Một mục sư da trắng đã hỏi một lãnh tụ da đen: “Ngài có chí hướng giải phóng người da đen, sao ngài không sang châu Phi, ở đó rất nhiều người da đen?”. Lãnh tụ da đen nọ lập tức hỏi lại: “Còn ngài có chí hướng giải phóng linh hồn, sao ngài không xuống địa ngục, ở đó có rất nhiều linh hồn?”…
Hỏi để bác bỏ
Trong quá trình lập luận, trình bày lý lẽ cho một sự việc, không nhất thiết cứ phải dùng tới các mệnh đề và suy luận theo logic tam đoạn luận Aristote. Phương pháp hỏi được dùng trong không ít trường hợp lại có kết quả tốt hơn, có giá trị hơn những lời khẳng định, và những cách hỏi đó thể hiện rõ trí tuệ của người lập luận.
Để bác bỏ luận đề “Thượng đế là toàn năng và thượng đế sáng tạo ra thế giới” của các nhà thần học kinh viện, Cavnilo hỏi: “Thượng đế có thể tạo ra tảng đá mà ông ta không nhấc nổi hay không?”
Nếu người trả lời chọn một trong hai khả năng, thì kiểu gì cũng anh ta cũng thua. Chọn khả năng đầu “có thể tạo ra được”, sẽ dẫn tới một kết luận là tồn tại tảng đá mà thượng đế không nhấc nổi. Hệ quả của điều này là Thượng đế không toàn năng. Chọn khả năng sau “không thể tạo ra được” thì chính người trả lời đã gián tiếp bác bỏ luận đề Thượng đế là toàn năng.
Có thể tạo câu hỏi dựa vào quy tắc lấy điều không thể để chứng minh điều không thể nhằm vạch ra điều phi lý của đối phương.
Có một truyện dân gian Ấn Độ như sau: ngày xưa, có vị vua Ấn Độ bệnh nặng, thầy thuốc tâu với vua rằng chỉ cần uống sữa bò đực là hết bệnh ngay. Mà sữa này chỉ có nhà thông thái Cabuo mới tìm được (người thầy thuốc nọ vốn thâm thù Cabuo). Tin lời thầy thuốc, nhà vua ra lệnh cho Cabuo đi tìm sữa bò đực. Nhà thông thái này rất lo lắng, chưa biết tìm kế gì để thoát thân. Cô con gái khuyên cha đừng lo, cô sẽ có cách. Hôm sau đang lúc nửa đêm yên tĩnh, con gái Cabuo mang ít quần áo cũ đến bên bờ sông cạnh hoàng cung giặt giũ dưới cửa sổ phòng ngủ quốc vương. Cô cố tình khua động rõ to làm vua không sao ngủ được. Cả giận, nhà vua phái vệ binh bắt cô gái giải về hỏi tội: Cớ sao đang đêm đến đây giặt giũ ầm ầm làm ta không ngủ được? Ngươi có biết tội không?
Cô gái làm như sợ hãi: “Dạ, dân nữ biết. Mong bệ hạ tha tội. Có điều, dân nữ bất đắc dĩ mới phải làm như vậy. Số là, chiều nay cha dân nữ mới đẻ em bé, mà trong nhà chẳng còn quần áo sạch sẽ quấn cho bé nên dân nữ đành phải đi giặt vào lúc này.
– Nói láo! Ngươi chế riễu ta chắc? Ai đời đàn ông lại đẻ con!
– Dạ, nếu bệ hạ có thể hạ lệnh cho người đi kiếm sữa bò đực thì sao đàn ông lại không thể đẻ được ạ?
Nghe vậy, nhà vua cười: Chắc chắn ngươi là con gái của Cabuo rồi. Thôi, về bảo cha ngươi cứ giữ lấy món sữa bò đực cho em bé ông ta vừa đẻ bú nhé!
Thế là Cabuo thoát nạn.
Hỏi để khuyên can
Không biết thì hỏi. Không ai bắt tội một người hỏi vì không biết. Vì thế, những trung thần, cố vấn thường dùng cách hỏi để khuyên can vua chúa, để góp ý khéo léo, tế nhị với cán bộ lãnh đạo cao cấp mà vẫn bảo vệ được cái đầu (hoặc ghế) của mình.
Chuyện xưa: “Con ngựa quý của Tề Cảnh Công bỗng nhiên ốm, lăn đùng ra chết. Vua Tề vô cùng giận dữ, hạ lệnh chặt tay chân người coi ngựa. Đây là một lệnh bạo sát vô lý. Tội để ngựa chết chưa nặng đến mức phải chặt chân chặt tay. Nhiều người muốn can. Vua Tề hăm đe: Ai dám xin cho nó sẽ bị giết. Quần thần xanh mặt, không dám hé răng nữa. Tề Án Anh, để cứu người coi ngựa, bèn nghĩ ra một mẹo hỏi vua. Ông đến trước người coi ngựa, túm tóc anh ta giơ kiếm lên rồi “luận tội”: “Ngươi nuôi ngựa rồi làm ngựa chết. Đấy là tội thứ nhất. Ngươi làm nhà vua vì ngựa chết mà giết người, trăm họ mà biết tất oán hận vua. Đây là tội thứ hai. Chư hầu biết việc này tất sẽ khinh nước ta. Đây là tội thứ ba”. Bỗng ông quay sang hỏi vua Tề: “Tâu Đại vương, có một điều thần chưa rõ, xin Thánh thượng dạy. Thời Nghiêu Thuấn xưa, khi các bậc vua hiền minh này chặt chân tay người, không biết là chặt bên nào trước?”.
Lát sau vua mới hiểu đó là câu hỏi châm biếm, hạ lệnh tha cho người coi ngựa.
Triết gia Socrater
(Trích: câu chuyện triết học)
…………Một câu sấm tại đền Delphe cho biết rằng Socrater là người thông minh nhất xứ Hy Lạp. Socrater cho rằng câu sấm này ám chỉ đến thuyết bất khả tri của ông ta: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì hết”. Biết đâu rằng chính những niềm hy vọng ao ước thầm kín, những khát khao đã trở thành những niềm tin đối với chúng ta? Sẽ không có triết lý nếu chúng ta không chịu khó đi một vòng quanh và quan sát lại chính chúng ta: “Hãy tự biết mình!”, Socrater nói như thế.
Trước Socrater cũng có rất nhiều triết gia. Những người với lý luận đanh thép như Thalès và Héraclite, tế nhị như Parménide và Zénon, sâu sắc như Pythagore và Empédocle.
Nhưng phần nhiều những người ấy là những triết gia hướng về vật lý, họ tìm bản thể của sự vật định lý và yếu tố của thế giới bên ngoài. Những nỗ lực ấy rất đáng khen, Socrater nói, nhưng có một điều vô cùng quý giá hơn những cây cỏ, sông núi, trăng sao, đó là con người. Con người là gì? và con người sẽ đi về đâu?
Rồi từ đó ông chuyên chú vào tâm hồn con người, tìm hiểu những định lý, hoài nghi những tư tưởng sẵn có. Người ta thường nói đến hai chữ công bằng, Socrater liền hỏi
———
Cuộc tranh luận xảy ra trong nhà của Cephalus, một người giàu có thuộc giai cấp quý tộc. Trong cuộc tranh luận còn có Glaucon và Adeimantus, anh của Platon, Thrasymachus, một triết gia đương thời. Socrater (mà Platon dùng như nhân vật để diễn tả những tư tưởng của chính mình) hỏi Cephalus:
– Lợi ích quan trọng nhất mà tiền của đem lại cho ta, theo ý ông là gì?
Cephalus trả lời: tiền của cho phép ông ta có thể độ lượng, thật thà, và công bằng.
Socrater hỏi công bằng nghĩa là gì? và mở ra một cuộc tranh luận dài. Không gì khó hơn một định nghĩa, vì nó đòi hỏi nhiều khôn khéo và sáng suốt trong tư tưởng. Socrater đả phá tất cả những định nghĩa do cử toạ đưa ra cho đến lúc Thrasymachus mất bình tĩnh và la lên:
– Socrater ông có điên không? Tại sao ông lại dẫm chân lên nhau như vậy? Nếu ông muốn biết công bằng là gì, ông phải tự trả lời chứ không được hỏi, ông không nên tự hào vì đả phá được kẻ khác…. Có rất nhiều người có thể đặt câu hỏi nhưng không thể trả lời.
Socrater không nao núng. Ông vẫn hỏi chứ không trả lời.
( Trích “câu chuyện triết học”, phần “Vấn đề đạo đức”, trong tác phẩm “Đối thoại” của Platon)
Hỏi – Đáp đối với việc học tập
Qua bài viết này, tác giả mong bạn đọc được hiểu được vai trò của Hỏi – Đáp với việc học tập của mình. Hỏi – Đáp chủ động, sáng suốt và toàn diện giúp tăng cường được khả năng học tập, lao động của mỗi người. Mong có dịp khác trình bày tiếp với các bạn về việc Hỏi-Đáp được dùng trong các phương pháp sáng tạo như thế nào.
Bùi Quang Minh (2/1999)
1. Hỏi và Đáp có ý nghĩa gì trong suy nghĩ của con người?
Hỏi và Đáp là hai mặt căn bản của quá trình con người tư duy. Đứng trước những điều chưa biết, chưa hiểu, hay hiểu chưa chắc chắn, rất tự nhiên chúng ta đều tự đặt ra cho mình một hay nhiều câu hỏi. Ví dụ như lúc đang xem bài viết này bạn chắc cũng đã tự đặt cho mình những câu hỏi như: Bài báo này nói về gì? Ai là tác giả? Tác giả định dẫn ta đến đâu? Có nên đọc không nhỉ?…
Một vài câu hỏi bạn đã nhanh chóng tự trả lời, một vài câu hỏi thì bạn chỉ trả lời được khi đã đọc xong bài báo này và tựu chung lại thông qua việc trả lời các câu hỏi bạn sẽ lĩnh hội được thêm kiến thức mới.
Việc tự đặt câu hỏi giúp cho trí tuệ con người vận động, chuyển từ trạng thái thụ động sang trạng thái hoạt động. Mỗi câu hỏi đều đóng vai trò kích thích tư duy làm tăng khả năng sẵn sàng đón nhận những kiến thức được “đóng gói” trong các câu trả lời. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ, khi hệ thống thính giác của trẻ hãy còn chưa hoàn thiện, chúng ta đã biết tự đặt câu hỏi như “Ta đang ở đâu? Chuyện gì thế này? Và điều gì rồi sẽ xảy ra?”…
Thường thì nếu còn tồn đọng những câu hỏi chưa được trả lời, trí não sẽ “ưu tiên” dành “tài nguyên” của mình để lục lọi những kiến thức đã ghi nhớ trước đây và cố gắng thực hiện suy lý để tìm nhanh lời giải đáp. Trong rất nhiều trường hợp do không tự trả lời vì còn hạn chế bởi kiến thức, khả năng tư duy hay là căn bệnh “lười suy nghĩ” mà người ta bó tay, bỏ cuộc với câu hỏi đã nêu ra, hoặc “đeo đẳng” nó theo năm tháng. Đối với những con người năng động, dám mạnh dạn tìm hiểu hoàn thiện kiến thức của mình thì thực tiễn, những người khác, sách báo hay các phương tiện truyền thông hiện đại như radio, máy tính, mạng truyền thông… là những công cụ hữu ích giúp rút ngắn được thời giờ tìm câu trả lời.
Mức độ khó dễ của một câu hỏi và tính đúng sai của một câu trả lời không phụ thuộc vào phát biểu của nó ngắn hay dài. Có những câu hỏi có thể thực chứng hoặc dễ dàng trả lời ngay được nhưng có những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản mà có biết bao cách trả lời chẳng thể thống nhất nhau được. Lại có những câu hỏi mà bao nhiêu thế hệ, nhân tài tìm cách cắt nghĩa mà chưa đến đích được như câu sự sống do đâu mà ra? Vũ trụ được hình thành ra sao? Hay đơn giản hơn như thế nào là cảm giác hạnh phúc?…
Nói chung, tuỳ theo chất lượng câu hỏi và câu trả lời cũng như nhu cầu lĩnh hội đa dạng của con người mà quá trình hỏi đáp có thể tiếp diễn kéo dài. Nhờ đó điều cần tìm hiểu trở nên ngày một sáng rõ hơn, đầy đủ hơn.
2. Hỏi đáp đóng vai trò gì trong việc học tập?
Nhờ có tự đặt câu hỏi mà kiến thức mới có thể vào sâu trí nhớ hơn. Chính vì vậy mà các nền sư phạm đều tìm cách sử dụng rộng rãi các thao tác Hỏi và Đáp. Lịch sử từ nền văn minh Hy Lạp xa xưa, nhà triết học Socrate đã sớm vận dụng nghệ thuật đối thoại, tranh luận với học trò chỉ thông qua lắng nghe và hỏi chuyện để giúp những học trò của mình khám phá ra được những cái đúng/sai, có được những tư tưởng đúng đắn tự mình.
Ngày nay, việc hỏi đáp được dùng trong hệ thống nhà trường vào mọi lúc: giờ ôn bài, lúc giảng bà, trong bài kiểm tra hay bài thi. Hình thức Hỏi-Đáp rất đa dạng: trò hỏi nhau, thầy hỏi trò hay trả lời trắc nghiệm, chọn cặp hỏi-đáp tương ứng… Trong bối cảnh học tập mới hiện nay “Đặt học sinh vào trung tâm của hệ thống giáo dục”, người Giáo viên phải biết dẫn dắt học sinh tự hỏi và tự tìm câu trả lời, ưu tiên hỗ trợ học sinh tự mình tìm tòi. Đó là công việc quan trọng số 1.
Tử Hạ đã nói: “Mỗi ngày biết thêm điều mình chưa biết, như vậy mới đáng gọi là người ham học”. Một học sinh biết cách học tốt là người biết hằng ngày đưa ra câu hỏi đúng và trả lời được chính xác cho câu hỏi đặt ra. Nếu câu hỏi càng được suy ngẫm lâu, càng tốn nhiều thời gian khám phá, tìm tòi câu trả lời thì kiến thức càng vững chắc, càng khó bị “vô ý”” xoá khỏi trí nhớ.
Bốn thái độ học tập quan trọng nhất đối với việc học của mỗi người cần phải rèn luyện là:
1. Cầu học là tự lực vượt khó khăn để đặt ra câu hỏi và sẵn sàng học tập để trả lời chúng.
2- Khiêm tốn là coi trọng tri thức mới, luôn sáng suốt khi trau dồi tri thức bằng cách sẵn sàng nghe một câu trả lời cho câu hỏi mình đã biết.
3- Tìm tòi là luôn khám phá khi tiếp nhận thông tin bằng cách nêu ra những câu hỏi mới. 4- Sáng tạo là có những nét tư duy sắc sảo, không rập khuôn khi vận dụng kiến thức để có được các câu trả lời.
Rõ ràng Hỏi-Đáp tốt đóng vai trò then chốt cho việc học tập của mỗi người. Hỏi-đáp rõ ràng chính xác minh bạch là một cách thức rèn luyện khả năng tư duy và học tập của cá nhân. Sự mập mờ, rối loạn là thứ làm suy giảm trí thông minh của con người.
Chính vì vậy mỗi học sinh ngoài việc rèn luyện cho mình 4 thái độ học tập đúng đắn đã nêu cần thường xuyên trau dồi khả năng tư duy lô gíc hình thức, lôgíc hệ thống, lôgíc biện chứng, lôgic thuật toán…
Thực tiễn đào tạo hiện nay cần tránh việc cung cấp câu hỏi và câu trả lời sẵn để học sinh học vẹt và cũng không nên đưa máy tính Internet ra với một cách cổ động sử dụng chúng chung chung “Cứ dùng chúng thì câu trả lời nào cũng có sẵn ?!”.
Việc dạy phương pháp khoanh vùng vấn đề, quy trình đọc sách báo tra cứu trong thư viện, khai thác thông tin bằng máy tính hết sức quan trọng. Và lúc này xây dựng câu trả lời hoàn hảo từ những mảnh thông tin chắp vá, hoài nghie các thông tin thiếu tin cậy là hết sức quan trọng.
3. Làm thế nào để Hỏi-Đáp có hiệu quả?
Bất cứ ai từ em bé hay cụ già đều có thể thực hiện dễ dàng Hỏi-Đáp. Tưởng rằng hỏi đáp thực hiện đơn giản là thế, ai mà chẳng làm được hoá ra không hẳn vậy. Các nhà ngôn ngữ, tâm lý học, nhà văn, nhà báo, chiến sĩ công an, luật gia, thẩm phán, nhà ngoại giao, nhà giáo, người làm tin học… làm việc chủ yếu thông qua Hỏi-Đáp.
Các nhà khoa học cũng cho rằng công việc nghiên cứu khoa học của mình là nghệ thuật trả lời câu hỏi và đặt ra câu hỏi thích hợp. Hỏi – Đáp là đối tượng mà các nghề nghiên cứu và vận dụng thường xuyên. Không chỉ họ, từng chúng ta cũng luôn luôn phải nâng cao khả năng hỏi và trả lời của mình để phát triển tư duy, khả năng học của mình. Rõ ràng đó là công việc của cả đời người.
Trước hết, chúng ta cần biết tự đặt câu hỏi và hiểu câu hỏi của người khác sao cho tốt. Bởi câu hỏi dẫn đường cho tư duy nên ta cần rèn cách phát biểu câu hỏi cho rõ và chính xác. Phát biểu câu hỏi tốt giúp cho người khác hiểu bạn rõ hơn và có ích cho việc nhận được câu trả lời tốt. Các nhà nghiên cứu khoa học coi việc phát hiện vấn đề nghiên cứu khởi đầu bằng một câu hỏi. Họ coi việc nêu đúng câu hỏi đã giúp giải quyết vấn đề một nửa. Nhà nghiên cứ phương pháp luận khoa học Fred Kerlinger đã có lời khuyên như sau: “Hãy trình bày vấn đề nghiên cứu một cách rõ ràng, khúc chiết bằng một câu nghi vấn”.
Theo chúng tôi một câu hỏi tốt nên chia thành ba phần: Dẫn nhập, Nút thắt và phần Hỏi. Phần Dẫn nhập có mục đích là cho phép ta hiểu được điều kiện xuất phát, ngữ cảnh suy nghĩ ban đầu hoặc dẫn người nghe đến cùng ta đứng cùng một chỗ và dắt họ theo dòng suy nghĩ của ta. Phần Nút thắt có mục đích đề xuất vấn đề, điều cần đi sâu xem xét, tập trung. Nó thu hút sự chú ý và gợi mở ra phần chính của một câu hỏi. Cuối cùng là Phần hỏi – lõi chính quan trọng nhất.
Một cách quan trọng là khi đặt học nghe một câu hỏi cũng cần biết cách chia một câu hỏi phức tạp thành những câu hỏi đơn giản hơn. Mỗi câu hỏi chính là “một nhát dao” cắt vấn đề thành những vấn đề nhỏ dễ trả lời. Nó thực sự hữu ích cho việc tiến hành thu nhận câu hỏi lớn đặt ra. Một gợi ý từ kinh nghiệm cá nhân là bạn nhân vận dụng tư duy lôgíc hệ thống để có được những câu hỏi toàn diện về một vấn đề.
Liên quan đến chất lượng của câu trả lời bạn có thể lưu tâm đến những điều sau đây:
1- Nên tập trung tiếp nhận toàn vẹn một câu trả lời. Một số trường hợp do ta nhận định vội vã câu trả lời của người khác mà ta sớm thoả mãn, vội đi đến kết luận và không chịu nghe tiếp. Trong nhiều trường hợp câu trả lời có bố cụ thiếu tính lôgíc, thông nhất từ đầu đến cuối hay quá nhiều thông tin rườm ra làm ảnh hưởng đến ý chính, quan trọng.
2- Chưa chuẩn bị để tiếp nhận câu trả lời. Điều này cũng có thể xảy ra do không đồng nhất về trình độ, cách nhìn, quan điểm, tốc độ suy nghĩ để đón nhận câu trả lời, thuật ngữ bất đồng. Nhiều người có thói quen chỉ nghe điều mình thích hoặc chỉ nghe những điều ngắn, tất nhiên phải dễ hiểu.
Để lại một bình luận