Đoạn trích về trình kiến giải trong Pháp Bảo Đàn Kinh

Trích câu chuyện giữa Huyền Giác và Huyền Sách trong Phẩm Cơ Duyên

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác, họ Đái, người Ôn Châu. Thuở nhỏ, học tập kinh luận, tinh thông pháp môn Chỉ quán của phái Thiên Thai. Nhân đọc Kinh Duy-ma, tâm địa bừng sáng. Tình cờ gặp đệ tử của Lục Tổ là Huyền Sách, cùng nhau đàm luận nhiều lẽ. Huyền Giác nói ra mọi điều đều ngầm hợp ý Tổ. Huyền Sách liền hỏi: “Chẳng hay nhân giả đắc pháp với ai?”

Đáp rằng: “Tôi học theo kinh luận Phương đẳng, đều là có truyền thừa. Sau do nơi Kinh Duy-ma ngộ được tông chỉ nơi tâm Phật, nhưng chưa có ai chứng minh.”

Huyền Sách nói: “Từ đời Phật Oai Âm Vương trở về trước thì được, còn từ đời Phật Oai Âm Vương về sau, nếu không có thầy mà tự ngộ, hầu hết đều là ngoại đạo.”

Huyền Giác nói: “Nguyện nhân giả chứng minh cho tôi.”

Huyền Sách đáp: “Lời của tôi chẳng xứng đáng. Nay tại Tào Khê có Lục Tổ Đại sư, bốn phương đều nhóm về thọ Pháp. Nếu ngài muốn đi thì tôi sẽ cùng đi.”

Huyền Giác bèn theo Huyền Sách đến tham lễ. Đến nơi, đi quanh Sư ba vòng, chống cây tích trượng mà đứng.

Sư nói: “Phàm bậc sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ phương nào lại mà cao ngạo đến thế?”

Huyền Giác nói: “Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng lắm.”
Sư nói: “Sao chẳng nhận lấy lý vô sanh, hiểu chỗ không mau chóng?”
Đáp: “Thể tức vô sanh, hiểu vốn là không mau chóng.”
Sư nói: “Đúng vậy, đúng vậy.”
Huyền Giác bấy giờ mới chỉnh đốn oai nghi mà lễ bái.
Giây lát cáo từ.

Sư nói: “Về chóng thế sao?”
Thưa rằng: “Tự mình chẳng phải động, lại có mau chóng sao?”
Sư nói: “Ai biết chẳng phải động?”
Đáp: “Nhân giả tự sanh phân biệt.”
Sư nói: “Ngươi thật hiểu sâu ý vô sanh.”
Thưa: “Vô sanh lại có ý sao?”
Sư nói: “Không có ý thì ai phân biệt?”
Thưa rằng: “Phân biệt cũng chẳng phải là ý.”
Sư nói: “Hay lắm thay!”

Sư lưu Huyền Giác lại một đêm. Hồi ấy, người ta nhân đó mà gọi Huyền Giác là Nhất túc giác (một đêm giác ngộ). Sau Huyền Giác có viết Chứng đạo ca lưu hành rộng rãi trong đời. Thụy hiệu là Vô tướng Đại sư, người đương thời xưng là Chân Giác.

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status