Mục đích của giữ giới là hiện tại lạc trú

Nhân một bài kinh mà Thiền Việt Nam chia sẻ về khả ý và không khả ý. Trong đó có nhắc đến khái niệm “giới hạnh”. Vậy giới hạnh là gì? Giới hạnh là giữ giới tốt, không phạm giới. Từ đây, chúng tôi thấy có cơ duyên để viết rõ hơn về giữ giới. Bởi nhiều người, khi nghĩ đến giữ giới là sẽ thấy căng thẳng mệt mỏi và bị ép buộc làm. Vì hiểu như vậy nên mất đi tính hiệu quả cũng như ý nghĩa của giữ giới.

Mục đích của giữ giới là hiện tại lạc trú
Mục đích của giữ giới là hiện tại lạc trú

Giữ giới là gì?

Cùng Thiền Việt Nam đọc qua đoạn kinh mà Đức Phật có nói về việc giữ giới và ý nghĩa của giữ giới.

“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan từ chỗ độc cư tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn, giữ giới có ý nghĩa gì?

Đức Thế Tôn đáp:

– Này A-nan, giữ giới có ý nghĩa là khiến cho không hối hận. Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận.

– Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có ý nghĩa gì?

– Này A-nan, không hối hận thì có ý nghĩa khiến cho được hân hoan. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan.

– Bạch Thế Tôn, hân hoan có ý nghĩa gì?

– Này A-nan, hân hoan có ý nghĩa là khiến cho có hỷ. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ.

– Bạch Thế Tôn, hỷ có ý nghĩa gì?

– Này A-nan, hỷ có ý nghĩa là khiến cho tĩnh chỉ. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có tĩnh chỉ của thân.

– Bạch Thế Tôn, tĩnh chỉ có ý nghĩa gì?

– Này A-nan, tĩnh chỉ có ý nghĩa là khiến cho lạc. A-nan, nếu ai tĩnh chỉ người ấy có cảm thọ lạc.

– Bạch Thế Tôn, lạc có ý nghĩa gì?

– Này A-nan, lạc có nghĩa khiến cho có định. A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định”. …

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Hà nghĩa, số 42 [trích])

Từ “giới” ở đây có thể hiểu là ranh giới, giới hạn hoặc quy định, và “giữ” có nghĩa là duy trì, bảo vệ hoặc tuân thủ. Giới là khái niệm được sử dụng rộng rãi trong đạo Phật để chỉ sự giới hạn trong hành động (giới thân) và tư tưởng (giới tâm). Sau khi đọc đoạn kinh này ta có được “giữ giới có ý nghĩa là khiến cho không hối hận”. Giới là hàng rào, là giới hạn, là những điều mà nếu làm, ta sẽ cảm thấy hối hận.

Phiên âm chữ śīla trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là giới luật, Hán văn thường dịch là giới. Là những điều ngăn cấm phòng ngừa những hành vi bất thiện mà hàng tăng ni phải giữ. 

Một ví dụ về giữ giới?

“Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Vị ấy từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt.

Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy. Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ các món ăn phi thời; từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ không dùng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, trang sức, và các thời trang; từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ không nhận vàng và bạc; từ bỏ không nhận các hạt sống; từ bỏ không nhận thịt sống, từ bỏ không nhận đàn bà con gái; từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ không nhận cừu và dê; từ bỏ không nhận gia cầm và heo; từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái; từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai; từ bỏ không dùng người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới; từ bỏ không buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

Vị ấy sống biết đủ, bằng lòng với tấm y để che thân với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh, cũng vậy, Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo.

Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc thọ không khuyết phạm.”

Giải nghĩa ý nghĩa của giữ giới

Thiền Việt Nam sẽ không bàn về những loại giữ giới hoặc nhóm ý nghĩa mang tính nguyên tắc. Mà chúng tôi sẽ trao đổi về bản chất của giữ giới.

a. Giữ giới là tự do, chứ không phải kỉ luật

Thông thường, giới thường được thể hiện ở những điều không được làm, chứ không phải quy định những hành động cụ thể cần phải thực hiện. Điều này cho phép con người được tự do tìm kiếm cách sống đúng với tư cách và giá trị của bản thân mình.

Khi tùy khưu thọ giới, người tu tập chỉ giữ những giới đã thọ, còn giới nào không thọ thì cần phải xả bỏ để đạt được sự tư do và thanh tịnh trong tâm hồn. Ví dụ như một vị cư sĩ qui y thọ ngũ giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu). Ngoài những giới này, vị cư sĩ không cần phải giữ thêm giới nào, và nếu có giới nào đang thọ thì cần phải xả bỏ để có được sự tự do trong tâm hồn.

Giữ giới có nghĩa là cho mình tự do trong phạm vi được quy định bởi giới.

Ví như có một người khi tham gia thời thiền từ 7g tối đến 9g tối trong khoá Thiền đột phá của Thiền Việt Nam. Người này được yêu cầu không được dùng điện thoại, không được nằm ngủ, không được nói chuyện với người khác, không được làm đau mình hoặc làm đau bạn cùng lớp. Chỉ cần không được làm các điều này, còn lại tự do muốn làm gì thì làm. Giữ giới nghĩa là người này sẽ không làm 4 điều trên, ngoài 4 điều trên thì người này tự do muốn làm gì thì làm.

b. Giữ giới tuỳ theo ý nguyện và năng lực, chứ không phải ép mình

Tuy nhiên, giới không phải là những quy tắc cứng nhắc và không thay đổi. Các giới luật cũng có thể thay đổi và điều chỉnh theo thời gian và hoàn cảnh.

Ví dụ như có những vị tỳ khưu trong quá trình giữ giới nếu cảm thấy ý nguyện của bản thân có mong muốn lập gia đình và muốn thực hiện ý nguyện này. Vị tỳ khưu ấy có thể xuất chúng để hoàn tục, sau đó có thể lập gia đình. Việc giữ giới không phải là một công việc ép buộc mà tuỳ thuận theo ý nguyện và năng lực của mỗi người.

Hoặc có một ví dụ về một đoạn kinh, trong quá trình chiến tranh giữa hai nước, vì phải giữ giới không sát sanh mà quân đội nước này bị thất thoát nặng nề. Vị vua đã đến gặp Đức Phật để xin Đức Phật cho bỏ giữ giới sát sanh, và Đức Phật cũng đồng ý điều này.

Nói ở đây, không phải là buông thả. Mà giữ giới phải tuỳ thuộc theo ý nguyện và năng lực của mỗi người. Có những người có thể giữ được các giới này, nhưng có những người khác thì không. Điều quan trọng trong bước đường tu tập là thành thật với bản thân và để cho mình được tự do ở trong vùng được “giới” qui định. Trong vùng tự do này, nếu có những niềm tin giới hạn (không được qui định trong giới) vẫn trói chặt ta. Lúc này, ta cần xả bỏ nó để bản thân được tự do.

Tránh việc trốn tránh, đánh giá bản thân hoặc ép mình phải tuân thủ các giới cấm. Việc thủ giữ các giới cấm còn được gọi là giới cấm thủ.

Hộ trì căn – bước tiếp theo của thực hành Giữ giới

Sau khi thành tựu giữ giới và có được sự tự do trong tâm hồn, phá được sự thủ chấp vào các giới cấm. Nếu người tu tập, học tập muốn phát triển tiếp thì sẽ thực hành hộ trì căn. Dưới đây là đoạn kinh hướng dẫn về cách hộ trì căn.

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi hương … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status