nhớ đến dạo tôi mắc bệnh, nên vắng mặt trong một số hội nghị quan trọng trong chuyên ngành. Thế là trong giới đồng nghiệp có người đồn rằng tôi sắp chết, thậm chí sau này tôi còn nghe chuyện hài hước rằng có bạn chuẩn bị viết … điếu văn! Có người giải thích rằng vì thấy tôi trong hội nghị năm ngoái rất tiều tuỵ, tôi đi nhiều nơi trên thế giới, ăn uống thiếu kiểm soát, làm việc như điên, thì bệnh nặng là ‘phải rồi’. Họ có dữ liệu, nhưng dữ liệu đó không đại diện trong năm công tác của tôi. Thật ra, các bạn trong bộ lạc đó rất tốt và thương mến tôi, nhưng cách suy luận của họ thì không đúng do thông tin nhiễu và dỏm.

Có nhiều khi thông tin ‘coi vậy mà không phải vậy’.

Có lần trong một seminar do tôi chair, và tôi nói đùa với một nghiên cứu sinh [từ Tàu] rằng ‘trong seminar này chúng tôi sẽ tra tấn anh, vì chúng tôi không muốn anh đi nói chuyện trong một hội nghị quốc tế mà không đạt. Nếu không đạt tôi sẽ giết anh.’ Đó là câu nói đùa và có nghĩa bóng. Thế nhưng anh chàng nghiên cứu sinh, có thể vì không am hiểu tiếng Anh, bèn phàn nàn với cấp trên rằng tôi muốn giết anh ấy! Câu chuyện hài hước, nhưng nó nói lên rằng nhiều khi người ta nói vậy mà không phải vậy.

Khiêm nhường

Làm gì để không rơi vào cái bẫy thông tin nhiễu và dỏm? Tôi nghĩ nhiều về câu hỏi này, và tôi đi đến câu trả lời là khiêm nhường. Chúng ta phải khiêm nhường để cởi mở và chấp nhận rằng mình dốt, mình không thể nào biết tất cả, và mình sẵn sàng học hỏi. Chúng ta phải cảnh giác với những dữ liệu hay thông tin, cho dù nó là thật thì cũng không đại diện cho quá trình của một cá nhân hay một sự việc. Một câu nói ngẫu hứng của người mình không ưa không thể nào đại diện cho quan điểm của người đó. Ấy vậy mà trong thực tế, chúng ta hay vin vào những câu nói và hình ảnh ngẫu nhiên đó để kết luận về một con người! 

Nếu nghĩ rằng chúng ta biết tất cả, chúng ta sẽ không học được điều gì cả. Nếu tự cho rằng chúng ta hiểu vấn đề (còn kẻ khác là ngu dốt, là sai) thì cũng chẳng tiếp thu gì thêm.

Do đó, cách tiếp cận tốt nhứt với thông tin là hỏi các câu hỏi:

* thông tin từ đâu;

* ai nói; và

* chứng cớ có đáng tin cậy.

Nguồn gốc thông tin rất quan trọng.

Ngày nay có quá nhiều trạm thông tin trên mạng xã hội mà nếu chỉ nhìn thoáng qua thì rất giống như các trạm thông tin chánh thống, nhưng thật ra chỉ là một cá nhân. Chỉ cần dạo qua một vòng youtube chúng ta sẽ thấy hàng trăm ‘youtuber’ tung ra những thông tin rất giật gân (và do đó rất đáng ngờ). Có người cho đến nay vẫn cho rằng ông Trump đang tìm cách ‘lật ngược thế cờ’ trong khi ông ấy đã công nhận mình thất cử và chuyển giao quyền lực. Có thể nói cái thiên kiến chứng thực quá nặng nề trong một số chúng ta.

Ngay cả thông tin từ báo chí ‘chánh thống’ như New York Times, Washington Post, CNN cũng có khi là giả hay theo thiên kiến chứng thực. Lí do là những kí giả và bỉnh bút viết bài cũng có những định kiến riêng và họ tìm mọi cách để thuyết phục chúng ta về định kiến của họ. Có những nước mà nhà cầm quyền dùng báo chí để nhồi sọ công chúng về một chủ thuyết, và gieo vào não bộ họ rằng ‘chiến tranh là hoà bình, tự do là nô lệ, và sự dốt là sức mạnh’. Do đó, cần phải xem xét ý kiến của họ với dữ liệu thật một cách sáng suốt. ‘Sáng suốt’ ở đây có nghĩa là so sánh với kiến thức hiện hành và đặt thông tin trong bối cảnh chung xem có hợp lí hay không.

Báo New York Times từng bị phê bình là thiên vị (cánh tả). Thế là New York Times uỷ nhiệm cho một nhóm độc lập điều tra và đánh giá lại, cùng lúc họ tổ chức các lớp học về “critical thinking” và xử lí thông tin cho kí giả. Tôi nghĩ đó là một việc làm đáng khen. Còn họ có thay đổi hay không thì chúng ta chưa biết.

Trong y khoa có trường phải “Y học thực chứng” (evidence based medicine), tức là thực hành dựa vào chứng cớ khoa học. Vậy thì tại sao chúng ta không có evidence-based thinking (EBT hay suy nghĩ dựa vào chứng cớ). Do đó, tôi nghĩ có lẽ xã hội và trường học nên làm theo New York Times và khuyến khích EBT.

Nguồn: https://nguyenvantuan.info/2021/01/10/tin-vao-nhung-gi-minh-muon-tin-confirmation-bias/

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status