Tìm hiểu ý nghĩa câu “Bổn lai vô nhất vật” trong bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng

Giới thiệu bài kệ

Trong kinh Pháp Bảo Đàn có ghi lại bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng trình cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn như sau:

Trong bài kệ này, câu nào cũng mang những kiến giải xuất cách. Nhưng đắt giá nhất phải kể đến câu: “Bổn lai vô nhất vật”. Vậy ý nghĩa của nó là gì?

Nếu dịch qua tiếng Việt, ta sẽ thấy ngay ý nghĩa của câu văn quá rõ: “từ xưa tới nay, chưa từng có một vật nào cả”.

Tuy nhiên, những người có thể hiểu ý nghĩa của câu kệ này, theo đúng bản ý của Lục Tổ Huệ Năng thiệt không có bao nhiêu. Thông thường người ta hiểu nó theo nghĩa: tuyệt đối vô vật hay tuyệt đối không có gì, theo quan điểm của chủ nghĩa hư vô. Mà điều này theo tinh thần của Đạo Phật, là bị rơi vào chấp đoạn kiến. Còn một số ít người, nếu có hiểu đúng được bản ý của Lục Tổ, thì lại không giải thích; hoặc giải thích theo phong cách riêng của mình, đầy vẻ bí ẩn và khó hiểu, như truyền thống của Thiền tông. Làm cho hậu thế khó mà lãnh hội nổi.

Nay tôi xin được cả gan luận giải thử.

Không bị rơi vào chấp đoạn kiến

Trước hết, ta phải khẳng định rằng: Bản ý của Lục Tổ, phải phù hợp với tinh thần chung của Đạo Phật. Đó là không bị rơi vào chấp đoạn kiến.

Thế nào là chấp đoạn kiến?

“Chấp đoạn kiến” là một cụm từ có nhiều nghĩa. Trong trường hợp này là chấp vào tri kiến: “tuyệt đối vô vật” hay “tuyệt đối không có vật gì”.

Thế nào là chấp thường kiến?

“Chấp thường kiến” là một cụm từ có nhiều nghĩa. Trong trường hợp này là chấp vào tri kiến: “tất cả các vật đang hiện hữu một cách khách quan xung quanh chúng ta là thực có”.

Đạo Phật bác bỏ cả hai tri kiến nói trên, và khẳng định rằng: những tri kiến đó là sai lầm. Những người bị chấp vào các tri kiến đó, là bị rơi vào tà kiến.

Theo đạo Phật: ta không thể khẳng định một chiều là “có vật”, hay “không có vật” được

Theo một cách hiểu, thì “có vật” là sai. Nhưng theo một cách hiểu khác “có vật” lại là đúng.

Theo một cách hiểu, thì “không có vật” là sai. Nhưng theo một cách hiểu khác “không có vật” lại là đúng.

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu kỹ từng vấn đề một.

Tại sao nói: Theo một cách hiểu, thì “có vật” là sai, “không có vật” là đúng; còn theo một cách hiểu khác thì “có vật” lại là đúng, “không có vật” là sai?

Vấn đề ở đây là ta dùng từ “vật” với ý nghĩa như thế nào?

Danh từ “vật” có ý nghĩa là gì?

Thông thường chúng ta hiểu danh từ “vật” bao hàm hai ý nghĩa:

  • Ý nghĩa thứ nhất nó là một thực thể có thật;
  • Ý nghĩa thứ hai nó có thể là một đối tượng bị nhận biết của ta (có tướng*).

Theo đạo Phật trong thực tế, hoàn toàn không thể tìm được một vật nào, có đầy đủ hai ý nghĩa trên. Do đó đối với đạo Phật lời khẳng định “có vật”, mà “vật” được hiểu theo nghĩa đã nói ở trên, là sai. Còn nếu ta nói “không có vật” trong trường hợp này lại là đúng.

Nhưng nếu ta chỉ hiểu danh từ “vật” theo ý nghĩa nó là một thực thể có thực, mà không phải là một đối tượng có thể bị nhận biết của ta. Trong trường hợp này, nếu ta nói “không có vật” thì sai, còn nói “có vật” lại là đúng. Như vậy, đúng hay sai là tùy theo cách hiểu, trong từng trường hợp cụ thể chứ không thể cứng nhắc được.

Thông thường, những người chấp vào tri kiến “có vật”, thường hiểu ý nghĩa chữ “vật” theo nghĩa vừa là một thực thể có thực, lại vừa có tướng nên bị rơi vào sai lầm. Còn những người chấp vào tri kiến “không có vật”, thường hiểu theo nghĩa tuyệt đối vô vật, tuyệt đối không có gì, cho nên cũng bị sai lầm.

Nhóm người thứ nhất: Có thực nhưng lại có thể thay đổi, biến hoại và sanh diệt

Những người thuộc nhóm thứ nhất sai lầm bởi vì họ mang một tri kiến là: cái có thực (là thực thể) lại có thể thay đổi, biến hoại và sanh diệt. Theo đạo Phật phàm bất cứ một cái gì, mà đã được gọi là có thực, thì nó phải bất biến, không thay đổi, không biến hoại và không sanh diệt. Sự biến hoại, thay đổi, sanh diệt chỉ diễn ra trên hình tướng, trạng thái của nó mà thôi, chứ không diễn ra trên thể, nghĩa là về lượng và về chất được. Lượng và chất của nó phải bất biến.

Nhóm người thứ hai: tuyệt đối vô vật, hoàn toàn chẳng có cái gì là thực cả, tất cả đều không

Còn những người thuộc nhóm hai, họ biết được rằng tri kiến “vật có thực bị thay đổi, biến hoại và sanh diệt” là sai. Nhưng vì không thể tìm được một vật nào bất biến, thường hằng, không thay đổi, không biến hoại, và không sanh diệt. Cho nên họ bị rơi vào chủ nghĩa hư vô, phủ nhận hiện hữu, chấp vào tri kiến: “tuyệt đối vô vật, hoàn toàn chẳng có cái gì là thực cả, tất cả đều không”. Trong nội dung của tri kiến đó bao hàm hai nghĩa:

Thứ nhất nó phủ nhận sự tồn tại của vật có thực, không thay đổi, không biến hoại và không sanh diệt, nhưng không phải là một đối tượng bị nhận biết của ta (không có tướng).

Thứ hai nó phủ định những vật hiện hữu mà ta đang thấy.

Tinh thần của đạo Phật về những vấn đề này hoàn toàn khác.

Vấn đề thứ nhất: Đạo Phật chấp nhận có một vật duy nhất trường tồn, thường hằng, bất biến, không thay đổi, không biến hoại và không sanh diệt. Nhưng theo đạo Phật thì vật này chính là TA, chính là chủ thể nhận biết, chứ không phải là một đối tượng bị nhận biết của ta. Ta không thể tìm thấy được nó, vì nó nằm ngoài giới hạn nhận biết của ta. Nó không có tướng. Đạo Phật gọi tên nó là Chân Như, hay Pháp Thân, Như Lai v.v…

Vấn đề thứ hai: Đối với các vật có hình tướng đang hiện hữu trên thế gian, đạo Phật không chấp nhận chúng là thực có. Bởi vì, chúng bị thay đổi, biến hoại, và sanh diệt. Nhưng đạo Phật cũng không chấp nhận tri kiến: “các vật đó tuyệt đối không có”, giống như cảnh vật xuất hiện trong mơ, như hoa đốm giữa hư không. Theo đạo Phật, các vật đó là giả có, do nhân duyên hòa hợp mà thành. Bởi vì những hình tướng mà chúng ta thấy, tuy là hư vọng, như hoa đốm giữa hư không. Nhưng chúng phải có nơi y cứ, có chỗ nương tựa, mới có thể hiện ra được. Chỗ nương tựa đó lại có thực, nhưng ta không thấy được nó, mà chỉ thấy được các hình ảnh gá nương vào đó mà thôi. Bởi vì chỗ nương tựa đó có thực, nên nó là một thực thể. Đó chính là Chân Như**, có thực, không thay đổi, không biến hoại và không sinh diệt, nhưng không phải là một đối tượng bị nhận biết của ta, đã được trình bày ở trên.

Ẩn dụ hình ảnh và màn ảnh khi xem phim

Điều này cũng giống như khi ta xem phim. Những hình ảnh hiện ra trên màn ảnh, chúng tuy là không thật. Nhưng chúng muốn hiện ra, thì phải có nơi y cứ, có chỗ tựa nương là màn ảnh mới được. Ở đây, những hình ảnh hiện ra trên màn ảnh đóng vai trò của những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong thế gian. Còn màn ảnh đóng vai trò của Chân Như.

Nếu ta cho rằng những hình ảnh xuất hiện trên màn ảnh là thực có, thì đó cũng là một nhận thức sai lầm, tương ứng với những người chấp thường kiến. Còn nếu ta từ chỗ biết những cảnh vật đó chỉ là ảo ảnh, mà đi đến kết luận: Ở ngay chỗ đó (tức là chỗ cảnh vật hiện ra) tuyệt đối không có gì, thì cũng sai, tương ứng với người chấp đoạn kiến. Thực ra ở đó phải có phần màn ảnh để cho các hình ảnh gá nương vào. Tuy rằng: lúc đó ta không nhìn thấy màn ảnh, mà ta chỉ nhìn thấy các hình ảnh. Nhưng nhờ nhìn thấy mà chúng ta biết chắc chắn rằng: ở chỗ đó bắt buộc phải có màn ảnh.

Cũng vậy, tuy ta không nhận biết trực tiếp được Chân Như, mà chỉ nhận biết được cảnh vật. Nhưng nhờ nhìn thấy cảnh vật, mà ta biết chắc chắn rằng: ở đó bắt buộc phải có Chân Như.

Các vật mà chúng ta nhìn thấy, thông thường được chúng ta chấp nhận theo nghĩa: nó là sự hợp nhất của các hình ảnh mà ta nhìn thấy, với phần Chân Như nằm trùng với không gian mà các hình ảnh đó choán chỗ. Đạo Phật không chấp nhận các vật đó là thực có, bởi vì các hình ảnh của nó bị thay đổi, biến hoại và sinh diệt. Nhưng đạo Phật cũng không phủ định nó, vì có phần Chân Như ở trong đó, là cái có thực. Do vậy, chỉ có thể nói nó là giả có, do duyên sanh.

Ở trên ta đã phân tích, để hiểu được rõ ý nghĩa không bị rơi vào chấp đoạn kiến, hoặc thường kiến, theo quan điểm của đạo Phật. Ý nghĩa câu kệ của Lục Tổ, cũng không thể rơi vào hai biên kiến đó được. Theo tôi ý nghĩa: “từ xưa tới nay, chưa từng có một vật nào cả” phải được hiểu rõ ràng như sau: “từ xưa tới nay, chưa từng có một vật nào vừa là thực thể có thực, lại vừa có hình tướng”. Nó không phủ định sự hiện hữu của vật có thực, mà không có hình tướng, là Chân Như. Nó cũng không phủ định sạch trơn những vật đang hiện hữu, mà chúng ta đang nhìn thấy.

Viết xong ngày 2 tháng 10 năm 1988

Tác giả

Nguyễn Đức Quý

Chú thích

* Có tướng

Ở đây ta không nên nghĩ rằng: chỉ có những gì chúng ta nhìn thấy được, cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan, mới gọi là “có tướng”. Còn những gì mà ta không nhìn thấy được, không cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan thì gọi là “không có tướng”.

Danh từ “có tướng” ở đây bao hàm một nghĩa rộng hơn nhiều. Nó bao gồm cả:

  • “tướng có”: tức là những hình tướng mà ta có thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt, hoặc cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan,
  • và “tướng không” mà ta không thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt, hoặc cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan. Ví dụ như dòng điện chẳng hạn.

“Không tướng” đối lại với “có tướng”, ám chỉ tới những gì nằm ngoài giới hạn nhận biết của các giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), nằm ngoài sự đối đãi, nằm ngoài thế giới tương đối.

(Quay trở lên đọc tiếp)

** Chân như

Ở đây, độc giả dễ phát sinh hiểu lầm, là mỗi vật lại có một Chân Như riêng, thì nó làm sao có thể thay đổi, biến hoại và sanh diệt được. Bởi vì khi mà vật đó hoại đi, hình ảnh của nó tan biến đi, thì khi đó Chân Như của nó ở đâu? Không lẽ nó cũng bị biến hoại? Chân Như mà có thể biến hoại, thì đâu còn là Chân Như nữa! Cho nên, ta có thể khẳng định dứt khoát là: mỗi một vật riêng biệt không thể có Chân Như riêng. Thực ra chỉ có những hình ảnh mà ta nhìn thấy, mới có giới hạn. Mới có sự độc lập, riêng biệt và phân cách với nhau. Còn nền tảng, nơi y cứ của nó, tức là Chân Như, là một thể thống nhất, không thể chia cắt được. Họa chăng chỉ có ảo tưởng của chúng ta về sự chia cắt của nó mà thôi. Tất cả các hình ảnh mà ta nhìn thấy đều nương tựa vào một Chân Như duy nhất mà hiện ra. Chỉ có điều, mỗi một vật, một hình ảnh chỉ chiếm một phạm vi nhất định, trong những khoảng thời gian nhất định, trên nơi y cứ mà thôi.

Ta sẽ dễ dàng tìm hiểu điều này, nếu ta quan sát các cảnh vật diễn ra trên màn ảnh. Ta thấy chỉ có một màn ảnh duy nhất, không gián đoạn, không phân chia, mà có liền lạc và liên tục. Nhưng ở trên đó hiện ra vô số cảnh vật, mỗi mỗi đều tách biệt với nhau. Mỗi một vật đều chiếm một phạm vi nhất định trên màn ảnh, trong những khoảng thời gian nhất định nào đó. Trong trường hợp mà ta đang xem xét ở đây cũng vậy, chỉ có điều khác biệt là: không gian của màn ảnh là không gian hai chiều, các hình ảnh và phạm vi không gian mà nó choán chỗ cũng thuộc không gian hai chiều. Còn ở đây, không gian của Chân Như là không gian ba chiều. cho nên các hình ảnh, và không gian mà nó choán chỗ cũng thuộc không gian ba chiều.

Đến đây lại xuất hiện một vấn đề mới cần phải giải quyết. Đó là nếu bản thể của chân như là đồng nhất, chỗ này cũng như chỗ kia, thì tại sao ở chỗ này, vào thời điểm này lại xuất hiện một hình ảnh này; và cũng ở thời điểm đó ở chỗ kia lại xuất hiện hình ảnh kia. Cơ chế nào quyết định sự xuất hiện của chúng?

Đây là một vấn đề rất khó khăn và rắc rối, bởi vậy ở đây để trình bày về nó, tôi xin phép được sử dụng một vài kiến thức khoa học kết hợp với Phật pháp.

Hình ảnh và màu sắc

Trước hết, ta phải khẳng định rằng: hình ảnh của một vật mà ta nhìn thấy, bao gồm hai yếu tố là hình ảnh và màu sắc. Hai yếu tố này luôn đi đôi với nhau, và không thể tách rời nhau, chúng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Màu sắc ở trong một khoảng không gian có biên giới theo một cách nào đó, tạo ra hình dáng. Hình dáng chính là biên giới của khu vực màu sắc đó, chính màu sắc quyết định hình dáng của vật. Bởi vậy, nếu ta muốn tìm hiểu sự xuất hiện của hình ảnh, thì ta phải tìm hiểu sự xuất hiện của màu sắc.

Theo kết luận của vật lý học, thì một sóng có màu nào đó, tức là năng lượng bức xạ theo một bước sóng tương ứng.

VD: ánh sáng màu đỏ, tức là năng lượng được bức xạ với bước sóng λ = 0,6563µm.

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu cơ chế xuất hiện của ánh sáng như thế nào? Muốn vậy ta hãy xem xét một loại ánh sáng nào đó. Ví dụ ta lấy màu đỏ chẳng hạn. Nguyên lý xuất hiện của tất cả các ánh sáng khác cũng tương tự. Thường ta hay đồng hóa màu đỏ mà mắt ta nhìn thấy là ánh sáng màu đỏ. Thực ra không phải vậy.

Để thấy được điều này, trước hết ta tìm hiểu về định nghĩa ánh sáng màu đỏ: là năng lượng bức xạ trong không gian với bước sóng λ = 0,6563µm.

Ta thấy: “ánh sáng màu đỏ” là một tên gọi do ta đặt ra, quy ước với nhau để chỉ một “thực tại khách quan” tồn tại bên ngoài ý chí chủ quan của ta. “Thực tại đó” là lượng có bước sóng λ = 0,6563µm.

Tất nhiên bước sóng là khoảng cách giữa hai mặt đầu sóng, có đơn vị đo theo chiều dài không phải là màu đỏ, đối tượng mà ta nhìn thấy rồi, còn “năng lượng bức xạ” cũng không phải màu đỏ, bởi vì chỉ cần thay đổi bước sóng thì nó lập tức trở thành ánh sáng màu khác ngay.

Tóm lại xét kỹ cái “thực tại khách quan” ta không thấy có cái gì màu đỏ cả.

Nói đúng hơn: nó không phải là một đối tượng nhìn của ta. Bởi vì, giả sử nó tồn tại, và chưa truyền tới mắt ta, thì ta không thấy gì cả, nếu nó là đối tượng nhìn thấy của mắt ta, thì ta phải nhìn thấy nó đang di chuyển trong không gian mới phải. Tuy nhiên thực ra cũng không phải nó hoàn toàn không có liên quan gì với màu đỏ mà ta nhìn thấy. Chính vì nó có liên quan nên ta mới gọi nó là ánh sáng màu đỏ.

Vậy sự liên quan là gì?

Quan sát tiếp, ta thấy: khi năng lượng này bức xạ tới mắt ta, thì ta thấy một màu đỏ hiện ra, mà phạm vi choán chỗ của nó phụ thuộc vào chùm tia sáng truyền tới. Nhỏ nhất nó là một điểm tương ứng với một tia sáng. Điểm đặc biệt mà ta cần lưu ý là không phải màu đỏ nằm trên đường đi của tia sáng mà nó nằm trên vị trí của nguồn phát ra tia sáng đó. Như vậy là không phải ta nhìn thấy sự sáng và màu sắc của dòng năng lượng bức xạ, mà chính là ta thấy sự sáng và màu sắc ở nguồn phát ra dòng năng lượng đó.

Điều này nói lên ý nghĩa gì?

Để tìm hiểu ý nghĩa của kết luận trên, ta hãy xem xét ví dụ sau: giả sử, ta có một nguồn sáng ở vị trí A, phát sóng trong khoảng thời gian t’. Nguồn sáng ngưng phát sáng vì bị hủy diệt, ánh sáng phát ra từ nguồn lan truyền trong không gian khoảng thời gian t’’ đến đập vào mắt ta ở vị trí B. Và giả sử rằng khoảng thời gian lan truyền của tia sáng t’’ lớn hơn khoảng thời gian nguồn phát sáng t’ một khoảng thời gian t. Thời điểm bắt đầu phát sáng của nguồn sáng là t1, thời điểm nguồn sáng bị hủy diệt là t2, và thời điểm tới mắt ta là t3

Ta sẽ có:

  • Thời điểm ngừng phát sóng t2 = t1 + t’
  • Thời điểm ánh sáng bắt đầu truyền tới mắt ta: t3 = t1 + t’’
  • Như vậy ta sẽ có t3 = t2 + t

Thời điểm sớm nhất mà ta có thể nhìn thấy nguồn sáng t3 xảy ra sau thời điểm nguồn sáng bị hủy diệt t2 một khoảng thời gian t.

Như vậy, sau khi nguồn sáng không còn tồn tại nữa thì ta mới nhìn thấy hình ảnh của nó. Còn khi nó đang thực sự tồn tại thì ta lại không nhìn thấy nó. Đối với ta khi đó nó chưa hiện hữu.

Một sự phi lý chăng?

Đúng là ta sẽ thấy phi lý, nếu ta đồng hóa cái hình ảnh mà ta nhìn thấy ở vị trí A sau thời điểm t3, và nguồn sáng thực sự tồn tại trong khoảng thời gian từ t1 đến t2.

Còn ta sẽ không thấy phi lý nếu ta không đồng hóa chúng lại với nhau. Mà ta chấp nhận rằng: hình ảnh mà ta nhìn thấy ở vị trí A sau thời điểm t3, và nguồn sáng thực sự tồn tại ở vị trí A, trong khoảng thời gian từ t1 đến t2 là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau (Quan điểm của đạo Phật phù hợp với quan điểm này. Theo quan điểm của đạo Phật thì hình ảnh mà ta nhìn thấy chỉ là huyễn ảnh. Nó là phản ánh của nguồn sáng thực sự tồn tại ở bên ngoài, và nó do tâm thức ta biến hiện ra mà thôi).

Tuy chúng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng chúng có liên quan với nhau ở chỗ, các hình ảnh mà ta nhìn thấy phản ánh một số thuộc tính nào đó của nguồn sáng ở vị trí A. Và có một cơ chế để truyền thông tin nguồn sáng đến con mắt ta.

Cơ chế đó chính là năng lượng được bức xạ theo một quy luật nhất định nào đó, với một bước sóng nào đó mà ta gọi là sóng ánh sáng.

Vì thế, trong khoảng thời gian mà sóng ánh sáng chưa truyền tới mắt ta, mặc dầu nguồn sáng vẫn tồn tại, ta cũng không thể nhìn thấy nó, vì khi đó chưa có sự phản ánh của nguồn sáng trong tâm thức của ta. Đến khi nguồn sáng bị hoại diệt, nhưng những thông tin về nó được gửi đi theo sóng ánh sáng thì vẫn còn. Khi sóng ánh sáng truyền tới mắt ta, tùy theo từng thông tin đó như thế nào, ta sẽ thấy một hình ảnh phản ánh nguồn sáng đó.

Nói cách khác, đối với ta: nguồn sáng đó bắt đầu được sinh ra sau thời điểm t3. Trong khi thực sự vào thời điểm đó, nguồn sáng thật bị hoại diệt rồi, không tồn tại nữa (kể từ thời điểm t2 trở đi).

Như vậy hình ảnh mà ta nhìn thấy không bao giờ xuất hiện cùng một lúc với sự phát sóng của nguồn sáng bên ngoài. Mà sự xuất hiện của nó trễ một khoảng thời gian nhất định, so với điểm phát sóng của nguồn sáng, khoảng thời gian trễ này dài hay ngắn phụ thuộc vào khoảng cách giữa nguồn sáng thực sự ở bên ngoài, ở vị trí A, và con mắt ta ở vị trí B. Nó chính là thời gian để sóng ánh sáng truyền từ A đến B. Nếu khoảng cách từ A đến B là k thì: t’’ = k/C. Trong đó C là vận tốc ánh sáng = 300.000km/s.

Theo công thức trên ta thấy: thông thường khoảng cách từ các vật nằm dưới mặt đất đến mắt ta là rất nhỏ (tối đa là 10km) so với vận tốc ánh sáng (cũng nên lưu ý rằng: các đồ vật tuy không thể trực tiếp phát sáng nhưng nó phản xạ lại ánh sáng chiếu vào nó. Cho nên nó cũng có thể gọi là nguồn sáng được) bởi vậy thời gian trễ rất nhỏ t’’<<<1/300.000km/s. Với khoảng thời gian này mắt ta không nhận biết kịp cho nên có thể coi t’’ = 0. Trong trường hợp này, đối với nhận thức chủ quan của ta, sự xuất hiện của nguồn sáng và sự xuất hiện của hình ảnh của nó trong tâm thức ta là cùng một lúc. Do đó ta hay bị đồng hóa hai cái này làm một, không phân biệt được giữa cái này với cái kia.

Nhưng nếu ta nghiên cứu về các nguồn sáng trong phạm vi vũ trụ thì ta sẽ nhận thấy vấn đề này một cách dễ dàng hơn.

Nguồn sáng trong phạm vi vũ trụ

Giả sử có một ngôi sao ở cách ta 3 triệu năm ánh sáng. Khoảng thời gian tồn tại của nó là 2 triệu năm, và giả sử thời điểm mà nó bắt đầu phát sáng cách nay 2.999.999 năm 360 ngày. Thì trong khoảng thời gian trước đây 5 ngày đêm còn lại này, ta vẫn chưa nhìn thấy nó. Đối với ta nó vẫn chưa hiện hữu. Nhưng sau 5 ngày đêm còn lại này (giả sử 1 năm có 365 ngày) ánh sáng của nó truyền tới trái đất, tới mắt ta thì ta sẽ thấy nó xuất hiện trên bầu trời và trong suốt khoảng thời gian kế tiếp là 2 triệu năm. Ta sẽ luôn luôn nhìn thấy sự tồn tại của nó. Nhưng thực ra nó đã tan thành tro bụi từ cách đây khoảng 1 triệu năm rồi.

Hình ảnh mà ta nhìn thấy chỉ là ảo ảnh do tâm thức ta biểu hiện ra

Tóm lại, ta có thể kết luận rằng: các hình ảnh mà ta nhìn thấy chỉ là ảo ảnh do tâm thức ta biểu hiện ra, phụ thuộc vào chủ quan của con người. Nó phản ánh những thuộc tính của thế giới khách quan trong những khoảng thời gian và không gian nhất định. Đó chính là ý nghĩa mà tôi muốn trình bày về kết luận: không phải chúng ta thấy sự sáng của dòng năng lượng bức xạ, mà chính là ta thấy sự sáng của nguồn phát ra dòng năng lượng đã nói ở trên. Tới đây độc giả có thể thắc mắc: tại sao khi ánh sáng truyền tới mắt ta thì ta lại nhìn thấy hình ảnh? Thực ra giải quyết vấn đề này không khó, nếu ta có chút ít kiến thức về vô tuyến điện, tin học, y học, tâm lý học… và biết kết hợp tổng quát lại với nhau.

Cơ chế làm xuất hiện các hình ảnh mà ta nhìn thấy

Ở đây tôi trình bày sơ lược như sau:

Cấu trúc cơ thể con người ta giống như một hệ thống máy tính điện tử, lại vừa giống như một máy thu phát vô tuyến điện, con mắt ta như một cái ăng ten thu phát ánh sáng truyền tới, và biến đổi các thông tin của nó thành các tính hiệu điện, hoạt động trong hệ thống thần kinh từ vùng ngoại vi (mắt) đến trung khu thần kinh thị giác trên não. Tín hiệu điện này khi truyền tới trung khu thần kinh thị giác giống như một tín hiệu lệnh ở đầu vào của một máy vi tính, tùy thuộc vào các tín hiệu đó mà các thông tin tương ứng, được lưu giữ ở bộ nhớ dài hạn, được lấy ra và nó sẽ xuất hiện trên màn hình.

Cái màn hình đó chính là “tâm thức” hay “chân như”. Bộ nhớ dài hạn này không phải nằm trên bộ não ta, bộ não ta chỉ có chức năng như một bộ nhớ ngắn hạn của máy tính điện tử mà thôi. Nó lưu giữ tạm thời trong khoảng thời gian ngắn những thông tin được lấy ra từ bộ nhớ dài hạn (trong cuốn: trí tuệ nhân tạo, của PTS Nguyễn Thanh Thủy, do nhà xuất bản giáo dục xuất bản năm 1996, trang 39 có đoạn liên qua tới vấn đề này một cách rất lý thú như sau: “bộ nhớ dài hạn cho phép ta lưu giữ một lượng lớn tri thức thu lượm được về một cá thể nào đó… về khả năng bộ nhớ dài hạn không bị giới hạn, lý do bộ não không lưu giữ trực tiếp các thông tin mà chỉ lưu giữ các truy xuất và tổ chức lưu giữ các đối tượng”.

Nội dung này quá rõ ràng: bộ não không phải bộ nhớ dài hạn.

Vậy thì bộ nhớ dài hạn nằm ở đâu?

Nó chẳng nằm ở đâu cả. Vì nó chính là toàn thể vũ trụ bao la này. Trong Phật giáo gọi là thức thứ 8: A đà na thức (còn một số nhà văn, nhà tâm lý học hiện đại cũng đã cảm nhận được điều này mà gọi nó là ký ức vũ trụ) mà thể tánh của nó chính là “chân như”.

Ở trên tôi nói: các thông tin được lấy ra từ bộ nhớ dài hạn sẽ xuất hiện ở đầu ra trên màn hình. Các thông tin đó chính là các hình ảnh mà ta nhìn thấy. Chúng là đối tượng bị nhìn thấy. Như vậy là phải có chủ thể nhìn thấy chúng.

Chủ thể đó là ai?

Trình bày vấn đề này rất dài dòng và phức tạp, trong khi ở đây đã quá dài dòng và phức tạp rồi. cho nên tôi xin phép không trình bày ở đây. Nếu bạn đọc nào có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề này, xin xem ở bài “tự ngã” của tôi.

Như vậy ở trên ta đã giải quyết cơ chế làm xuất hiện các hình ảnh mà ta nhìn thấy. Nhưng có một vấn đề nữa là: các nguồn sáng, các vật thực sự tồn tại ở bên ngoài chúng ta, ta và chúng có phải là những vật thể có các tự thể độc lập, là những chân như độc lập với nhau không?

Tất nhiên là không phải, ta và chúng chỉ là những biểu hiện khác nhau, ở những vị trí khác nhau, của cùng một chân như mà thôi. Không có sự tách biệt nào giữa các vật thể khác nhau trong toàn thể vũ trụ này. “Vạn vật đồng nhất thể”, đó là sự khẳng định của đạo Phật. Bây giờ tôi xin chứng minh luận điểm này bằng kiến thức của vật lý hiện đại.

Vạn vật đồng nhất thể

Trước hết, chúng ta biết rằng: tất cả mọi vật cũng như con người… trong toàn vũ trụ đều được cấu thành từ một số hạt cơ sở gọi là hạt cơ bản, nghĩa là: chúng là những vật thể không cố định, tan hợp thất thường, do các hạt cơ bản kết hợp lại với nhau theo một quy luật nào đó mà thành như vậy. Tự chúng vốn không có tự thể, mà mượn các hạt cơ bản làm thể mà thôi. Cho nên chúng có sanh diệt, có thay đổi, và có biến hoại. Nếu ta quan sát kỹ chúng thì hoàn toàn không có một vật nào cả, mà chỉ có giả tướng, ảo ảnh của ta về chúng thôi.

Thật vậy, giả sử ta quan sát một cái bàn chẳng hạn, tại thời điểm t1 nó được hợp thành từ n hạt cơ bản và ta gọi tên chúng như sau h1, h2, h3… hn. Cái bàn này luôn luôn tồn tại trong trạng thái trao đổi năng lượng, tức là trao đổi các hạt cơ bản với môi trường. Ta cứ cho rằng số lượng các hạt cơ bản trong chiếc bàn đó là không thay đổi, và giả sử đến thời điểm t2 có 20 hạt cơ bản được trao đổi lẫn nhau: lúc đó ta có 1 chiếc bàn với n hạt cơ bản nhưng nó được tạo thành bởi các hạt cơ bản như sau: h11, h12, h13… hn, hn+1, hn+2, hn+10

Vậy cái bàn ở thời điểm t2 có phải là cái bàn ở thời điểm t1 hay không? Thông thường, chúng ta cho rằng cái bàn ở thời điểm t2 vẫn là cái bàn ở thời điểm t1.

Nhưng thực ra không phải vậy.

Ở thời điểm t2 là một cái bàn khác, ở thời điểm t1 là một cái bàn khác, chỉ có tên gọi ta đặt ra là một mà thôi. Cũng như trường hợp một anh tên là A, một anh tên là B, nhưng bởi vì họ quá giống nhau nên người ta không phân biệt được, nên lúc gặp anh A, ta biết đó là anh A, đến khi gặp anh B ta lại nghĩ rằng đó là anh A và gọi đó là anh A. Như vậy ở đây có hai người khác biệt nhưng ta lại tưởng chỉ có một mà thôi.

Ví dụ này để thể hiện rõ ý nghĩa ở trên. Cái bàn ở thời điểm t2 là khác biệt với cái bàn ở thời điểm t1, nhưng ta lại tưởng chỉ có một cái bàn duy nhất tồn tại từ thời điểm t1 đến thời điểm t2.

Dưới đây xin nêu một ví dụ nữa để làm rõ ý trên. Bởi vì trong ví dụ cái bàn, chỉ có một số các hạt cơ bản thay đổi mà thôi, vẫn còn một số hạt cơ bản khác tồn tại trong thời điểm t1 tới thời điểm t2 làm cho bạn đọc khó lãnh hội được ý nghĩa trên.

Thí dụ thứ nhất là về chiếc xe đạp

Giả sử vào ngày A tôi đến cửa hiệu A mua 1 chiếc xe đạp A. Sau một thời gian dùng, tôi đã thay toàn bộ các bộ phận của nó, và giả sử mỗi bộ phận tôi chỉ thay 1 lần, các bộ phận tôi mua để thay thế thì tôi mua ở cửa hiệu B, và giả sử người chủ cửa hiệu B tháo các bộ phận của chiếc xe đạp B ra bán cho tôi, và thời gian để thay toàn bộ chiếc xe là 10 năm.

Vậy chiếc xe của 10 năm trước với chiếc xe của 10 năm sau là cùng một chiếc xe hay là hai chiếc xe khác nhau?

Nếu bạn cho là một chiếc xe thì hoàn toàn sai lầm, bởi vì 10 năm trước là chiếc xe A còn 10 năm sau là chiếc xe B. Thế nhưng sự thật ở ngoài đời chúng ta vẫn lầm lẫn như vậy đó.

Sự lầm lẫn đó là do ảo giác của chúng ta, do sự thay đổi tuần tự và kế tiếp nhau của chiếc xe B vào chiếc xe A, nếu ngay lập tức chúng ta thay thế các bộ phận của chiếc xe B vào chiếc xe A ta sẽ thấy dễ dàng hơn.

Bây giờ, khi ta biết rằng chiếc xe của 10 năm sau là hai chiếc xe hoàn toàn khác nhau, thì 1 vấn đề được đặt ra là: kể từ thời điểm nào chiếc xe A biến thành chiếc xe B?

Nếu truy tìm kỹ ta sẽ không thấy thời điểm đó, sở dĩ như vậy bởi vì: trong khoảng thời gian 10 năm đó không chỉ có 2 chiếc xe A và B tồn tại mà còn rất nhiều chiếc xe khác nữa cũng xuất hiện, đây là một kết luận chắc chắn đúng bởi vì nó phù hợp với logic và tiến trình của sự việc, nếu ta không chấp nhận kết luận này mà chỉ chấp nhận có hai chiếc xe A và B tồn tại thôi, thì ta sẽ không lý giải nổi: tại sao không có thời điểm rõ ràng về sự thay thế của chiếc xe B vào chiếc xe A.

Kết luận nói trên bắt nguồn từ quan điểm như sau: một vật phải là tổng thể của một số thành phần nhất định và bất di bất dịch. Nếu các thành phần đó thay đổi thì nó không phải là nó nữa, mà là một vật khác. Chiếc xe A còn là chiếc xe A khi và chỉ khi các bộ phận của nó không thay đổi, còn nếu thay đổi một bộ phận nhỏ của nó mà thôi, thì lúc đó chiếc xe A không còn là chiếc xe A nữa mà nó là chiếc xe khác rồi.

Thời điểm thay thế các bộ phận đó chính là thời điểm chiếc xe A biến thành chiếc xe M1.

Từ đó ta có thể kết luận: quá trình chiếc xe B thay thế chiếc xe A không phải xảy ra cùng một lúc mà nó là một quá trình gián tiếp liên tục thay thế nhau của nhiều chiếc xe khác nhau, mà mỗi lần thay đổi phụ tùng của nó là một lần thay đổi chiếc xe này thành chiếc xe kia.

Trở lại trường hợp cái bàn của chúng ta cũng vậy, các hạt cơ bản tương ứng với các phụ tùng của chiếc xe, mỗi cái bàn tương ứng với một chiếc xe, mỗi lần thay đổi hạt cơ bản tương ứng với một lần thay thế phụ tùng của chiếc xe đạp. Như vậy ta thấy chỉ cần thay thế một hạt cơ bản thôi thì cái bàn trước đó không còn là cái bàn đó nữa, mà là một cái bàn khác.

Để làm rõ vấn đề này, tôi xin lấy ví dụ nữa, đó là ví dụ về dòng nước.

Thí dụ thứ hai là về dòng nước

Giả sử có một con sông, mà nước chảy từ đầu A đến đầu B, ta tưởng tượng cắt con sông này thành 2 khúc bằng nhau: một khúc từ A đến C và một khúc từ C đến B. Như vậy, ta có thể coi là có hai dòng nước.

Bây giờ ta hãy quan sát hai dòng nước này ở thời điểm t. Giả sử lúc này dòng nước AC là một khối nước gồm các phân tử nước l1, l2, l3,… ln. Còn trên dòng nước CB là một khối nước gồm các phần tử nước h1, h2, h3,… hn.

Sau một thời gian, đến thời điểm t2 lúc này trên dòng nước CB là một khối nước gồm các phần tử nước l1, l2, l3,… ln.

Quan sát dòng nước CB ta thấy: thoạt nhìn ta thấy hình như dòng nước CB chính là khối nước ở đó, nhưng nếu quan sát kỹ ta thấy không phải, bởi vì: dòng nước thì không thay đổi còn khối nước thì lại thay đổi, ta thấy trong suốt thời gian từ thời điểm t1 đến thời điểm t2 dòng nước luôn luôn chảy, nghĩa là luôn luôn có sự thay thế khối nước này bằng khối nước khác, cho đến thời điểm t2 sự thay thế xảy ra hoàn toàn.

Như vậy các khối nước là tổ hợp các phần tử nước chỉ là ảo ảnh, do ta tưởng tượng ra mà thôi, vốn không có thực thể. Nhưng nhiều khi do sự giống nhau của các khối nước và sự vận chuyển nhẹ nhàng của chúng, tạo cho ta một cảm giác là có một khối nước cố định không thay đổi trong dòng nước CB, tồn tại từ thời điểm t1 đến thời điểm t2. Thậm chí ta còn cho rằng chính khối nước là dòng nước, và như vậy dòng nước lại chính là một tổ hợp của các phân tử nước, trở thành vật thể.

Trở lại với cái bàn của chúng ta cũng vậy, cái bàn mà ta tưởng là cái bàn tồn tại từ thời điểm t1 đến thời điểm t2 thực ra chỉ là dòng chảy của các hạt cơ bản mà thôi, các hạt cơ bản ở đây tương ứng với phân tử nước, khối các hạt cơ bản tương ứng với khối nước, còn cái bàn tương ứng với dòng nước. Tóm lại, trong thực tế chẳng có gì gọi là cái bàn cả, ta chẳng thể tìm ra một cái gì cố định, vững chắc gọi là cái bàn cả, mà chỉ có ảo tưởng của ta về nó mà thôi.

Như vậy, ở trên tôi đã chứng minh rằng tất cả vật chất như núi, sông, cây, cỏ, người, vật đều không phải thật có mà đó chỉ là do ảo tưởng của ta tạo ra mà thôi, và chúng không thể có chân như riêng biệt được.

Đến đây kết thúc việc giải quyết các vấn đề của Phật giáo bằng những kiến thức khoa học mà mọi người đều chấp nhận, nhưng thật là thiếu sót nếu ngừng ở đây, bởi vì vấn đề tôi nêu ra ở trên chỉ mới chứng minh được rằng tất cả những người, vật, cây, cỏ… là những thực tại khách quan tồn tại độc lập với chủ quan con người, chúng vốn không có thực, không có chân như riêng biệt, mà chỉ là những ảo tưởng của chúng ta về chúng mà thôi.

Nhưng phần đó chưa chứng minh được rằng “vạn vật đồng nhất thể”, không có sự tách biệt nào giữa các thực thể khác nhau trong vũ trụ bao la này, ta vẫn thấy có các hạt cơ bản là những thực thể độc lập, có chân như riêng. Do vậy, ta cần phải tiến thêm một bước nữa, là chứng minh rằng: không có cái gì là hạt cơ bản cả mà chỉ có ảo tưởng của ta về chúng mà thôi. Đây là một bước đột phá quyết định để chứng minh chân lý mà Phật giáo đã tìm ra: “vạn vật đồng nhất thể”.

Để làm được điều này, tôi không thể chỉ dùng những kiến thức của vật lý cổ điển (cơ học Newton) như phần ở trên được, mà tôi phải sử dụng đến các kiến thức của vật lý hiện đại (cơ học lượng tử) thêm sự giúp đỡ của các kiến thức về Phật pháp để bổ khuyết cho các thiếu sót cho các kiến thức của chúng ta về cơ học lượng tử. Bởi vậy tôi có thể đưa ra những ý kiến mà mới thoạt nhìn người ta khó có thể chấp nhận được, nhưng mong độc giả đừng vội phủ nhận, mà hãy xem xét kỹ càng xem những lập luận đó có hợp lý hay không?

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu các hạt cơ bản (xem bài sự tồn tại của ete và ý nghĩa triết học của nó – xuất bản vào lúc 9:00 ngày 30/6/2024), ta thấy không có gì gọi là hạt cơ bản cả, mà chỉ có sự lan truyền dao động xung quanh vị trí cân bằng của một môi trường (sóng) mà thôi.

Vị trí cân bằng đó là chân không

Môi trường dao động: chất ete

Hạt cơ bản: sóng

Vậy, ta không thể tìm được một thực thể vật lý (hạt) duy nhất giữa hai khoảng thời gian kế tiếp được.

Chất ete ở đây chính là chân như, là vật, là thực thể vật lý nhưng không phải là đối tượng nhận thức của ta. Ta chỉ có thể nhận biết được các dạng tồn tại của nó trong một phạm vi không gian và một khoảng thời gian nhất định mà thôi.

“Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ, ở đây địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại không có chân đứng, ở đây cũng vậy dài ngắn, tế, thô, tịnh và bất tịnh, ở đây danh và sắc bị tiêu diệt hoàn toàn. Khi thức diệt ở đây mọi thứ đều diệt tận” (Kinh Kevaddha – Trường bộ kinh – trang 382)

(Quay trở lên đọc tiếp)

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục