Pháp là gì?

Thông thường, người ta hay hiểu “pháp” như là “phương pháp”, ví dụ “pháp môn”. Thực tế, trong giáo lý, ý nghĩa của từ “pháp” rộng lớn hơn nhiều.

1. Định nghĩa về pháp.

Nguyên thuỷ, “pháp” là phiên âm sang tiếng việt của từ Phạn: “DHAMMAR”. Dịch nghĩa theo tiếng Tầu là: “nhậm trì tự tánh, quỷ sinh vật giải”. Nghĩa là: “phàm cái gì mà tự nó giữ gìn được hình tướng, tánh chất của nó, và làm cho người ta khi nhìn đến nó thì biết là nó, thì gọi là pháp”. Tóm lại: “pháp” là tất cả những gì thuộc về đối tượng bị nhận thức của ta.

2. Những khía cạnh để nhận biết một pháp

Để nhận biết một pháp, ta có thể nhận biết nó qua ba khía cạnh là: thể – tướng -dụng (1).
Trong đó:

– Thể tức là chất cấu tạo nên pháp đó. Nó là bản chất, là lý tánh của pháp. Ví dụ: thể của cái nhẫn vàng là chất vàng (Au).

– Tướng tức là hình tướng của pháp, mà khi ta nhìn vào tướng này thì biết nó là pháp. Tướng là biểu hiện, là sự tướng của pháp. Ví dụ: tướng của cái nhẫn vàng là mầu vàng và hình dáng của cái nhẫn.

– Dụng: tức là công dụng, tác dụng của cái pháp đó. Ví dụ: “tác dụng của gió” làm cho lá rung, dụng của con dao là để thái thịt. Lưu ý rằng dụng ở đây có thể là công dụng đối với con người, ví dụ con dao dùng để thái thịt, nhẫn vàng là của cải,… nhưng nó cũng có thể không liên quan gì tới con người. Ví dụ tác dụng của gió, là làm rung lá cây. Dụng thì có tướng riêng của dụng, ví dụ tướng lá rung. Tướng của dụng không phải là tướng của pháp có dụng đó.

(1) Không phải pháp nào cũng đầy đủ cả thể, tướng, dụng, mà có những pháp không có thể, mà chỉ có tướng dụng mà thôi. Thậm chí có những pháp ta chỉ biết qua dụng mà không nhận biết được qua tướng của chính nó, ví dụ: gió, dòng điện”..

Pháp hữu vi: Chỉ có Tướng và Dụng mà không có Thể (vô ngã):

Kinh Kim Cang:

https://thuvienhoasen.org/p17a1838/4/bai-thu-10

Dịch âm (nguyên văn): 

Nhứt thế hữu vi pháp 
Như mộng, huyễn, bào, ảnh 
Như lộ diệc như điển 
Ưng tác như thị quán. 

Dịch nghĩa: 

Phải quán như thế này: 
Tất cả pháp hữu vi 
Như mộng, huyễn, bọt, bóng 
Như sương, như điển chớp

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

  • Tập III – Thiên Uẩn
    • [22] Chương I Tương Ưng Uẩn (f)
      • III. Bọt Nước (Tạp 10, Ðại 2,86b) (S.iii,114)

https://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbkin088.htm

hoặc:

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22f.htm

III. Bọt Nước (Tạp 10, Ðại 2,86b) (S.iii,114)

1) Một thời Thế Tôn ở Ayujjàya, trên bờ sông Hằng.

2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo…

3) — Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?

4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỷ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?

5) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt mưa lớn, trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được?

6) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?

7) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tháng cuối mùa hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng… Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?

8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có tưởng gì…

9) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người ấy thấy một cụm cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy chặt rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm không được, tìm đâu cho có được lõi cây?

10) Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy, cụm chuối ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong cụm chuối được?

11) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát hành ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, hành ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong các hành được?

12) Ví như, này các Tỷ-kheo, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, ảo thuật ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong ảo thuật được?

13) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại… hoặc xa hay gần; Tỷ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát, thức ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các Tỷ-kheo, lại có lõi cây trong thức được?

14) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc… đối với thọ… đối với tưởng… đối với các hành… nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.

15) Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) Sắc ví với đống bọt,
Thọ ví bong bóng nước,
Tưởng ví ráng mặt trời,
Hành ví với cây chuối,
Thức ví với ảo thuật,
Ðấng bà con mặt trời,
Ðã thuyết giảng như vậy.

2) Nếu như vậy chuyên chú,
Như lý chơn quán sát,
Như lý nhìn (các pháp),
Hiện rõ tánh trống không.

3) Bắt đầu với thân này,
Bậc Ðại Tuệ thuyết giảng,
Ðoạn tận cả ba pháp,
Thấy sắc bị quăng bỏ.

4) Thân bị quăng, vô tri,
Không thọ, sức nóng, thức,
Bị quăng đi, nó nằm,
Làm đồ ăn kẻ khác.

5) Cái thân liên tục này,
ảo sư, kẻ ngu nói,
Ðược gọi kẻ sát nhân,
Không tìm thấy lõi cây.

6) Hãy quán uẩn như vậy,
Vị Tỷ-kheo tinh cần,
Suốt cả đêm lẫn ngày,
Tỉnh giác, chánh tư niệm.

7) Hãy bỏ mọi kiết sử,
Làm chỗ mình nương tựa,
Sống như lửa cháy đầu,
Cầu chứng cảnh bất động.

Pháp vô vi: Có Thể và Dụng nhưng lại không có Tướng

Kinh Kim Cang:

26. Pháp Thân Phi Tướng

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng: 

Nhược dĩ sắc kiến ngã, 
Dĩ âm thanh cầu ngã, 
Thị nhơn hành tà đạo, 
Bất năng kiến Như Lai. 

Dịch nghĩa: 

Nếu dùng sắc thấy ta, 
Dùng âm thanh cầu ta. 
Là người hành tà đạo, 
Chẳng thể thấy Như Lai.
 

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

http://www.thuvienhoasen.org/tu3-22e.htm

  • Tập III – Thiên Uẩn
    • [22] Chương I Tương Ưng Uẩn (e)
      • IV. Anuràdha (Tạp 5, Ðại 2,32c) (S.iii,116)

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22e.htm

IV. Anuràdha (Tạp 5, Ðại 2,32c) (S.iii,116)

9) Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

10) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuràdha bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, con ở trong một cái chòi trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều ngoại đạo du sĩ đi đến con; sau khi đến… nói với con như sau: “Này Hiền giả Anuràdha, bậc Như Lai ấy là Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố theo bốn trường hợp: “Như Lai tồn tại sau khi chết; Như lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.

11) Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các ngoại đạo du sĩ ấy như sau: “Này Chư Hiền, bậc Như Lai, Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, bậc đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài bốn trường hợp như sau: “Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.

12) Ðược nghe nói vậy, các ngoại đạo du sĩ nói với con: “Hoặc là vị Tỷ-kheo này mới tu học, xuất gia không bao lâu. Hay vị này là vị Trưởng lão, nhưng ngu dốt không có học tập”.

13) Rồi các ngoại đạo du sĩ ấy sau khi chỉ trích con là mới tu học… liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

14) Rồi bạch Thế Tôn, sau khi các ngoại đạo du sĩ ấy ra đi không bao lâu, con liền suy nghĩ như sau: “Nếu các ngoại đạo du sĩ ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để khi ta nói với các ngoại đạo du sĩ ấy, ta nói lên quan điểm của Thế Tôn. Ta không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, ta có thể trả lời với tùy pháp, thuận với Chánh pháp; và ai là người đồng pháp, nói lên lời thuận với quan điểm của Ngài, sẽ không tìm được lý do để quở trách”.

15) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, sắc là thường hay vô thường?

— Là vô thường, bạch Thế Tôn.

— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

— Là khổ, bạch Thế Tôn.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Thọ… tưởng… các hành… thức là thường hay vô thường?

— Là vô thường, bạch Thế Tôn.

— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

— Là khổ, bạch Thế Tôn.

— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

16-17) — Do vậy… thấy vậy… “… không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.

18) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Sắc là Như Lai không?”

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

“– Thọ… tưởng… các hành… thức là Như Lai không?”

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

19) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Như Lai ở trong sắc không?”

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Ông có quán: “Như Lai ở ngoài sắc không”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Ông có quán: “Như lai ở trong thọ… ở ngoài thọ… ở trong tưởng… ở ngoài tưởng… ở trong các hành… ở ngoài các hành… ở trong thức không”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Ông có quán: “Như Lai ở ngoài thức không”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai không”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

20) — Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Cái phi sắc, phi thọ, phi tưởng, phi hành, phi thức là Như Lai không”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

21) — Và ở đây, này Anuràdha, ngay trong hiện tại không tìm được một Như Lai thường còn, thường trú, thời có hợp lý chăng khi Ông trả lời: “Này chư Hiền, vị Như Lai nào là bậc Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được quả Tối thắng, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài bốn trường hợp như sau: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’ “?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

22) — Lành thay, lành thay, này Anuràdha! Trước kia và nay, này Anuràdha, Ta chỉ tuyên bố khổ và đoạn diệt khổ.

3. Tất cả các pháp vốn là không, không phải chờ duyên tan mới là không

Ví dụ:

Giả sử có một đàn chim đang bay, chúng xếp thành hình một con cò đang bay. Khi đó nếu đứng ở một độ xa vừa phải và quan sát vào đàn chim đó, thì ta sẽ thấy đó là một con cò đang bay, mà không thấy được đó là một đàn chim. Chỉ khi nào ta quan sát đàn chim đó ở vào một khoảng cách gần, đủ để ta nhận ra đó là một đàn chim, thì khi đó ta mới biết là chẳng có con cò nào cả, mà chỉ có một đàn chim xếp thành hình con cò mà thôi.

Thực chất ở đây có con cò đang bay không? hoàn toàn không có! mà chỉ có một đàn chim, và ảo tưởng của chúng ta về sự tồn tại của một con cò mà thôi. Nếu để ý đến đàn chim thì sẽ không có con cò – đó chính là hoại tướng của con cò. Còn nếu để ý đến con cò, thì ta sẽ thấy là có một con cò đang bay. Đó chính là thành tướng của con cò.

Tất cả các sự vật trên thế gian này cũng y như con cò do đàn chim hợp thành vậy.

Thật vậy:

Chúng ta ai cũng đều biết: Tất cả các sự vật trên thế gian này đều do các hạt cơ bản kết hợp lại với nhau theo một cách thức nào đó mà thành. Điều này cũng giống như con cò ở ví dụ trên, là do các con chim kết hợp lại với nhau theo một cách thức phù hợp mà thành. Các sự vật đó hoàn toàn cũng giống như con cò, nghĩa là chỉ có ảo tưởng của chúng ta về sự tồn tại của các sự vật đó mà thôi, chẳng có vật nào là thật sự có cả. Còn các hạt cơ bản thì đóng vai trò của các con chim trong ví dụ đó. Nếu để ý đến các hạt cơ bản thì sẽ không có các sự vật – đó chính là hoại tướng của các sự vật. Còn nếu để ý đến các sự vật, thì ta sẽ thấy là có các sự vật. Đó chính là thành tướng của các sự vật.

Đến lượt các hạt cơ bản – là thành phần cấu tạo nên các sự vật thì chính bản thân chúng với tư cách là một hạt vật chất, cũng chẳng có nốt, chúng chỉ là các hiện tượng sóng (điều này tôi đã trình bày trong bài “Pháp là gì?” rồi!). Chỉ có ảo tưởng của chúng ta về sự tồn tại của các hạt cơ bản mà thôi. Khi để ý đến các hạt cơ bản dưới khía cạnh sóng, thì ta thấy chẳng có cái gì gọi là hạt cơ bản cả, hay nói cách khác là hoàn toàn không có hạt cơ bản – đó chính là hoại tướng của hạt cơ bản.

Như vậy nếu xét kỹ thì chẳng vật nào là thực sự có cả, mà chỉ có ảo tưởng của ta về sự tồn tại của chúng mà thôi.

Rốt lại thì tất cả các pháp đều là không có ngay nơi chúng đang có, chẳng phải chờ duyên tan thì chúng mới thành không.

 

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục