Về những hiểm hoạ của Tâm Định

Tâm định (samàdhi) có thể đem lại nhiều tai hại cũng như nhiều lợi ích đến hành giả. Ta không thể nói quả quyết điều nầy hay điều nọ. Đối với người không có trí tuệ thì có hại, nhưng với người có trí tuệ thì tâm định đem lại nhiều lợi ích thật sự. Tâm định có thể đưa đến Tuệ Minh Sát.

Điều có thể gây tai hại lớn lao nhất cho hành giả là các tầng Thiền (Jhàna), tâm định với trạng thái vắng lặng vững chắc và thâm sâu. Tâm định nầy đem lại rất nhiều an lạc. Khi có an lạc là có thỏa thích. Khi thỏa thích ắt có luyến ái, dính mắc, và bám níu chặt chẽ vào sự thỏa thích ấy. Hành giả không còn muốn quán chiếu gì khác nữa mà chỉ thỏa thích trong thọ cảm nhàn lạc mà mình đang hưởng. Khi hành thiền lâu ngày chúng ta có thể dễ dàng nhập vào trạng thái định nầy một cách mau lẹ. Vừa bắt đầu ghi nhận đề mục là tâm trở nên vắng lặng, và ta không muốn rời khỏi nó để quán chiếu gì khác. Ta chỉ dính kẹt trong thỏa thích ấy. Đó là mối nguy hại có thể đến với người hành thiền.

Ta phải dùng cận định (upacàra samàdhi). Nơi đây, nhập vào trạng thái vắng lặng, và khi tâm đã đủ vắng lặng thì ta ra ngoài và nhìn vào “sinh hoạt bên ngoài” [5]. Nhìn ngoại cảnh với tâm vắng lặng sẽ giúp phát sanh trí tuệ. Điều nầy khó hiểu một cách rõ ràng bởi vì nó cũng gần giống nhau, cũng tương tợ như ta suy tư và tưởng tượng thường ngày. Khi suy tư, ta có thể nghĩ rằng tâm không an lạc, nhưng trong thực tế suy tư nầy nằm bên trong vắng lặng. Có quán chiếu, nhưng vắng lặng không bị khuấy động. Ta có thể làm nổi bật ý nghĩ hay sự suy tư ấy lên để quán chiếu nó. Nơi đây, ta khơi dậy ý nghĩ lên để quan sát, tìm hiểu nó, chớ không phải suy tư buông lung, không có mục tiêu, cũng không phải đoán chừng. Nó là cái gì phát sanh từ tâm an lạc thanh bình. Điều nầy được gọi là “hay biết bên trong vắng lặng, và vắng lặng bên trong hay biết.” Nếu chỉ là suy tư thông thường và tưởng tượng thì tâm ắt không an lạc mà sẽ chao động. Nhưng nơi đây Sư không đề cập đến suy tư thông thường, đây là cảm giác phát sanh từ cái tâm thanh bình an lạc. Đó là “quán niệm”. Trí tuệ phát sanh ngay từ đây.

Như vậy, có thể có chánh định và tà định.

Tà định là khi nào tâm lắng vào trạng thái vắng lặng mà không có sự hay biết gì hết. Ta có thể ngồi trong hai tiếng, hoặc ngồi cả ngày đi nữa, nhưng tâm không biết mình ở đâu hay điều gì đã xảy ra. Không biết gì hết. Có vắng lặng, nhưng chỉ có chừng đó. Cũng giống như một lưỡi dao đã được mài giũa thật bén nhưng ta không màng dùng vào việc gì. Đó là một loại vắng lặng si mê, bởi vì không tự biết mình. Lúc bấy giờ hành giả có thể nghĩ rằng mình đã đạt đến tột đỉnh và không màng tìm kiếm gì khác. Trong trường hợp nầy thì định (samàdhi) có thể là người thù. Trí tuệ không thể phát sanh bởi vì không có sự hay biết điều nào là đúng, điều nào sai.

Với Chánh Định, dầu ở tầng lớp vắng lặng nào mà ta đạt đến, luôn luôn có sự hay biết. Có niệm đầy đủ và hay biết rõ ràng. Đó là tâm định có khả năng giúp cho trí tuệ phát khởi, ta không thể lạc lối trong đó. Người hành thiền phải thấu hiểu chắc chắn điều nầy. Không có sự hay biết quý vị không thể thành công. Phải hay biết từ đầu đến cuối. Loại định nầy không nguy hại.

Quý vị có thể thắc mắc, tự hỏi vậy lợi ích phát sanh ở đâu, trí tuệ phát sanh như thế nào, có phải từ tâm định không? Khi chánh định đã được trau giồi và phát triển đầy đủ thì trí tuệ có thể phát khởi bất luận lúc nào. Khi mắt nhìn thấy hình thể, tai nghe âm thanh, mũi hửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý chứng nghiệm cảm xúc — dầu ở trong oai nghi nào — tâm vẫn luôn luôn hay biết đầy đủ bản chất thật sự của những thọ cảm ấy và không đeo níu theo. Khi tâm có trí tuệ dầu ở trong oai nghi nào, chúng ta hay biết đầy đủ sự phát sanh hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta buông bỏ cả hai, không bám níu vào cái nào. Đó là hành đúng chánh pháp trong tất cả oai nghi. Những danh từ “tất cả oai nghi” không phải chỉ hàm xúc những oai nghi của thân như đi, đứng, nằm, ngồi mà còn chỉ cái tâm, trong tất cả trạng thái tâm, luôn luôn chú niệm và hay biết rõ ràng chân lý. Khi định được phát triển và trau giồi chân chánh thì trí tuệ phát sanh như thế ấy. Đó là Tuệ Minh Sát, tình trạng thấu triệt chân lý. 

Có hai loại an lạc: loại thô kịch và loại vi tế.

An lạc phát sanh từ tâm định là loại thô. Khi tâm an lạc ắt có thỏa thích, hạnh phúc. Tâm lầm tưởng hạnh phúc ấy là an lạc. Nhưng hạnh phúc và đau khổ là “hữu”, sự trở thành và “sanh”. Không thoát ra khỏi vòng luân hồi, samsàra, bởi vì chúng ta còn bám níu vào nó. Như vậy, hạnh phúc không phải là an lạc, an lạc không phải là hạnh phúc.

Loại hạnh phúc kia phát sanh từ trí tuệ. Nơi đây chúng ta không còn lẫn lộn an lạc với hạnh phúc. Chúng ta thấu triệt cái tâm quán chiếu hạnh phúc và đau khổ. Trạng thái an lạc phát sanh từ trí tuệ không phải là hạnh phúc mà là cái gì nhận thấy chân lý của cả hai, hạnh phúc và đau khổ. Không có sự bám níu vào hai trạng thái ấy, tâm đã vượt lên cao hơn tầng lớp hạnh phúc và đau khổ. Đó là mục tiêu cứu cánh của tất cả những pháp hành trong Phật Giáo.

Trích cuốn Hương Vị Giải Thoát của Ajahn Chah

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status