Vấn đề nhân sinh quan Phật giáo qua giáo lý Duyên khởi

Nhân sinh quan là gì?

“Nhân sinh quan”, là một quan niệm, hay một hệ thống nhận thức, về con người, của một người hay một nhóm người nào đó. Như vậy, về bản chất, nhân sinh quan là một yếu tố, phụ thuộc vào tình cảm chủ quan, của con người. Những người này theo quan niệm này, bởi vì họ thích quan niệm này. Còn những người kia theo quan niệm kia, bởi vì họ thích quan niệm kia. Những nhận thức mà họ chấp nhận đó, không phải là do họ tự nhận ra, mà là do họ tiếp nhận những kiến thức của người khác, hoặc do họ suy nghĩ ra, dựa trên những kiến thức của người khác, hoặc dựa trên sự tưởng tượng, suy diễn, ức đoán của mình. Như vậy, nó là sản phẩm của trí hữu sư. Và nó được người ta biến thành những giáo điều, trói buộc trí tuệ của họ.

Trong đạo Phật hoàn toàn không tồn tại cái gọi là “nhân sinh quan”

Theo nghĩa tuyệt đối như vậy, thì trong đạo Phật hoàn toàn không tồn tại cái gọi là “nhân sinh quan”. Nghĩa là không có cái gọi là “nhân sinh quan Phật giáo”. Bởi vì, tất cả mọi giáo lý đều bắt nguồn từ Phật Thích ca. Ngài nhận thấy rõ như thế nào, thì nêu rõ ra như vậy, chứ ngài không có ý tạo ra một triết thuyết của mình.

Những gì được ngài tuyên thuyết ra, là những điều được ngài biết rõ, chứ đó không phải là quan niệm của ngài. Cho nên Phật Thích Ca hoàn toàn không có cái gì gọi là nhân sinh quan cả. Còn những đệ tử của ngài, là những người tin vào sự giác ngộ của ngài, tin vào sự chân thật trong giáo lý của ngài, và thực hành theo sự chỉ dạy của ngài. Niềm tin đó của họ, không phải là niềm tin mù quáng, theo tình cảm chủ quan của mình, mà đó là một niềm tin có trí tuệ.

Ban đầu tuy chưa tự mình chứng ngộ được giáo pháp của ngài, họ còn phải đặt niềm tin vào đó. Họ còn phải học nó bằng trí hữu sư. Nhưng họ không biến nó thành những giáo điều trói buộc mình. Mà họ sẽ thực hành tu tập, để đi đến chỗ tự mình chứng ngộ được nó, thấy rõ nó như Phật đã thấy. Nghĩa là nhận ra nó bằng trí vô sư của mình.

Do vậy, trong đạo Phật không có những quan niệm, như là những giáo điều, để trói buộc tư tưởng con người. Nghĩa là trong đạo Phật, hoàn toàn không có “nhân sinh quan”, theo đúng nghĩa của cụm từ đó. Nói “nhân sinh quan Phật giáo”, là ý muốn nói đến sự nhận thức về con người (nhân sinh), theo tinh thần đã được Phật Thích Ca thấy rõ, và nêu bày ra. Và ta gọi nó, là sự nhận thức về con người, của đạo Phật. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu sự nhận thức về con người của đạo Phật, qua giáo lý Duyên khởi.

Giáo lý Duyên khởi

   Giáo lý Duyên khởi, là một trong những giáo lý cơ bản nhất, của đạo Phật. Nhận thức đúng giáo lý Duyên khởi, sẽ giúp cho chúng ta thấy rõ sự thật về con người, về cuộc đời, và giá trị hạnh phúc. Tuy vậy đây là một giáo lý rất là thâm sâu, và phức tạp. Nếu không khéo, rất dễ bị rơi vào nhận thức sai lầm. Vì vậy thiết tưởng, chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ bộ, sự nhận thức về con người, qua giáo lý Vô ngã, là một giáo lý có liên quan mật thiết với giáo lý Duyên khởi.

Giáo lý Vô ngã

   Theo nội dung của giáo lý Vô ngã, được Ðức Thế tôn chỉ dạy thì: “Sắc, thọ, tưởng, các hành, thức là vô ngã. Chúng không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta”.

Chú ý rằng, ở đây Thế tôn chỉ dạy là: “sắc, thọ, tưởng, các hành, thức không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”. Ngài không có chỉ dạy là: “tuyệt đối không có ta”. Tuy rằng có nhiều lúc ngài có nói là: “không có ta”, nhưng chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó, theo tinh thần ở trên, nghĩa là phải hiểu ý nghĩa của câu “không có ta” theo nghĩa “sắc, thọ, tưởng, các hành, thức không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”. Ðiều này đã được ngài giải thích rõ trong bài kinh “Lời cảm hứng”, của Kinh tương ưng bộ, tập 3, từ trang 105, đến trang 111.

Trích dẫn từ Kinh Tương ưng bộ, vị trí:

  • Tập III – Thiên Uẩn
    • [22] Chương I – Tương Ưng Uẩn (c)
      • B. Năm Mươi Kinh Ở Giữa
        • III. Lời Cảm Hứng (Tạp 2, Ðại 2,16c) (S.iii,55)

Đọc tại đây: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22c.htm

III. Lời Cảm Hứng (Tạp 2, Ðại 2,16c) (S.iii,55)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi…

2) Ở đấy, Thế Tôn nói lên lời cảm hứng như sau:

Nếu trước, Ta không có,
Thời nay không có Ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không Ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn.

3) Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

— Như thế nào bạch Thế Tôn:

Nếu trước, Ta không có,
Thời nay không có Ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không Ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn?

4) — Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, quán thọ… quán tưởng… quán các hành… quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.

5) Vị ấy không như thật biết rõ (pajànàti) sắc vô thường là sắc vô thường, không như thật biết rõ thọ vô thường là thọ vô thường, không như thật biết rõ tưởng vô thường là tưởng vô thường, không như thật biết rõ hành vô thường là hành vô thường, không như thật biết rõ thức vô thường là thức vô thường.

6) Không như thật biết rõ sắc khổ là sắc khổ, không như thật biết rõ thọ khổ… tưởng khổ… hành khổ… không như thật biết rõ thức khổ là thức khổ.

7) Không như thật biết rõ sắc vô ngã là sắc vô ngã, không như thật biết rõ thọ vô ngã… tưởng vô ngã… hành vô ngã… không như thật biết rõ thức vô ngã là thức vô ngã.

8) Không như thật biết rõ sắc hữu vi là sắc hữu vi, không như thật biết rõ thọ hữu vi… tưởng hữu vi… hành hữu vi… không như thật biết rõ thức hữu vi là thức hữu vi.

9) Không như thật biết rõ sắc sẽ biến diệt… thọ sẽ biến diệt… tưởng sẽ biết diệt… các hành sẽ biến diệt… không như thật biết rõ thức sẽ biến diệt.

10) Còn bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, không quán thọ… không quán tưởng… không quán các hành… không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.

11) Vị ấy như thật thấy rõ sắc vô thường là vô thường, thọ vô thường… tưởng vô thường… hành vô thường… thức vô thường là thức vô thường.

12) Vị ấy như thật thấy rõ sắc khổ là sắc khổ, thọ khổ… tưởng khổ… hành khổ… như thật thấy rõ thức khổ là thức khổ.

13) Vị ấy như thật thấy rõ sắc vô ngã là sắc vô ngã, thọ vô ngã… tưởng vô ngã… các hành vô ngã… thức vô ngã là thức vô ngã.

14) Vị ấy như thật thấy rõ sắc hữu vi là sắc hữu vi, thọ hữu vi… tưởng hữu vi… các hành hữu vi… thức hữu vi là thức hữu vi.

15) Vị ấy như thật thấy rõ sắc sẽ biến diệt là sắc sẽ biến diệt, thọ sẽ biến diệt… tưởng sẽ biến diệt… các hành sẽ biến diệt… thức sẽ biến diệt là thức sẽ biến diệt.

16) Do sắc biến diệt, thọ biến diệt, tưởng biến diệt, hành biến diệt, thức biến diệt, vị Tỷ-kheo nói lên lời cảm hứng:

Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn.

17) — Dầu cho quyết tâm như vậy, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo có thể cắt đứt hạ phần kiết sử. Nhưng bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?

18) — Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu hoảng sợ tại chỗ không có gì đáng hoảng sợ; kẻ vô văn phàm phu hoảng sợ như sau:

Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có.
Tương lai sẽ không ta.

19) Và vị Ða văn Thánh đệ tử, này Tỷ-kheo, không hoảng sợ tại chỗ không có gì đáng hoảng sợ; vị Ða văn Thánh đệ tử không có hoảng sợ như sau:

Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không ta.

20) Này Tỷ-kheo, do tham luyến sắc, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.

21-33) Do tham luyến thọ… do tham luyến tưởng… do tham luyến hành… do tham luyến thức, này Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.

24) Này Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh của thức”, sự việc như vậy không xảy ra.

25) Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện hữu.

26) Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới…

27) Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với tưởng giới…

28) Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với hành giới…

29) Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện hữu.

30) Không có chỗ y chỉ như vậy thức không tăng trưởng, không có hành động, được giải thoát; do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

— hết trích dẫn —

Rõ hơn nữa, Ðức Phật cũng đã từng có một ví dụ, để giải thích ý nghĩa của câu “sắc, thọ, tưởng, các hành, thức không phải là ta, không phải là tự ngã của ta”, trong bài Kinh “Không phải của các ông”, Kinh tương ưng bộ, tập 3, trang 67, 68.

Vị trí trong Kinh Tương Ưng Bộ:

  • Tập III – Thiên Uẩn
    • [22] Chương I – Tương Ưng Uẩn (b)
      • IV. Phẩm Không Phải Của Các Ông

Đọc tại đây: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22b.htm

Trong bài Kinh này, Ðức Phật đưa ra một mối quan hệ giữa “Ta” với cỏ, củi, cành cây, lá của rừng Gie-ta-va. Ngài chỉ rõ cần phải thấy ngũ uẩn: “sắc, thọ, tưởng, các hành, thức không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta”, cũng tương tự như thấy: “cỏ, củi, cành cây, lá của rừng Gie-ta-va không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta vậy”. Vì vậy, chúng ta chớ có hiểu lầm ý của ngài thành ra là: “tuyệt đối không có ta”, mà bị rơi vào chấp đoạn diệt.

Có ta hay không có ta?

Về vấn đề có ta hay không có ta ?

Phật luôn luôn giữ một lập trường im lặng. Ðiều này chúng ta có thể thấy rõ trong bài Kinh ànanda, Kinh tương ưng bộ, tập 4, từ trang 619 đến trang 621.

Trích dẫn Kinh Tương Ưng Bộ, vị trí:

  • Tập IV – Thiên Sáu Xứ
    • [44] Chương X – Tương Ưng Không Thuyết
      • X. Ananda (hay Sự có mặt của ngã) (S.iv,400)

Hoặc đọc tại đây: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu4-44.htm

X. Ananda (hay Sự có mặt của ngã) (S.iv,400)

1). ..

2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:

— Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?

Khi được hỏi vậy, Thế Tôn im lặng.

— Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?

Lần thứ hai, Tôn giả Gotama giữ im lặng.

Rồi du sĩ Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

4) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi du sĩ Vacchagotta ra đi không bao lâu, liền bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời câu hỏi của du sĩ Vacchagotta?

5) — Này Ananda, nếu được hỏi: “Có tự ngã không?”, và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: “Có tự ngã”, như vậy, này Ananda, thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp thường kiến.

6) Và này Ananda, nếu được hỏi: “Có phải không có tự ngã?”Và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: “Không có tự ngã”, như vậy, này Ananda, là thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp đoạn kiến.

7) Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: “Có tự ngã không?” và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: “Có tự ngã”, như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với trí khởi lên rằng: “Tất cả các pháp là vô ngã”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

8) — Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: “Có phải không có tự ngã?” và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: “Không có tự ngã”, như vậy, này Ananda, lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ ngác bối rối hơn nữa: “Trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã nữa”.

— hết trích dẫn —

Tại sao Phật lại im lặng ?

Lý do rất đơn giản, vì đây là một câu hỏi không có câu trả lời. Trả lời có cũng sai, mà trả lời không có cũng sai.

Bởi vì mọi quan điểm về nhân sinh của con người, đều dựa trên nền tảng: lấy ngũ uẩn làm ta. Ngoài ngũ uẩn ra, chúng sanh không còn biết đến một cái gì khác. Do vậy họ bị rơi vào hai cực đoan: hoặc có ta, nghĩa là ngũ uẩn là ta; hoặc không có ta, nghĩa là tuyệt đối không có ta.

Ðây đều là những nhận thức sai lầm. Ðối với câu hỏi: có ta hay không có ta ?, không phải là Phật không biết câu trả lời, và không trả lời được. Mà ngài biết, và ngài có thể trả lời, Nhưng câu trả lời của ngài về vấn đề đó, chỉ có những người đã tự mình biết rồi, đã tự mình trả lời được rồi, mới có thể hiểu đúng ý ngài. Mà những người này thì đâu cần câu trả lời đó. Còn những người chưa biết được câu trả lời, chưa tự mình trả lời được, mới thắc mắc, và cần câu trả lời đó. Nhưng họ sẽ không thể hiểu đúng, mà sẽ hiểu câu trả lời của Phật, theo ý hiểu sai lầm của mình, không đúng với ý Phật, nên Phật không trả lời mà thôi.

Thực ra trong các bộ kinh nikàya, có nhiều chỗ ghi chép về vấn đề này. Ví dụ trong bài Kinh : Upasena, thuộc Kinh Tương Ưng Bộ tập 4, từ trang 73 đến trang 75, có ghi chép lại cuộc đối đáp giữa Tôn giả Upasena và Tôn giả Sàriputta (Xá lợi phất), có liên quan tới vấn đề này.

Trích Kinh Tương Ưng Bộ, vị trí:

  • Tập IV – Thiên Sáu Xứ
    • [35] Chương I – Tương Ưng Sáu Xứ (b)
      • Phần Hai – Năm Mươi Kinh Thứ Hai
        • II. Phẩm Migajàla
          • 69.VIl. Upasena (S.iv,40)

69.VIl. Upasena (S.iv,40)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Upasena trú ở Ràjagaha (Vương Xá), rừng Sitavana (Hàn Lâm), tại hang Ðầu Con Rắn (Sappapon-dikapabbàra).

2) Lúc bấy giờ, một con rắn độc rơi trên thân Tôn giả Upasena.

3) Rồi Tôn giả Upasena gọi các Tỷ-kheo:

— Chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với cái thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây phân tán như một nắm rơm.

4) Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upasena:

— Nhưng chúng tôi không thấy thân Tôn giả Upasena đổi khác hay các căn bị biến hoại.

5) Nhưng Tôn giả Upasena nói như sau:

— Này chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với cái thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây bị phân tán như một nắm rơm…

6) Này Hiền giả Sàriputta, đối với ai nghĩ rằng: “Tôi là con mắt”, hay: “Con mắt là của tôi”… “Tôi là cái lưỡi”, hay: “Cái lưỡi là của tôi”… “Tôi là ý”, hay: “Ý là của tôi”, thời đối với các người ấy, này Hiền giả Sàriputta, thân có thể bị đổi khác, hay các căn bị biến hoại. Và này Hiền giả Sàriputta, tôi không nghĩ như sau: “Tôi là con mắt”, hay: “Con mắt là của tôi”… “Tôi là cái lưỡi”, hay: “Cái lưỡi là của tôi”… hay: “Tôi là ý”, hay: “Ý là của tôi”, thời này Hiền giả Sàriputta, làm sao thân ấy của tôi lại có thể đổi khác, hay các căn có thể biến hoại.

7) Vì rằng trong một thời gian dài, Tôn giả Upasena đã khéo nhổ tận gốc ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, cho nên Tôn giả Upasena không có những tư tưởng như: “Tôi là con mắt”, hay: “Con mắt là của tôi”… hay: “Tôi là cái lưỡi”, hay: “Lưỡi là của tôi”… hay: “Tôi là ý”, hay: “Ý là của tôi”.

8) Rồi các Tỷ-kheo ấy nhắc cái giường cùng với Tôn giả Upasena ra ngoài.

9) Rồi thân của Tôn giả Upasena, ngay tại chỗ ấy phân tán như một nắm rơm.

— hết trích dẫn —

Ở đây ngài Upasena nói đến hai cái thân của ngài, một cái thân biến hoại, thay đổi, và một cái thân bất hoại, không thay đổi. Khi nói với các vị Tỷ kheo khác, ngài nói về cái thân biến hoại, thay đổi của mình: “Này Chư Hiền, hãy đến và nhấc cái giường cùng với thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây phân tán như một nắm rơm”.. 

Còn cũng ngay lúc đó, khi bàn về cái thân của mình với ngài Sàriputta, thì ngài lại nói: “thời này Hiền giả Sàriputta, làm sao thân ấy của tôi lại có thể đổi khác, hay các căn có thể biến hoại”.

Vậy cái thân ấy của ngài ở đây là cái thân nào? Nó có phải là cái thân ngũ uẩn, có đặc tính biến hoại, thay đổi, và vô thường hay không? Tất nhiên là không rồi! Vì “cái thân ấy” của ngài Upasena, là cái thân bất hoại, không thay đổi cơ mà. Ðã không phải là cái thân ngũ uẩn, thì nó còn là cái gì khác, ngoài cái thân chân thật? Nghĩa là nó là cái “Ta chân thật”“.

Trong bài Kinh: “Khởi thế nhân bổn”, Kinh Trường Bộ, tập 2, trang 316, (đọc tại đây) Phật có nói: “những chữ đồng nghĩa với Như Lai là Pháp thân, là Pháp thể, là Phạm thân, là Phạm thể”. Pháp thân nghĩa là thân tướng của các pháp, và Pháp thể nghĩa là thể tánh của các Pháp. Ðó là cái gì nếu không phải là cái “Ta” chân thực?

Như vậy đâu phải là không có “Như lai”, không có Pháp thân, không có Pháp thể, không có “Ta”? Và tri kiến : “không có một cái gì là trường cửu, là thường hằng bất biến”, có phải là Chánh tri kiến hay không?

Lý duyên khởi, do Phật Thích Ca chứng ngộ và tuyên thuyết, chỉ rõ cho ta thấy nguyên nhân sinh khởi và diệt tận của các pháp. Vì vậy chúng ta tìm hiểu về lý duyên khởi, không phải là để chúng ta có được một nhân sinh quan nào đó. Mà cái chính ở đây, là chúng ta phá bỏ được, tất cả những quan niệm sai lầm về nhân sinh. Ðó là những quan niệm dựa trên nền tảng lấy ngũ uẩn làm ta. Sự phá bỏ tất cả những quan niệm sai lầm về nhân sinh, dựa trên nền tảng lấy ngũ uẩn làm ta, là một nhân sinh quan đúng đắn nhất, và nó chính là “nhân sinh quan Phật giáo”.

Nội dung của giáo lý Duyên khởi

Nội dung của giáo lý Duyên khởi theo chiều thuận là : “vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết; sầu, bi, khổ ưu, não được khởi lên”. Và nội dung của giáo lý Duyên khởi theo chiều nghịch là : “do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết. sầu, bi, khổ ưu, não đều diệt.”

Qua giáo lý Duyên khởi, chúng ta thấy rõ: sự có mặt của cái này, chỉ là do sự có mặt của cái kia mà ra. Và sự diệt tận của cái này, là do sự diệt tận của cái kia mà ra. Chúng tương duyên với nhau, phụ thuộc vào nhau, nương tựa vào nhau mà sanh khởi. Và chúng cũng tương duyên với nhau, phụ thuộc vào nhau mà diệt tận. Tất cả đều chỉ là do duyên mà thôi. Ngoài ra không có một thế lực nào, một chủ tể nào chi phối, quyết định sự sanh ra và diệt đi của chúng cả.

Thức là gì?

Trước hết ta tìm hiểu về thức. Thức là sự nhận biết, Trong sự nhận biết thì luôn luôn có chủ thể nhận biết (năng), và đối tượng bị nhận biết (sở). “Biết” bao giờ cũng là biết một cái gì đó? Không thể có một sự biết không không, không có đối tượng được. Ngược lại đã có đối tượng bị nhận biết, thì phải có chủ thể nhận biết, vì nếu không có chủ thể, thì lấy ai là người biết nó. Vậy thì chủ thể và đối tượng không thể tách rời nhau, chúng là một. Hay nói đúng hơn chúng là hai mặt của cùng một vấn đề.

Theo lý duyên khởi thì thức có mặt là do hành có mặt. Thức không có mặt là do hành không có mặt. Khi hành thay đổi, thì thức thay đổi. Nó không có sự độc lập tự chủ riêng của mình, nghĩa là không có tự ngã riêng của nó. Thực ra chẳng có gì để được gọi là “thức” cả. Chỉ có dòng lưu chuyển sanh diệt không ngừng của thức mà thôi. Thức đã không có, thì chủ thể nhận thức cũng không có, và đối tượng bị nhận biết cũng không có (không năng không sở). Chỉ có ảo tưởng của ta về chúng mà thôi. Vậy cho nên không có một cái “Ta” nào đang nhận biết cảnh vật cả.

Danh sắc là gì?

Danh sắc – là một tên gọi khác của ngũ uẩn – được sanh khởi, hiện hữu là do duyên thức. Khi thức có mặt, thì danh sắc có mặt. Khi thức không có mặt, thì danh sắc không có mặt Khi thức thay đổi, thì danh sắc thay đổi. Nó không có sự độc lập tự chủ riêng của mình, nghĩa là không có tự ngã riêng của nó. Do vậy nó không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta.

Xúc, thọ, ái, thủ

Xúc chỉ có xúc mà thôi. Không có ta là người cảm xúc. Bởi vì nếu có ta là người cảm xúc, thì xúc không phải do duyên sáu xứ mà sanh khởi. Thọ chỉ có thọ mà thôi. Không có ta là người cảm thọ. Nếu có ta là người cảm thọ, thì thọ không phải do duyên xúc mà sanh khởi. Ái chỉ có ái mà thôi. Không có ta là người khát ái. Nếu có ta là người khát ái, thì ái không phải do duyên thọ mà sanh khởi. Thủ chỉ có thủ mà thôi. Không có ta là người chấp thủ. Nếu có ta là người chấp thủ, thì thủ không phải do duyên ái mà sanh khởi.

Sáu xứ, hữu, sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não

Sáu xứ, hữu, sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não cũng vậy, chỉ có sáu xứ, hữu, sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não mà thôi. Không có ta là người ở trong sáu xứ, không có ta là người hiện hữu, không có ta là người được sinh ra, không có ta là người bị già, không có ta là người bị chết, không có ta là người sầu muộn, không có ta là người bi ai, không có ta là người chịu khổ, không có ta là người ưu tư, và không có ta là người nhiệt não.

Tóm lại trong tất cả những cái đó không có gì gọi là ta, hoặc có liên quan với ta cả. Không có ta ở những nơi đó. Chúng là chúng mà ta là ta. Hai bên chẳng có một chút quan hệ, dính dáng gì với nhau. Ðây chính là nội dung của “nhân sinh quan Phật giáo”, được trình bày qua giáo lý duyên khởi.

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục