Thế Nào Là Tự Học?

Tự học là gì?

Tự học là quá trình chủ động làm nảy sinh kiến thức mới nơi người học, quá trình này có thể được hay không được sự trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp (qua sách vở….) từ người khác.

Lưu ý:
Nảy sinh kiến thức khác với tiếp nhận kiến thức.

Quá trình học thông thường của học sinh là tiếp nhận kiến thức, và từ các kiến thức được tiếp nhận đó mà nảy sinh kiến thức một cách thụ động, tự phát. Nhiệm vụ của thày cô giáo trong lối dạy học cũ là làm thế nào để giúp cho học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tốt nhất.

Bên dưới là trích đoạn trong tài liệu Cải cách giáo dục – tác giả Nguyễn Đức Quý

Trí thông minh

Ðể đáp ứng được yêu cầu cung cấp nhiều nhân tài, cho sự phát triển của đất nước đòi hỏi nền giáo dục nước nhà phải cải cách theo hướng đổi mới, tiến bộ hơn. Muốn cải cách thành công, thì những nhà nghiên cứu cải cách, phải nắm vững hiện trạng của nền giáo dục nước nhà, cùng với những nhược điểm của nó.

Muốn vậy họ phải hiểu rõ về giáo dục, và nhiệm vụ của của giáo dục là gì? Theo sự nhận thức của riêng tôi thì: nhiệm vụ của giáo dục là làm tăng trí thông minh, tăng khả năng nhận thức phù hợp với chân lý khách quan cho học sinh. Còn giáo dục là quá trình tổ chức thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ này. Do vậy, để tìm hiểu về giáo dục, trước hết các nhà giáo dục, nghiên cứu giáo dục, và nghiên cứu cải cách giáo dục, cần phải tìm hiểu kỹ về trí thông minh. Vậy “trí thông minh” là gì? Trong bài viết này tôi xin được trình bày những kiến thức của mình về nó như sau:

“Trí thông minh”, thực ra nói như thế không được chuẩn xác lắm. Bởi vì:

  • Trí” nghĩa là trí tuệ, là khả năng nhận biết, phân biệt các đối tượng, một cách sáng suốt, đúng đắn, hợp với chân lý khách quan, của mỗi con người.
  • Còn “thông minh” nghĩa là sự nhận biết, phân biệt các đối tượng một cách minh bạch sáng suốt, được lưu thông một cách thông suốt, không bị trở ngại, bế tắc. Trong đó: “minh” nghĩa là “sáng”; là nhận biết, phân biệt các đối tượng một cách minh bạch, sáng suốt, không bị che giấu, khuất lấp, và “thông” nghĩa là thông suốt, không bị bế tắc, trở ngại. Ðó cũng chính là ý nghĩa của trí.

Như vậy thông minh chính là trí, và trí chính là thông minh. Ta chỉ cần dùng từ thông minh là đủ rồi, nhưng do thói quen ta hay gọi gộp chúng lại thành trí thông minh.

Theo định nghĩa đó thì thông minh phải luôn luôn gắn liền với trí tuệ, không thể tồn tại một thứ thông minh rời ngoài trí tuệ được. Nói chính xác hơn thì thông minh là trí tuệ, và trí tuệ chính là thông minh. Vì vậy những cái gì không liên quan đến trí tuệ, đến khả năng nhận thức phù hợp với chân lý khách quan, thì đó không phải là thông minh.

Khả năng ghi nhớ giỏi, chỉ là khả năng ghi nhớ giỏi, không phải sự thông minh. Nếu ghi nhớ giỏi là sự thông minh, thì một cái máy tính sẽ là thông minh sao? Một em bé học thuộc lòng như một con vẹt giỏi, cũng là thông minh sao? Tất nhiên nếu thông minh, thì sẽ tìm ra phương pháp ghi nhớ giỏi. Nhưng sự ghi nhớ giỏi, không thể gọi là bằng chứng của sự thông minh, và càng không thể là chính bản thân sự thông minh được đây là một điểm, mà các nhà làm cải cách giáo dục cần lưu ý.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa trí thông minh và sự hiểu biết, tức là sự nhận thức về một hoặc một số vấn đề nào đó, kiến thức…

Trí thông minh là khả năng (1) tiếp thu kiến thức nhanh, nhạy, chính xác; và khả năng tự tìm ra kiến thức mới.

Sự hiểu biết, hay kiến thức, là những nhận thức về các vấn đề xảy ra trong thế giới khách quan (2). Ta thường lầm tưởng đó là trí thông minh. Nhưng thực ra thì nó không phải là trí thông minh thực sự.

Ta có sự lầm lẫn như vậy, bởi vì có trí thông minh ẩn tàng trong những sự nhận thức đó.

Nếu thiếu trí thông minh trong đó, thì chúng chỉ còn là một cái vỏ chết khô, như kiến thức của một con vẹt vậy. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là sự hiểu biết, phản ánh trình độ của trí thông minh, trong một người nào đó. Có nhiều khi người này có sự hiểu biết cao hơn người kia, nhưng lại có trí thông minh thấp hơn, hay bằng người đó; và ngược lại.

Trong sự hiểu biết, ta lại có thể phân làm năm loại là: sự hiểu biết toàn diện, sự hiểu biết cục bộ, sự hiểu biết tổng quát, sự hiểu biết chi tiết, và sự hiểu biết tổng hợp. Vì khuôn khổ có hạn nên tôi không thể trình bày ở đây, hẹn bạn đọc trong một bài viết khác.

Phân loại trí thông minh

Chúng ta có thể phân sự “thông minh” ra làm hai loại chính như sau:

Trí thông minh căn bản

Trí thông minh căn bản, hay trí thông minh đích thực, đây là cơ sở để so sánh giữa hai người, ai thông minh hơn ai? Ðể so sánh giữa hai người thuộc hai lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, ví dụ như một nhà vật lý, và một nhà văn, ai thông minh hơn ai, không phải là một vấn đề đơn giản.

Ngày nay trên thế giới, người ta hay dùng chỉ số IQ để đánh giá. Nhưng thực ra nó không phản ánh đúng thực chất của vấn đề.

Có nhiều nhà bác học danh tiếng, chỉ số IQ của họ chưa chắc đã phải bao giờ cũng cao hơn những người bình thường, nhưng có ai dám nói rằng trí thông minh của họ thua người kia.

Ngoài ra còn có những người thất học, hay học hành không đến nơi đến chốn, chỉ số IQ của họ rất thấp. Nhưng trong cuộc sống, khi gặp phải những vấn đề xảy ra trên thực tế, thì họ lại tỏ ra cực kỳ thông minh, xử lý các tình huống nhanh gọn và chính xác hơn nhiều so với nhiều người được học hành đến nơi, đến chốn, có chỉ số IQ cao hơn rất nhiều.

Ở đây tôi không bàn tới vấn đề trí thông minh của họ là bẩm sinh hay không? Mà tôi chỉ
nêu ra một dẫn chứng, để chứng minh rằng dùng chỉ số IQ để so sánh trí thông minh giữa hai người với nhau là không hoàn toàn chính xác, và không đáng tin cậy. Ðể giải quyết vấn đề này, ta phải dùng đến trí thông minh căn bản. Nhờ trí thông minh căn bản, ta có thể so sánh được mức độ thông minh cao thấp, giữa nhiều người khác nhau, bất kể họ là có học, hay thất học, ở ngành này hay ngành khác…

Trí thông minh căn bản là khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, nhạy, chính xác; và khả năng tự tìm ra kiến thức mới. Trong đó khả năng tiếp thu kiến thức chính xác (đúng), nghĩa là khả năng nhận thức phù hợp với thực tế xảy ra trong thế giới khách quan, chiếm vị trí trung tâm, và đóng vai trò nòng cốt.

Người nào càng có nhiều khả năng nhận thức sai lầm về thế giới khách quan bao nhiêu, thì có nghĩa là trí thông minh căn bản của họ càng thấp bấy nhiêu. Và ngược lại, người nào càng có nhiều khả năng nhận thức phù hợp với thế giới khách quan bao nhiêu, thì có nghĩa là trí thông minh căn bản của họ càng cao bấy nhiêu.

Trí thông minh cụ thể

Trí thông minh cụ thể là khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, nhạy, chính xác; và khả năng tự tìm ra kiến thức mới trong những vấn đề cụ thể, trong những lĩnh vực, những phạm vi cụ thể.

Những vấn đề cụ thể trong khoa học và cuộc sống thì có rất nhiều. Do vậy trí thông minh cụ thể cũng có rất nhiều. Nhưng ta có thể phân nó làm năm loại, trong năm phạm vi, như sau: trí thông minh toàn diện, trí thông minh cục bộ, trí thông minh tổng quát, trí thông minh phân tích, và trí thông minh tổng hợp.

Việc trình bày về các loại trí thông minh cụ thể này sẽ được tôi thực hiện sau, ở đây tôi xin được trình bày về một vấn đề quan trọng như sau:

Trong thực tế có nhiều người rất có khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, nhạy, chính xác; cũng như khả năng tự tìm ra kiến thức mới trong trong phạm vi này. Nhưng khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, nhạy, chính xác; và khả năng tự tìm ra kiến thức mới, trong những phạm vi khác, của họ lại rất kém.

Ví dụ:

– Một nhà vật lý có thể rất thông minh trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhưng trong cuộc sống ông ta lại rất là ngờ nghệch, khả năng tiếp thu kiến thức mới của ông ta trong cuộc sống rất chậm chạp và kém chính xác.

– Một nhà vật lý chất rắn có thể rất thông minh trong lĩnh vực chuyên môn của mình là vật lý chất rắn, nhưng trong lĩnh vực khác cũng của bộ môn vật lý, ví dụ: vấn đề Vật chất nguyên thủy và trường thống nhất, thì khả năng tiếp thu kiến thức mới của ông ta lại rất chậm chạp và kém chính xác, khả năng sáng tạo trong những lĩnh vực đó rất kém, thậm chí là không có.

Chính vì vậy, trí thông minh cụ thể của mỗi người trong những phạm vi khác nhau, không đại diện cho trí thông minh của người đó. Chỉ có trí thông minh căn bản mới có thể đại diện cho sự thông minh đích thực của một người nào đó mà thôi.

Chính xác ra thì: các loại trí thông minh cụ thể, không phải là trí thông minh thực sự. Ta gọi nó là trí thông minh, bởi vì có trí thông minh căn bản ẩn tàng trong cái trí thông minh cụ thể đó. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trình độ của trí thông minh cụ thể phản ánh trình độ của trí thông minh căn bản, trong một người nào đó. Có nhiều khi, có người có trí thông minh cụ thể cao hơn người kia, nhưng lại có trí thông minh căn bản thấp hơn, hay bằng người đó, và ngược lại.

Từ nhận thức về trí thông minh nói trên ta có thể thấy rất rõ việc phát triển của trí thông minh căn bản là nhiệm vụ chính của giáo dục.

Giáo dục không nhằm làm phát triển trí thông minh cụ thể, và nâng cao kiến thức một cách trực tiếp, cho học sinh. Nhưng do sự phát triển của trí thông minh căn bản làm tăng khả năng tự học của học sinh, qua đó làm tăng trí thông minh cụ thể, và nâng cao kiến thức một cách tự nhiên.

Còn việc nâng cao kiến thức, là nhiệm vụ chính của đào tạo. Nó không làm nhiệm vụ phát triển trí thông minh căn bản, cũng như trí thông minh cụ thể. Nhưng vì trong việc nâng cao kiến thức đã hàm chứa sẵn việc phát triển trí thông minh căn bản, và trí thông minh cụ thể, một cách tự phát. Ðiều đó lý giải cho vấn đề: tại sao ta lại phát triển được trí thông minh căn bản, và trí thông minh cụ thể lên, trong quá trình học tập, dù không biết đến nó.

Từ những sự phân tích đó cho phép chúng ta, đánh giá về nền giáo dục của nước ta hiện nay, là nền giáo dục nghiêng về đào tạo, mà chưa chú ý đến công tác giáo dục. Ðiều này cần phải khắc phục càng sớm càng tốt.

Trí căn bản

Từ trước đến nay, trên thế giới đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn để đánh giá về trí thông minh. Nhưng thực ra trong tất cả các tiêu chuẩn đó chỉ cho phép đánh giá một cách tương đối mà thôi. Chưa có một tiêu chuẩn nào đánh giá trí thông minh của con người chính xác một cách tuyệt đối được.

Vậy có thể có một tiêu chuẩn nào để so sánh trí thông minh của tất cả mọi người với nhau một cách tuyệt đối hay không?

Theo tôi thì có!

Tiêu chuẩn đó là khả năng nhận thức phù hợp với thực tại khách quan. Đó chính là trí căn bản, hay còn gọi là năng lực hoạt động trí tuệ. Người nào mà nhận thức càng phù hợp với thực tại khách quan nhiều hơn thì tức là người đó càng thông minh hơn.

Nhưng như thế nào là nhận thức phù hợp với thực tại khách quan? Tiêu chuẩn nào để đánh giá một sự nhận thức nào đó có phù hợp với thực tại khách quan hay không?

Chúng ta không có một tiêu chuẩn nào cả. Thực tại khách quan là thực tại khách quan, làm sao chúng ta có thể biết được nhận thức như thế nào là phù hợp với thực tại khách quan (một cách tuyệt đối)?

Đúng vậy! Chúng ta không thể biết được nhận thức như thế nào là phù hợp với thực tại khách quan. Nhưng chúng ta có thể nghiên cứu để biết được nhận thức như thế nào là không phù hợp với thực tại khách quan. Tất nhiên vấn đề này cũng không phải là đơn giản. Trong bài viết này tôi xin trình bày một cách sơ lược về nó như sau:

Sự nhận thức về thực tại khách quan

Sự nhận thức về thực tại khách quan có nhiều tầng lớp sâu cạn khác nhau.

Trước hết ta có thể phân nó ra làm ba cấp là:

  • Cấp 1: Nhận thức sâu trong vùng vô thức.
  • Cấp 2: Sự cảm giác;
  • Và cấp 3: Nhận thức trên bề mặt ý thức

Ở cấp nhận thức trên bề mặt ý thức ta có thể chia ra làm hai tầng:

  • Tầng một là: Nhận thức trực cảm (trực quan sinh động) gồm hai lớp là: tri giác và biểu tượng (Còn cảm giác nằm ngoài vòng ý thức).
  • Tầng hai là: nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng) gồm ba lớp: khái niệm, phán đoán, tư duy.

Tương ứng với các cấp nhận thức khác nhau thì có những sự nhận thức sai lầm khác nhau.

Cụ thể là sự sai lầm có thể xảy ra ở sự nhận thức sâu trong vùng vô thức, hoặc vùng cảm giác (cảm giác sai lầm); hoặc sai lầm ở sự nhận thức trên bề mặt ý thức. Tại đây (sự nhận thức trên bề mặt ý thức) cũng có thể phân ra các loại nhận thức sai lầm khác nhau như sai lầm trong tri giác, sai lầm trong biểu tượng và sai lầm trong khái niệm, phán đoán, tư duy.

Để nhận thức được về những sai lầm trong nhận thức của mình chúng ta phải sử dụng đến ý thức. Nhưng nó chỉ có thể hoạt động được trong phạm vi của ý thức mà thôi, còn những sự sai lầm về nhận thức xảy ra trong vùng vô thức và vùng cảm giác thì nó (ý thức) không nhận biết được, và cũng không thể tác động vào một cách trực tiếp được. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, chủ yếu chúng ta chỉ cần tìm hiểu về những sự nhận thức sai lầm trong vùng ý thức.

Những sai lầm trong nhận thức

Qua quan sát và nghiên cứu tôi thấy có hai dạng nhận thức sai lầm như sau:

Dạng nhận thức sai lầm thứ nhất

Dạng nhận thức sai lầm thứ nhất: là sự nhận thức không có cơ sở, không phù hợp với sự thực xảy ra trong thực tại khách quan.

Ví dụ:

– Ta nghe thấy nhà bên cạnh người ta chửi chó mắng mèo mà ta lại phát sinh nhận thức cho rằng họ chửi xéo ta.

– Người chồng thấy vợ mình đang nói chuyện với một người đàn ông khác, liền quy kết cho cô ta là ngoại tình, mà trên thực tế thì không phải như vậy.

Các nhà tâm lý biết rõ một thực tế là:

Sự nhận thức sai lầm này có ở tất cả các lớp nhận thức khác nhau trong vùng ý thức. Sự sai lầm trong nhận thức này là sai lầm về nội dung của sự nhận thức.

Dạng nhận thức sai lầm thứ hai

Dạng nhận thức sai lầm thứ haisự nhận thức không hợp lý. Nghĩa là sự nhận thức không hợp với logic của sự việc. Trong thực tế chúng ta thấy có người nói ngang, nói bừa, trình bày lủng củng, không rõ ràng rành mạch,….chính là biểu hiện của sự nhận thức không hợp lý.

Sự nhận thức không hợp lý được thể hiện trên hai mặt là:

  • Mặt thứ nhất: Sự không hợp lý trong phán đoán.
  • Mặt thứ hai: Sự không hợp lý trong suy luận.
Sự không hợp lý trong phán đoán

Sự không hợp lý trong một phán đoán thể hiện ở ba đặc điểm sau đây:

Đặc điểm thứ nhất: mâu thuẫn nội tại trong nội dung của nó.

Ví dụ: Phán đoán: “tất cả đều là tương đối.”

Phán đoán này có mâu thuẫn nội tại ở chỗ bản thân nó cũng là tương đối, mà tương đối thì có thể sai. Vì thế có thể “không phải tất cả đều là tương đối.”. Còn nếu bản thân phán đoán đó là tuyệt đối thì chính nó phủ định nó. Vì để bác bỏ một phán đoán mang tính khẳng định ta chỉ cần chỉ ra một trường hợp sai lầm.

Đặc điểm thứ hai: không trình bày đúng với sự thực xảy ra trong thực tại khách quan.

Ví dụ: Ta nghe thấy nhà bên cạnh người ta chửi chó mắng mèo mà ta lại nghĩ là họ đang chửi xéo ta

Đặc điểm thứ ba không thuận lý.

Ví dụ: phán đoán: “Cái mà thuộc về thế giới khách quan có phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của người nhận thức.

Đây là một phán đoán không thuận lý.

Sự không hợp lý trong suy luận

Sự không hợp lý trong suy luận của ta thể hiện ở chỗ nhận thức của ta không nhất quán, phán đoán trên mâu thuẫn với phán đoán dưới.

Ví dụ:
1- Ở trên chị A nói:

– Sáng nay tôi mới phát hiện ra một điều là tôi không hiểu một ai cả.

Một lúc sau cũng chị A nói:

– Tôi hiểu thằng B rõ lắm, tính của nó thế này, thế nọ,….

Rõ ràng câu trước và câu sau của chị A không nhất quán, mâu thuẫn với nhau.

2- Anh A cao hơn anh B

Anh B cao hơn anh C

Anh C cao hơn anh A.

Ta thấy ba phán đoán này không nhất quán mà mâu thuẫn với nhau.

Khả năng phát hiện ra những sự nhận thức sai lầm như nhận thức không có cơ sở, nhận thức không phù hợp với sự thực xảy ra trong thực tại khách quan, sự nhận thức sai lầm trong sự vi phạm tính hình thức của ngôn ngữ… chính là tác dụng của trí căn bản. Khả năng này càng cao, càng nhạy bén nghĩa là trí căn bản càng cao. Trong đó bao gồm cả việc tự nhận ra, tự ý thức được về chính cái trí căn bản này và khả năng sử dụng nó một cách chủ động, tự giác theo ý chí của bản thân. Chính điều này sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi con người.

Nhiệm vụ của giáo dục, theo tôi nghĩ chính là nhằm vào mục đích làm phát triển trí căn bản này, mà giai đoạn đầu là giúp cho học sinh nhận ra và biết cách sử dụng trí căn bản một cách chủ động có ý thức.

Các dạng biểu hiện khác nhau của trí căn bản

Đối với mọi mặt hoạt động của con người, trong khoa học cũng như đời sống, trí căn bản (3) đóng một vai trò rất quan trọng. Vì việc hiểu rõ, làm chủ và giải phóng năng lực hoạt động của nó khỏi mọi sự trói buộc của các thành kiến, định kiến, đóng một vai trò rất quan trọng, trong việc phát triển trí tuệ của chúng ta. Nó giải phóng được năng lực sáng tạo tiềm ẩn trong bản thân, và hoàn thiện nhân cách của mình. Nhờ nó chúng ta trở thành người thoát khỏi sự chi phối của sự vị kỷ, của chủ nghĩa cá nhân; có một bản lĩnh làm người, bình tĩnh, tự tin, lạc quan vào cuộc sống, không dễ bị suy sụp tinh thần, khi gặp khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Để hiểu được tại sao trí căn bản lại có những tác dụng to lớn, và quan trọng đến như vậy, trước hết chúng ta phải tìm hiểu về nó.

Vậy trí căn bản là gì?

Trí căn bản chính là khả năng nhận thức phù hợp với thực tế khách quan của mỗi người. Còn chính bản thân sự nhận thức thì được gọi là kiến thức. Trí căn bản là cái cốt lõi, cái ruột bản chất bên trong, còn những sự nhận thức khác nhau, là cái vỏ hiện tượng bên ngoài, là sự biểu hiện ra bên ngoài của Trí căn bản. Ta không thể nhận biết trực tiếp được

Trí căn bản, nhưng ta có thể nhận biết về nó, một cách gián tiếp, thông qua sự biểu hiện ra bên ngoài của nó, là sự nhận thức. Trong bài này, tôi xin trình bày những hiểu biết của mình, về trí căn bản, để bạn đọc tham khảo.

Trí căn bản chỉ có một, nhưng biểu hiện ra bên ngoài của nó có nhiều dạng khác nhau. Chúng ta tìm hiểu về nó, chính là tìm hiểu về những dạng biểu hiện khác nhau đó của nó.

Những biểu hiện đó, chính là sự nhận thức của chúng ta. Vì khuôn khổ giới hạn trong một bài viết. Nên ở đây, tôi xin phép được trình bày sơ lược về chúng. Còn phân tích chi tiết hơn, thì hẹn bạn đọc trong một bài viết khác.

Tìm hiểu về sự nhận thức

Sự nhận thức, là một tên gọi, để chỉ chung cho nhiều loại nhận thức cụ thể khác nhau. Tìm hiểu về sự nhận thức, tức là chúng ta tìm hiểu về chúng.

Bốn loại nhận thức

– Trước hết ta có thể chia nó ra làm bốn loại là nhận thức toàn diện (hay sự hiểu biết toàn diện), nhận thức cục bộ (hay sự hiểu biết cục bộ), nhận thức chi tiết (hay sự hiểu biết chi tiết), và nhận thức tổng hợp (hay sự hiểu biết tổng hợp) (4).

Hai hệ thống nhận thức

– Ngoài ra, chúng ta có thể phân chia sự nhận thức, ra làm hai hệ thống là: hệ thống nhận biết trực tiếp, và hệ thống nhận thức gián tiếp.

+ Hệ thống nhận biết trực tiếp, là hệ thống nhận thức ở dạng trực quan sinh động, nhận thức trực tiếp thông qua hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm giác,… Nó bao gồm: cảm giác, tri giác, biểu tượng.

+ Hệ thống nhận thức gián tiếp, là hệ thống nhận thức ở dạng trừu tượng, gián tiếp thông qua ngôn ngữ văn tự. Nó bao gồm: khái niệm, phán đoán, tư duy. Sự nhận thức trong hệ thống nhận thức gián tiếp, là một sự nhận thức kép. Nó cùng một lúc nhận thức về hai đối tượng khác nhau.

Hai đối tượng nhận thức

Đối tượng thứ nhất là những khái niệm, phán đoán, tư duy, thuộc về hệ thống nhận thức gián tiếp.

Ðối tượng thứ hai là những hình ảnh, âm thanh là cái vỏ vật chất của khái niệm, phán đoán, tư duy. Chúng thuộc về hệ thống nhận biết trực tiếp, và là những ký hiệu do con người đặt ra.

Hai nhóm nhận thức

– Theo một cách khác, thì chúng ta có thể phân sự nhận thức ra làm hai nhóm: Nhóm nhận thức có đối tượng rõ ràng, và nhóm nhận thức không có đối tượng rõ ràng.

+ Nhận thức có đối tượng rõ ràng, là những nhận thức, mà ta có thể ghi nhớ vào trong ký ức, để sau đó chúng ta có thể hồi tưởng lại được. Ví dụ sự tri giác một hình ảnh nào đó.

+ Nhận thức không có đối tượng rõ ràng, là những nhận thức, mà ta không thể ghi nhớ vào trong ký ức, và sau đó chúng ta không thể hồi tưởng lại được. Ví dụ sự nhận biết về tánh ảo của những hình ảnh trong một tấm gương.

Sáu lớp nhận thức

Ngoài ra, chúng ta có thể phân sự nhận thức ra làm nhiều lớp như sau:

+ Nhận biết tự nhiên không khởi ý. Ví dụ khi xem phim, thì chúng ta lúc nào cũng biết cảnh vật diễn ra trong đó là cảnh ảo. Và chúng ta lúc nào cũng biết cảnh vật diễn ra bên ngoài tivi là cảnh thật, mà chúng ta không hề khởi ý niệm về chúng.

+ Nhận biết có khởi ý, nhưng không khởi ý nghĩ, ví dụ khi ta tri giác về một cái bàn nào đó, mà không khởi lên ý nghĩ: “cái bàn”.

+ Nhận biết có khởi ý, có khởi ý nghĩ, không do tư duy mang lại, và không khởi phân biệt. Ví dụ khi ta tri giác về một cái bàn nào đó, và trong tâm chúng ta khởi lên ý nghĩ: “cái bàn”, mà không khởi lên nhận biết là nó đẹp hay xấu,…

+ Nhận thức có khởi ý, có khởi ý nghĩ, do tư duy mang lại, và không khởi phân biệt. Ví dụ khi đứng trên tầng cao của một ngôi nhà cao tầng, nhìn xuống dưới, chúng ta nảy sinh suy nghĩ: “nếu bị rơi xuống thì ta sẽ bị chết tan xác”. Nhận thức: “nếu bị rơi xuống thì ta sẽ bị chết tan xác”, chính là do tư duy mang lại, nó chính là sự nhận thức có khởi ý, có khởi niệm, do tư duy mang lại, và không khởi phân biệt.

+ Nhận biết có khởi ý, có khởi ý nghĩ, không do tư duy mang lại, và có khởi phân biệt. Ví dụ khi ta tri giác về một cái bàn nào đó, trong tâm chúng ta khởi lên ý nghĩ: “cái bàn”, và đồng thời khởi lên nhận biết là nó đẹp hay xấu,…

+ Nhận biết có khởi ý, có khởi ý nghĩ, do tư duy mang lại, và có khởi phân biệt. Ví dụ khi đứng trên tầng cao của một ngôi nhà cao tầng, nhìn xuống dưới, chúng ta nảy sinh suy nghĩ: “nếu bị rơi xuống thì ta sẽ bị chết tan xác”, và ta thấy nhận thức đó là đúng. Nhận thức: “nếu bị rơi xuống thì ta sẽ bị chết tan xác”, và ta thấy nhận thức đó là đúng, chính là sự nhận thức có khởi ý, có khởi niệm, do tư duy mang lại, và có khởi phân biệt.

Trên đây là một số dạng nhận thức khác nhau. Chúng chính là những biểu hiện khác nhau, hay là những lĩnh vực hoạt động khác nhau, của trí căn bản. Biết được chúng, và mối liên hệ của chúng với nhau, sẽ là bước đầu tiên, để giúp cho chúng ta đi đến chỗ chế ngự, làm chủ và điều khiển được năng lực hoạt động của trí căn bản, theo ý của mình. Và sau đó là giải phóng nó khỏi mọi sự trói buộc. Phát huy được năng lực sáng tạo tiềm ẩn trong bản thân, và hoàn thiện nhân cách của mình, trở thành người thoát khỏi sự chi phối của sự vị kỷ, của chủ nghĩa cá nhân; có một bản lĩnh làm người, bình tĩnh, tự tin, lạc quan vào sự sống, không dễ bị suy sụp tinh thần, khi gặp khó khăn trắc trở trong cuộc sống.

Bốn khả năng sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản.

Năng lực hoạt động của trí căn bản (5), hay năng lực sử dụng trí tuệ, là một vấn đề mới được biết tới trong thời gian gần đây. Nhưng đối với Đạo Phật thì nó không phải là một điều gì mới lạ cả. Bất cứ một phật tử nào có nghiên cứu giáo lý, thì đều nghe nói đến nó, và giá trị vô song của nó. Chỉ có điều nó mang một tên gọi khác. Đó là Trí vô sư, hay là trí không thầy. Bởi vì nó có khả năng nhận thức được tất cả mọi vấn đề, không cần phải du nhập kiến thức từ bên ngoài vào (được gọi là trí hữu sư). Tất cả mọi phát minh khoa học kỹ thuật lớn hay nhỏ, từ trước đến nay trên thế giới, đều là kết quả sự hoạt động của nó. Vì vậy, sự hiểu biết về nó và khả năng làm chủ nó, sẽ có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, để có thể phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày về bốn khả năng sử dụng trí căn bản, để bạn đọc cùng tham khảo.

Khả năng thứ nhất khả năng sử dụng năng lực hoạt động của sự căn bản một cách tự phát, vô ý thức.

Đây là cách sử dụng phổ biến từ xưa tới nay. Giai đoạn học tập ban đầu của học sinh, cũng phải dùng đến phương pháp này. Bởi vì nó là cái có sẵn, nên lúc nào học sinh cũng có thể sử dụng được. Nhiệm vụ của giáo viên ở giai đoạn này, là phải có đủ trình độ, để biết kích phát năng lực hoạt động của trí căn bản, một cách hợp lý, theo hướng mà mình mong muốn.

Khả năng thứ haikhả năng tự sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản, một cách tự giác có ý thức, theo một sự hướng dẫn từ bên ngoài. Ở đây, người học được dạy và rèn luyện một số kỹ thuật nào đó, mà việc thực hành nó, có thể tương tự như ở trường hợp sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản một cách chủ động, tự giác theo ý muốn. Chỉ có điều là họ làm theo sự chỉ dẫn của người hướng dẫn mà thôi. Nên họ không hiểu, không lý giải được tại sao cần phải dùng đến chúng? Mặt khác họ chỉ ứng dụng được trong phạm vi đã được chỉ dạy mà, ngoài phạm vi đó thì họ chịu thua.

Nhưng phương pháp này có một điều tiện lợi là dễ trình bày, dễ tiếp thu, dễ tập luyện, và dễ áp dụng. Nên việc tập luyện nó rất nhanh, và có thể triển khai trên diện rộng. Vì thế nó thường được dùng để đào tạo cấp tốc cho giáo viên có được khả năng thực hiện phương pháp giảng dạy mới, mà không mất mát nhiều thời gian, để đáp ứng về nhu cầu của các giáo viên trong các trường học. Thông thường ở các nước phương tây, và một số nơi ở Việt nam hiện nay, đều đang triển khai thực hiện theo phương pháp này, ví dụ như chương trình Lvep (6). Ngoài ra, nó còn được trang bị cho học sinh, để nâng cao khả năng học tập ở giai đoạn đầu, nhằm rút ngắn được thời gian của chương trình học tập cho học sinh.

Khả năng thứ bakhả năng sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản một cách chủ động, tự giác theo ý muốn. Ở đây, người học được trang bị những kiến thức, và dụng cụ cần thiết, để tự mình khám phá ra phương pháp sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản, một cách chủ động, tự giác theo ý muốn. Và sau đó là việc rèn luyện khả năng đó trong học tập và trong cả cuộc sống.

Vì vậy ở trình độ này không phải họ làm theo sự chỉ dẫn của người hướng dẫn, mà họ làm theo cái mà tự mình đã tìm ra, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Cho nên, trong trường hợp này, họ hiểu, và lý giải được tại sao cần phải dùng đến chúng? Vì thế họ có thể ứng dụng được nó trong phạm vi không hạn chế, ở mọi lãnh vực, trong học tập cũng như trong cuộc sống. Khi khả năng này được hoàn thành tức là học sinh đã có được khả năng tự
học một cách tự giác, tùy theo ý chí của mình. Nhưng phương pháp này có một điều bất tiện là người dạy khó hướng dẫn, học sinh khó tiếp thu, khó tập luyện, và không dùng cách áp dụng (điều này làm cho nhiều người khó hiểu, khi chưa biết được nó).

Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, khi mà toàn bộ nền giáo dục chưa có được sự cải cách thành công phương pháp giảng dạy mới, thì nó chỉ có thể dùng để đào tạo ra một số ít giáo viên chất lượng cao mà thôi. Chưa có thể phổ biến đại trà trong các trường học được.

Khả năng thứ tưkhả năng giải phóng năng lực hoạt động của trí căn bản, khỏi sự trói buộc của nhận thức chủ quan (định kiến), và sự giải phóng nó ra khỏi mọi sự kiềm tỏa của ý chí, và bản năng.

Khả năng này chỉ có sau khi học sinh đã hoàn thành được khả năng thứ ba. Tức là sau khi học sinh đã có được khả năng tự học một cách tự giác, tùy theo ý chí của mình. ở đây học sinh được trang bị những kiến thức toàn diện và tổng hợp để giải phóng năng lực hoạt động của trí căn bản, khỏi sự trói buộc của nhận thức chủ quan(định kiến), và sự giải phóng nó ra khỏi mọi sự kiềm tỏa của ý chí, và bản năng. Qua đó giải phóng được năng lực sáng tạo tiềm ẩn trong bản thân, và hoàn thiện nhân cách của mình, trở thành một người thoát khỏi sự chi phối của sự vị kỷ, của chủ nghĩa cá nhân; có một bản lĩnh làm người, bình tĩnh, tự tin, lạc quan vào sự sống, không dễ bị suy sụp tinh thần, khi gặp khó khăn trắc trở trong cuộc sống…

Trên đây là bốn khả năng, và cũng là bốn cấp độ cao thấp khác nhau của việc sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản. Bạn đọc cần lưu ý rằng, khả năng sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản, hoàn toàn không phản ánh trình độ cao thấp, của trí căn bản, của một người nào đó.

Một người có trí căn bản cao hơn, nhưng khả năng sử dụng năng lực hoạt động của nó, của họ có thể thấp hơn đối phương, và ngược lại. Nhưng xét về khả năng, thì người nào có khả năng sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản cao hơn, thì người đó sẽ có tốc độ tăng trưởng trí căn bản nhanh hơn.

Vì vậy, trí căn bản cao hay thấp, không quan trọng bằng khả năng sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản cao hay thấp. Cho nên việc đào tạo cho học sinh, nên nhắm vào việc, làm phát triển khả năng sử dụng năng lực hoạt động của trí căn bản lên, thì tốt hơn. Đây là một vấn đề, mà những người làm công tác nghiên cứu cải cách giáo dục cần phải quan
tâm.


Ghi chú:

  1. Lưu ý rằng ở đây tôi nói trí thông minh là “khả năng nhận thức” chứ không phải chính bản thân sự “nhận thức”.
  2. Lưu ý rằng tất cả mọi hiện tượng vật lý hay tâm lý, kể cả sự nhận thức, đều là những hiện tượng xảy ra trong thế giới khách quan.
  3. Về vấn đề này, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm trong bài : “Trí căn bản”
  4. Bạn đọc có thể tìm hiểu về sự nhận thức toàn diện, sự nhận thức cục bộ, sự nhận thức chi tiết, và sự nhận thức tổng hợp, trong bài: “các loại trí cụ thể”.
  5. Bạn đọc có thể tìm hiểu về năng lực hoạt động của trí căn bản trong bài: năng lực hoạt động của trí căn bản là gì?
  6. LVEP là chương trình tư duy tích cực (Living Values: an Educational Program), do bà Jacqueline Berg người Hà Lan, khởi xướng vào năm 1990. Hiện đã được triển khai tại Việt nam từ cuối tháng 10 -2000, do bà Trish Summerfield làm tổng giám đốc phụ trách.

Xem toàn bộ tài liệu Cải cách giáo dục tại đây:

https://thienvietnam.org/wp-content/uploads/2024/06/Cai_cach_giao_duc.pdf

Giới thiệu bài viết tiếp theo

Trao đổi về cách học (phần 1-2-3) (Xuất bản vào lúc 9:00 ngày 10/6/2024, Mời các bạn đón đọc nhé.)

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục