Yếu quyết của pháp tu Sống với chính mình

Yếu quyết (hay cốt lõi), của pháp tu “Sống với chính mình (hay sống với Ông chủ)”, là ở ba chữ “tự làm chủ”.

Tự làm chủ

Ta vốn là “chủ nhân ông”, có quyền sai sử, điều khiển mọi việc, có quyền tự chủ trong mọi hành động của mình về thân, khẩu, ý. Nhưng từ vô thỉ kiếp đến giờ, ta lại bị bản năng, dục vọng, và định kiến (tức vọng tưởng, nghiệp lực) giật dây, điều khiển, nên mất quyền tự chủ, trở thành một “ông chủ bù nhìn”.

Tuy vẫn là ta hành động, nhưng những hành động ấy, không phải là do tự ta hành động, mà ta hành động theo sự điều khiển, giật dây của bản năng, dục vọng, và định kiến. Giống như ông vua một nước, vốn tự có quyền ban phát mọi mệnh lệnh, cho thuộc cấp thi hành, không lệ thuộc vào một ai cả. Nhưng ông vua đó lại bị Tể tướng giật dây, điều khiển, lệ thuộc vào ý kiến của tể tướng, không dám tự quyền ban mệnh lệnh, trở thành một ông vua bù nhìn. Tuy vẫn là vua ban mệnh lệnh, nhưng mệnh lệnh ấy không phải là do tự vua ban ra, mà là vua ban ra theo sự điều khiển, giật dây của tể tướng.

Tập nắm lại quyền lực của mình

Bởi vậy, bây giờ ta phải tập nắm lại quyền lực của mình, làm mọi việc theo ý của mình, không theo sự giật dây, điều khiển của bản năng, dục vọng, và định kiến. Ðối với những ý kiến của bản năng, dục vọng, và định kiến.Ta có thể tự ý làm theo, hay không làm theo, với chủ kiến riêng của mình.Giống như ông vua tập làm vua trở lại, nắm lấy quyền tự ban mệnh lệnh của mình, không theo sự giật dây, điều khiển của tể tướng nữa. Ðối với những lời xúi bẩy, ý kiến của tể tướng, vua có thể tự quyền tùy ý làm theo, hay không làm theo, với chủ kiến riêng của mình.

Ta tập tự làm chủ sự nói, nín; đi lại, chạy nhảy; hoạt động hoặc không hoạt động; suy nghĩ, nhận biết,vvv của mình.

Ta muốn nói thì nói, muốn nín thì nín; không để bị kẹt vào nín, bị nín trói buộc; cũng không để bị kẹt vào nói, bị nói trói buộc.

Ta muốn nói cái gì, thì nói cái đó; muốn nói phải, thì nói phải; muốn nói trái, thì nói trái; không nói theo sự điều khiển, lôi kéo của bản năng, dục vọng.

Ta muốn đi thì đi, muốn đứng thì đứng, muốn ngồi thì ngồi, muốn nằm thì nằm; muốn ngồi thiền 1h, thì ngồi thiền 1h; muốn ngồi thiền 2h, thì ngồi thiền 2h; muốn ngồi thiền 3h, thì ngồi thiền 3h; muốn ngồi thiền 4h, thì ngồi thiền 4h;vvv không để bị sự điều khiển, lôi kéo của bản năng, dục vọng.

Ta muốn khởi tâm, thì khởi tâm; muốn không khởi tâm, thì không khởi tâm. Ta muốn khởi nhận biết, thì khởi nhận biết; muốn không khởi nhận biết, thì không khởi nhận biết. Ta muốn lý luận, thì lý luận; muốn không lý luận, thì không lý luận. Ta muốn dụng tâm trí, thì dụng tâm trí; muốn không dụng tâm trí, thì không dụng tâm trí. Ta muốn suy nghĩ, thì suy nghĩ; muốn không suy nghĩ, thì không suy nghĩ. Ta muốn khởi tâm phân biệt, thì khởi tâm phân biệt; muốn không khởi tâm phân biệt, thì không khởi tâm phân biệt. Ta muốn sống với hiện tại, thì sống với hiện tại; muốn không sống với hiện tại, thì không sống với hiện tại. Ta muốn chấp nhận thực tại, thì chấp nhận thực tại; muốn không chấp nhận thực tại, thì không chấp nhận thực tại.vvv. Ta muốn tác ý làm cái gì, thì tác ý làm cái đó; muốn không tác ý làm cái gì, thì không tác ý làm cái đó, không để bị sự điều khiển, lôi kéo của bản năng, dục vọng và định kiến.

Ta muốn nổi sân, thì nổi sân; muốn không nổi sân, thì không nổi sân. Ta muốn tham, thì tham; muốn không tham thì không tham. Ta muốn khởi sầu, bi, khổ, ưu, não, thì khởi sầu, bi, khổ, ưu, não; muốn không khởi sầu, bi, khổ, ưu, não, thì không khởi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta muốn khởi tâm từ, bi, hỷ, xả, thì khởi tâm từ, bi, hỷ, xả; muốn không khởi tâm từ, bi, hỷ, xả, thì không khởi tâm từ, bi, hỷ, xả. Ta muốn vui vẻ, thì vui vẻ; muốn không vui vẻ, thì không vui vẻ vvv. Tóm lại ta muốn sao thì được vậy, không để bị sự điều khiển, lôi kéo của bản năng, dục vọng và định kiến.

Chú ý

Bài viết này là để dành cho những người đã có một chỗ nhận thâm sâu về pháp “Sống với chính mình” đọc. Nó không dành cho những người mới có được chỗ nhận cạn cợt, hoặc chưa biết gì (chưa ngộ) về pháp “Sống với chính mình” này. Với những người đó, nếu đọc sẽ phát sinh nhận thức sai lầm, mà rơi vào phóng túng, buông lung. Họ sẽ hiểu lầm sự tự do, làm theo ý thích của “Ta”, thành sự tự do, làm theo ý thích của bản năng, dục vọng và định kiến (tức là vọng tưởng, nghiệp lực). Thay vì giải phóng chính mình khỏi bản năng, dục vọng và định kiến, họ sẽ hiểu thành giải phóng bản năng, dục vọng định kiến khỏi ý chí, khỏi ý thức. Đây là một sự ngộ nhận rất lớn, cần phải cảnh giác.

Cái “À” thứ nhất

Đối với những người đã có được một chỗ nhận thâm sâu về pháp “Sống với chính mình”, hãy quán chiếu, suy gẫm nghĩa lý trong bài viết này mỗi ngày. Lâu ngày, chày tháng bỗng “à” lên một tiếng, liền được sự “tự thọ dụng” như ý, chẳng cần tập luyện, Tự do, tự tại sử dụng quyền của mình một cách vô ngại.

Cách tránh ngộ nhận cái “À” thứ nhất này

Để tránh ngộ nhận về chỗ “à” này, ta hãy theo dõi mọi hoạt động của mình trong cuộc sống, trong sự tu tập, để phát hiện xem chỗ nào ta đã làm (hành) theo được như vậy, chỗ nào chưa làm theo được, và tìm hiểu xem lý do vì sao?

Trong trường hợp không làm theo được, có hai lý do:

Lý do thứ nhất: do quên, mất cảnh giác mà bị bản năng, và dục vọng, kéo lôi, không tự làm chủ được. Khi nhớ lại, ta có thể nắm quyền lại ngay, nếu sức lôi kéo của bản năng, và dục vọng yếu hơn sức tự chủ; còn nếu ngược lại sức lôi kéo của bản năng, và dục vọng mạnh hơn sức tự chủ, thì ta đành chịu thua.

Lý do thứ hai: do bị ngăn trở, bị giới hạn bởi định kiến (kiến giải, nhận thức về pháp tu) của mình – chỗ nào ta không dám dùng diệu dụng của mình, tức là chỗ đó ta bị rơi vào trường hợp này.

Ta cần phải phân biệt rõ hai trường hợp. Trong trường hợp thứ nhất ta có thể nhận biết được, khi bị rơi vào. Còn trong trường hợp thứ hai, thì ta không thể nhận biết được, nên dù bị rơi vào, mà ta vẫn tưởng là không bị rơi vào.

Khi có cái “à” này, tức là khi đó ta phá tan mọi kiến giải sai lầm, mọi sự ngộ nhận về pháp tu này. Khi đó ta mới chứng ngộ được pháp tu này một cách hoàn toàn. Do đó ta không còn bị rơi vào trường hợp thứ hai nữa, không còn bị định kiến trói buộc nữa, mà chỉ còn bị rơi vào trường hợp thứ nhất mà thôi.

Từ đó: ta thấy rằng nếu mình đã “à” rồi, mà sau đó lại phát hiện ra một kiến giải sai lầm (rơi vào trường hợp thứ hai) – sự phát hiện này có thể do ta tự tìm ra, hoặc do người khác chỉ ra cho ta – thì điều đó có nghĩa là ta chưa thực sự có cái “à”(Ngộ) Ta cần phải tiếp tục quán chiếu, suy gẫm bài viết nói trên sâu hơn nữa để có cái “à” thực sự.

Các vấn đề cần lưu ý

Có một vấn đề ta cũng cần phải cảnh giác. Đó là sự khéo léo của bản năng, dục vọng và định kiến. Ở đây nó không công nhiên tiếm quyền, mà nó có thể lừa gạt ta, biến ý kiến của nó thành ý kiến của ta. Ta tưởng rằng mình vẫn nắm quyền tự làm chủ, nhưng thực ra đã bị mất một cách tinh tế mà không biết.

Ví dụ khi bắt đầu vào ngồi thiền ta dự định ngồi 3h đồng hồ. Nhưng mới chỉ ngồi được 2h thì, ý muốn xả khởi lên. Như lúc trước thì ta bị nó lôi kéo, điều khiển việc xả thiền này. Bây giờ ta đã nắm quyền tự làm chủ, và ta cứ việc xả theo ý của mình (muốn xả thì xả) – đó chính là ta bị bản năng lừa gạt. Ta cứ tưởng đó là do tự ý của mình, nhưng thực ra đó chính là ý của bản năng. Chỉ có điều nó khéo léo biến thành ý của ta mà thôi.

Mặt khác cũng cần lưu ý thêm hai vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất: dù rằng đã có được cái “à” thực sự, không có nghĩa là ta đã đạt được “Sự như ý” ngay. Bởi vì chỗ nhận này là chỗ nhận sanh diệt, lúc nhớ, lúc quên, nên việc tự làm chủ cũng lúc được lúc mất. Chính vì vậy mà vẫn còn bị rơi vào chỗ mất tự chủ theo lý do thứ nhất. Ta cần phải tìm hiểu xem làm cách nào để giải quyết vấn đề này, để không còn mất tự chủ nữa?

Vấn đề thứ hai: dù đã “à” thực sự rồi, thì ta cũng cần phải tỉnh táo xem xét lại pháp tu này. Đây đã phải là pháp tu thực sự đưa ta tới giải thoát hay chưa? Thực ra thì chưa phải! ở đây ta vẫn còn bị kẹt nơi một kiến giải, đó là “Tự làm chủ”, là “Sống với chính mình”. Nghĩa là ta vẫn còn bị một định kiến, sự nhận thức vẫn chưa được giải thoát hoàn toàn. Ta cần phải buông bỏ nó, thì mới có thể thể nhập vào Đạo được. Nhưng làm sao để buông?

Để cho bạn đọc thấy rõ, nhận biết rõ chỗ kẹt của pháp “Tự làm chủ” này, tôi xin nêu ra một vài vấn đề như sau: Đây là một pháp tu “hữu tâm”, chưa phải pháp “vô tâm”. Tâm đó chính là tâm “làm chủ”. Ta cần phải đạt tới chỗ “làm chủ”, mà không có tâm làm chủ (không có sự chủ ý, cố ý làm chủ); hoạt dụng tự tại, mà không có tâm hoạt dụng tự tại (không có sự chủ ý, cố ý hoạt dụng tự tại). Nghĩa là ta cần phải có một cái Ngộ nữa.

Lưu ý rằng sự làm chủ mà không có tâm làm chủ này, không phải là làm chủ tự nhiên, mà vẫn còn phải dụng tâm, tác ý mới được, chỉ có điều là không phải dụng tâm, tác ý để làm chủ mà thôi. Đây là pháp “tâm không nhân”. Nếu làm chủ tự nhiên thì đó là “tâm không quả”, không phải là một pháp tu. Chỉ có “tâm không nhân” mới là một pháp tu mà thôi.

Dấu hiệu của “hữu tâm”(có tâm làm chủ) là không tôn trọng tính hình thức của ngôn ngữ; không tôn trọng tính hợp lý khách quan trong câu nói, nói năng bất qui tắc, không đi vào khuôn khổ, vi phạm tính nhất quán, có thể mâu thuẫn với công lý, hoặc mâu thuẫn nội tại,vvv

Trong pháp “vô tâm” (pháp tâm không) thì tôn trọng tính hình thức của ngôn ngữ; tôn trọng tính hợp lý khách quan trong câu nói, nói năng tuân thủ các qui tắc, theo khuôn khổ, không vi phạm tính nhất quán, không có sự mâu thuẫn với công lý, và không có mâu thuẫn nội tại,vvv.

Đối với người chấp trước ngôn ngữ thì quan tâm đến nội dung, ý nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ, quan tâm đến sự đúng, sai của nó theo nhận thức chủ quan của mình và chấp kẹt vào nó.

Người ngộ được pháp “Tự làm chủ” thì không bị ngôn ngữ trói buộc, không chấp trước vào ngôn ngữ, không quan tâm đến nội dung, ý nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ, không quan tâm đến sự đúng, sai của nó theo nhận thức chủ quan của mình, và không chấp kẹt vào nó. Đồng thời cũng không tôn trọng tính hình thức của ngôn ngữ; không tôn trọng tính hợp lý khách quan trong câu nói, nói năng bất qui tắc, không đi vào khuôn khổ, vi phạm tính nhất quán, có thể mâu thuẫn với công lý, hoặc mâu thuẫn nội tại,vvv

Người ngộ được pháp “Tâm không” thì không bị ngôn ngữ trói buộc, không chấp trước vào ngôn ngữ, không quan tâm đến nội dung, ý nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ, không quan tâm đến sự đúng, sai của nó theo nhận thức chủ quan của mình, và không chấp kẹt vào nó. Đồng thời tôn trọng tính hình thức của ngôn ngữ; tôn trọng tính hợp lý khách quan trong câu nói, nói năng tuân thủ các qui tắc, theo khuôn khổ, không vi phạm tính nhất quán, không mâu thuẫn với công lý, và không có mâu thuẫn nội tại,vvv

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục