Phần mở đầu
Khi nói đến THIỀN thì một là ta nghĩ ngay tới Tôn giáo, mà cụ thể là Phật giáo. Hai là ta nghĩ ngay đến những ông sư hay những người dành nhiều thời gian thoát ly cuộc sống để vào trong những khu rừng vắng vẻ, hay những nơi thiền tự, hoặc ở nhà…. để dành thời gian ngồi Tọa Thiền.
Thực ra vấn đề nầy trước đây chỉ được giới thiệu hay nhắc đến từ trong các tôn giáo. Ngày nay thiền không còn bị bó hẹp trong bốn bức tường tu viện hay phận sự của các tu sĩ hoặc các đệ tử tại gia của các tôn giáo, mà nó đã được phổ biến sâu rộng hầu như khắp nơi trên thế giới. Thiền hiện nay đã là một phong trào, người Âu Mỹ rất thích thiền, vì thiền là một cái gì mới lạ hấp dẫn đối với họ. Thiền có đủ loại và sách nói về thiền có rất nhiều.
Tuy nhiên hiện nay Thiền mới chỉ phát triển tự phát xuất phát từ nhu cầu của người học. Và dù cũng đã có một số thí nghiệm về tác dụng của Thiền. Nhưng nó chưa được những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, hoặc trong khoa học coi trọng và quan tâm phổ biến. Vì nhiều người cho rằng việc nầy là của tôn giáo và có liên quan đến tôn giáo.
Việc chúng ta nghĩ về Thiền như thế, không có gì lạ vì chúng ta biết đến THIỀN là qua Phật giáo. Vì vậy, một cách tự nhiên chúng ta thường đồng hóa THIỀN với Tôn giáo làm một. Và chúng ta luôn luôn nhìn về THIỀN như là một cái gì đó đi với sự huyền bí, siêu nhiên.
Nhưng trên thực tế, THIỀN có thể mang một nội dung rộng lớn hơn và có ý nghĩa rất thực tiễn. Và chúng ta có thể thực hành Thiền ngay trong cuộc sống, ngay khi đang làm việc và cả ngay khi đang kinh doanh, và nó chẳng có gì là mâu thuẫn với cuộc sống hối hả của thời đại công nghệ thông tin này cả.
Trong lịch sử cũng như trong hiện tại, THIỀN luôn luôn là một phương tiện tập luyện của những môn đồ trong Tôn giáo, và vai trò trong Tôn giáo của THIỀN cũng chỉ có thế mà thôi, không hơn không kém.
THIỀN có thể là công cụ của con người trong Tôn giáo, thì nó cũng có thể là công cụ của con người trong Khoa học và trong Cuộc sống. Ngày nay ở nhiều Viện nghiên cứu, nhiều Trường Đại học trên thế giới ngườiu ta nghiên cứu về THIỀN không phải ở tính Tôn giáo của nó mà là như là một liệu pháp trị liệu tâm lý hữu hiệu.
Nhiều tác dụng hữu ích của Thiền đối với sức khỏe thể chất và sức khoẻ tâm hồn đã được các nhà khoa học ghi nhận.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu của giới khoa học từ trước đến nay chỉ hướng đến việc nghiên cứu về tác dụng của loại Thiền xuất thế (là loại Thiền thoát ly cuộc sống thế tục), mà chủ yếu là Tọa Thiền. Còn một loại Thiền đặc sắc nữa là Thiền nhập thế thì hầu như chưa được họ biết và nghiên cứu tới. Do sự hiểu biết phiến diện, không đầy đủ về THIỀN của các Học giả phương tây, mà nhiều phương pháp thiền thâm sâu, có giá trị đã không được giới khoa học biết đến để xem xét nghiên cứu, cho nên nhiều tác dụng hữu ích khác của THIỀN chưa được làm cho sáng tỏ. Dẫn đến nhiều lợi ích mà Thiền có thể đem lại cho con người trong cuộc sống đã bị bỏ qua một cách vô ý thức.
Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì có quá nhiều cách hiểu, cách giải thích khác nhau về Thiền, mà hầu như tất cả các cách giải thích đều chung chung mơ hồ theo quan điểm, chính kiến riêng của mình. Trong khi các Học giả phương tây lại không phải là những chuyên gia về THIỀN, do vậy họ chỉ có thể hiểu theo suy diễn chủ quan của mình trên bình diện chữ nghĩa. Hiểu theo cách đó không sai, nhưng phiến diện. Họ chỉ hiểu được một góc cạnh của vấn đề như thầy mù rờ voi mà thôi.
Việc cần làm ở đây là đưa ra một sự giải thích rõ ràng về Thiền cũng như các kỹ thuật THIỀN, nhằm giúp cho mọi người nói chung và các nhà khoa học nói riêng có một cái nhìn khái quát về THIỀN và biết đến một số kỹ thuật đặc biệt trong nhà Thiền. Hầu từ đó có những cuộc nghiên cứu mới, nhằm làm sáng tỏ hơn nữa những tác dụng đặc biệt của THIỀN đối với cuộc sống của mỗi con người.
Việc lột bỏ cái lớp vỏ đầy màu sắc tín ngưỡng tôn giáo thần bí, cũng như việc loại bỏ những cái nhìn phiến diện, cục bộ về Thiền là một việc làm cần thiết để đưa toàn bộ tinh hoa của Thiền đến với tất cả mọi người, không phân biệt hữu thần, vô thần, có đạo hay vô đạo… để cho tất cả mọi người trên thế gian này đều được tiếp cận với những tinh hoa đó và hưởng được những lợi ích của Thiền. Đó là một việc làm vô cùng cần thiết.
Đó cũng chính là lý do vì sao mà cuốn sách này ra đời.
Chương 1. THIỀN là gì?
THIỀN là gì?
Đây là một câu hỏi đã và đang làm đau đầu rất nhiều Học giả phương tây và những người mới bước đầu học THIỀN. Bởi vì THIỀN là một cái tên để chỉ chung cho rất nhiều phương pháp khác nhau của nhiều tôn giáo, giáo phái và thậm chí của các tông phái khác nhau trong cùng một tôn giáo. Do vậy thật khó mà có thể đưa ra một định nghĩa duy nhất và chính xác về THIỀN với tư cách là một khái niệm chung nhất. Nhưng đối với đa số mọi người quan tâm tìm hiểu, đó luôn là một câu hỏi được đặt ra với nhiều trăn trở. Đã có nhiều người cố gắng định nghĩa về Thiền. Nếu ta lên mạng và Search trên Google “Thiền là gì?” ta sẽ tìm được vô số những câu trả lời khác biệt với nhau. Ta thấy có rất nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về Thiền. Cho nên ngày nay không dễ gì có thể đưa ra một định nghĩa có tính khái quát bao trùm mọi định nghĩa về ý nghĩa của Thiền được. Khi muốn định nghĩa về Thiền thì ta phải định nghĩa nó trong một phạm vi giới hạn nào đó. Và khi ta được giải thích về Thiền thì ta cần phải tìm hiểu xem ý nghĩa của nó được khoanh vùng trong phạm vi nào?
Chính vì vậy ở đây tôi không có tham vọng đưa ra một định nghĩa chung nhất về Thiền. Thực tế, ý nghĩa của thuật ngữ THIỀN được tôi nói tới trong cuốn sách này là một khái niệm có nội hàm được chứa đựng trong một ngoại diên xác định, đó chính là THIỀN Phật giáo. Nó không phải là thứ THIỀN được hiểu chung chung cho tất cả mọi trường hợp. Ở đây tôi chỉ hy vọng giúp cho bạn đọc có được một cái nhìn tổng quát về THIỀN thông qua việc trình bày về quá trình hình thành, phát triển và biến đổi trong ý nghĩa của thuật ngữ Thiền mà thôi.
Trước hết chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa gốc của nó, bởi vì thuật ngữ THIỀN vốn được phát sinh từ cái nôi Phật giáo. Cách tốt nhất để tìm hiểu ý nghĩa của một khái niệm là truy nguyên nguồn gốc xuất xứ của nó. Ta sẽ không thể có một cái hiểu đúng về THIỀN nếu không biết rõ gốc gác ngọn nguồn của nó.
1) Tìm hiểu ý nghĩa gốc của thuật ngữ THIỀN
Nguồn gốc của tên gọi THIỀN
“THIỀN” là cách phát âm theo tiếng Việt của chữ Trung Hoa “CH’AN” (禪). “CH’AN” là chữ tắt của nguyên ngữ “CH’AN NA” (禪那: Thiền na). Còn “CH’AN NA” lại là phiên âm theo tiếng Trung Hoa của chữ tiếng Sanskrit: DHYÀNA.
Như vậy Thiền thực ra là cách đọc đã Việt hóa của tiếng Trung Hoa “ch’an” cho nguyên ngữ DHYÀNA trong tiếng Sanskrit.
Vì thế, muốn tìm hiểu ý nghĩa gốc của Thuật ngữ THIỀN, thì ta phải tìm hiểu ý nghĩa gốc của thuật ngữ DHYÀNA trong tiếng Sanskrit và ý nghĩa gốc của thuật ngữ “CH’AN” trong tiếng Trung Hoa.
2) Ý nghĩa của thuật ngữ DHYÀNA trong tiếng Sanskrit.
Việc nghiên cứu về ý nghĩa của thuật ngữ DHYÀNA không hề đơn giản. Theo một số học giả đã nghiên cứu thì họ cho rằng DHYÀNA là sự phiên dịch ra từ thuật ngữ JHÀNA của tiếng Pàli, là thứ tiếng mà Phật Thích ca đã dùng khi thuyết pháp.
Cần nói thêm rằng: Tiếng Sanskrit là tiếng Bắc Phạn, là ngôn ngữ có tính bác học, thường được dùng ở phía Bắc Ấn độ hồi đó. Ngược lại, ở Phía Nam Ấn độ thời đó người ta lại sử dụng tiếng Pàli là thứ tiếng bình dân. Và Phật Thích ca đã sử dụng thứ tiếng Pàli này trong việc truyền bá Giáo pháp của mình.
Như vậy ý nghiã của thuật ngữ DHYÀNA, vì là thuật ngữ được phiên dịch từ một thuật ngữ khác, do vậy nó là một thuật ngữ đã có từ trước khi nó được đưa vào ngôn ngữ Phật học, và nó cũng có một ý nghĩa riêng trước đó cho nên ý nghĩa của nó chưa chắc đã thống nhất hòan tòan với thuật ngữ gốc. Do vậy chúng ta cần phải tìm hiểu xem ý nghĩa của khái niệm DHYÀNA mà chúng ta đã nói ở trên có phù hợp với nguyên gốc hay không? Để xác định đựơc điều này chúng ta phải so sánh đối chiếu ý nghĩa của hai thuật ngữ đó với nhau. Và như vậy nghĩa là ta phải xác định ý nghĩa của thuật ngữ DHYÀNA và ý nghiã của thuật ngữ JHÀNA rồi so sánh đối chiếu ý nghiã của hai thuật ngữ đó với nhau.
Ý nghĩa nguyên thủy của thuật ngữ DHYÀNA
Việc xác định ý nghĩa của DHYÀNA trước khi nó được sử dụng trong ngôn ngữ Phật học thật không dễ dàng. Tuy nhiên ta có một cách để xác định là tìm hiểu ý nghĩa của DHYÀNA ngoài ngôn ngữ Phật học. Ngày nay có một môn phái cũng xuất phát từ Ân Độ có sử dụng thuật ngữ DHYÀNA là YOGA. Và ta có thể sử dụng cách giải thích của YOGA để dùng làm ý nghĩa nguyên thủy của DHYÀNA.
Thụât ngữ DHYÀNA này, theo định nghĩa của YOGA là: “dòng chảy của Tâm trí”.
Đây là một định nghĩa khá mơ hồ, “dòng chảy của Tâm trí nghiã” là sao? Tâm trí chúng ta vốn dĩ đã là một dòng chảy, vậy có gì đặc biệt đâu, sao lại phải đặt một cái tên cho nó như là một điều gì đó đặc biệt?
Trước hết ta cần xác định một vấn đề rằng: Tâm trí ở đây chính là Tâm thức. và dòng chảy của Tâm trí không có gì khác hơn, mà chính là dòng chảy của Tâm thức. Để cho bạn độc tiện theo dõi, dưới đây tôi sẽ dùng thuật ngữ Tâm thức để thay thế cho thuật ngữ Tâm trí.
Theo tôi , hiển nhiên là dòng chảy Tâm thức của người bình thường không thể gọi là DHYÀNA được. Và do DHYÀNA không phải là thuật ngữ để chỉ cho những dòng chảy bình thường của Tâm thức, cho nên có lẽ nó muốn ám chỉ tới dòng chảy của tâm thức trong một trường hợp đặc biệt nào đó.
Theo như thể nghiệm của cá nhân, thì tôi thấy dòng chảy của tâm thức có thể xuất hiện dưới hai trường hợp chính:
Trường hợp thứ nhất là: dòng chảy tự nhiên của tâm trí, mà ở đó nó không bị bất cứ sự tác động nào của các yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu đến quá trình vận hành của nó.
Trường hợp thứ hai thì ngược lại, đó là dòng chảy của tâm trí khi nó chịu sự tác động của các yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu.
Thông thường dòng chảy của Tâm thức của chúng ta bị chi phối, gây nhiễu bới tác động của trí não, thói quen, và các chướng ngại khác tức là ở vào trường hợp thứ hai. Dòng chảy của Tâm thức chúng ta trong trường hợp này không phải là “dòng chảy tự nhiên”. Và do vậy, không được gọi là DHYÀNA
Dòng chảy của tâm trí trong truờng hợp thứ nhất là dòng chảy tự nhiên, uyên nguyên, hoang sơ và thuần khiết nhất của Tâm thức. Theo tôi thì DHYÀNA chính là dùng để chỉ cho trường hợp này.
Ý nghĩa nguyên thủy của thuật ngữ JHÀNA
Trong Kinh điển nguyên thủy, JHÀNA được dùng để chỉ cho bốn tầng THIỀN, tức bốn loại Định của Phật giáo là: Định Sơ THIỀN, Định Nhị THIỀN, Định Tam THIỀN và Định Tứ THIỀN. Như vậy: THIỀN, theo nghĩa nguyên thủy của nó, là để chỉ bốn loaị Định này của Phật giáo nguyên thủy.
Bốn loại Định này là kết quả của một sự rèn luyện, và nó chỉ xuất hiện sau khi các yếu tố gây nhiễu, làm chướng ngại đến sự vận hành tự nhiên của dòng tâm thức, bị loại bỏ. Các yếu tố gây nhiễu này, thuật ngữ trong Kinh điển gọi là năm Triền cái (Nivarana): Dục tham, Sân, Hôn trầm thụy miên, Trạo hối, Nghi 1.
Đây là năm yếu tố bao phủ tâm, gây nhiễu, tác động đến dòng chảy tự nhiên của tâm, làm cho tâm bị yếu ớt, trí tuệ bị lu mờ. Khi năm yếu tố này bị loại bỏ 2, tâm sẽ vận hành một cách tự nhiên trong một đìều kiện lý tưởng nhất, khi đó tâm sẽ có sức mạnh, và trí tuệ sáng suốt. Nhờ vậy sẽ dễ dáng khám phá ra những vấn đề, những sự thật mà trong điều kiện bình thường chúng ta khó nhận ra được.
Cần lưu ý rằng: nói về định không phải chỉ duy nhất có 4 loại Định nói trên mà có nhiều loại Định khác nữa. Bốn Định nói trên gọi là bốn Định hữu sắc, ngoài ra còn có 4 Định vô sắc là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng các loại Định vô sắc này không được gọi là JHÀNA (THIỀN), mà chỉ có 4 loại Định hữu sắc ở trên mới được gọi là JHÀNA.
Sở dĩ có sự phân biệt đó là vì:
Các Loại Định vô sắc (phi JHÀNA) là những Định có xuất hiện sự tập trung của ý thức trên một đối tượng duy nhất. Nó là kết quả của việc tu tập Thiền Chỉ. Nó cũng là loại Định mà ngày nay các nhà Học giả phương tây cùng với đa số con người ta thường biết đến và hướng đến khi tập luyện Thìền. Trong các Loại Định này tâm thức của ta bị gắn chết vào một đối tượng và nó chỉ có thể phát huy sức mạnh của mình về khả năng tập trung làm phát sinh ra các năng lực đặc biệt, chứ nó không thể phát huy được hết sức mạnh về mặt trí tuệ của mình để khám phá bản chất của con người và thế giới. Vì do đặc thù của nó là gắn chết trên một đối tượng nên trong Định này ta không thể tư duy, suy gẫm, tìm hiểu vầ các vấn đề khác nhau.
Còn các tầng Định JHÀNA là những Định có xuất hiện sự chú tâm không phải trên một đối tượng quan sát duy nhất, mà là trên những đối tượng quan sát thay đổi. Trong Định này ta vẫn có thể tuy duy, suy gẫm, tìm hiểu về các vấn đề khác nhau.
Để làm sáng tỏ hơn vấn đề, chúng ta hãy tìm hiểu xuất xứ của thuật ngữ JHÀNA. Trong cuốn: “Quy Trình Tâm Pháp”, Tỳ kheo Chánh Minh là tác giả có giải thích như sau:
“THIỀN (jhāna) xuất nguyên từ Ngữ căn Jhe nghĩa là SUY GẪM.
Ngài Buddhaghosa giải thích chữ Jhāna như sau:
Ārammaṇa upanijjhānato paccanīka jhāpanato vā jhānaṃ.
“Gọi là THIỀN vì suy gẫm chín chắn trên đối tượng”; hay “vì thiêu đốt nghịch pháp (nīvaraṇa – chướng ngại) nên gọi là THIỀN”.”
Như vậy ta thấy: trong JHÀNA (THIỀN) có hai yếu tố xuất hiện:
Một là có sự lắng dịu của các chướng ngại (tức là các yếu tố gây nhiễu cho hoạt động tự nhiên của tâm thức).
Hai là có sự Suy gẫm sâu xa trên đối tượng.
Vấn đề thế nào là sự lắng dịu của các chướng ngại? chúng ta đã biết.
Còn vấn đề thế nào là sự Suy gẫm sâu xa trên đối tượng chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau. Nhưng ở đây ý nghĩa về sự suy gẫm cho ta thấy đây là một cái Tâm sống động và hoạt động tích cực, chứ không phải là cái tâm thụ động chuyên chú trên một đối tượng quan sát duy nhất.
Trong nghĩa như thế, ta thấy: Một mặt JHÀNA được hiểu như là một trạng thái của Tâm thức_tức là một danh từ; Mặt khác nó lại vừa được hiểu như là một hành động_tức động từ3.
Điều này có nghĩa là:
Xét về một thì JHÀNA là kết quả do những hành động tập luyện mang lại. Những hành động tập luyện đó, Phật gọi là JHÀNNA (
Xét về mặt khác thì JHÀNA là hành động để dẫn đến một kết quả nào đó mà việc tập Thiền cần hướng tới.
Như vậy JHÀNA là kết quả của JHÀNNA. Nhưng nó không phải là kết quả tối hậu của việc tập Thiền, mà chỉ là kết quả tạm thời. Sau khi có được JHÀNA thì người ta tiếp tục hướng tâm đến việc khám phá ra bản chất thật sự của con người và thế giới thông qua các thao tác tư duy có tên gọi là Phát triển Thiền quán như: hồi tưởng, tưởng tượng, suy gẫm, quan sát, suy nghĩ, tìm tòi…… từ trong JHÀNA. JHÀNA là điều kiện lý tưởng nhất mà ở đó tâm trí của chúng ta có đầy đủ sức mạnh và trí tuệ để xuyên thấu mọi chướng ngại, giải quyết mọi bế tắc một cách trọn vẹn, mà trong điều kiện bình thường chúng ta rất khó có thể làm được nếu không nói là không thể. Khi việc khám phá thế giới và bản thân đã thành công thì gọi là hết Vô minh5, đạt đến Giác Ngộ Giải Thoát6, hay NIBBÀNA (NIẾT BÀN), một thời điểm mà từ đó trở đi dòng tâm thức của ta vĩnh viễn không bao giờ còn sự xuất hiện của những yếu tố gây trở ngại, gây nhiễu và chi phối7 đến sự vận hành của nó nữa. Như vậy có nghiã rằng JHÀNA không phải mục đích tối hậu của việc tập Thiền, mà NIBBÀNA mới là mục đích tối hậu của việc tập Thiền.
Đến đây có một vấn đề chúng ta cần làm rõ là: JHÀNA và NIBBÀNA khác nhau thế nào? Để phân biệt trạng thái JHÀNA với trạng thái NIBBÀNA, ta có thể lấy ví dụ như sau để hình dung:
Ta có một ly nước đục, để làm trong nước ở trong đó ta có hai cách:
Cách thứ nhất là ta để yên một lúc cho lắng cặn. Khi cặn đã lắng hết xuống dưới đấy thì nước trong ly sẽ trở nên trong.
Cách thứ hai là ta lọc cạn, khi cạn đã lọc hết thì ly nước sẽ trong.
Cả hai trường hợp ta đều được ly nước trong như sau. Nhưng sự ổn định của hai trường hợp là khác nhau. Với trường hợp thứ nhất, sự trong của nước chỉ là tạm thời, những yếu tố làm vẩn đục tuy không xuất hiện nhưng nó vẫn đang còn nằm yên ở dưới đáy ly, và có thể bị khuấy đục trở lại. Với trừơng hợp thứ hai, thì sự trong của nước là ổn định, các mầm mống làm đục nước đã bị loại bỏ hòan tòan, nước sẽ không có thẻ bị đục trở lại sau này.
Ở đây cặn tương tự như 5 triền cái.
Trạng thái JHÀNA tương tự như khi ta làm lắng cạn trong trường hợp thứ nhất. Còn NIBBÀNA tương tự như khi ta lọc cặn trường hợp thứ hai. Thao tác khám phá thế giới và bản thân tương ứng với thao tác lọc cặn. Bởi vì 5 triền cái và các kiết sử tồn tại là do không thấy rõ bản chất của thế giới và con người (tức Vô minh _kiết sử nền tảng của mọi kiết sử).
Như vậy JHÀNA là một bước đệm quan trọng để đưa đến mục đích tối hậu: NIBBÀNA. Đây là điều mà ta không thể nào làm được trong các loại Định tập trung trên một đối tượng duy nhất.
Ở đây ta cần phải phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa những hành động trong JHÀNA, và những hành động để đưa đến JHÀNA.
Những hành động trong JHÀNA là những hành động hướng về mục đích khám phá bản thân và khám phá thế giới, chứ không phải là những hành động có mục đích để đạt được JHÀNA. Còn những hành động để đạt được JHÀNA thì gọi là JHÀNNA.
Đối chiếu ý nghĩa của thuật ngữ JHÀNA với DHYÀNA
Đối chiếu ý nghĩa của thuật ngữ JHÀNA, với cách giải thích thuật ngữ DHYÀNA của YOGA, ta thấy hai bên có sự tương đồng mật thiết với nhau.
Thật vậy, như chúng ta đã biết:
Cách giải thích của YOGA về thuật ngữ DHYÀNA là “dòng chảy của tâm trí” và đây là dòng chảy tự nhiên, không có sự hiện diện của những yếu tố gây nhiễu đến sự hoạt động của nó. Và trong dòng chảy này, các đối tượng của tâm trí đến và đi một cách tự nhiên, không có một quy định gò ép nào.
Cũng tương tự như vậy, trong các tầng JHÀNA, những chướng ngại ngăn che8 được loại bỏ, và dòng tâm thức ở đó được trôi chảy một cách tự nhiên mà không có một quy định gò ép nào.
Xem xét kỹ ta thấy cái gọi là “những chướng ngại ngăn che” trong cách giải thích của thuật ngữ JHÀNA có cùng một ý nghĩa với “những yếu tố gây nhiễu đến sự hoạt động của tâm trí” trong cách giải thích của thuật ngữ DHYÀNA.
Như vậy ta có thể kết luận việc phiên dịch thuật ngữ tiếng Pàli: JHÀNA sang tiếng Sanskrit: DHYÀNA là hòan tòan nhất quán về mặt ngữ nghĩa. Và ta hòan tòan có thể hiểu ý nghĩa của DHYÀNA là “dòng chảy của tâm trí” theo cách giải thích của YOGA mà không sợ bị sai lầm so với ý nghiã của thuật ngữ gốc JHÀNA.
3) Ý nghĩa của thuật ngữ CH’AN trong tiếng Trung Hoa.
Như ta đã biết: “CH’AN” là chữ tắt của nguyên ngữ “CH’AN NA” (禪那: Thiền na). Còn “CH’AN NA” lại là phiên âm của chữ tiếng Sanskrit: DHYÀNA. Như vậy muốn tìm hiểu ý nghĩa của CH’AN thì ta phải tìm hiểu ý nghĩa của DHYÀNA khi dịch sang tiếng Trung Hoa.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét xem ý nghĩa của “CH’AN” là gì?
DHYÀNA tức là “CH’AN NA” khi dịch sang tiếng Hán có hai cách dịch là TỊNH LỰ (靜慮) và ĐỊNH NIỆM (定念). Bây giờ chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từng cách dịch.
Ý nghĩa của thuật ngữ TỊNH LỰ
TỊNH LỰ (靜慮). Ở đây:
TỊNH (靜) có nghĩa là lặng yên hay lặng im.
Còn LỰ (慮) theo nguyên gốc của thuật ngữ này, có nghĩa là những suy nghĩ lo toan, những toan tính….. Tuy nhiên, ở đây theo tôi nó không phải chỉ được hiểu một cách đơn giản như vậy, mà LỰ ở đây phải được hiểu là bao gồm tất cả những gì là chướng ngại, gậy nhiễu đến dòng chảy tự nhiên của tâm thức. Trong giáo lý của Đạo Phật có một khái niệm thể hiện được hết tất cả các yếu tố làm chướng ngại, gậy nhiễu đến sự hoạt động tự nhiên của tâm thức, đó là năm Triền cái: Dục tham, Sân, Hôn trầm thụy miên, Trạo hối, Nghi9. Vậy ý nghĩa của LỰ ở đây phải đựơc hỉểu theo nghĩa chính là tòan bộ năm Triền cái nói trên.
Phối hợp hai khái niệm đó lại thì TỊNH LỰ có nghĩa là các yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu đến sự hoạt động tự nhiên của dòng tâm thức được lặng yên10.
Tuy nhiên có một điều chúng ta cần lưu ý là: ý nghiã của khái niệm TỊNH LỰ có thể được hiểu theo hai cách hòan tòan khác nhau như sau:
Hiểu theo cách thứ nhất: TỊNH LỰ là các yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu đến sự hoạt động tự nhiên của dòng tâm thức được lặng yên. Hiểu theo nghĩa này thì TỊNH LỰ là một trạng thái của Tâm thức, và nó là kết quả của việc tu tập Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà). Ta gọi đó là nghiã quả (kết qủa) của thuật ngữ TỊNH LỰ.
Hiểu theo cách thứ hai: TỊNH LỰ là làm cho các yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu đến sự hoạt động tự nhiên của dòng tâm thức được lặng yên. Hiểu theo nghĩa này thì TỊNH LỰ lại là những hành động có tác dụng làm cho các yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu đến sự hoạt động tự nhiên của dòng tâm thức được lặng yên. Đó chính là Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà). Và hiểu theo cách này thì nó lại chính là nguyên nhân để dẫn đến kết quả ở trên. Để phân biệt, ta gọi đó là nghiã nhân (nguyên nhân) của thuật ngữ TỊNH LỰ.
Ý nghĩa của thuật ngữ ĐỊNH NIỆM
ĐỊNH NIỆM (定念). Trong đó:
ĐỊNH (定) có nghĩa là yên lặng không bị dao động nữa. nguyên tiếng Phạn là “Samadhi”, phiên âm ra tiếng Hán là “Tam muội”, nghĩa là Nhất tâm, hay chú tâm trên một cảnh, không còn tán loạn, dao động. Đó là trạng thái chú tâm lên một đối tượng duy nhất có được nhờ sự lắng lọc từ từ những dao động của dòng tâm thức.
NIỆM (念) dịch theo tự điển có nghĩa là Nghĩ nhớ hay Ý nghĩ vvv. Nhưng dịch như vậy thì chưa ổn lắm. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của thuật ngữ này ta hãy truy nguyên gốc gác của nó.
NIỆM (念)là âm của chữ Hán, phân tích ra có hai bộ:
Bộ KIM (金), có nghĩa là “hiện tại”.
Và bộ TÂM (心) , theo Vi diệu pháp định nghĩa là “biết cảnh”. Vậy NIỆM có nghĩa là “biết cảnh hiện tại”11. Nói một cách nôm na thì NIỆM ở đây tức là cái “ý thức” của ta, khi ta nhìn, nghe… một điều gì thì ta hướng ý thức của mình vào đó, cái “ý thức” đó gọi là NIỆM.
Tổng hợp lại thì: ĐỊNH NIỆM có nghĩa là dòng ý thức của mình hướng đến một đối tượng duy nhất trong hiện tại mà không bị dao động.
Tuy nhiên có một điều chúng ta cần lưu ý là: ý nghĩa của khái niệm ĐỊNH NIỆM có thể được hiểu theo hai cách hoàn toàn khác nhau như sau:
Hiểu theo cách thứ nhất: ĐỊNH NIỆM là khi dòng ý thức của mình hướng đến một đối tượng duy nhất trong hiện tại mà không còn bị dao động. Hiểu theo nghĩa này thì ĐỊNH NIỆM là một trạng thái của Tâm thức, và nó là kết quả của việc tu tập Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà). Ta gọi đó là nghĩa quả (kết quả) của thuật ngữ ĐỊNH NIỆM.
Hiểu theo cách thứ hai: ĐỊNH NIỆM là làm cho dòng ý thức của mình hướng đến một đối tượng duy nhất trong hiện tại mà không bị dao động. Hiểu theo nghĩa này thì ĐỊNH NIỆM là những hành động làm cho dòng ý thức của mình hướng đến một đối tượng duy nhất trong hiện tại mà không bị dao động. Đó chính là Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà). Và hiểu theo cách này thì nó lại chính là nguyên nhân để dẫn đến kết quả ở trên. Để phân biệt, ta gọi đó là nghiã nhân (nguyên nhân) của thuật ngữ ĐỊNH NIỆM.
So sánh ý nghĩa của hai thuật ngữ TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM
So sánh hai thuật ngữ TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM ta thấy đây là hai cách nói khác nhau về cùng một vấn đề. Bởi vì:
Nếu hiểu theo nghĩa quả thì: ĐỊNH NIỆM (tức dòng ý thức của mình hướng đến một đối tượng duy nhất trong hiện tại mà không bị dao động) chỉ xuất hiện khi có sự lặng yên của những yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu đến sự hoạt động tự nhiên của dòng tâm thức (tức là TỊNH LỰ) mà thôi. Đây là hai vấn đề không thể tách rời lẫn nhau, hay nói cách khác là hai mặt của cùng một vấn đề.
Còn nếu hiểu theo nghĩa nhân thì: khi ta làm cho các yếu tố làm chướng ngại, gây nhiễu đến sự hoạt động tự nhiên của dòng tâm thức được lặng yên (TỊNH LỰ), thì chính khi đó cũng là ta đã làm cho làm cho dòng ý thức của mình hướng đến một đối tượng duy nhất trong hiện tại mà không bị dao động (ĐỊNH NIỆM) và ngược lại.
Tóm lại thì hai thuật ngữ TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM có thể nói là hoàn toàn đồng nhất với nhau.
Đối chiếu ý nghĩa của TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM với DHYÀNA
Bây giờ ta đối chiếu ý nghĩa của hai thuật ngữ nói trên với ý nghĩa của thuật ngữ gốc DHYÀNA. Bởi vì hai thuật ngữ TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM là đồng nhất với nhau, cho nên ta chỉ cần sử dụng một thuật ngữ (ở đây tôi lấy thuật ngữ TỊNH LỰ) làm đại diện.
Như ta đã phân tích ở trên, ý nghĩa của thuật ngữ DHYÀNA theo cách hiểu của YOGA là “dòng chảy của tâm trí”, hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của thuật ngữ nguyên thủy mà Phật thích ca đã dùng: JHÀNA. Do vậy ta sẽ lấy theo ý nghĩa này để đối chiếu.
Vì Thuật ngữ TỊNH LỰ có thể được hiểu theo hai nghĩa là nghĩa nhân và nghĩa quả, nên ta sẽ đối chiếu lần lượt từng nghĩa một.
Trường hợp hiểu TỊNH LỰ theo nghĩa quả
Trong trường hợp này thì TỊNH LỰ có ý nghĩa như một danh từ chỉ một trạng thái hoạt động của Tâm thức. So sánh nó với cách hiểu về thuật ngữ DHYÀNA của YOGA:”dòng chảy của tâm trí”, ta thấy có sự tương đồng với nhau về mặt ý nghĩa. Cụ thể trong TỊNH LỰ, thì LỰ_ như đã trình bày ở trên chính là tất cả những yếu tố chướng ngại, gậy nhiễu đến dòng chảy tự nhiên của Tâm thức. Cho nên dòng chảy tự nhiên của Tâm thức chỉ xuất hiện khi LỰ _tức yếu tố gây nhiễu được làm cho lặng yên. Ta thấy rõ ràng là nói rằng TỊNH LỰ, hay nói “dòng chảy của tâm trí” chỉ là hai cách nói khác nhau về hai mặt của cùng một vấn đề mà thôi.
Trường hợp hiểu TỊNH LỰ theo nghĩa nhân
Trong trường hợp này thì TỊNH LỰ có ý nghĩa như một động từ chỉ hành động của ta nhằm loại bỏ những yếu tố chướng ngại, gậy nhiễu đến dòng chảy tự nhiên của Tâm thức. Đây chính là nguyên nhân để đưa đến kết quả là có “dòng chảy của tâm trí”. Như vậy trong trường hợp này ý nghiã của TỊNH LỰ và DHYÀNA là không đồng nhất với nhau, mà chúng có mối quan hệ Nhân – Quả với nhau. Trong đó TỊNH LỰ là nhân và DHYÀNA là quả. Trong trường hợp này thì TỊNH LỰ lại phù hợp với ý nghiã của JHÀNNA (Thiền định) tức là Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà).
Mối quan hệ của ĐỊNH NIỆM với DHYÀNA cũng y như vậy.
Kết luận về ý nghĩa của thuật ngữ CH’AN
Như đã phân tích ở trên, nếu xét về tổng thể thì ý nghĩa của các các thuật ngữ DHYÀNA, TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM là không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Nhưng nếu xét về một mặt nào đó trong cách hiểu về TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM (trên phương diện quả) thì có sự đồng nhất. Còn nếu ta hiểu khái niệm TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM trên phương diện nhân thì chúng không còn đồng nhất nữa, mà trong trường hợp này TỊNH LỰ phải được hiểu là JHÀNNA.
Từ đó ta thấy ý nghĩa của TỊNH LỰ và ĐỊNH NIỆM bao hàm trong đó cả hai khái niệm JHÀNA (DHYÀNA) và JHÀNNA.
Nghĩa là DHYÀNA khi truyền sang Trung Hoa và được phiên âm thành CH’AN NA thì nó không còn giữ được nội hàm (ý nghĩa) ban đầu nữa, mà nó đã được mở rộng ra bao hàm cả JHÀNA và JHÀNNA, tức gồm chung cả nguyên nhân và kết quả.
Cần lưu ý rằng: khi ta phiên dịch một thuật ngữ từ thứ tiếng này sang thứ tiếng khác, không phải bao giờ thuật ngữ mới cũng trung thành đuợc với ý nghĩa gốc của nó, mà hầu như trong đa số trường hợp đều có sự sai lệnh ở một mức độ nào đó mà người ta có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này ta phải hiểu ý nghĩa của thuật ngữ mới theo ý nghĩa đã bị sai lệch đó mà không được phép hiểu theo ý nghĩa nguyên thủy của nó nữa. Lý do là dù thuật ngữ mới có nguồn gốc phát sinh từ thuật ngữ cũ, nhưng một khi nó đã xuất hiện và tồn tại với tư cách là một chủ thể độc lập thì nó đã thoát ly ra khỏi sự chi phối về mặt ý nghĩa của thuật ngữ cũ rồi.
Trong trường hợp này ta xem xét nghĩa gốc của thuật ngữ CH’AN NA, mặc dầu thuật ngữ CH’AN NA có xuất xứ từ thuật ngữ gốc là DHYÀNA của tiếng Sanskrit, nhưng sau khi du nhập vào Trung Hoa thì ý nghĩa của nó đã bị thay đổi, đồng thời nó đã được trở thành một từ ngữ độc lập, thì trong trường hợp này ta phải hiểu nó theo đúng nghĩa khởi thủy của nó chứ không được phép hiểu theo nghiã của thuật ngữ gốc nữa. Nghĩa là: ta phải hiểu thuật ngữ CH’AN NA theo nghĩa bao hàm cả JHÀNA và JHÀNNA như đã giải thích ở trên.
4) Ý nghĩa của thuật ngữ THIỀN trong tiếng Việt Nam
THIỀN là phiên âm sang tiếng Việt nam của CH’AN NA, do vậy nó sẽ được hiểu theo đúng nghĩa của CH’AN NA. Và ta có thể kết luận ý nghĩa gốc của THIỀN theo ý nghĩa khởi thủy của thuật ngữ CH’AN NA bao gồm cả hai nghĩa là:
“Sống trong dòng chảy tự nhiên của Tâm thức mà ở đó mọi suy nghĩ lo toan, mọi toan tính, lo âu lẩn quẩn cùng tất cả những gì là chướng ngại, gây nhiễu đến dòng chảy tự nhiên của Tâm thức đều được lắng dịu”12 (JHÀNA); Và những hành động để đưa ta đi đến chỗ sống trong đó (JHÀNNA), tức là Chỉ (SAMATHA) và Quán (VIPASSANÀ).
Giải thích một cách nôm na thì:
Thiền là sự lắng dịu của các yếu tố gây nhiễu đến hoạt động của tâm trí, và những hành động nhằm làm cho lắng dịu những yếu tố gây nhiễu đó. (
5) Phân biệt sự khác nhau giữa Thiền và ZEN
Có một thuật ngữ vè Thiền cũng rất nổi tiếng trên thế giới, đó là ZEN. ZEN dịch sang tiếng Việt nghiã là THIỀN. Nhưng có một điều là chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa thuật ngữ THIỀN là phiên âm tiếng Việt của CH’AN NA, với thuật ngữ ZEN. ZEN là viết tắt của từ Zenna hay Zenno, lối phiên âm của người Nhật dùng cho từ CH’AN NA của Trung Hoa.
Nếu ý nghĩa khởi thủy của THIỀN và ý nghiã khởi thủy của CH’AN NA là hòan tòan phù hợp với nhau, thì ý nghĩa khởi thủy của ZEN và ý nghiã khởi thủy của CH’AN NA lại hòan tòan không phù hợp với nhau. Bởi vì ý nghĩa của thuật ngữ CH’AN NA tại Trung Hoa không nhất quán từ đầu đến cuối, mà nó lại bị thay đổi theo thời gian và theo các tông phái khác nhau của Đạo Phật tại đây.
Khi Thiền tông Trung Hoa xuất hiện, với chủ trương Đốn ngộ, thì CH’AN NA đã được hiểu theo một cách khác so với ý nghĩa ban đầu của nó (Vấn đề này chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau). CH’AN NA từ Trung Hoa truyền vào Nhật Bản qua con đường Thiền tông. Cho nên ZEN là phiên âm tiếng Nhật của CH’AN NA sẽ được hiểu theo cách hiểu của Thiền tông Trung Hoa về CH’AN NA chứ nó không phải được hiểu theo nghĩa ban đầu, khi mới truyền từ Ấn Độ vào Trung Hoa của CH’AN NA nữa.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 – 03 – 2008
Tác Giả
Nguyễn Đức Quý
Chú thích
1. Trong đó:
Dục tham là những ham muốn của chúng ta. Thông thường trong cuộc sống chúng ta hay nảy ra những ý muốn như thế này, ý muốn như thế nọ. Cụ thể là khi ngồi THIỀN, sau một thời gian nào đó chúng ta sẽ có ý muốn xả THIỀN để đứng dậy. Đó chính là Dục tham.
Sân: tức là sự tức giận, bực tức, khó chịu vvv
Hôn trầm thụy miên nghĩa là ngủ gật, mê man, khi đó chúng ta không còn tỉnh táo, không còn sự tự chủ nữa.
Trạo hối là những dao động của tâm, những suy nghĩ lo toan, những toan tính, hối hận, ăn năn vvv Nổi lên một cách tự động không theo ý muốn của ta.
Nghi là những thắc mắc, nghi ngờ không biết có nên tin hay không? Cái sự việc, hiện tượng nào đó (mà ta không biết) có hay không? Vvv
5 Yếu tố này là 5 yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của tâm, cũng là 5 yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta.
2. Cần lưu ý là: việc năm yếu tố chướng ngại này bị loại bỏ ở đây không có nghĩa là sự loại bỏ vĩnh viễn, mà chỉ là bị loại bỏ tạm thời do kết quả của sự tập luyện trước đây. Do vậy ta có thể dùng thuật ngữ “lắng dịu” để thay thế cho thuật ngữ “loại bỏ” sẽ dễ hiểu hơn. Lắng dịu ở đây có nghĩa là tạm thời không hiện hữu, nhưng nó vẫn có thể hiện hữu trở lại trong tương lai. Giống như một ly nước đục được làm cho lắng cặn và trở nên trong suốt, nhưng nó vẫn có thể bị khuấy đục trở lại sau này.
3. Cần lưu ý một điều rằng: THIỀN, với ý nghĩa như vậy_ tức JHÀNA, là kết quả của một sự nỗ lực rèn luyện gọi là tu tập Thiền định (jhànna) gồm có Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà), chứ bản thân nó không phải để chỉ cho những nỗ lực tập luyện nói trên. Và THIỀN này chỉ có thể xuất hiện một cách dễ dàng trong khi Tọa THIỀN, hoặc Ngọa THIỀN là những tư thế bất động về Thân. Khi thân cử động thì người hành giả dễ dàng bị mất những trạng thái THIỀN nói trên, nếu muốn giữ được thì cũng rất khó khăn.
4. SAMATHA tức là dừng chỉ, hay đình chỉ. Đình chỉ cái gì? Đó chính là đình chỉ sự thay đổi đối tượng quan sát của ý thức. Ý thức của ta thông thường hay di chuyển liên tục từ hết đối tượng ngày đến đối tượng khác. Và SAMATHA nghĩa là ta giữ nó lại, buộc nó duy trì sự quan sát một đối tượng duy nhất không được thay đổi. Ví dụ: tập trung nhìn vào một điểm ở trước mặt. Để thực hiện việc duy trì này bắt buộc ta phải sử dụng đến sức mạnh của ý chí để kìm giữ sự di chuyển của ý thức và lẽ dĩ nhiên ta sẽ phải chịu đựng một phản lực tác dụng từ những thói quen chạy theo các đối tượng khác nhau của tâm. Điều này làm cho ta cảm thấy hơi bị ức chế. Thiền chỉ có 40 đề mục gồm : mười biến xứ , mười bất tịnh, mười chỗ tưởng niệm, bốn phạm trú, Bốn vô sắc, một tưởng,và một phân tích. Mười biến xứ là : đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, hư không, Mười bất tịnh là : thây phình trướng, thây bầm xanh, thây máu mủ, thây nứt nẻ, thây thú ăn, thây phân lìa, thây rã rời, thây chảy máu, thây sâu đục, bộ xương. Mười chỗ tưởng niệm là : niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Chết, niệm Thân, niệm hơi thở, và niệm diệt. Bốn phạm trú là : Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn vô sắc là : Không vô biên, Thức vô biên, Vô sở hữu, Phi tưởng phi phi tưởng. Một tưởng là tưởng đồ ăn bất tịnh. Một phân tích là phân tích tứ đại.
VIPASSANÀ có nghĩa là “trông thấy sự vật như chúng là, nói một cách nôm na là Quan sát tách rời. Khi ta quan sát một đối tượng ta sẽ cảm thấy đối tượng đó là một cái gì đó ở bên ngoài ta, còn ta là người đang quan sát nó, hai bên hoàn toàn tách rời với nhau. VIPASSANÀ là hướng việc quan sát vào quan sát bản thân, bao gồm quan sát những cảm nhận về mặt thân thể (Niệm Thân), quan sát những gì mà mình đang cảm nhận được (Niệm Thọ), quan sát nội tâm của mình (Niệm tâm) và quan sát các đối tượng khác nhau (Niệm pháp). Như vậy khi ta thực hành VIPASSANÀ ta sẽ cảm nhận được một cách rõ ràng sự tách rời lẫn nhau giữa ta_ người quan sát và đối tượng bị ta quan sát_là những cái mà xưa nay ta vẫn thường cho là ta. Thông thường chúng ta không quan sát các yếu tố thuộc về bản thân mình, mà hay hướng ra bên ngoài, và ý thức của chúng ta thường hay bị các đối tượng bên ngoài cuốn hút, lôi kéo, hòa nhập vào đó, chứ không tách rời ra để quan sát chúng. Khi ý thức bị cuốn hút lôi kéo vào các đối tượng bên ngoài thì các yếu tố bên trong là 5 triền cái có cơ hội nổi lên làm chướng ngại và gây nhiễu đến sự vận hành tự nhiên của Tâm. Khi thực hiện VIPASSANÀ thì ta phải dùng ý chí của mình để kìm giữ, duy trì ý thức của ta luôn ở vị trí quan sát tách rời, và khi đó dĩ nhiên là ta đang kìm giữ không cho 5 triền cái nổi lên. Để thực hiện việc duy trì này bắt buộc ta phải sử dụng đến sức mạnh của ý chí để kìm giữ sự di chuyển của ý thức và lẽ dĩ nhiên ta sẽ phải chịu đựng một phản lực tác dụng từ những thói quen chạy theo các đối tượng khác nhau của tâm. Điều này làm cho ta cảm thấy hơi bị ức chế.
Như vậy trong cả hai trường hợp Chỉ (SAMATHA) và Quán (VIPASSANÀ) ta đều dùng đến ý chỉ của mình để ức chế sự hoạt động tự nhiên của dòng chảy ý thức, do vậy các Pháp Thiền này được gọi là Thiền ức chế Tâm.
5. Vô minh (avidyā) là không sáng, nó là thuật ngữ đối lập lại với Minh. Chúng ta thường không nhận thức về thế giới như nó vốn là nó, mà chúng ta thường nhận thức về thế giới như ta tưởng nó là như vậy. Do vậy chúng ta thường không thấy được bản chất và bộ mặt thật sự của Thế giới và bản thân. Đó chính là Vô minh.
6. Giác Ngộ Giải Thoát là gì?
Trong thuật ngữ Giác Ngộ, thì:
Giác có nghĩa là biết. Biết ở đây là một cái biết hoàn toàn khách quan, không bị liên hệ với ký ức, không bị tác động bởi chủ quan của ta. Nói vắn tắt thì Giác ở đây là thấy sự vật, hiện tượng như nó là nó.
Còn Ngộ chính là thời điểm lóe sáng của cái mà khoa học vẫn gọi là Tia chớp trí tuệ.
Vậy Giác Ngộ chính là thời điểm lóe sáng của tia chớp trí tuệ xuyên thủng màn vô minh làm cho ta thấy rõ được thế giới như nó vốn là nó, mà không còn bị tác động, chi phối bởi các yếu tố chủ quan vào trong quá trình nhận biết thế giới nữa.
Thuật ngữ Giải thoát thì:
Giải có nghĩa là cởi bỏ, còn Thoát có nghĩa là thóat ra. Vậy Giải thoát có nghĩa là cởi bỏ và thoát ra. Ở đây là cởi bỏ và thoát ra khỏi màn đem Vô minh, hoặc cũng có thể hiểu là cởi bỏ và thoát ra khỏi sự chi phối của các yếu tố chủ quan vào các quá trình nhận thức.
7. Tức là 5 triền cái và 10 kiết sử. 5 triền cái thì chúng ta đã biết, gồm: Tham dục, Hôn trầm Thụy miên, Trạo cử, Sân và Nghi. Còn 10 kiết sử (sayojana) là: Giới cấm thủ, Thân kiến, Nghi, Dục tham, Sân, Sắc tham, Vô sắc tham, Trạo cử, Mạn, Vô minh. Trong đó Vô minh đã giải thích ở trên, và Tham dục, Trạo cử, Sân và Nghi đã giải thích trong phần 5 Triền cái. Còn lại 5 kiết sử là:
Giới cấm thủ: Là sự chấp chặt vào giới cấm một cách thiếu hiểu biết về ý nghĩa của nó.
Thân kiến: là những nhận thức về thân như: thân này là ta, thân này là của ta, ta có thân, ta không có thân…. đều là thân kiến.
Sắc tham: là sự ham thích các đối tượng, ví dụ tháy một bức tranh đẹp ta thích ngắm, nghe một bản nhạc hay ta thích nghe….hoặc cũng có thể là việc muốn duy trì, an trú trong trạng thái định hữu sắc của tâm khi thực hành Thiền định.
Vô sắc tham: là sự ham thích, muốn duy trì, an trú trong trạng thái định vô sắc của tâm khi thực hành Thiền định.
Mạn: là sự tự cao đối lập với khiêm nhường. Đề cao cái tôi của mình, hoặc hạ thấp nó đều là Mạn cả.
So sánh giữa 5 triền cái và 10 kiết sử ta thấy có 4 yếu tố giống nhau là: Tham dục, Hôn trầm Thụy miên, Trạo cử, Sân và Nghi. Vậy sự khác biệt của chúng ở đây là gì? Thực ra cả hai là một. Chỉ có điều ta gọi chúng là Triền cái khi ta quan tâm tới tác dụng làm chướng ngại, gây nhiễu đến dòng chảy tự nhiên của tâm thức. Và ta gọi chúng là Kiết sử khi ta quan tâm tới tác dụng trói buộc, chi phối sự nhận thức của ta. Kiết sử có nghĩa là sự ràng buộc hay trói buộc, ví dụ: một con trâu bị cột vào một cái cọc bởi một sợi dây, khi đó nó bị mất tự do, và kiết sử tương tự như sợi dây đó. Khi kiết sử xuất hiện thì sự hoạt động của ý thức của ta bị trói buộc mất tự do.
8. Tức 5 triền cái là những yếu tố gây nhiễu đến hoạt động của tâm thức.
9. Xem giải thích về 5 triền cái ở phần trên.
10. Cần lưu ý rằng: LỰ hay năm Triền cái không phải là tòan thể dòngTâm thức, mà nó chỉ là phẫn nhiễm ô của Tâm thức, làm cho tâm thức bị xao động mà thôi. Do vậy Tịnh Lự không thể được hiểu là việc ngưng dòng tâm thức lại như nhiều người vẫn giải thích được. Tịnh Lự là làm ngưng sự hoạt động của năm Triền cái lại mà thôi, còn dòng tâm thức vẫn hoạt động một cách bình thường.
11. Cảnh hiện tại ở đây có thể là những gì mà chúng ta đang nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, nếm thấy, ngửi thấy, cảm giác thấy hoặc các dòng tư tưởng trong lúc đang suy nghĩ.
12. Cần phân biệt ý nghĩa mọi chướng ngại, gây nhiễu đến dòng chảy tự nhiên của Tâm thức đều được lắng dịu với ý nghĩa làm ngưng dòng Tâm thức lại, tức là Chỉ (Samatha). Nhiều người đã hiểu sai thuật ngữ này theo hướng như vậy, và đó là sự sai lầm căn bản dẫn đến khó khăn, và đạt hiệu quả kém khi tập luyện THIỀN.
Để lại một bình luận