Giới thiệu danh sách bài hồi ký tu tập
- Nhìn lại về đuờng Tu (Phần 1) – Bước Đầu Tìm Hiểu, Bước Đầu Ngộ – LBK
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 2) – Hồi ký tu tập – CDT
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 3) -Quá Trình TU Học – Cô Tám
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 4) – Quá trình tu học – Phương
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 5) – Hồi ký tu hành – Chị Quy
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 6) – Quá trình nhận thức – LHL
Ghi chép của cô Tám
Trước đây, tôi thường bạn bè đi lễ chùa. Khi đến chùa, tôi đều thắp hương khấn vái cầu xin cho cả gia đình khoẻ mạnh, may mắn. Tuy vậy, mục đích chính của tôi đi chùa là vãn cảnh và được sống những giây phút yên tĩnh, tâm hồn thư thái, tránh những ồn ào, bề bộn của phố phường, con người đang hối hả với bao mục đích mưu sinh. Tôi cũng cúng dàng nhưng chưa hiểu ý nghĩa thực sự của việc làm này như ngày hôm nay.
Đến chùa, thấy các Phật tử đông đúc tụng kinh những bài kinh tiếng Phạn không hiểu nghĩa. Lại thấy các Phật tử tranh nhau sự ưu ái của Hoà thượng, ganh đua nhau cúng dàng, nói xấu lẫn nhau. Tôi cứ tự hỏi nếu tu là như vậy thì tu để làm gì và đạt mục đích gì?
Thế rồi tình cờ tôi được đọc cuốn “Tu là chuyển nghiệp” của Hoà thượng Thích Thanh Từ, tôi vỡ lẽ tu là để 3 con rắn độc tham, sân, si không làm khổ mình nữa. Nhưng tu như thế nào để diệt được 3 con rắn độc ấy?
Được bạn rủ đi tham gia nhóm tu thiền ở số 7 phố Thuốc Bắc. Nhóm này gồm các giáo viên, kỹ sư và hầu hết là cán bộ nghỉ hưu. Phương pháp tu của họ là mỗi tuần tập trung 2 buổi, sau 15 phút ngồi thiền, mọi người cùng nhau trao đổi và liên hệ bản thân về một cuốn kinh sách nào đó (Tứ niệm xứ, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo). Tôi tham gia một số buổi, song có thể do căn duyên chưa có, tôi cứ ngồi nhà mà đọc sách, nghiền ngẫm lại tốt hơn.
Cũng từ đây, tôi được đọc một số sách có liên quan tới thiền (Mặt hồ tĩnh lặng, hoa vô ưu, sống hạnh phúc chết bình an) và đọc một số bài của Hoà thượng Thích Thanh Từ viết trong tập san giác ngộ. Từ đấy trong tôi khởi lên mong muốn được đi sâu học hỏi và tìm hiểu về lĩnh vực này.
Tôi lại được bạn rủ đi học kinh “Thủ Lăng Nghiêm” do một cư sĩ sắp được xuất gia tại chùa của sư bà Hải Triều Âm giảng. Tôi chăm chỉ tham gia đầy đủ. Tôi nhận thức rằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy tìm tâm. Tu ngộ được Chân Tâm, thành Phật, nếu không ngộ được thì như người ngủ mê. Nhưng làm thế nào để ngộ được Chân Tâm? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời. Với quan niệm của người cư sĩ ấy thì câu “một câu niệm Phật tiêu được 8.400 tội chướng; Niệm Phật mau chóng thành Phật; Mỗi ngày niệm Phật đủ 180 tràng thì sẽ được về Tây Phương Cực Lạc”.
Trong tôi lại có nhiều băn khoăn hơn trước (tôi có cảm giác hình như mê tín thế nào ấy, không phải mê tín tà mà là mê tín Phật).
Đang trong tâm trạng như thế, tôi được anh Tiến điện thoại thông báo về thày A và rủ đến gặp thày.
Tôi hăm hở đến gặp thày A với sự hình dung về người thày chắc là cao tuổi, đạo mạo, nghiêm trang… Nhưng đến nơi thì diện mạo khác hẳn: còn rất trẻ, ăn mặc xuềnh xoàng, tác phong gần gũi và nói năng rất đời thường (không giống như một số cư sĩ khác đã gặp, hay niệm Mô Phật, đi đứng khoan thai, ngay cả việc uống nước gì cũng rất kiêng cử… ). Tôi mới đến được ít phút, thày liền bảo tôi: “bây giờ phỏng vấn cô Tám nhé”.
Tu để làm gì? Mục đích tu?
Câu hỏi đầu tiên thày hỏi tôi là “Tu để làm gì? Mục đích tu?”. Tôi trả lời tu giống như tu dưỡng, hàng ngày phải chú ý sửa đổi những sai sót, sống đạo đức và bớt những nóng giận để ngày một hoàn thiện hơn, như thế chồng con, anh em, bè bạn được thanh thản, hạnh phúc khi giao lưu với mình.
Thày hỏi tôi thế những lúc nóng giận bực tức cô thấy thế nào? Tôi chợt nhớ đến lời của Hoà thượng Thích Thanh Từ: 3 con rắn độc tham, sân, si làm cho mình khổ. Lòng tham của con người là vô kể: tham tiền, tham danh, tham tiếng khen, tham sự sĩ diện, tham tình cảm… lòng tham thì không bao giờ thấy là đủ, luôn luôn muốn có nhiều hơn, muốn được nhiều hơn. Do tham làm mà ăn không ngon, ngủ không yên, bởi không vừa lòng với những cái mình đang có. Tôi liên hệ đến một số người nghèo mà tôi quen biết, tuy họ không giàu có gì nhưng lúc nào cũng vui vẻ và sống thoải mái. Bởi ở họ không có lòng tham. Luôn cảm thấy cuộc sống đơn giản, ăn no, mặc đủ là được rồi.
Từ lòng tham lam sẽ dẫn mình đến sân hận rất phi lý. Có khi do không được bằng họ mà đem lòng thù ghét, nói xấu, bịa đặt. Tính đố kỵ, sự ghen ghét ngày càng làm khổ hơn. Có người sống ích kỷ, không muốn ai hơn mình, sống không có bạn bè và trong gia đình cũng chỉ muốn mình là người trên hết, luôn luôn bất như ý, đau khổ.
Mà sở dĩ con người luôn luôn bị lòng tham lam, ích kỷ và sự sân hận làm khổ hàng ngày là do thiếu tỉnh táo, bị mê lầm, trong Đạo Phật gọi là Vô minh. Cứ lầm tưởng thân tứ đại là mình và mọi của cải vật chất trên cõi đời này là thật, ta có thể ôm hết cả vũ trụ trong lòng ta. Không nhận ra rằng cái thân tứ đại này cũng chỉ là một sự giả tạm mà thôi.
Từ những dẫn dụ, thày đã giúp tôi nhận ra ý nghĩa căn bản của việc tu hành:
Tu là để diệt khổ, tu là để giải thoát, diệt khổ và giải thoát cho chính bản thân. Ai muốn tu thì tu, ai không muốn tu thì thôi. Đạo Phật không lôi kéo, ép buộc bất cứ ai. Thậm chí người đang tu lại thôi không tu nữa cũng tự do hoàn toàn, không bị giàng buộc. Nhưng Đạo Phật là Đạo giác ngộ, có trí tuệ và mang tính khoa học cho nên ai quyết tâm tu theo Đạo Phật sẽ chắc chắn được giải thoát.
Đạo Phật giúp ta giải thoát khỏi khổ. Vạch cho mọi người thấy khổ là gì? Nguyên nhân gây ra khổ. Sự diệt khổ và Con đường diệt khổ. Khổ của con người như khi bị đứt tay, gẫy chân đau đớn làm cho ta khổ thân (cái thân đau đớn). Khi lòng ham muốn nổi lên nhưng không đạt được, thí dụ thấy bạn giàu có hơn, mình thì nghèo túng, lại chuyển sang lòng ghen ghét thù hận người bạn đó. Ăn không ngon, ngủ không yên. Tiến tới tránh xa người bạn, thậm chí bịa đặt mọi cái xấu cho người đó (khổ tâm). Khổ do lòng tham nổi lên tiến tới lòng sân hận nói trên do từ chỗ si, do vô minh gây nên. Do không hiểu được con người sinh ra đã sẵn có bao duyên nghiệp từ các kiếp trước và cả những nhân duyên hiện tại tạo nên. Đó là những cái nằm ngoài ý muốn của con người. Cái hoàn toàn thuộc ý muốn của con người là phải biết khổ là gì? (như trên) Tìm nguyên nhân gây ra khổ (tham, sân.. ). Phải có sự diệt khổ và con đường đi đến diệt khổ. ấy là Tứ diệu đế và Bát chính đạo, Phật đã chỉ ra. Những lý giải trên cho tôi nhận ra đạo Phật là đạo giác ngộ, là đạo trí tuệ và đưa người ta đến giải thoát.
Con người ta suốt từ vô thủy đến nay đều sống với tâm trí, kí ức của mình cho nên trong tâm suốt 24 giờ trong ngày mọi suy diễn, tưởng tượng và tham vọng cứ hoành hành, dầy vò không yên. Để dẹp sự đau khổ này, thày cho chúng tôi học pháp “thấy biết như thực”.
Pháp “thấy biết như thực”
Thày giơ cái bút hỏi cái gì đây? Ai cũng trả lời là cái bút. Thày lại hỏi (giơ cái bút đó) tên nó là gì? Mọi người lại trả lời: tên nó là cái bút.
Vậy thế là nó và tên của nó đều là cái bút? Nó và tên của nó là giống nhau à? (vô lý)
Sau đó thày hỏi cái này là cái gì khi thày giơ cao 1 một cái cốc uống nước. Mọi người đều trả lời là cái cốc. Thày lại hỏi, có chắc đây là cái cốc không? Mọi người ngớ ra vì nếu miền Nam lại gọi là cái ly. Thày lại hỏi cái cốc là cái gì? Có người trả lời cái cốc dùng để uống nước – Thày nói có hỏi tác dụng của nó đâu? Và sau đó mọi người suy nghĩ và nhận ra rằng, cái cốc ngón tay vào đầu ai đó, cũng gọi là cái cốc – cái cốc còn được gọi cho nơi mà người tu hành đến đó hàng ngày để tĩnh tâm, tu thiền.
Qua hai thí dụ trên đã chứng tỏ cái thói quen của mỗi chúng ta từ lâu nay nhìn nhận các sự vật xung quanh theo cảm tính, theo kinh nghiệm và có phần mang sẵn định kiến trong đó. Nghe hoặc nhìn thấy cái gì là liền bị ký ức sẵn có ngộ nhận ngay và khẳng định liền.
Thày giơ lên một vật mà mọi người chưa nhìn thấy bao giờ và tất nhiên là không biết tên gọi của nó. Thày hỏi cái gì đây? Người thì bảo nó là cái hộp; người bảo nó là hình tròn; người thì bảo nó là cái đồ chơi… Thày lại hỏi đã biết nó chưa? Mọi người đều khẳng định: chưa biết.
Thí dụ này càng nói lên sự nhận biết của mọi người lâu nay rất sai lầm, hoàn toàn bị cái biết sẵn có chi phối (cái bút, cái cốc… ) còn cái biết hiện hữu thì không công nhận đó là cái biết. Rõ ràng cái vật thày đang cầm giơ lên cho xem, nhưng mọi người đều trả lời là không biết?
Đến đây, thày chuyển sang hỏi về âm thanh. Khi thày nói gâu gâu là cái gì? Mọi người đều bảo đó là tiếng chó sủa. Khi thày nói “crù crù..,” mọi người lại trả lời là không biết. Khi thày lấy cái bút gõ xuống bàn những âm thanh phát ra như bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Đến thí dụ này thì mọi người vỡ lẽ khi những âm thanh phát ra, ta cứ gán cho nó những ý nghĩa và rồi ta cứ suy diễn theo nghĩa đó. Thí dụ tiếng “crù crù..” khi thày phát ra, nếu ta đặt cho nó là tiếng kêu của một con chim nào đó thì hẳn là ta đã trả lời là biết rồi.
Tóm lại, từ vô thỉ đến nay con người luôn luôn biết và nghe theo ký ức, kinh nghiệm của mình. Không có cái nhìn sự vật theo cái vốn có của nó.
Ứng dụng để trả lời khi thày giơ cái vật mà ta chưa nhìn thấy bao giờ hỏi cái này là cái gì? Trả lời đúng, ta phải nói nó là cái đó. Khi thày hỏi “crù crù..” là cái gì? Ta trả lời là crù crù. Khi thày hỏi gâu gâu là cái gì? Ta trả lời là gâu gâu. ở đây tránh sự suy diễn, tránh việc áp dụng kinh nghiệm. Và từ đó khi thấy nhà bên cạnh có chửi chó mắng mèo thì mình nên biết rằng họ đang chửi chó mắng mèo chứ không phải chửi xéo vào nhà mình.
Sống với pháp “thấy biết như thực”
Sống với pháp “thấy biết như thực” giúp cho ta nghe gì chỉ biết nghe như vậy, thấy gì chỉ biết thấy như vậy. Tôi áp dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày thấy rất hiệu nghiệm. Lâu nay trong nhóm tập thể dục của tôi có một chị tập rất ít, hay ngồi chỗ này một tý, chỗ kia một tý để chuyện này chuyện nọ. Tôi rất không thích và khó chịu. Nay tôi mặc họ, chỉ thấy chị ấy như thế thôi.
Có một chị bạn của tôi nổi cáu ghê gớm khi đánh giá anh bạn qua cái bắt tay nắm chặt (anh này cao tuổi như người anh lớn, chúng tôi đến thăm anh ốm ở bệnh viện). Tôi đã giải thích để bạn gái dịu cơn cáu vì có thể đây chỉ là một biểu hiện cảm động của người được thăm hỏi mà thôi.
Cứ tương tự như thế trong nhiều việc diễn ra hàng ngày, tôi dần thấy đầu óc được thanh thản, tâm hồn sáng khoái và vui vẻ với mọi người.
Pháp “cho nhau ăn cỏ và việc chứng ngộ tâm không”
Nhờ phương pháp viết của thày mạch lạc, dễ hiểu, tôi tự học (không đến lớp) và đã ngộ được “ông chủ”. Ông chủ là “Ta” , “Phật tánh” , “Tự tánh” , “Phật” , “Tự ngã” là chủ thể nhận biết, là cái duy nhất tồn tại một cách thật sự trong thế gian này. “Ông chủ” luôn hiện hữu, sai sử tạo tác mọi hành động, thông qua cái thân tứ đại. Ngoài “Ông chủ”, mọi pháp kể cả thân tứ đại đều là đối tượng bị nhận biết, có nó nhưng không phải là có thực. Tất cả đều do duyên hợp thành.
Trước đây, khi nghe giảng mọi vật ta nhìn thấy hàng ngày đều là không có thật, tôi cho là vô lý. Nay nghe thày dùng hình ảnh “con cò” làm ví dụ, tôi thấy Đạo Phật rất khoa học và chính xác. Cái thân tứ đại cũng như mọi pháp được sắp xếp các phân tử theo một thứ tự nào đó, giống như hình ảnh một đàn chim đang bay, nhưng trông xa xa thì cả đàn chim bay ấy giống một con cò. Khi một cánh tay hay một ống chân hay bất cứ một bộ phận nào của cơ thể bị mất đi thì hình ảnh con cò không còn nữa. Và cứ thế lại tiếp tục mất đi bộ phận này, tiếp đó mất đi một bộ phận khác… Cái thân tứ đại tới lúc không còn gì nữa. Các pháp cũng giải thích tương tự, thì đến một lúc nào đó, nó cũng không còn tồn tại. Từ đó suy ra vạn pháp có đấy nhưng là không có thật vì nay có, mai mất. Kể cả toà nhà cao tầng, cả dãy núi cao, và cho tới biển cả… bao đời nay luôn luôn vật đổi sao dời. Chỉ có một cái thường hằng, bất biến, không sinh diệt, không động chuyển, đó là “Ta” , là “Ông chủ”.
“Ông chủ” vốn thường hằng hiện hữu và sai sử tạo tác mọi hành đông, biểu hiện qua 6 căn. Nhưng vì sống trong mê lầm, bị cảnh lôi, ngôn ngữ lừa dối cho nên vai trò của Ông chủ bị che khuất. Và đã có ví dụ “Ông chủ” như một ông vua, khi bị cảnh lôi, lúc này ông vua chỉ là bù nhìn. Tuy ông vua có ra lệnh, nhưng tể tướng lại tiếm quyền và việc thực thi là theo tể tướng chứ không theo ông vua. Ngụ ý ở đây là quên mất “Ông chủ”, quên mất quyền làm chủ của mình. Nói phương pháp sống với ông chủ nghĩa là sống với chính mình, nghĩa là “tự làm chủ”. Mình phải dùng trí tuệ tự làm chủ mình. Nói mà không nói, nghe mà không nghe. Luôn luôn thấy ông chủ ở đối phương và đưa Ông chủ của mình ra.
Trong cuộc sống hàng ngày không bị dính mắc vào những chuyện không đâu. Dùng phương pháp nói đông chỉ tây để chấm dứt hoặc lái câu chuyện sang hướng có ích. Dùng phương pháp “thấy biết như thực” để nhìn nhận mọi sự việc như vốn nó là. Không suy diễn, không áp đặt. Nhận biết thân tứ đại không phải là ta, không nên chấp vào đó, diệt tính tự ái, tự cao. Coi việc khen chê, yêu ghét là vô thường. Chuyện sống, chết cũng là tất yếu; Tất cả là do duyên. Trong giao tiếp cũng tuỳ duyên mà ứng xử. Chỉ có bản thân ta mới biết là ta có giữ được Ông chủ hay không (trong câu nói huyền). Còn phương pháp nói vô ngôn để chỉ Ông chủ thì mọi người biết ngay mình giữ được Ông chủ hay không. Người cư sĩ, bất luận trong đạo cũng như trong đời phải giữ vững Ông chủ.
Giai đoạn bắt đầu tu tập, mọi người phải thấy được Ông chủ, sống với sự thấy Ông chủ, sống với Ông chủ và bảo nhậm sự sống với Ông chủ. Yêu cầu phải có công phu để luôn giữ được Ông chủ. Khi rời Ông chủ tức là bị ăn cỏ hoặc là bị gặm xương. Pháp này là phương pháp tâm sở hoặc gọi là còn đeo ngói gạch. Thí dụ điển hình này là khi ngài Thần Hội chỉ thân để trả lời câu hỏi “ý chỉ Tào Khê thế nào?”, nghĩa là ngài Thần Hội còn phải đưa Ông chủ ra. Thật ra thì có bao giờ Ông chủ rời ta đâu. Ngay khi ta ngồi im, vẫn có Ông chủ sai sử đấy chứ. Cho nên cứ tuỳ duyên mà sống, miễn là “tham khởi mau biết tham, vọng khởi mau biết vọng” khi ta biết tham, tức khắc tham mất, khi ta thấy vọng, vọng tức khắc tiêu. Đó là ta giữ được “Ông chủ” thì ta phải có một động tác hoặc một cử chỉ nào đó gián tiếp chỉ ra Ông chủ của mình. Buông sở đắc tức là giấu ông chủ. Nhưng thực tế thì Ông chủ lúc nào cũng hiện hữu, dù ta muốn hay không muốn. Do đó, việc giấu Ông chủ nghĩa là ta cứ sống tùy duyên, không phải cố tình chỉ ra Ông chủ cho đối phương biết. Đó là “Đói ăn, khát uống, mệt ngủ liền”.
Bổ sung thêm theo chỉ dẫn của thày
Phá chấp thân và phá chấp tâm và pháp bảo nhậm
Trước đây, khi nghe nói cái thân của ta chỉ là cái thân giả tạm, tôi không sao công nhận được. Trong lớp thầy lại đưa ra một tình huống là nếu bị ốm nhưng không có tiền để chữa trị thì sẽ xử sự như thế nào? Với thầy, thày sẽ không đi chữa. Sau này, thày đưa ra ví dụ về một đàn chim bay trông từ xa giống như một con cò. Hình ảnh con cò ám chỉ cho cái thân tứ đại, từng con chim ví như một phân tử (hay một tế bào, một hạt cơ bản, một nguyên tử) được sắp xếp cấu tạo nên cái thân tứ đại này). Rồi đến cuộc trao đổi giữa Trí và Bất tri trong cuốn “Mục đích cuộc sống”. Từ những điều này, tôi ngộ ra sự giả tạm của cái thân mình. Trước đây từng nâng niu, gìn giữ và lo lắng những khi ốm đau. Khi người thân vĩnh biệt ra đi, mình đau khổ khóc than thảm thiết.
Nay hiểu được thân tứ đại không phải là ta, nó còn hay mất là do duyên và nghiệp, nằm ngoài ý muốn của ta. Từ đó không còn bị lo lắng như xưa. Suy đến những người thân quyến trong mọi gia đình, tôi cũng không còn những băn khoăn day dứt quá đáng như trước nữa. Tất cả là vô thường, đều bị chi phối bởi lý nhân duyên. Và lớn hơn đến những tai nạn khủng khiếp trên thế giới, nhiều người chết một lúc, trước đây tôi thường bị đau buồn, thương tiếc, âu sầu, nay xác định vô thường, sự buồn đau của mình là vô nghĩa, không có ích gì cho bất cứ ai.
Tôi vốn là người sống nặng tình cảm, giầu trí tưởng tượng. Trước một sự kiện gì, dễ có suy diễn và tưởng tượng thêm ra thế này, thế nọ. Chính vì vậy nên không mấy khi tâm được yên. Chỉ cần nghe một tai hoạ của bè bạn là đã thấy độ khủng khiếp rất lớn. Điều này cứ càng ngày càng phát triển và dễ tiến tới bệnh tật. Cũng may, gần 2 năm nay thực hiện toạ thiền hàng ngày, cũng giảm bớt những lo nghĩa không đâu. Nay được học pháp “Thấy biết như thật” “nghe mà không nghe, nói mà không nói” “bảo nhậm ông chủ”, “pháp sống tuỳ duyên…” Ngoài ra, hàng ngày thiền và đếm đậu nên vọng khởi biết vọng, tham khởi biết tham, tâm được an trú sống thảnh thơi. Tuy nhiên thỉnh thoảng lại khởi lên nỗi lo buồn về việc này sự khác, nhưng khi nó khởi là biết liền, nó lại tiêu tan. Trước những nhận xét đánh giá không đúng của mọi người về mình, tôi bình tĩnh, ôn tồn và trao đổi không tự ái nóng giận, tâm được vui vẻ.
Có được những thay đổi, an lạc kể trên là do luôn luôn bảo nhậm Ông chủ. Mình tự chủ trong suy nghĩ, nhận định trước những lời nói của người khác. Từ đó tự chủ với những lời mình phát ra, đúng đắn, chánh ngữ. Suy nghĩ và nói năng tự chủ nên phát ra hành động tự chủ. Trong thời gian vừa qua tự xét thấy đã làm chủ được bản thân so với khi chưa tu khá rõ rệt, đặc biệt không bị ngôn ngữ lôi kéo, không bị chấp vào lời nói như trước.
Vấn đề nghe thày Huyền Diệu nói chuyện và nhận thức của mình:
Trước đây, cứ mỗi khi được tin các Hoà thượng nói chuyện, nhất là các hoà thượng nổi danh như HT Thích Thanh Từ, Thích Trí Quảng, Thích Thanh Tứ tôi rất thích được đến nghe. Đến nghe với một tâm trạng rất thích thú, bởi vì về lĩnh vực Phật pháp tôi thấy hay nhưng tôi chưa biết được bao nhiêu.
Khi nghe một chị bạn rủ đến nghe thày Huyền Diệu ở đất Phật về, tôi lại càng thích thú hơn nhiều. Thày là một vị tăng nhưng không mô phạm, không nghiêm nghị, rất hay cười và vui vẻ. Đó là một nhận xét đầu tiên của tôi về thày (đây là cách nhìn người có phán xét, đánh giá của tôi).
Thày nói chuyện được một lúc, chủ yếu nói về những điều cầu nguyện của thày cầu gì được nấy cùng những việc làm của thày (tôi suy nghĩ, sao thày lại nói về mình như cách khoe những thành công của mình thế nhỉ). Rồi thày vẫn nói và tôi hào hứng nghe, trong tôi lại có ý nghĩ đã là hoà thượng như thế thì những điều thày nói hẳn là phải đúng, dù thày có kể về thày. Lúc thày kết thúc buổi nói chuyện, tôi nhanh chân lên trước tiên xin thày chữ ký, sau đó mọi người theo tôi đều lên xin thày chữ ký. Tôi photo chữ ký của thày đem đến tặng cả lớp và tưởng là mọi người sẽ thích thú lắm vì đây là chữ ký của hoà thượng trụ trì chùa từ nơi đất Phật cơ mà. Không ngờ được thày A dội cho một gáo nước lạnh, tỉnh người.
Lúc đầu, tôi vẫn còn ngờ ngợ vì đây là công lao của thày quyên góp làm được một chiếc cầu cho cả dân làng đi. Tiếp đó được thày A phá chấp cho tôi, và tôi ngộ ra rằng chức năng của hoà thượng không phải để làm việc đó và thày kể lại nhằm mục đích gì? Tôi tiếp tục suy nghĩ về buổi nói chuyện của thày, tôi lại càng ngộ ra cái câu thày bảo là đúc tượng Phật phải có bộ mặt Việt Nam. Tại sao phải chấp vào tướng như thế. Ngay ta, sau khi đã tu thì phải phá chấp thân, phá chấp tâm, phá chấp tướng.
Từ buổi được thày A phá chấp cho tôi, tôi đã có một cái ngộ sâu sắc, xem xét lại những suy nghĩ trước đây sai lạc làm lẫn rất nhiều. Phải tạo ra và nuôi dưỡng lòng tin vào Chánh pháp, phải tu hành theo Phật pháp. Không tin vào bất kỳ một uy nghi tướng mạo nào. Và giờ đây, tôi hiểu rằng pháp nào, người nào giúp ta bỏ được vô minh, bỏ được tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, giúp ta an lạc mở mang trí tuệ đi đến giải thoát thì ta tin.
Pháp “Cho nhau ăn cỏ với việc chứng ngộ tâm không”
Qua nghiên cứu phương pháp này, tôi nhận ra lâu nay mình cứ nghĩ cái thân tứ đại này là mình, là một điều hoàn toàn sai lầm. Thân tứ đại chỉ là một hiện tướng, giả tưởng, nó cũng chỉ là một đối tượng bị nhận biết giống như các pháp khác (sự vật, hiện tướng… ), nó luôn luôn sinh diệt, chuyển động và nay có mai mất. Chi duy nhất có một cái thường hằng hiện hữu, không sinh không diệt, không động chuyển và bao trùm hầu khắp, trong Đạo Phật gọi là Thực Tánh, Chân Như, Chân Tâm…
Nó cũng được gọi tên “Ông chủ”. Đây là một chủ thể nhận biết duy nhất. Đã là chủ thể nhận biết thì không thể dùng ngôn ngữ diễn tả hoặc dùng ý truy tìm. Nhưng vì phải trao đổi với nhau nên chúng ta tạm thời coi nó như một đối tượng bị nhận biết. Khi ta suy nghĩ, nói năng hay hành động là do “Ông chủ” sai sử. Cho nên ta chỉ có thể nhận biết Ông chủ qua tác dụng, giống như nhìn lá rung biết có gió, nhìn đèn sáng biết có điện. Trước đây, khi chưa được học, ta sống trong cái tâm điên đảo, chạy lăng xăng. Luôn luôn chạy theo cảnh bên ngoài gọi là “Ai nói đâu thì âu đấy”. Từ cái tâm lăng xăng, chạy theo cảnh lôi kéo, cho nên luôn sống trong tham lam, sân hận, vô minh. Nay biết được có “Ông chủ”, ta tu luyện giữ Ông chủ, nghĩa là không nói năng hành động tuỳ tiện. Ta “bảo nhậm Ông chủ”, lúc nào cũng nhớ đến Ông chủ, không bị ngôn ngữ lừa gạt, hành động theo tự chủ của mình. Tiến tới “có nghe mà không nghe, có nói mà không nói”. Khi nghe, thấy Ông chủ của đối phương và tính nghe của mình. Khi nói là đưa Ông chủ của mình ra cho đối phương. Trong quá trình tu, muốn tu được rốt ráo, ứng dụng pháp cho nhau ăn cỏ, luôn tìm cách đưa cỏ cho đối phương liên tục như vậy nhưng không được thấy đối phương bị ăn vì ngay khi đó ta cũng bị ăn. ứng dụng pháp “Hỏi đông nói tây” để dẹp những chuyện vô ích.
Nhận thức về thiền
Trước đây, được nghe nói đến thiền, hằng ngày ngồi thiền và đọc sách thiền là gì của tác giả Trâm, tôi đã hiểu sai lệch rất nhiều. Tôi cứ nghĩ ngồi thiền là thiền, và tôi thắc mắc vậy chỉ ngồi hai, ba mươi phút hoặc hơn nữa là ngồi một hoặc hai giờ thì có ý nghĩa gì trong một ngày có những 24 giờ.
Nay tôi đã lĩnh hội được (chắc cũng chưa đầy đủ) ý nghĩa của thiền, thiền là một cách sống thiền, thiền trong suốt 24 giờ trong ngày, thiền trong suốt cuộc đời và trong bất kỳ lúc nào: đi, đứng, nằm, ngồi, suy nghĩ, nói chuyện, đọc báo, lao động (ngồi thiền, hành thiền… chỉ là những phương pháp thiền cụ thể, hoặc là kỹ thuật thiền cụ thể).
Cuộc sống trong thiền sẽ giúp ta an lạc, chánh niệm, mở mang trí tuệ, an nhiên tự tại, nghĩ, nói và hành những điều thiện tâm, lợi lạc. Thiền sẽ làm cho ta trở nên một con người điềm đạm sáng suốt, tỉnh giác, nói những điều cần nói, làm những việc đáng làm. Thiền sẽ giúp sức khoẻ tốt hơn, trách nhiều bệnh tật.
Ngoài những điểm trên, tôi đã ngộ được nhiều cái mà trước đây không hiểu hoặc bị chấp, mắc
Quan niệm về việc tụng kinh, gõ mõ bên Tịnh độ. Việc làm này trong phạm vi nào đó cũng giúp các Phật tử được an lạc, hướng thiện, ít ra là trong lúc đó. Nhưng không phải tụng kinh nhiều sẽ được giải thoát về Tây phương Cực lạc.
- Việc sát sinh và ăn thịt là 2 việc khác nhau hoàn toàn. Sát sinh là có ý định giết, sai người giết hoặc tự tay mình giết – có tội và nghiệp nặng. Còn việc ăn thịt hoặc mua thịt cá đã bị giết rồi hoàn toàn không bị nghiệp, không có tội.
- Người tu hành trước tiên phải dẹp ngã. Phải hiểu thân tứ đại này không phải là ta thì mới bỏ được tham, sân, si. Phải trừ vô minh thì trí tuệ được phát triển mới đi đến giải thoát
- Niết bàn, địa ngục là ngay ở cõi ta bà này. Bỏ được tham, sân, si, sống an lạc là niết bàn.
- Việc cúng dường là cần thiết để giữ gìn và phát triển Chùa, Tam bảo. Việc đến lễ chùa là rất nên để tâm ta thư thái, hướng thiện. Nhưng quan trọng bậc nhất là học Phật pháp và tu rốt ráo cho bản thân cùng các bạn Đạo, đó là sự biết ơn, trả ơn Phật đúng đắn nhất.
- Từ lâu nay, tôi rất muốn có phương pháp nào tập luyện để khi lâm chung (đối mặt với cái chết) mình bình thản, không lo sợ. Nay tôi biết rằng cứ cố gắng tu hành, quán thân tứ đại không phải là ta, con hay mất là do duyên, do những nghiệp ngoài ý muốn của con người. Miễn sao tu hành tốt không tạo thêm nghiệp nữa.
- Mỗi người sẽ được hưởng hoặc phải chịu đều do nghiệp quả của mình trong các kiếp trước cùng với kiếp hiện tại. Nó còn chịu ảnh hưởng do dòng họ tổ tiên, cha mẹ nữa. Hiểu như thế thì sẽ thanh thản khi được lợi lạc cũng như khi gánh chịu quả báo. Cho đến khi chết không thể nhờ tụng kinh làm đổi thay được.
Để lại một bình luận