,

Nhìn lại về đường Tu (Phần 4) – Quá trình tu học

Giới thiệu danh sách bài hồi ký tu tập

  1. Nhìn lại về đuờng Tu (Phần 1) – Bước Đầu Tìm Hiểu, Bước Đầu Ngộ – LBK
  2. Nhìn lại về đường Tu (Phần 2) – Hồi ký tu tập – CDT
  3. Nhìn lại về đường Tu (Phần 3) -Quá Trình TU Học – Cô Tám
  4. Nhìn lại về đường Tu (Phần 4) – Quá trình tu học – Phương
  5. Nhìn lại về đường Tu (Phần 5) – Hồi ký tu hành – Chị Quy
  6. Nhìn lại về đường Tu (Phần 6) – Quá trình nhận thức – LHL

Ghi chép của Phương

Mục đích tu hành

Buổi đầu tiên được chú Tiến dẫn đến lớp học của thầy A. Trước đó, chú nói rất nhiều về thầy, tôi rất hào hứng tâm niệm một điều rằng sẽ học được rất nhiều điều bổ ích đây! Khi bước chân vào lớp học, những điều đầu tiên mình tiếp thu được không phải là “những điều bổ ích” mà là phải nghe một loạt những câu hỏi: duyên nào đưa em đến với đạo? Em học Phật để làm gì?…. và một số câu hỏi về kiến giải của tôi về đạo Phật lúc đó.

Sau một loạt những câu hỏi, tôi chợt nhận ra một điều rằng từ trước đến nay mình đã hiểu sai về đạo và chẳng biết mục đích thực sự của việc theo Phật là để làm gì. Hay nói cách khác đó chỉ như là một sở thích, một lực vô hình nào đó thúc đẩy mình, dù rằng miệng luôn nói để giải thoát, để bớt khổ nhưng thực chất lại chẳng biết giải thoát ở chỗ nào!

Qua những câu hỏi xoay quanh vấn đề mục đích tu hành và những lời gợi ý của thầy, tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng: Khổ là những ham muốn bất toại nguyện và nguyên nhân của những ham muốn chính là vô minh, mục đích tu hành chính là diệt trừ vô minh để không còn khổ. Thầy còn giúp tôi tự nhận ra một cách rõ ràng rằng bản đồ án duy nhất để đi đến giải thoát chính là Tứ Diệu Đế mà đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đã chỉ ra. Những điều trên tạo ra trong tôi một niềm tin tưởng sâu sắc, một chỗ dựa vững chắc trên con đường học Phật của bản thân.

Sau buổi học này tôi thấy lớp học như có một lực vô hình nào đó cuốn hút tôi mà lúc đó tôi chưa hiểu, mãi những buổi sau này tôi mới nhận ra nó, đó là qua những cuộc nói chuyện, thảo luận, tôi tự phát sinh những kiến giải, nó ăn sâu vào tâm trí và thông suốt trong nội tâm, dần tạo trong tôi một hướng đi, một phương pháp để tự mình đi tìm chân lý. Điều này hoàn toàn trái ngược với những điều tôi biết trước đây, chúng chỉ là một mớ kiến thức suông vô giá trị, không phải là của mình.

Thấy biết như thật

Rồi những buổi tiếp theo đó, Thầy cầm cái chén và hỏi: đây là cái gì? Tôi trả lời: “cái chén”. Và thầy tiếp tục hỏi một số vật khác, rồi thầy lấy trong túi ra một vật mà tôi chưa từng biết và hỏi đây là cái gì? Đầu óc tôi căng ra cố xem xét thật kỹ và lục lọi trong trí nhớ, nhưng không tài nào đoán được cái vật quái quỉ đó dùng để làm gì. Tôi đành chịu thua và trả lời không biết. Sau đó thầy nói: bây giờ không dùng lời nói em trả lời cho anh cái này là gì? (Thầy cầm cái bút lên). Suy nghĩ một lúc tôi giơ cái bút lên và được thầy chấp nhận. Sau đó thầy hỏi một vài vật khác tôi đều trả lời được. Đến đây tôi nhận ra rằng mọi điều mình biết đều là biết của những gì đã biết( còn cái biết hiện tiền mà bảo là không biết).

Tiếp đến thầy hỏi về âm thanh: Thầy hỏi “gâu! gâu!” là gì? Tôi trả lời là tiếng chó sủa (cả lớp cười ồ lên !!!). Thầy hỏi tiếp: “kreo! Kreo!” là gì? Tôi trả lời không biết. Thầy gõ thước xuống bàn và bảo mọi người có nghe thấy bài “Như có Bác Hồ” không? ở đây, tôi như bừng tỉnh vì thoáng thấy rằng mọi ngôn ngữ là do được mình gán cho nó một ý nghĩa nào đó, thực ra chúng chỉ là những âm thanh vô nghĩa, và khi nghe thì ta hoàn toàn nghe theo ý nghe của mình.

Khi thầy đưa ví dụ nhà bên chửi chó mắng mèo mà tưởng là chửi xéo mình, tôi thấy rõ được tác dụng và giá trị của sự ‘nghe trong chỗ không suy diễn’. Và từ đây tôi luôn cố vận dụng pháp Thấy biết như thật ở mọi nơi và thấy thật là tiện ích, trí óc thư thái hẳn vì ít phải hoạt động, rõ ràng là tôi đang bước vào một thế giới khác.

Nhận ra ông chủ và sự vô ngã, vô thường

Khi thầy yêu cầu tôi hãy nhớ lại mình cách đây ít phút, tôi tả lại những hành động, những cử chỉ…mà tôi đã làm. Thầy hỏi lại: Những cử chỉ, hành động …đó có phải là em không? Lúc đó tôi rất lúng túng vì không tìm được câu trả lời dù rằng đã cố thử suy nghĩ. Sau đó khi thầy giải thích về vật bị biết và người biết, tôi mới tỉnh ra rằng mình chẳng thể nào nhớ được mình vì mình chính là chủ thể nhận biết.

Qua những bài trao đổi tiếp theo tôi biết được rằng chính chủ thể nhận biết hay ông chủ này là người làm chủ mọi hành động về thân, khẩu, ý của mình. Mình tu tập chính là để nhận ra ông chủ này, để dần dần làm chủ chính mình một cách thực sự. Khi thực hành pháp chỉ đông nói tây, tôi thực sự thấy được sự làm chủ đó. Nhưng trên thực tế tôi có rất ít dịp luyện phương pháp này vì nó khó thực hiện trong đời thường, chỉ đôi khi tôi vờ như không nghe thấy đối phương nói gì hoặc nói lảng sang một chủ đề khác để sống trong chỗ đó.

Cũng qua buổi trao đổi này, tôi nhận thức được một cách rõ rệt rằng thân thể này hoàn toàn không phải là ta, nó chẳng qua cũng chỉ là một trong những đối tượng nhận biết của ta mà thôi. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nó phá tan một định kiến rất tai hại mà từ trước tới nay tôi cứ bám vào, đó là chạy theo những đối tượng nhận biết, những sắc tướng mà mình thấy và cho đó là mình, là ông Phật nào đó. Và hơn thế nữa, ngay lúc đó tính ngã mạn trong tôi giảm thiểu, tôi đoan chắc một điều rằng khi ở trong đó thì tính ngã mạn đoạn triệt hoàn toàn, dù cho có nghe bao nhiêu lời khen, tiếng chê đi nữa thì tâm trạng tôi cũng chẳng hề hấn gì.

Trong bài nói chuyện xoay quanh vấn đề khách thể và chủ thể với hình tượng con cò được tạo bởi một đàn chim. Thêm vào đó là vấn đề dựa vào tiêu chuẩn nào để một vật được coi là thật với những ví dụ cụ thể và tài liệu về biểu hiện của người bị bệnh ảo giác, những nhận định về thế giới khách quan trong tôi hoàn toàn thay đổi, dần hiện ra le lói trong tôi một thế giới khác với đặc tính ảo và luôn luôn biến đổi.

Sống tuỳ duyên

Trong quá trình bảo nhậm pháp sống với ông chủ tôi nhận ra rất rõ sự làm chủ này nhưng nó tỏ ra không thích ứng với môi trường bận rộn của tôi và có ít điều kiện để thực hiện pháp này dù rằng cảm giác làm chủ khi sống trong pháp này quả thật rất tuyệt vời. Thế rồi vào một buổi tối ở nhà thầy A, thầy đưa ra cho bọn tôi công án:

……ý chỉ Tào Khê thế nào?

Thần Hội chỉnh thân rồi thôi.

Sư bảo:

-Hãy còn đeo ngói gạch….

Ở đây, thầy đưa ra câu hỏi là làm sao giấu được ông chủ đi ? Suy nghĩ một chút tôi đã thấy được vấn đề rằng mình lúc nào chẳng chỉ ông chủ, lúc nào chẳng sống với ông chủ vậy thì còn cần gì phải chỉ ông chủ nữa. Cái à! này của tôi tuy không to như của mọi người trong nhóm, nhưng nó thật là tiện ích, mọi việc từ đây trở nên đơn giản, tôi làm việc và giao tiếp một cách thật là thoải mái thật là ung dung tự tại. Khỏi cần phải gò tâm bảo nhậm (dù rằng cảm giác làm chủ không rõ rệt như khi bảo nhậm), những ý niệm khởi lên mình đều nhận thấy, chẳng phải nhọc công gì và quá trình này ngày càng vi tế. Nhưng điều tuyệt diệu nhất phải nói đến đó là đầu óc được thư thái vì tâm trí không còn chạy lăng xăng như trước nữa, tính tự chủ tăng đáng kể. Có một điều lạ là ở trong đây khi mà mình không để ý tới ngôn từ nhưng chúng lại tự nhiên khế hợp một cách rất vi diệu. Tôi nhận ra điều này rất rõ vì trước đây tôi là một người ít nói và không có duyên nói chuyện, ngược lại những cuộc nói chuyện giờ đây gây cho tôi nhiều hứng thú vì tôi luôn tìm thấy những chỗ sơ hở, thiếu lôgíc trong lời nói của đối phương, chỉ trong một thời gian ngắn mà tôi được mọi người xung quanh, nhất là những đống tế bào xinh đẹp đặt cho biệt danh là hay vặn vẹo.

Sống với ông chủ hiện nay có gì khác với giai đoạn khi chưa tu?

Hiện nay, khi sống với ông chủ thì mọi sự thông suốt, gặp cảnh gì đều không trở ngại, vẫn nhận rõ cảnh đó mà không bị cảnh lôi, mình hoàn toàn làm chủ (trên cảnh hiện tiền), tức là muốn trụ cảnh nào hoàn toàn do mình chủ động, không khởi tâm phân biệt ở dạng thô, đôi khi khởi ý liền nhận rõ, ý ham muốn đó liền biến mất, không bám vào ngôn từ mà lý lẽ tự thông suốt.

Còn khi chưa tu, tuy sống trong đó nhưng thực chất là bám vào đối tượng nào đó, dù trí óc thông suốt nhưng vẫn bị dính vào cảnh đó. Có lúc điềm tỉnh thư thái, tập trung cao độ (không khởi ý) nhưng thực ra là mình đang bám vào cảnh điềm tĩnh thư thái đó, nếu một cảnh buồn thảm, trái duyên…. xẩy đến thì lập tức sự thư thái biến mất vì mình chuyển sang bám vào nó liền, (còn ở trên dù ngồi một mình hay gặp cảnh trái duyên trong nội tâm mình vẫn vậy).

Nhưng vấn đề là ở chỗ lúc quên thì sao? Lúc quên chính là vì mình lại trở lại bám vào cảnh mà mất quyền làm chủ. Vậy thì phải làm sao để mình không quên? Tôi thấy rằng quên chính là lúc trong tiềm thức chủng tử quên đó hiện hành. Vậy thì phải làm sao để cắt bỏ chủng tử quên hoặc là tạo chủng tử đối trị. Cách khác là làm sao để mình sống trong lớp nhận thức mà mình mong muốn Vì tôi có kiến giải rằng trước kia mình hay sống với lớp nhận thức của tâm trí mạnh, luôn luôn so sánh, khởi niệm phân biệt (tạm gọi là lớp nhận thức I ). Còn giờ đây, sau khi có một vài cái ngộ, mình thường sống trong lớp nhận thức không khởi niệm so sánh phân biệt ở dạng thô (II). Vấn đề là phải chăng nếu mình quán chiếu sâu rồi có cái ngộ nào đó và sống với lớp nhận thức (III) (tức là lớp nhận thức như khi ta nghe lời nói mà mà hoàn toàn không hiểu nghĩa) thì lớp nhận thức đầu tiên sẽ không còn???. Nếu như vậy tức là lúc mình “nhớ” thì ở trong lớp nhận thức (III) còn lúc “quên” thì ở trong lớp nhận thức (II), Vậy thì sẽ tách rời hẳn thế giới này (lớp nhận thức I). KHÔNG ổn !!!! ở đây, tôi nảy sinh kiến giải rằng các lớp nhận thức chẳng qua cũng chỉ là những cảnh khác nhau, vậy thì vấn đề là mình phải làm sao để muốn sống trong cảnh nào cũng được (hoàn toàn chủ động) mà không bám vào cảnh đó.

Ngày 3 tháng 12 năm 2002

Tôi có thuận tiện là luôn phải tiếp xúc với những đống tế bào sinh đẹp. Trong quá trình tiếp xúc, tôi quán chiếu thấy rằng khi cảm xúc ham muốn nổi lên, tôi biết rõ và chủ động tiếp tục ham muốn đó; Tôi đã thử bặt ngay ở giai đoạn vừa khởi niệm, ở giai đoạn giữa … (rất nhiều lần) qua đó tôi thấy rằng nếu mình tiếp tục những ham muốn đó (dù rằng hoàn toàn chủ động) như vậy có phải là đúng không khi mà mục đích của mình là đoạn triệt ham muốn. Phải chăng trong chỗ sống tuỳ duyên, những lúc ham muốn khởi mình nhận rõ. Nhưng nếu cứ tiếp tục ham muốn đó dù rằng chủ động hay bị động thì vẫn là ông chủ chạy theo ham muốn: đó là do một ham muốn khác dẫn đường, ham muốn muốn dừng thì dừng, muốn tiếp tục thì tiếp tục. Nó hoàn toàn khác với việc nhìn đống tế bào sinh đẹp từ đầu đến cuối mà không hề khởi ham muốn. Vậy thì thực chất nếu mình có ham muốn đi tới giải thoát thì cũng chính là ông chủ đang chay theo cái ham muốn đó. Bản chất của ham muốn là như nhau, nhưng ham muốn hướng tới điều gì mới là vấn đề đáng bàn. Tôi thấy rằng cái ta cần là phải gạt bỏ hết những ham muốn vô bổ, phải nhận chân ra chúng từ giây phút đầu tiên để đoạn triệt chúng.

Ngày 9 tháng 12 năm 2002

Khi đi ngoài phố, quán chiếu cảnh vật xung quanh tôi nhận thấy rằng: Bản tính cái biết của mình là không phân biệt (tức là ở thời điểm đầu tiên của nó), sau đó gần như ngay tức thì ý phân biệt mới khởi lên, do một lực nào đó từ trong phát ra (chủng tử khởi ý phân biệt) phải chăng đó là một dạng nghiệp lực?. Vì quá trình diễn ra quá nhanh nên lúc đầu tôi tưởng rằng đó là một quá trình tự động (hoàn toàn vô thức), nhưng quán chiếu nhiều lần, tôi nhận ra rằng có quá trình so sánh vô thức này là do ta có khởi ý phân biệt trước đó (Nó tương tự như quá trình tra từ trên từ điển trong máy tính vậy: ta phải bấm nút “enter” thì sau đó quá trình tra cứu mới được thực hiện và nội dung tra cứu lập tức hiển thị). Khi ta tác ý không phân biệt thì lập tức quá trình so sánh vô thức không xảy ra. Vậy vấn đề cốt lõi vẫn là việc làm sao để mình hoàn toàn làm chủ bản thân, để khi cần ấn nút là ấn nút, khi không cần thì không ấn. Vậy làm thế nào để hằng sống ở chỗ không phân biệt (bản tính) lúc khởi điểm đó mà không cần phải tác ý? Vốn dĩ đã là hằng sống, bây giờ chỉ cần trong chỗ đó mà không khởi niệm phân biệt là đạt yêu cầu rồi. Nhưng tôi thấy cái niệm khởi phân biệt lúc ban đầu đó nó vi tế quá mình làm sao kiểm soát được. Hiện thời, tôi đang tập tác ý trở lại:

  1. Chủ động ngay từ ban đầu tác ý không khởi ý phân biệt, vẫn nhìn cảnh mà hoàn toàn không phân biệt (đây có phải là bặt năng sở không), giữ như vậy càng lâu càng tốt.
  2. Để tự do khởi niệm phân biệt: > Khởi > Tác ý không khởi > < Tác ý không khởi < Khởi < Tôi thấy rằng: Chính nhờ cách luyện nhìn chữ mà tôi thực hành được pháp này một cách dễ dàng, tất nhiên mới đầu tập nhìn cảnh tĩnh cho quen sau đó tôi mới chuyển sang cảnh động. Cũng quá trình này tôi chuyển sang nhĩ căn, nhưng ở đây việc thực hành khó hơn rất nhiều, ngay cả trong lúc ngồi thiền tôi thử để chiếc đồng hồ tích tắc bên cạnh: nếu tôi chú tâm vào cảnh đó thì không tài nào thoát khỏi ảnh hưởng của âm thanh đó vì nó biến đổi liên tục, chỉ khi tôi chuyển sang một đề mục khác thì mới thoát khỏi ảnh hưởng của tiếng tích tắc đó. Có phải là cấu trúc của Nhĩ căn có phần khác biệt không hay là do tôi chưa luyện tới chỗ được sâu như nhãn căn? Như vậy việc chủ động sống với lớp nhận thức mà mình mong muốn không phải là khó nhưng đó cũng chỉ là pháp sinh diệt, phải tác ý. Nhưng tôi thấy rằng trong cuộc sống có lúc nào mà mình không tác ý đâu.

14.12.02

Qua việc đấu pháp, tôi nhận thấy rằng thấy được chỗ thiếu lô-gíc ngay trên lời nói của đối phương thì chỉ cần ta giữ vững ông chủ. Nhưng mặt khác, nếu muốn tìm ra những chỗ thiếu sơ hở trong lời nói của đối phương với những căn bản giáo lý của đức Phật thì bắt buộc ta phải thấu đạt những căn bản đó trước đã. Điều này giúp ta nhận định đối phương chính xác hơn dù rằng có thể trình độ của ta còn kém họ.

Lấy ví dụ: trong một lần nghe pháp, vị thiền Sư nói về những bước tu tập trong đó ông nói có một giai đoạn vị hành giả trực nhận ra thể tính của ham muốn và từ đấy người đó chợt nhận ra mọi lỗ lực dụng công để diệt ham muốn của mình từ trước đến giờ là vô ích. Vốn dĩ những ham muốn sinh diệt đó chẳng liên hệ gì đến mình và người đó hoàn toàn giải phóng khỏi mọi ham muốn. Đó mới chỉ là một tiểu ngộ, đến đây người đó vẫn chưa thấy tính và còn phải tiến thêm những bước tiếp theo….. Chỉ sau khi về nhà quán chiếu lại những lời dạy của đức Phật tôi mới thấy rằng vấn đề là ở chỗ, mục đích của đạo Phật là giải thoát khỏi khổ, mà nguyên nhân của khổ là ham muốn, nguyên nhân của ham muốn là vô minh.

Như vậy có nghĩa là ta chỉ cần giải thoát một trong ba vấn đề trên một cách hoàn toàn là ta đạt được mục đích. Điều này có nghĩa là cái chỗ mà vị thiền Sư đề cập tới đã là cái đích rốt ráo của đạo Phật rồi, vậy thì còn cần phải tiến thêm nữa để làm gì? Và còn nữa ở đây đức Phật đã chỉ rõ nguyên nhân của ham muốn là vô minh, vậy thì ta có thể bảo rằng có thể đoạn triệt ham muốn mà không cần đoạn triệt vô minh được chăng. Gặp gỡ Đại Đức Tuệ Hải Buổi chiều hôm ấy cùng Long, chúng tôi đi đón thầy Tuệ Hải, nghe nói thầy là học trò của Hoà thượng. Khi tới nơi, gặp mặt Đại đức trong tôi chợt có ý nghĩ, thầy này trẻ quá liệu có chịu nổi mấy thầy trò mình quay cho một buổi không? Do nhân duyên tôi được đèo thầy trên đường trở lại nhà chị Liên. Qua đó tôi có ý định tranh thủ mình trình kiến giải với thầy luôn. Tôi hỏi thăm xã giao vài câu qua lại, kể về nhóm học của mình, sau đó thầy có hỏi tôi: bọn con tu theo Pháp môn gì? – Tôi trả lời vì toàn là cư sĩ lên con cũng chẳng biết mấy thầy gọi là pháp môn gì, nhưng bọn con cũng có xoay quanh mấy cuốn thiền sư Trung Hoa của Hoà thượng để nghiên cứu, luận về bản tánh…Sau đó Đại đức có hỏi : có phải trong nhóm có cậu A không? Lúc đó tôi sợ rằng Đại đức biết thầy A trong thiền viện nổi danh như thế, nếu bây giờ mình mà nói thầy A đứng đầu nhóm, thì chắc là Đại đức sẽ từ chối không sang gặp lớp nữa thì công cốc nên tôi nói: vâng anh A là người đi trước nên có đến trao đổi thêm cùng bọn con. Sau đó tôi bắt đầu trình về những kiến giải của mình, tôi nói: Con hiện tại đã nhận biết đôi chút về ông chủ, con xin trình để thầy xem chỗ nhận đó tới đâu để thầy chỉ bảo thêm cho con: Hiện tại, con sống trong chỗ rất thoải mái, ung dung tự tại, nhưng có đôi lúc ham muốn vẫn khởi lên, những ham muốn đó chỉ vừa khởi, con nhận ra là tự nó mất đi. Vậy con phải làm sao để dứt hẳn những ham muốn đó và những bước tiếp theo phải làm sao?

Đại đức nói:

Nếu như thực nhận được bản tánh thì ham muốn đó tự nhiên vô nghĩa đối với mình chẳng cần phải mất công đi diệt nó.

Tôi:

Thưa thầy, vậy thì dùng pháp gì để nhận được bản tánh đó?

Đại đức:

Có nhiều người thường nói rất nhiều về ông chủ hay bản tánh, nhưng thực chất cái nhận thực sự lại hoàn toàn khác.

Lúc đó thấy Đại đức chuyển chủ đề, tôi nghĩ rằng có thể thầy đánh giá thấp mình hoặc là chưa muốn nói vì là người lạ. Tôi có khởi ý rằng sẽ dùng chiêu mà thầy A gà (Nhận bản tánh là của trí hay của ý..) để quay qua hỏi Đại đức nhưng lại thôi vì nhớ rằng Thầy A có dặn dùng nó để thử xem người đó có thực sự tới được chỗ đó chưa, mà ở đây tôi thấy chưa đủ duyên, chưa thực sự cần thiết.

Khi về đến nhà chị Liên, mọi người ngồi vây quanh Đại Đức, Thầy A bảo tôi lên xin thầy để cho mọi người trình kiến giải, tôi đến trước Đại đức và xin cho một số trong bọn con được trình kiến giải với thầy để thầy xem tới đâu và chỉ bảo thêm cho bọn con. Sau đó mọi người bắt đầu trình kiến giải theo lịch thầy A đã định từ trước. Đầu tiên là cô Huế, cô lên nhưng run quá không trình được sau đó Đại đức nói: bây giờ ai khá nhất lên trình thử xem. Lúc đó anh Tú bắt đầu trình, anh hỏi thầy về kiến giải “thu sáu hoà hợp về một tinh minh” trong sách thiền. Tôi không nhớ rõ nhưng đại thể thầy hỏi anh những cái biết của sáu căn có điểm gì chung? (tôi hiểu là thầy muốn nói tới ông chủ hay thể tánh). Sau đó hai người còn trao đổi tiếp về thấy ông chủ, anh Tú cố dồn Đại đức vào thế bí, còn lời lẽ của Đại đức thì hơi quanh co. Nhưng vấn đề tôi để ý lúc này lại xoay qua anh Tú vì anh vừa nói vừa cười và tôi thấy có biểu hiện coi thường đối phương, mà quá trình này diễn ra từ đầu đến cuối, tôi có ý định ngăn anh lại. Lúc này tôi rất băn khoan tự hỏi nếu quả thực như vậy thì thật gay, anh là người khá nhất lớp mà để tuột ông chủ đến như vậy mà không nhận ra, vậy thì làm sao mình và mọi người nhận ra được?. Rồi tôi lại nghĩ rằng cỏ đấy cỏ đấy !! Tiếp theo, Đại đức có lẽ để gỡ thế bí liền đưa ra một công án và yêu cầu xem có ai giải thích được không.

Đại ý lúc đó tôi hiểu rằng công án đó nói về chỗ thấy của nhà sư và câu chuyện còn nhấn mạnh chỗ thấy ấy “nóng lạnh tự biết” chứ nói cho người khác, không khéo người ta dễ hiểu sai: “chuyện này tôi biết cô biết đừng cho bà ấy biết”. Lúc đó thầy A bảo anh Tú trả lời, anh có nói vài câu nhưng có vẻ không được, rồi thầy bảo tôi và cô Minh, Cô Minh có đưa tờ giấy gì đó cho Đại đức và sau đó tôi thấy thầy A phăm phăm bước lên, ngồi chễm chệ trên ghế trước Đại đức, rót nước mời ngài, rồi làm một số động tác khác, lúc đó tôi mới hiểu trình kiến giải là như vậy, trình ông chủ của mình ra. -Lúc đó Đại đức nói: Anh làm những thứ đó để làm gì? -Thầy A tiếp tục đưa tờ giấy của cô Minh cho Đại đức và nói điều gì đó. -Đại đức: những thứ đó với tôi là thừa, tôi yêu cầu anh trả lời câu hỏi của tôi cơ mà? Anh đưa cái này để làm gì? -Thầy A: Con đang trả lời thầy đó. -Đại đức: Thế này chưa đúng, -Thầy A: trong đây lại có đúng sao? -Đại đức: tôi cần anh dùng ngôn ngữ trả lời cho những người chưa biết gì hiểu được. -Thầy A: Vậy thì được và thầy bắt đầu giải thích, đại ý là chỗ thấy của vị đại sư đó là bặt hết tất cả duyên khởi với ngoại cảnh. -Đại đức: Muốn tôi giải thích theo kiến giải của tôi không? mọi người đồng ý và ngài bắt đầu giải thích (nội dung hơi dài dòng nên tôi không nhớ). -Thầy A: Nội dung của thầy cũng giống con nhưng cách trình bầy hơi khác. Nhưng con muốn hỏi thầy liệu đây có chắc là ý của vị Thiền Sư đó không? -Đại đức: Không! nhưng có nhiều vị thiền sư ngày xưa cũng giải thích như vậy. -Thầy A: Thầy có chắc các vị đó hiểu đúng ý của vị thiền sư không? -Đại đức: không -Thầy A: Thưa Thầy, tu tập như vậy đã đúng chưa, có thể đi đến giải thoát hay không? …… Hai người còn tiếp tục trao đổi với nhau một lúc, sau đó thầy A chủ động giải tán quốc hội.

Hẹn Đại đức dịp khác vì không còn thời gian. Qua cuộc trao đổi giữa hai người, tôi nhận ra được rõ ràng hơn về mục đích của việc trình kiến giải: dù mình trình một huyền hay hai huyền, thì mục đích rốt ráo vẫn là trình ông chủ, trình chỗ thấy của mình cho đối phương nhưng phải song song với việc không để mất ông chủ. Còn về Đại đức thì Ngài tỏ ra là người bị tấn công nhiều hơn, và có nhiều lúc bí lý, dù rằng ngài là người ở thế trên. Và ngài hay dùng từ “theo như Kinh nói” để trình bày những kiến giải của mình điều này cho thấy điều gì? Khi chúng tôi sang nhà chị Khanh để gặp Đại đức, lúc đó Đại đức có nói rằng “Anh A cũng đã đạt đến chừng mực nào đó…Tôi chỉ cần qua câu trả lời không khế hợp của vị ấy là tôi biết vị ấy đã kiến tánh chưa, ở đây có một số chuyên môn để thử mà chỉ người trong nhà mới biết. Còn chỗ vị ấy giải thích công án có liên quan đến tình cảm của cô gái thì hoàn toàn sai, nhưng vì vị ấy đang giữ vị trí người giảng, có nhiều khía cạnh tế nhị nên tôi không tiện nói, để khi nào vị ấy đến chùa Hưng Long tôi sẽ nói cho vị ý hay chỗ sai của vị ấy. (Tôi khởi ý, vị này không tốt đang hạ thấp người khác rồi nhận ra mình đang ăn cỏ).

Tiếp theo tôi có hỏi Đại đức những câu hỏi mà tôi đã từng hỏi khi đèo Ngài: Con thì chỉ mới tu được hai tháng nên chưa rõ là mình tới được đoạn nào rồi, nhưng so với trước đây, con sống ung dung tự tại hơn, ít khởi loạn tưởng, so sánh hơn hẳn. lúc khởi thì mình nhận ra và vọng đó liền biến mất. Xin thầy chỉ dạy thêm cho con xem phải tu tiếp thế nào? -Đại đức: Phải luyện tới chỗ nhìn cái chén chỉ là hình dáng, màu sắc như thế, như thế (đại đức chỉ cái chén). -Tôi: Con cũng đã luyện pháp đó, đã có thể nhìn như vậy, và nghe tiếng nói không hiểu nghĩa mà chỉ thấy là những âm thanh. Vậy bước tiếp theo phải làm sao? -Đại đức: Cái trước cái niệm âm thanh đó là cái gì? -Tôi: Xin thầy chỉ cho con Pháp nào trợ duyên để thấy được niệm đó? -Đại đức: Chỉ cần ngay từ đầu mình nuôi ham muốn thấy tánh một cách mạnh mẽ là tự những cản trở như ham muốn hay những trở lực khác sẽ bị tiêu diệt, đốt cháy. (Tôi thấy ở đây Đại đức chỉ đưa ra pháp lấy dục diệt dục mà không có pháp trợ duyên nào khác).

Tiếp đến chị Hà trình bầy chỗ thấy của mình (đại khái là sống tuỳ duyên, vọng niệm khởi liền biết….) và xin Đại đức chỉ bảo thêm. -Đại đức đặt câu hỏi rằng: từ sáng đến giờ những ham muốn đó vẫn cứ khởi phải không? -H: Vâng. – Đại đức: thế còn bây giờ nó có khởi không? -H: không – Đại đức Tại sao không khởi, mình có tác ý không, mọi người có thấy rằng ham muốn cứ khởi rồi mất, rồi khởi, nó có liên tục không? -H: Không. – Đại đức: Vậy thì ở đoạn giữa đó là thế nào và thầy đưa ra một kiến giải đại ý là: mọi người hiểu sai về pháp của Hoà thượng, thấy ngài nói vọng niệm khởi liền biết thì cho rằng pháp của ngài như thế, nhưng thực ra cái biết đó là trực nhận ngay trong một vọng niệm khởi nào đó, và sau lần à đó thấy được rằng mọi công phu tu tập để dẹp bỏ vọng niệm ham muốn từ trước đến giờ của mình là vô ích. Mình hoàn toàn giải thoát khỏi vọng khởi ham muốn đó. Đó mới chỉ là cái ngộ nhỏ, ở đây ta vẫn chưa thấy tánh, vẫn còn phải tiến thêm nhiều bước nữa. Tôi chỉ gợi ý đến đây thôi. Ở đây, tôi thấy chỗ không hợp lý, vì đức Phật đã chỉ rõ ham muốn là gốc của khổ, như vậy giả dụ (Không bàn đến vô minh) nếu thực sự ta đã “hoàn toàn thoát khỏi vọng khởi ham muốn” nghĩa là ta đã thoát khổ, mục đích đề ra đã hoàn thành, vầy thì còn cần gì phải tiến thêm nữa??? – tôi nhận thấy rằng thấy được chỗ thiếu lô-gíc ngay trên lời nói của đối phương thì chỉ cần ta giữ vững ông chủ,. Nhưng mặt khác, nếu muốn tìm ra những chỗ thiếu sơ hở trong lời nói của đối phương với những căn bản giáo lý của đức Phật thì bắt buộc ta phải thấu đạt những căn bản đó trước đã. Điều này giúp ta nhận định đối phương chính xác hơn dù rằng có thể trình độ của ta còn kém họ.

Ở đây tôi băn khoăn không biết Pháp mà Đại đức nói là Pháp gì ??? (Vì phải nghĩ một lúc mới ra kiến giải này nên tôi cũng không quay lại truy cứu thêm nữa), Hôm sau, nghe thầy A giải thích tôi mới hiểu đó là chỗ sống tuỳ duyên: đói ăn, khát uống mệt ngủ liền…. Vậy mà Đại đức lại cho là đã “đã hoàn toàn thoát khỏi vọng khởi ham muốn”. Cuối buổi, Đại đức có hướng dẫn về cách ngồi thiền (Từ khâu khởi động đến khâu xả thiền) mà tôi thấy rất qui củ và hợp lý về mặt dưỡng sinh. Khi Đại đức hướng dẫn cách để tay, ngài bảo phải đệm bên chân thấp hơn để để tay được thoải mái và có thể ngồi lâu hơn… Lúc đó cô Qui có nói “Thế mà thầy A lại dạy để như thế kia!!!” (Nếu cô Qui chưa nắm vững yếu quyết cách ngồi mà thầy chỉ thì nên hỏi lại nhé!) Tôi khởi ý rằng: ngay pháp đơn giản đó mà mình không nhận rõ được tác dụng của nó, không phân biệt được chỗ hay, dở để học lấy chỗ hay thôi thì thật là nguy hiểm. Điều này nhắc nhở tôi phản tỉnh xem xét thật kỹ những lời Đại đức nói. Tôi thấy rằng: Trừ cách khởi động và xả thiền rất khoa học, còn đâu những lời ngài nói mang tính chất rất chung chung. Ngài đưa ra những gợi ý mà bản thân tôi đã biết rồi. Còn cách ngài nói về người khác thì bản thân tôi thấy rằng ngay cả một người bình thường, nếu được gọi là người tử tế cũng sẽ không phạm phải những lỗi như vậy. Qua những điều trên, tôi thấy rằng khi đối mặt với một vị xuất gia, nếu mình giữ vững ông chủ thì mình phải thấy vị đó như một người bình thường không hơn. Lúc đó ta mới có thể tỉnh táo phân biệt đúng sai trong lời nói và hành động của họ. Có thể vì do ngay lúc đầu gặp Đại đức tôi đã khởi ý khinh địch, nên tôi mới có được những nhận xét trên, chứ nếu đổi lại là một vị Hoà thượng nổi danh nào đó thì lúc đó chưa biết thế nào!!

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục