Trạch pháp giác chi – Phân biệt sao cho đúng?

Nhân câu hỏi của bạn Thu Thao Ha trên Facebook Thiền Việt Nam mà chúng tôi cũng có dịp viết về chủ đề Trạch Pháp Giác Chi. Câu hỏi của bạn như sau: “Mình ko hiểu thế nào là trạch pháp giác chi. Cái gì trơ trơ như gỗ đá vậy ạ? Mình đã đọc nhiều loại kinh, nhưng mình ko hiểu được kinh, cũng ko hiểu đức Phật, nên ko biết ngài có phân biệt được rõ ràng mọi sự ko?”

Trạch pháp giác chi là gì?

Trạch pháp giác chi (tiếng Pàli: Dhamma_vicaya: https://en.wikipedia.org/wiki/Dhamma_vicaya) là một trong Thất giác chi. 

Nó được dịch qua tiếng Anh là: “discrimination of dhammas (Sự phân biệt các pháp)”, hay “discrimination of states (Sự phân biệt các trạng thái)”…..

Nói chung ý nghĩa của trạch pháp giác chi là nhận biết, phân biệt thuộc về trí tuệ.

Trong bài kinh: “Mahàcattàrìsaka sutta (Đại Kinh 40 – Kinh Trung Bộ)”, Đức Phật có thuyết rằng trạch pháp giác chi là Chánh kiến thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi như sau:

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh kiến? Chánh kiến, này các Tỷ-kheo, Ta nói có hai loại. Này các Tỷ-kheo, có loại chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y (upadhivepakka); có loại chánh kiến, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi (magganga).

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y? Có bố thí, có cúng dường, có tế tự, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh; ở đời có các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chánh hướng, chánh hạnh, sau khi với thượng trí tự mình chứng đạt đời này và đời khác lại tuyên bố lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh kiến thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi? Phàm cái gì, này các Tỷ-kheo, thuộc trí tuệ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị tu tập Thánh đạo, thành thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, có Thánh tâm. Chánh kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi.”

Trong một bài Kinh khác: Kinh Bảy Trở Thành Mười Bốn (II) thuộc VI. Phẩm Tổng Nhiếp Giác Chi (VI), Tương Ưng Giác Chi, Kinh Tương ưng bộ tập 5, Đức Phật có nói rõ hơn về trạch pháp giác chi là: “Cái gì là quyết trạch, tư sát, quán sát với trí tuệ đối với các nội pháp hay ngoại pháp. 

Như vậy Trạch Pháp Giác chi có thể hiểu là trí tuệ, là nhận thức về sự thật đúng như là sự thật. Điều này có nghĩa là nhận biết, phân biết được đâu là đúng, đâu là sai theo một cách đúng với sự thật, mà không phải theo ý riêng của mình. 

Theo ý mình là đi ngược lại Trạch Pháp Giác Chi

Thường trong cuộc sống chúng ta hay lựa chọn nhận thức theo niềm tin của mình, không thèm quan tâm đến sự thật đích thực. Sự thật nào hợp ý ta, thì ta chấp nhận là sự thật, còn sự thật nào không hợp ý ta thì ta bác bỏ, không chấp nhận đó là sự thật. Ta muốn sự thật phải theo ý ta, phải do ta quyết định.

Đây là một sự tự lừa dối bản thân, giống như con đà điểu rúc đầu vào cát, khi nó nhìn thấy con sư tử đang chạy đến gần để ăn thịt mình. Nó rúc đầu vào cát để không thấy sư tử. Nó nghĩ rằng không thấy nghĩa là không có và hiện thực về con sư tử sẽ thay đổi. Trạch pháp giác chi trong trường hợp này là nhận biết nguy hiểm từ con sư tử và cách thức xử lý để thoát khỏi nguy hiểm.

Việc không muốn chấp nhận sự thật chính là một điểm yếu trong tâm lý con người, và đã được các chuyên gia tiếp thị khai thác để bán được hàng. Điều này đã được nói rõ là “Đừng trong cuốn sách có tên: Những tay tiếp thị đều nói xạo, tác giả Seth Godin.

“Mọi người tin vào các câu chuyện bởi chúng rất hấp dẫn. Chúng ta tự xạo chính mình về thứ mà mình định mua. Người tiêu dùng thèm muốn những thứ mà họ tin rằng sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian, hoặc khiến họ đẹp hơn và giàu có hơn. Họ biết rõ các mối quan tâm của bản thân hơn bất kỳ người tiếp thị nào, vì thế họ kể cho chính mình một câu chuyện – một câu chuyện liên quan và giúp giải thích rằng sản phẩm họ định mua thực sự sẽ đáp ứng được nhu cầu sâu kín nhất của mình.

Thực ra, người tiếp thị không phải kẻ nói xạo. Họ chỉ là người kể chuyện. Chính người tiêu dùng mới là kẻ nói xạo. Với tư cách là người mua hàng, chúng ta tự xạo bản thân mỗi ngày về thứ chúng ta mặc, nơi chúng ta sống, cách chúng ta bầu cử và công việc chúng ta làm ở cơ quan. Nhà tiếp thị thành công chỉ là người cung cấp các câu chuyện mà người tiêu dùng muốn tin.

Một câu chuyện hay (bất kể là một câu chuyện từ người tiếp thị hay từ người tiêu dùng) luôn là khởi nguồn cho sự thỏa mãn của khách hàng. Nó là khởi đầu của sự tăng trưởng và lợi nhuận, đồng thời chính là tương lai của các công ty. Có lẽ việc ai đang xạo ai cũng không quan trọng, miễn là cuối cùng thì mối liên hệ được thiết lập và câu chuyện được kể thành công.

Những câu chuyện thực sự hay sẽ thành công, bởi vì chúng có khả năng nắm bắt trí tưởng tượng của số đông khách hàng hoặc khách hàng quan trọng. Và quan trọng hơn cả, các câu chuyện hay đều đồng tình với góc nhìn cuộc sống của khách hàng. Những câu chuyện hay nhất đều không hề dạy cho người ta điều mới. Thay vào đó, chúng đồng ý với những gì khách hàng đã tin tưởng, từ đó khiến mọi người tự tin và yên tâm bằng cách nhắc lại rằng họ đã đúng đắn như thế nào.”

(Trích Sách “Những tay tiếp thị đều nói xạo” – Tác giả Seth Godin)

Trạch pháp giác chi là khả năng nhìn ra được sự thật, không còn bị che mắt bởi sự tự lừa dối bản thân nữa, và từ đó đưa ra được những hành động phù hợp để bảo vệ bản thân và bảo vệ lợi ích của bản thân.

Trạch pháp giác chi là không tự lừa dối bản thân

Phân biệt trong tâm vô phân biệt, khác 2 thái cực: phán xét và liệt tuệ

Cần làm rõ Trạch Pháp Giác Chi là sự phân biệt trong vô phân biệt, nghĩa là phân biệt nhưng không đánh giá phán xét. Hay sự phân biệt không có sự liên hệ đến tôi, không có nhuốm màu cái tôi.

Khác với những sự phân biệt mà mọi người hiện nay đang phân biệt, là chỗ phân biệt có liên hệ đến mình đến người. Phân biệt trong sự phán xét đánh giá về mình về người.

Nhiều lối tu hiện nay lại hướng đến không phân biệt và nghĩ rằng mình vẫn theo Phật, vẫn theo kinh. Nhưng sự không phân biệt này lại là một thái cực sai lầm khác. Đây vẫn là chỗ không phân biệt trong tâm phân biệt. Vì sống trong chỗ này mà trơ trơ như gỗ đá, dần dà với lối tu này sẽ dần đến liệt tuệ, không sáng suốt. Tu để trở thành gỗ đá thì đâu phải tu. Đức Phật đâu dạy mọi người lối tu thành gỗ đá như vậy.

Như vậy, ta có 2 thái cực sai lầm. Một là, sống trong sự đánh giá phán xét có liên hệ đến mình, đến người. Nghĩa là đánh giá phán xét phân biệt và tìm kiếm sự hân hoan hoặc khổ đau trong sự phân biệt đó. Một sự sung sướng hoặc khổ đau của cái tôi lên xuống. Mai là, tự ngăn chặn sự phân biệt của mình để sống trơ trơ như gỗ đá. Chính sự ngăn chặn sự phân biệt tự nhiên của mình (trí tuệ) là một sự phân biệt của cái tôi: nó cho rằng pháp này đúng, pháp này sai và cứ vậy mà hành theo ý mình, mà không theo trí tuệ theo sự thật nữa.

Lối tu sai lầm, không phân biệt trong chỗ phân biệt, Đức Phật gọi là liệt tuệ. Lối tu này hoàn toàn không phù hợp với những gì về trạch pháp giác chi trong kinh mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Trạch pháp giác chi chính là trí tuệ, là ngọn đèn soi sáng trong bước đường tu tập và cuộc sống. Nếu không có trạch pháp giác chi thì ta cũng không biết được con đường tu tập thế nào cho đúng. Do vậy, hãy nương nhờ trí tuệ của mình, đừng nương nhờ cái tôi của mình, mới là đúng lời dạy của Đức Phật.

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status