, ,

Pháp “cho nhau ăn cỏ”

Mục đích của pháp hành “Cho nhau ăn cỏ”

Giới thiệu pháp hành “Vô sở trụ”

Pháp “Tâm không” hay pháp hành “Vô sở trụ”, là pháp hành (pháp dụng tâm) căn bản trong giáo pháp Bắc tông. Trong Thiền tông nó được gọi là pháp “Thiền”. Còn trong giáo pháp nguyên thủy, nó được biết đến dưới tên gọi như lý tác ý, là pháp môn duy nhất để dẫn tới thiết lập Chánh tri kiến. Ðiều này đã được ghi chép rõ ràng trong Kinh điển Pàli như sau:

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ kheo, do pháp ấy, Chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này các tỷ kheo như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các tỷ kheo, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng” (Kinh tăng chi bộ, tập 1, Một pháp, phẩm chủng tử, Tà kiến, tr. 41)

Ngoài ra pháp như lý tác ý còn có nhiều tác dụng khác như: đoạn tận nghi hoặc, làm cho các giác chi chưa sanh được sanh khởi, và đi tới viên mãn,…Ta có thể thấy rõ điều đó trong các đoạn kinh thuộc Kinh Tăng chi bộ, tập một, phần một pháp (Như lý tác ý chính là đặc tính của sự tác ý trong “Tâm không”. Vì vậy pháp Tâm không còn được gọi là pháp như lý tác ý).

Vậy “Tâm không” là gì? hay “Thiền” là gì?

Tâm không là gì?

Trả lời câu hỏi này cho người khác hiểu, thông qua ngôn ngữ văn tự, không phải là một vấn đề đơn giản. Bởi vì muốn trả lời nó bằng ngôn ngữ văn tự, thì đòi hỏi người hành giả phải có một sự chứng ngộ thâm sâu về “Thiền” (tức là Tâm không).

Còn để có thể hiểu được câu trả lời này, đòi hỏi người nghe cũng phải đạt đến sự chứng ngộ thâm sâu, tương đương với người trả lời, về nó. Còn nếu chưa chứng ngộ được, hoặc sự chứng ngộ về nó vẫn còn nông cạn, chưa rốt ráo, thì sẽ không thể nào trả lời được bằng ngôn ngữ văn tự.

Và ngược lại nếu chưa chứng ngộ được pháp Tâm không thì người nghe sẽ chẳng hiểu gì cả, nếu có hiểu thì cũng chẳng hiểu đúng ý của người trả lời. Nếu người đó nghĩ rằng là mình hiểu được, thì đó cũng chỉ là một sự tưởng tượng của bản thân họ mà thôi. Nếu người nghe đã có chút ít sở ngộ về Thiền, thì sẽ không chấp nhận câu trả lời đó, vì họ chấp vào hiểu biết, vào nhận thức của bản thân, coi đó là chân lý, mọi điều khác đi là sai lầm. Những chỗ Tâm không mà họ chưa chứng ngộ, dĩ nhiên sẽ khác với nhận thức hiện tại lúc đó của họ, nên đối với họ, dĩ nhiên những điều đó là sai lầm, là không đúng.

Làm thế nào để hiểu Thiền (Tâm Không)

Hiểu Thiền (Tâm không) bằng sự thể nhập, bằng sự “sống” với nó

Muốn hiểu Thiền (Tâm không) thì ta phải nhận biết trực tiếp về nó qua trí hiện lượng, bằng sự thể nhập, bằng sự “sống” với nó. Ta không thể hiểu về nó thông qua tư duy, so sánh,…Tức là ta không thể hiểu về nó thông qua trí tỷ lượng, khi mà chưa sống được với nó. Mà muốn sống được với nó, thì trước hết ta phải ngộ được nó. Tức là, trước hết ta phải ngộ được pháp Thiền, hay còn gọi là pháp Tâm không.

Chính vì vậy, việc chứng ngộ pháp này có ý nghĩa đặc biệt, là then chốt trong việc tu hành, và nghiên cứu Kinh điển, của người hành giả theo Ðạo Phật, để đi đến đích giải thoát.

Nhưng từ xưa đến nay, chưa có một ai, chưa có một lời dạy hay một bài viết nào, đề cập tới phương pháp thực hành để đi đến chứng ngộ pháp này, dưới tính cách lý luận cả. Mọi sự chỉ dạy đều mang tính cách chỉ thẳng, không qua lý luận. Vì vậy, chỉ những người đã chứng ngộ được nó, mới hiểu được, còn những người chưa chứng ngộ thì lại chẳng hiểu gì cả.

Ðiều này không phù hợp với tinh thần nguyên thủy của đạo Phật, là ta chỉ làm điều gì, sau khi đã hiểu được ý nghĩa của nó. Nghĩa là ta hiểu rõ được tại sao việc thực hành như vậy, sẽ giúp ta chứng ngộ được tâm không. Ðó cũng là tinh thần, mà các nhà khoa học hiện đại, hay những người sống theo tinh thần khoa học, đòi hỏi. Nó cũng rất phù hợp với tinh thần chuộng lý luận, của những tâm hồn phương tây.

Trong bài viết này, tôi xin trình bày về phương pháp tập luyện, để đi tới chứng ngộ tâm không, theo tinh thần của Thiền tông, dưới tính cách lý luận, qua sự hiểu biết của bản thân. Phương pháp này đã được tôi tìm ra, trong quá trình tu tập theo tinh thần của Thiền tông. Bài viết này dựa trên kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết được trong quá trình thực hành của bản thân, và kinh nghiệm trong quá trình trao đổi, giao lưu thông tin với bạn bè, để giúp nhau cùng tiến bộ trong tu tập.

Phương pháp tập luyện để đi tới chứng ngộ tâm không, theo tinh thần của Thiền tông, tôi xin được đặt tên là pháp “Cho nhau ăn cỏ”.

Sao gọi là pháp “Cho nhau ăn cỏ”?

Ðể tìm hiểu về pháp “Cho nhau ăn cỏ”, trước hết ta hãy tìm hiểu về pháp “Sống với Ông chủ” (hay “Sống với Tự tánh”; “sống với cái TA chân thật bất sanh bất diệt”).

Vậy pháp sống với Ông chủ là gì?

Giới thiệu pháp Sống với Ông chủ

Trước hết ta hãy tìm hiểu xem “Ông chủ” là gì?”

Ông chủ là gì?

Ông chủ chính là người sai sử, là người chủ động tạo tác ra các hành (hành động, hoạt động về thân, khẩu, ý). Ðó chính là “Ta” là chủ thể nhận biết (nó không phải là cái Ta – đối tượng, mà ta vẫn nhận xưa nay), hay còn được gọi là “Chân tâm” (tức là cái tâm thực, chứ không phải là cái tâm sanh diệt mà ta vẫn biết). Nó có đặc tính không sanh diệt, không biến hoại, không thay đổi, không động chuyển, thường hằng bất biến,… Trong đạo Phật nó còn được gọi dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Pháp thân, Phật tánh, Tự tánh, Phật, Tự ngã,….

“Ta vốn là chủ thể nhận thức, chứ không phải là đối tượng bị nhận biết.” Vì vậy ý không thể nhận biết, không thể truy tìm được. Ngôn ngữ không thể gọi tên, không thể diễn đạt được (Vì ta vừa gọi tên cho nó, thì ta đã biến nó thành đối tượng mất rồi – ngôn ngữ cũng là đối tượng bị nhận biết, nó chỉ có thể diễn đạt được những gì nằm trong vòng bị nhận biết mà thôi). Khi ta vừa khởi tâm đi tìm, hay tìm hiểu về nó là sai rồi. Khi ta gọi nó dưới các tên gọi khác nhau như: ta, Tự ngã, Phật,…thì đó là sai rồi. Nhưng vì nhu cầu trao truyền thông tin, nên ta tạm thời giả lập nó thành đối tượng để đặt tên, và diễn đạt, nhưng phải nhớ đó chỉ là giả lập mà thôi, không phải thực lập. Và các tên gọi đó không phải là chính nó.

Khi ngộ ra được điều này, tức là ta đã phá chấp thân và phá chấp tâm về phần ý thức, thuộc về lớp thô trên bề mặt của sự nhận thức. Nó chưa đủ sức giúp cho ta Giải thoát (Vì còn chấp kẹt về phần ý, thuộc lớp tế bên trong, của sự nhận thức). Nhưng nó cũng giúp cho ta phát hiện ra được rằng, xưa nay ta sống không phải với ông chủ, với chính mình. Mà là ta sống với sự nhận thức điên đảo, sai lầm. Ðó là sự nhận thức cho rằng cái sắc thân tứ đại này là ta, cái tâm sanh diệt (thọ, tưởng, hành, thức) này là ta. Ta sống với sự nhận thức sai lầm đó, và bị nó lôi kéo. Ðó gọi là sống với vọng tưởng. Sau khi nhận ra được điều này rồi, thì ta cần phải trở về sống với chính mình, sống với ông chủ, xa rời vọng tưởng.

Nhưng như thế nào thì được gọi là sống với chính mình, sống với ông chủ, xa rời vọng tưởng?

Sống với ông chủ (sống với chính mình) là gì?

Nhận ra được điều này không phải là đơn giản, và ở đây không thể dụng “tâm ý thức” để sống với Ông chủ (Vì chính bản thân việc dụng “tâm ý thức”, là sản phẩm của việc sống với vọng tưởng, xa rời Ông chủ). Mà ở đây ta cần phải “Ngộ” được pháp “Tác ý sống với Ông chủ”. Thậm chí không phải là ngộ một lần, mà là ngộ nhiều lần, trong một thời gian khá dài, mới có thể đi đến chứng ngộ pháp hành này một cách trọn vẹn, và sâu xa được (Khi ta chứng ngộ được pháp “Tác ý sống với Ông chủ” một cách trọn vẹn, và rốt ráo, thì được gọi là chứng ngộ pháp “Tâm không”, hay pháp “Không”).

Bước 1: Ngộ được pháp môn chỉ ra Ông chủ

Bước đầu tiên trên con đường đi đến chứng ngộ pháp “Sống với Ông chủ”, là ta phải ngộ được pháp môn, mà các Thiền sư phương tiện giả lập ra, để chỉ ra Ông chủ cho chúng ta. Ðó là pháp môn “Chỉ đông nói tây”, hay “Ðập cỏ rắn động”, “Cách vách thấy khói biết có lửa”, “Nhìn lá rung biết có gió”, “Nhìn quạt quay biết có điện”,…Nội dung của nó như sau: Ta không phải là một đối tượng bị nhận biết, nên tuyệt đối không thể thấy được “ta”. Nhưng ta lại biết là có ta, tại sao vậy?

Ðó là nhờ tác dụng của ta. Tác dụng đó là tạo tác ra các hành.

Vậy hành là gì?

Ðức Phật dạy :

“Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành” (Kinh tương ưng bộ, tập 3, Chương 1 Tương ưng uẩn, năm mươi Kinh ở giữa, Phẩm những gì được ăn, bài Kinh Ðáng được ăn, tr.162)

Hành có thể do ta chủ động tạo tác, hoặc cũng có thể bị khởi lên do nghiệp lôi cuốn. Khi Ông chủ khởi ra tác dụng hành, thì hành đó bao giờ cũng là hành do ta chủ động tạo tác, nên ta làm chủ được hành này. Còn những hành bị khởi lên do nghiệp lôi, thì ta không làm chủ được.

Tác dụng hành của Ông chủ gồm thân hành, khẩu hành và ý hành. Trong Kinh Tương ưng bộ, tập 4, bản dịch của HT Thích Minh Châu ấn hành năm 1993, Chương 7 Tương ưng Tâm, bài Kinh Kàmabhù, tr. 459, có đoạn ngài Tôn giả Kàmabhù nói và giải thích về các hành như sau:

[i]”Hơi thở vô, hơi thở ra, này gia chủ, là thân hành. Tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ là ý hành.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
5) – Vì sao, bạch thượng tọa, thở vô thở ra là thân hành? Vì sao tầm và tứ là khẩu hành? Vì sao thọ và tưởng là ý hành?
– Thở vô thở ra, này Gia chủ, thuộc về thân. Các pháp này liên hệ đến thân; do vậy thở vô thở ra là thân hành. Trước phải tầm cầu, tư sát, này Gia chủ, sau mới phát lời nói; do vậy, tầm và tứ là khẩu hành. Tưởng và thọ thuộc về ý. Những pháp này liên hệ đến tâm; do vậy, tưởng và thọ là ý hành.”

Như vậy thọ và tưởng là ý hành; truy tầm, hay truy tìm (tầm) và tư sát, suy nghĩ, tư duy,vvv là khẩu hành; còn thân hành là các hành động, hoạt động của thân.

Ý hành

Trong ý hành thì :

Thọ là pháp do nghiệp làm sanh khởi là chủ yếu. Những người bình thường, ít có khả năng chủ động tạo tác ra thọ. Chỉ có một số ít người do công phu rèn luyện đặc biệt mới có khả năng này (như các nhà thôi miên chẳng hạn). Vì vậy việc khởi “hành” không bao gồm việc chủ động tạo tác ra “thọ”.

Còn Tưởng là sự nhận biết hay sự tri giác, thì có nhiều lớp. Ta có thể phân nó thành 3 lớp theo hai nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất là sự nhận biết có năng – sở.

Sở tức là cái bị biết, là đối tượng bị nhận biết của 5 giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; cụ thể là sắc, thanh, hương, vị xúc.

Ðã có cái bị biết thì phải có “cái biết”. “Cái biết” chính là Năng, tức là kiến, văn, giác, tri.

Ðặc điểm của sự nhận biết có năng sở, là ta có thể nhớ lại sự nhận biết này, thông qua việc nhớ lại sở.

Trong nhóm này có hai lớp tưởng là:

(1) Lớp 1: Nhận biết có năng sở, có khởi ý, không khởi niệm.
(2) Lớp 2: Nhận biết có năng sở, có khởi ý, có khởi niệm.

Nhóm thứ hai là sự nhận biết không năng sở.

Ðặc điểm của sự nhận biết không năng sở, là vì không có sở, nên ta không thể nhớ lại sự nhận biết này, thông qua việc nhớ lại sở.

Nhóm này có ba lớp tưởng như sau :

(3) Lớp 1: Nhận biết không năng sở, không khởi ý.
(4) Lớp 2: Nhận biết không năng sở, có khởi ý, không khởi niệm.
(5) Lớp 3: Nhận biết không năng sở, có khởi ý, có khởi niệm.

Trong 5 trường hợp này thì

– Trường hợp thứ nhất: “Nhận biết có năng sở, có khởi ý, không khởi niệm” là pháp do nghiệp làm sanh khởi là chủ yếu. Những người bình thường, ít có khả năng chủ động tạo tác ra tưởng này. Chỉ có một số ít người do công phu rèn luyện đặc biệt mới có khả năng này (như các nhà thôi miên chẳng hạn). Vì vậy việc khởi “hành” không bao gồm việc chủ động tạo tác ra tưởng này – tức là sự Nhận biết có năng sở, có khởi ý, không khởi niệm.

– Trường hợp thứ ba: “Nhận biết không năng sở, không khởi ý” hoàn toàn là sản phẩm của nghiệp. Ta không có khả năng chủ động, trực tiếp tạo tác tưởng này.

– Còn lại ba trường hợp còn lại, là những pháp vừa có thể do nghiệp làm sanh khởi, lại vừa có thể do ta chủ động tạo tác ra. Ðây chính là những pháp thuộc ý hành mà ta cần phải chứng ngộ, và thực hành. Chứng ngộ đến đâu thì dụng ra được đến đó.

Khẩu hành

Khẩu hành gồm hai pháp là truy tầm và tư duy. Hai pháp này là những pháp vừa có thể do nghiệp làm sanh khởi, lại vừa có thể do ta chủ động tạo tác ra. Ðó là những pháp mà ta cần phải chứng ngộ, và thực hành. Khi chưa chứng ngộ được chúng thì ta không thể dụng ra được.

Thân hành

Thân hành là các hoạt động của thân thể, bao gồm cả việc nói năng làm phát ra âm thanh. Ðây là những pháp đễ nhận ra nhất, nên cũng là những pháp được ta chứng ngộ đầu tiên. Trong ví dụ ở phần trên, Câu trả lời “ba cân gai” cho câu hỏi “Phật là gì?”, tác giả đã dùng thân hành là hành động nói, để chỉ ra Phật.

Hai pháp hành: ý hành và khẩu hành là những pháp hành nhận thức, thuộc về trí tuệ, khởi hành tức là khởi trí tuệ. Còn thân hành thì không phải là pháp hành trí tuệ, mà đó chỉ là những hoạt động thân thể thuần túy. Việc chứng ngộ ý hành và khẩu hành, có một tầm quan trọng vô cùng trong tu tập, vì đó là những pháp thuộc về trí tuệ, có công năng phá chấp, quét sạch vô minh, đạt đến Giác ngộ, Giải thoát.

Các Thiền sư đã lợi dụng các tác dụng này, để chỉ ra Chân tâm. Thay vì chỉ trực tiếp Chân tâm – là điều vĩnh viễn không bao giờ làm được, họ lại phương tiện chỉ Chân tâm một cách gián tiếp, thông qua tác dụng của Chân tâm (ở đây ta có thể thông qua tác dụng của Chân tâm, mà biết đến Chân tâm, cũng như thông qua lá cây rung, mà ta biết tới gió vậy). Vì phương pháp này không cần tới sự trình bày của ngôn ngữ văn tự, nên được gọi là “chỉ thẳng”, chứ không phải là chỉ thẳng thực sự.

Ví dụ:

“Tăng hỏi : Phật là gì?
Sư đáp : Ba cân gai.”

Nếu ta chạy theo ý nghĩa của “ba cân gai” thì sẽ chẳng thấy chỗ chỉ Phật của Sư. Ta phải thấy Phật, nơi tác dụng nói: “ba cân gai”, hoặc nơi tác dụng nghe: “ba cân gai” thì mới trúng. Thông qua các tác dụng này mà Phật được hiển lộ.

Bước 2: Ngộ pháp “Sống với ông chủ”

Sau khi đã nhận ra được ông chủ, ta qua bước thứ hai là ngộ pháp “Sống với ông chủ”. Vì thấy Ông chủ không có nghĩa là ta đã biết cách sống với ông chủ.

“Sống với Ông chủ” nghĩa là ta “Sống với sự thấy Ông chủ” – không thấy cảnh, và “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ” – tự tánh lưu xuất.

“Sống với sự thấy Ông chủ” thì ta không khởi tác dụng khẩu hành, và thân hành. Riêng ở giai đoạn này là không khởi tưởng (tức không khởi nhận thức, không khởi trí tuệ), không thấy cảnh, nên không bị cảnh lôi, không bị ngôn ngữ (là một loại cảnh) lôi kéo. Nếu ta bị cảnh lôi, bị ngôn ngữ lôi, tức là ta bị cảnh, bị ngôn ngữ lường gạt, do ta thấy cảnh, quên mất ông chủ, gọi là bị “ăn cỏ”. Ðây là sự “Sống với Ông chủ” trong tĩnh. Tĩnh vì không khởi khẩu hành, và thân hành.

“Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ” thì ta khởi tác dụng khẩu hành, và thân hành. Khi đó ta luôn sống trong hành động, suy nghĩ một cách tỉnh giác, chủ động, không bị nghiệp lôi (Lưu ý rằng mọi sự dụng tâm để sống tỉnh giác, chủ động, không để bị nghiệp lôi, đều không phải là “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ”. Vì sự dụng tâm đó là sự dụng tâm của ý thức, là sản phẩm của vọng tâm sanh diệt, nên không thể hợp với Ông chủ được. ở đây cần phải có một chữ “Ngộ” thì mới trúng), ta không đặt mục đích trên lời nói, hành động của mình, mà ta chỉ có một mục đích duy nhất là: “Sống với Ông chủ”. Ðây là sự “Sống với Ông chủ” trong động. Ðộng vì có khởi khẩu hành, và thân hành.

Trong Thiền sư Trung hoa có nhiều chỗ ghi chép lại cách mà các Thiền sư sử dụng để kiểm tra, và hướng dẫn môn đệ của mình chứng ngộ được pháp này. Ví dụ như trường hợp sau:

Ở đây Nam tuyền tạo cảnh, cốt để tìm xem có ai không bị lời nói (cảnh) của ngài lôi kéo hay không? Nếu người nào đã ngộ được pháp “Sống với Ông chủ” sẽ hiểu được chỗ dụng tâm này của ngài Nam Tuyền. Hành động của ngài Ðặng ẩn Phong cho thấy ngài không bị cảnh lôi. Nghĩa là ngài đã ngộ được pháp này.

Bước 3: Ngộ pháp “Bảo nhậm chỗ thấy Ông chủ”

Sau khi đã ngộ được pháp “Sống với Ông chủ”, ta qua bước thứ ba là chứng ngộ pháp “Bảo nhậm chỗ thấy Ông chủ”, và chứng ngộ được Ðại dụng của Ông chủ.

Ngộ được pháp “Sống với sự thấy ông chủ”, không có nghĩa là ta đã biết cách bảo nhậm sự thấy ông chủ một cách liên tục, miên mật không gián đoạn. Mà trên thực tế, có nhiều chỗ ta đang bị ăn cỏ (cảnh lôi) mà không tự biết, lại cứ tưởng nhầm rằng mình vẫn đang bảo nhậm.

Ví dụ :

Ở đây ta thấy vị Tăng trả lời “chắc!”, vì nghĩ rằng mình đang giữ chắc Ông chủ, đâu biết rằng ngay đó mình đang bị Thiền sư lường gạt, chạy theo câu hỏi “chắc chưa?” của ngài. Nghĩa là vị Tăng bị Thiền sư cho “ăn cỏ”.

Ðây là một ví dụ để chỉ ra chỗ bị ăn cỏ vi tế, mà nếu công phu của ta nông cạn, thì không dễ gì nhận ra nổi. Trong thực tế, còn có nhiều chỗ bị ăn cỏ vi tế hơn, sâu xa hơn nữa. Vì vậy nhiệm vụ của ta là phải phát hiện tất cả các loại “cỏ” khác nhau đó. Chỉ khi nào ta đã biết được toàn bộ cỏ, thì khi đó ta mới có khả năng thoát khỏi sự lôi kéo của ngoại cảnh một cách hoàn toàn. Thời điểm mà ta biết được toàn bộ cỏ, là thời điểm ngộ được pháp “Bảo nhậm chỗ thấy Ông chủ”.

Nếu gặp được thiện tri thức chỉ dạy thì khả năng chứng ngộ pháp “Bảo nhậm chỗ thấy Ông chủ” sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Còn nếu không có duyên được gặp thiện tri thức, thì cũng có một pháp môn, mà do việc thực hành pháp môn đó, từ từ cũng sẽ dẫn ta tới chỗ chứng ngộ pháp “Bảo nhậm chỗ thấy Ông chủ”. Pháp môn đó là pháp “Cho nhau ăn cỏ”.

Pháp “Tĩnh” không khởi trí tuệ (tưởng)

Khi chứng ngộ được pháp “Bảo nhậm chỗ thấy Ông chủ”, là ta mới chỉ chứng ngộ được hoàn toàn pháp “Tĩnh” mà không khởi trí tuệ (tưởng). Ta còn phải chứng ngộ được hoàn toàn pháp “Ðộng”, và pháp “Tĩnh” mà có khởi trí tuệ (tưởng) nữa. Chỉ khi đó mới được gọi là chứng ngộ được pháp “Tâm không”.

Pháp “Tĩnh” mà có khởi trí tuệ, tức là pháp tĩnh mà ta có khởi ý hành. An trú vào pháp này, tức là ta không sống trong “ta biết…”, “ta hiểu…”.

Pháp “Động” có khởi trí tuệ (tưởng)

Pháp “Ðộng” là pháp “Sống với Ông chủ”, khi ta khởi ra khẩu hành, và thân hành.

Pháp “Tĩnh” mà có khởi trí tuệ, và pháp “Ðộng”, gọi chung lại là pháp “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ”.

Không phải ai cũng chứng ngộ được hoàn toàn pháp “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ” ngay lần chứng ngộ đầu tiên. Thông thường ta chỉ có thể chứng ngộ được một phần tác dụng của Ông chủ, nghĩa là chứng ngộ được một phần pháp “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ” ngay lần chứng ngộ đầu tiên, mà thôi.

Sau đó nếu tiếp tục nỗ lực tu tập để tiến lên một cách đúng pháp, dần dần ta sẽ chứng ngộ thêm được các tác dụng khác nữa của Ông chủ, và đi đến chứng ngộ hoàn toàn (toàn phần) các tác dụng của Ông chủ, nhờ đó ta sẽ chứng ngộ thêm được các phần khác của pháp “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ”, và đi đến chứng ngộ hoàn toàn (toàn phần) pháp “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ”.

Ðây là thời điểm ta chứng ngộ được đại đụng của Ông chủ và đạt được “Ðại dụng”. Tác dụng của Ông chủ chính là tác dụng hành. Chứng ngộ “Ðại dụng” chính là chứng ngộ được trọn vẹn các tác dụng hành của Ông chủ.

Kết luận về mục đích thực hành pháp “Cho nhau ăn cỏ”

Ðể có thể chứng ngộ được các pháp ý hành và khẩu hành này, ta phải thực hành pháp “Cho nhau ăn cỏ”.

Như vậy, về cả hai phương diện pháp tĩnh – bảo nhậm chỗ thấy ông chủ, và pháp động – “Sống với sự làm chủ các hành động tạo tác của Ông chủ”, pháp “Cho nhau ăn cỏ” đều giúp cho ta chứng ngộ chúng cả.

Nội dung pháp hành “Cho nhau ăn cỏ”

Vậy thế nào là “Cho nhau ăn cỏ”?

“Ăn cỏ” là gì?

Như đã nói ở trên, “ăn cỏ” nghĩa là ta bị cảnh lôi, bị ngôn ngữ lường gạt, quên mất Ông chủ. Trong pháp “Cho nhau ăn cỏ”, ta phải tìm cách lừa gạt đối phương, dụ cho đối phương bị “ăn cỏ” – đây gọi là pháp công (tấn công). Trong khi công, thì ta lại phải cảnh giác phòng thủ chặt chẽ, tránh không để bị ăn cỏ của đối phương, bị đối phương gạt lại – Ðây gọi là pháp thủ (phòng thủ). Người kia, đối phương của ta cũng vậy. Một mặt cảnh giác không để bị ta lừa gạt (thủ), mặt khác tìm cách gạt lại ta (công).

Thông thường những kỹ thuật, những chiêu thức tấn công của ta, chỉ có tác dụng trong lần sử dụng đầu tiên, Sau khi đối phương đã bị mắc bẫy, và phát hiện được, thì sau này rất khó có thể dùng lại, mà vẫn có kết quả. Vì vậy ta phải tìm cách lừa gạt đối phương bằng những kỹ thuật, những chiêu thức tinh vi hơn. Chính trong quá trình này ta sẽ từ từ chứng ngộ được hoàn toàn pháp “động”. Mặt khác để có thể gạt được đối phương, ta phải tìm ra sơ hở, chỗ yếu điểm, gót chân Asin trong chỗ phòng thủ của đối phương. Ðiều đó cũng giúp cho ta phát hiện ra sơ hở, chỗ yếu điểm, gót chân Asin trong chỗ phòng thủ của chính bản thân mình, để mà khắc phục. Nghĩa là nó sẽ giúp cho ta đi đến chứng ngộ được pháp bảo nhậm một cách hoàn toàn.

Ban đầu là ta thực hành theo phương pháp song đấu, mà cả hai người đều đã ngộ được Ông chủ, có quy định không gian và thời gian giao đấu. Sau khi đã chứng ngộ được Tâm không, thì ta phải luôn luôn giao đấu với tất cả mọi người, ở bất cứ đâu, trong bất cứ lúc nào. Nghĩa là phải thực hiện pháp “Cho nhau ăn cỏ” trong cả cuộc sống của mình.

Ðọc qua sách vở ghi chép lại, ta thấy ngày xưa, các Thiền sư Trung hoa sau khi đã liễu ngộ rồi, thì đi hành cước khắp nơi để pháp chiến, không phải là để hơn thua. Mà thực ra là, họ đang tu tập pháp “Cho nhau ăn cỏ” này.

Kinh nghiệm tu tập và trao đổi thực tế

Qua kinh nghiệm tu tập và trao đổi thực tế, tôi thấy:

Giai đoạn phá chấp thân và chấp tâm (đối tượng)

Ðể phá chấp thân và chấp tâm (đối tượng).

Nếu gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, ta có thể thành công ngay sau lần nói chuyện đầu tiên, trong vòng vài tiếng đồng hồ, nếu ta có trí thông minh ở mức khá, tương đương trình độ cử nhân các ngành khoa học tự nhiên. Nếu kém hơn thì có thể kéo dài từ vài ngày đến một tháng. Còn nếu ta chỉ có trình độ cấp hai đổ lại, thì hầu như là rất khó khăn. Trình độ văn hóa càng thấp thì càng khó khăn, đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian, với nhiều công sức đổ ra trong việc học tập và tu hành theo những kỹ thuật thiền định thích hợp, tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ nhưng có lẽ rất là hy hữu.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, mà có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, người có tâm trí linh mẫn vẫn có thể thành công ngay sau lần đọc đầu tiên. Với những người có căn tánh thấp hơn, thì sự thành công sẽ đến muộn hơn, và đòi hỏi một sự nỗ lực nhất định. Trí tuệ càng thấp kém thì khả năng thành công càng khó khăn, càng mất nhiều thời gian, và càng đòi hỏi một sự nỗ lực cao hơn.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, và không có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, thì dù có tâm trí linh mẫn đến đâu chăng nữa cũng khó thành công nếu không có duyên, và nếu thiếu sự nỗ lực tìm tòi. Với những người trí tuệ càng thấp, sự nỗ lực tìm tòi càng kém thì sự thành công càng khó khăn, trừ những trường hợp có duyên sự đặc biệt.

Bước đầu đi đến chứng ngộ pháp “Sống với Ông chủ”

Sau khi đã phá chấp thân và phá chấp tâm, cần phải đạt được bước đầu tiên trên con đường đi đến chứng ngộ pháp “Sống với Ông chủ”. Nói chung điều này không phải là khó lắm.

Nếu gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, ta có thể ngộ được trong vòng từ một ngày đến tối đa là một tuần lễ.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, mà có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, người có tâm trí linh mẫn vẫn có thể ngộ ngay sau lần đọc đầu tiên. Còn đối với những người trí tuệ thấp hơn thì vẫn có thể hiểu được một cách dễ dàng. Nhưng việc thoát khỏi sự ràng buộc của kiến giải, thì tùy theo căn tánh và cơ duyên khác nhau, mà thời gian cũng khác nhau.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, và không có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, thì đòi hỏi vào căn tánh, sự nỗ lực, cơ duyên khác nhau, mà thời gian cần có để ngộ cũng khác nhau.

Bước thứ hai đi đến chứng ngộ pháp “Sống với Ông chủ”

Sau khi đạt được bước đầu tiên, ta phải đạt tiếp được bước thứ hai là ngộ pháp “Sống với ông chủ.

Nếu gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, ta có thể ngộ được trong vòng từ một ngày đến tối đa là một tuần lễ.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, mà có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, người có tâm trí linh mẫn vẫn có thể ngộ ngay sau lần đọc đầu tiên. Còn đối với những người trí tuệ thấp hơn thì vẫn có thể hiểu được một cách dễ dàng. Nhưng việc thoát khỏi sự ràng buộc của kiến giải, thì tùy theo căn tánh và cơ duyên khác nhau, mà thời gian cũng khác nhau.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, và không có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, thì đòi hỏi vào căn tánh, sự nỗ lực, cơ duyên khác nhau, mà thời gian cần có để ngộ cũng khác nhau. Có những người đã đạt được bước đầu tiên, nhưng không tiến lên được, mà bị kẹt vào đây trong suốt khoảng đời tu còn lại của mình, vì thiếu sự nỗ lực và cơ duyên.

Giai đoạn chứng ngộ “Tâm không”

Sau khi đã đạt được bước thứ hai, ta phải tiếp tục bước thứ ba để đi tới chứng ngộ được “Tâm không”. Ðây là một giai đoạn hết sức quan trọng, mà không phải ai cũng có thể đi tới đích được một cách dễ dàng.

Nếu gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, ta cũng chưa chắc có thể đi được tới đích, nếu thiếu sự nỗ lực, cơ duyên, và sự cảnh giác với bản thân. Thời gian cần có ở giai đoạn này cũng dài hơn rất nhiều so với các giai đoạn trước. Nó không phải tính bằng vài ngày, hay vài tháng, mà phải là vài năm, có khi vài chục năm, tùy theo sự nỗ lực, căn tánh, cơ duyên, và sự cảnh giác đối với bản thân của mỗi người. Nhưng sự tiến lên trong công phu thì chắc chắn sẽ có, còn nhanh hay chậm là tùy theo sự nỗ lực, căn tánh, cơ duyên, và sự cảnh giác đối với bản thân của mỗi người. Có người tiến rất nhanh ở giai đoạn đầu, nhưng rất chậm ở giai đoạn sau, và ngược lại, vvv. Có nhiều người Ngộ được pháp bảo nhậm “Chỗ thấy Ông chủ”, tức là pháp tĩnh, pháp phòng thủ, rồi dừng lại không tiến lên được nữa cho đến suốt cuộc đời, và việc bảo đảm cho sự chứng ngộ Tâm không vẫn chưa có. Ngược lại những người chứng ngộ được “Ðại dụng”, tức là pháp “động”, pháp tấn công, thì chắc chắn sẽ có nhiều tiến bộ trong tu tập, việc chứng ngộ pháp Tâm không là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai, vấn đề là cơ duyên mà thôi.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, mà có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, ta vẫn có thể ngộ, nhưng khó khăn hơn nhiều so với trường hợp trên. Khả năng bị kẹt, bị dính chấp sẽ cao hơn rất nhiều. Việc chứng ngộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là sự nỗ lực, căn tánh, cơ duyên, và sự cảnh giác đối với bản thân của mỗi người.

Nếu không gặp được một vị thiện tri thức thực sự hướng dẫn, và không có duyên gặp được những bài pháp phù hợp, thì sự chứng ngộ xảy ra rất là hiếm hoi, mà phần nhiều là bị mắc kẹt vào chỗ này, hay chỗ khác.

Nếu ta thực hiện pháp “cho nhau ăn cỏ”, nắm chắc vào đó và không được buông ra, luôn luôn nghĩ kế, tìm cách lừa gạt cho người khác bị ăn cỏ, trong suốt khoảng đời tu còn lại của mình không được lơi lỏng, thì dù có gặp được thiện tri thức hay không, cũng không còn là vấn đề quan trọng mấy. Việc chứng ngộ pháp Tâm không là chắc chắn sẽ xảy ra. Còn kết quả xảy ra mau hay lâu, sự tiến bộ nhanh hay chậm phụ thuộc vào sự nỗ lực, căn tánh, cơ duyên, và sự cảnh giác đối với bản thân của mỗi người.

(Hết )

Sau khi đọc bài viết về Pháp “cho nhau ăn cỏ” này, các bạn độc giả có ý kiến gì cần trao đổi, vui lòng để lại nội dung trong phần bình luận bên dưới cho Thiền Việt Nam biết với nhé.

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục