Giới thiệu danh sách bài hồi ký tu tập
- Nhìn lại về đuờng Tu (Phần 1) – Bước Đầu Tìm Hiểu, Bước Đầu Ngộ – LBK
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 2) – Hồi ký tu tập – CDT
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 3) -Quá Trình TU Học – Cô Tám
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 4) – Quá trình tu học – Phương
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 5) – Hồi ký tu hành – Chị Quy
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 6) – Quá trình nhận thức – LHL
Ghi chép bởi CDT
Có nhiều duyên đưa tôi đến đường tu, rất kỳ lạ và như đã được định sẵn. Từ khi còn nhỏ, nhiều lần nằm ngắm sao trong những buổi tối trời trong, tôi luôn trăn trở một suy nghĩ: những vì sao trên kia có thật hay không? ngoài khoảng không đó là cái gì? Có giới hạn hay không? có điểm đầu và điểm cuối không?
Lớn hơn một chút, tôi nảy ra trong tâm những nghi ngờ về sự hiện hữu của sự vật, hiện tượng. Ví dụ khi học lịch sử, nghe đài, đọc báo ca ngợi Bác Hồ, tôi gợi lên trong tâm một mối nghi: có Bác Hồ thật hay không? Mình chỉ biết Bác Hồ qua những gì được đọc trên sách, nghe trên đài hoặc thầy cô bố mẹ truyền đạt lại. Nhưng nếu tất cả những thông tin đó đều được người ta tạo ra để đánh lừa mình về một Bác Hồ không có thật thì sao? Thì mình có biết được không?
Với những suy tưởng siêu hình như vậy, tôi bước chân vào giảng đường đại học, và môn học tôi muốn tìm hiểu nhất là môn triết học. Tuy nhiên, những gì tôi tìm thấy trong đó không thoả mãn những câu hỏi của tôi. Việc dựa vào một Đấng Cứu thế hoặc những thế lực siêu nhiên vô hình nào đó chỉ có thể là điểm tựa cho những con người bơ vơ về mặt tinh thần, và không thể giải quyết rốt ráo mọi vấn đề. Khi còn học cấp 3, bố tôi gửi tôi lên ở trong nhà thờ Bắc Ninh trong 3 tháng hè và trong thời gian đó tôi đã đọc rất nhiều sách kinh của Thiên chúa giáo và dự lễ giảng đạo của các cha cố, song đối với tôi Thánh kinh giống như những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích và những nghi lễ tôn giáo dựa trên một đấng tối cao mà không thể chứng minh được là đang hiện hữu, hơn là một hệ thống lý luận triết học, vì vậy tôi không thể đi theo, mặc dù có nhiều người muốn tôi gia nhập giáo đoàn. Chủ nghĩa Mác dựa trên các tư tưởng căn bản là duy vật biện chứng, nhìn sự vật luôn luôn trong trạng thái vận động, mang tính khách quan và lôgic hơn song cũng chỉ hạn chế trong phạm vi những sự vật hiện tượng mà ta nhận biết được, và không trả lời được câu hỏi thế giới này từ đâu có và sẽ đi về đâu.
Duyên lành đưa tôi đến tiếp cận cuốn sách “Tinh hoa Phật học” của học giả Nguyễn Duy Cần, trong đó tác giả trình bày những nét cơ bản nhất của giáo lý đạo Phật. Tôi thấy đây là con đường mình đang tìm để lý giải cho các vấn đề mà cho đến lúc bấy giờ chưa thể lý giải được qua các kiến thức thu thập được ở trường đại học và trong các sách vở khác. Vấn đề đầu tiên tôi thấy là Phật học là một môn triết học thực sự biện chứng và khách quan, với hệ thống lý luận hết sức lô-gích thông qua bình đẳng trí và quy luật vô thường, quy luật nhân quả. Tuy nhiên, lý vô ngã của Phật học đối với tôi còn khó hiểu, chưa đủ sức thuyết phục. Qua những sách về Phật pháp khác tôi đã có một số hiểu biết nhất định về Phật pháp và suy nghiệm những điều bổ ích, cần thiết đối với cuộc sống nhộn nhịp, lôi cuốn và đầy lo toan hàng ngày. Áp dụng vào cuộc sống hàng ngày và suy nghiệm thêm, tôi nhìn nhận cuộc sống một cách khách quan hơn, hạn chế được phần nào những suy nghĩ tình thức, nhất là đối với những vấn đề trái ngược với lập trường của mình, tôi cũng không nhất quyết gạt bỏ ngay, phê phán ngay như trước kia nữa mà bình tĩnh xem xét, cố gắng dưới góc độ khách quan nhất. Tính tình cứng rắn của tôi trước kia: luôn phân định ranh giới rõ ràng giữa đúng và sai, tốt và xấu, nay đã mềm đi; trước kia tôi không thể chấp nhận những người tôi cho là xấu tính, kiêu ngạo… luôn chỉ trích các thói xấu đó và thường xa lánh, coi thường nhưng tôi thấy mình dần dần đã biết chấp nhận họ, chấp nhận thực tế là mỗi người đều có cá tính và quan điểm riêng của mình, hoặc ít ra thì cũng không ghét họ như trước nữa. Tuy nhiên, việc nghiên cứu Phật học của tôi cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ thu thập thêm kiến thức của cuộc sống và học hỏi, áp dụng những điều mình thấy đúng và thấy thiết thực đối với cuộc sống “cơm áo gạo tiền” của mình mà thôi, còn việc xác định tu hành để đi đến giải thoát thì tôi vẫn chưa nghĩ đến và vẫn chưa thông được.
Rồi một duyên đưa tôi đến lớp học khí công của Khí công sư Bùi Long Thành, vốn là một cư sĩ theo Mật tông. Phương pháp tập khí công Bùi Long Thành là biến thể của các phương pháp tu hành và rèn luyện sức khoẻ của các Lạtma Tây Tạng truyền sang Việt Nam, trong đó chủ yếu là thông qua việc thụ khí và kích hoạt phần vô thức của con người để giải toả stress và những chấn động tinh thần, kích hoạt các khả năng vô thức như linh tính, thần giao cách cảm… Khi công phu ở mức khá, tôi đã có thể tập trung vào các hoạt động vô thức. Những bài tập vô thức đó đã đưa tôi vào một cảnh quan khác lạ khi ngồi thiền – thực ra về bản chất đó cũng là một phương pháp Chỉ để định tâm, và ngồi thiền sau khi tập. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi thiền. Ngồi thiền theo phương pháp này nói chung rất tốt cho những người mới tu tập thiền vì trước khi toạ thiền đã tập các bài tập vô thức có tác dụng tĩnh tâm trong khoảng 1 tiếng, do đó tôi đã đạt được trạng thái Định khá sâu. Thông tươnừg tôi dậy từ 3h45 sáng, đi đến chỗ tập và tập từ 4h30 đến 6h30, trong đó thời gian ngồi thiền khoảng 30 phút đến 1h. Sau khi tập khoảng 2 năm liên tục, tôi chuyển sang tập Thái cực Trường sinh Đạo, đây cũng là một phương pháp thiền động vì khi tập ta phải tập trung nhìn vào đầu ngón tay trỏ và theo dõi sự chuyển động của thân và điều hoà hơi thở. Mỗi hàng ngày tôi dành 2 tiếng để tập, đồng thời toạ thiền thêm. Cũng như Khí công, ngồi thiền sau khi tập Thái cực đạo cũng rất nhanh chóng đạt đến Định. Hơn 3 năm thực hành thiền theo 2 phương pháp trên đã tác động rất lớn đến tôi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc thực hành thiền định hàng ngày đã giúp tôi lấy lại cân bằng trong cuộc sống với những điều kiện làm việc quá vất vả và nhiều sức ép, bình ổn được tâm trí vô cùng xáo động trước đó. Bên cạnh việc đạt được sức khoẻ ổn định, nó cũng giúp tôi tăng cường khả năng hoạt động trí óc, tính tình trầm lắng dần và thay đổi theo hướng tốt hơn, đạo đức hơn.
Tuy nhiên, một duyên lành đưa đến thay đổi thực sự cho cuộc đời tôi là chuyến đi chiêm bái đất Phật (năm 1998). Với một chiếc balô nhỏ và mấy phong lương khô, tôi đi tàu hoả qua gần 3000 km để đến Bodgaya (bang Bihar, ấn Độ), nơi đức Phật thành đạo dưới cội Bồ đề, rồi đi đến vườn Lộc Uyển (Ratna, Varanassi) nơi đức Phật thuyết giảng bài kinh đầu tiên và đến Lâm-tỳ-ni (Lubini, Nêpal) nơi đức Phật đản sanh. Ngồi dưới cội Bồ Đề khi xưa Phật thành đạo, tôi cảm nhận được một sự linh thiêng kỳ diệu làm cho tôi thức tỉnh, cảm nhận được sự che chở, lòng từ bi vô lượng của Ngài, và lòng tin của tôi vào Phật pháp nảy sinh và kiên cố hơn bao giờ hết. Tại nơi Đức Thế tôn đản sanh, tôi đã ở lại ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự 3 ngày, được Thầy Huyền Diệu, trụ trì của chùa, giảng giải Phật pháp và những nghi thức đầu tiên của một người Phật tử. Chuyến đi chiêm bái này tôi thu được một số điều quan trọng, mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Tôi nhận thấy con người ta có thể sống an lạc ngay nơi trần thế này, tại bất cứ nơi đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chứ không nhất thiết phải đuổi theo tiền tài, danh vọng mới mang lại hạnh phúc. Trong gần 2 tuần hoàn toàn dứt khỏi công việc và những lo toan thường nhật ở một xứ sở xa lạ, khi đến ngồi dưới cội Bồ đề tôi thấy một cảm giác vô cùng an lạc, còn hơn cả những cảm giác an lạc khi thiền định. Đồng thời tôi nhìn lại quãng thời gian đã qua của mình và nhận thấy bản thân mình khổ vì mình có quá nhiều ham muốn, khi một ham muốn được đáp ứng, ham muốn khác lại nảy sinh, thúc giục người ta giành lấy, cuốn xô con người vào một vòng xoáy ham muốn-khổ-ham muốn bất diệt. Cả cuộc đời của con người là một địa ngục trần gian, và chỉ khi đến đất Phật, nhận được những cảm giác đặc biệt như trên tôi mới thấy sáng ra một điều là mình đã phí hoài cả một thời gian vô cùng quý báu trước đó vào những cái ham muốn vật chất tầm thường mà quên đi cái hạnh phúc đích thực, quên đi sự an lạc về tinh thần. Bỗng nhiên con đường trước mặt hiện rõ trong tâm thức tôi, đó là con đường sẽ phải đi trong phần đời còn lại để thoát khỏi nỗi khổ ải của cuộc đời, để đạt đến sự giải thoát về mặt tinh thần.
Trở về từ Đất Phật, tôi chuyên tâm tu hành, hàng ngày dành 1 tiếng để tụng kinh và thiền định. Tôi cũng nghiên cứu thêm một số kinh sách Phật pháp, trong đó có cuốn “Kinh Pháp Bảo Đàn” là cuốn tôi đặc biệt ưa thích và cho rằng pháp này hợp với căn cơ của mình. Tôi bắt đầu đi theo hướng Thiền Đốn ngộ của Lục tổ Huệ Năng, nhưng trên thực tế vì không có người hướng dẫn nên mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu và thực hành phần nào trong cuộc sống. Qua nghiên cứu kinh Pháp Bảo Đàn, những cái tôi tâm đắc nhất là mục đích và phương thức thực hành của Thiền. Đó là: “ngoài lìa cảnh, trong lìa niệm, tất cả chỗ không tâm”, “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Theo tôi hiểu, đây là những tôn chỉ khi hành thiền, phải giữ cho tâm vắng lặng, không khởi niệm, không bị cảnh bên ngoài tác động. Việc tu hành không thể tách rời đời sống hàng ngày, phải giữ cho tẫm tĩnh ngay trong cuộc sống chứ không phải cứ chui vào hang, vào núi tránh xa trần thế thì tâm mới tĩnh. Tôi hiểu rằng Thiền sư là một người tuy sống giữa đời nhưng tâm lúc nào cũng vắng lặng, thanh tịnh, không bị nhiễm ô, không nổi sóng lòng. Thực tế này đã đánh đổ quan niệm trước đây của tôi là để tĩnh tâm, cần phải ngồi thiền, ngồi càng nhiều càng tốt và bác bỏ một quan niệm sai lầm nữa là để đi đến giải thoát thì nhất thiết phải xuất gia, vào chùa, tụng kinh gõ mõ, xuất thế để tìm sự thanh tịnh. 3 năm tiếp theo, bên cạnh công việc và cuộc sống, tôi dành thời gian thực hành thiền định và nghiên cứu Phật pháp, cố gắng thực hành tĩnh tâm trong cuộc sống hàng ngày theo tôn chỉ của Thiền tông, cố gắng tránh nổi sân, cố gắng tránh xa các dục vọng và những điều phạm giới. Khi gặp việc làm mình nổi nóng, tôi cố gắng trấn tĩnh, kiềm chế không nói ra những lời nóng nảy. Tôi sửa chữa tính nói dối, chỉ nói dối khi nào không tránh được, ít uống rượu, tránh các ý nghĩ và hành động tà dâm, bớt ích kỷ, nghĩ nhiều đến người khác và sống vì người khác hơn. Cùng với việc thực hành Yoga, tôi thường dùng phép quán hơi thở (tập trung vào hơi thở, điều hoà hơi thở theo ý của mình để tiến tới làm chủ hơi thở), cố gắng tập trung vào những việc mình đang làm, cố gắng cảm nhận được bản thân mình… Có lần nhân dọc một cuốn sách về đạo Lão, trong đó có đoạn mô tả một người thành đạo “sống lẫn với cỏ cây”, tôi nhận ra rằng khi đó người ta đã không còn để tâm trí mình làm chủ mình nữa mà đã đạt đến chỗ buông xả, sống tuỳ thuận theo cuộc đời, cái gì đến thì chấp nhận như cây như cỏ gió lay thì cây rung, gió lặng thì cây dừng. Người đó đã không còn khởi ham muốn nữa, không còn quan tâm đến thế gian nữa. Liên hệ đến thiền tông, tôi thấy cũng giống nhau, cùng đạt đến chỗ sống trong thế gian mà xuất thế gian (sau này tôi biết như vậy là sai, nhưng ít nhất nó cũng giúp tôi thực hành trong giai đoạn đó). Từ đó tôi cố gắng sống như vậy, cố gắng quán mình cũng như “cây cỏ, sống lẫn với cây cỏ”-nó cũng giúp cho tôi được nhiều thứ: làm cho tâm tĩnh hơn, giảm sân si hơn, giảm tâm phân biệt hơn và trở nên bình thản hơn trước những biến động của cuộc đời. Mặc dù bây giờ nhìn lại tôi biết đó không phải là mục đích để hướng tới trong việc tu hành, nhưng nó cũng giúp tôi tinh tấn khá nhiều, làm cho cuộc sống ngày càng an lạc hơn và tạo cơ sở cho những tiến bộ mới sau này.
Trở về sau 3 năm công tác ở nước ngoài, sau khi tạm ổn định trở lại cuộc sống ở Hà Nội, tôi đi tìm những nơi giảng pháp để học thêm. Tôi đến các chùa để tìm học thiền nhưng không có. Tôi lại tìm đến một người quen, nghiên cứu về Phật pháp để hỏi thêm chỗ có thể học được, nhưng khi đến tham dự một số buổi tôi thấy con đường đi của những lớp như vậy không ổn. Họ chú trọng vào niệm Phật và tu lục độ để mong được siêu thoát tịnh độ sau khi chết. Họ cũng có hành thiền, nhưng tôi thấy không theo một quy củ nào cả, đơn giản chỉ là ngồi để tịnh tâm. Họ cho rằng phải trì giới nghiêm mật để định tâm, nhưng không chú trọng đến việc tìm hiểu và đào sâu Phật pháp. Tôi cho rằng tu hành mà chỉ dựa vào tha lực bên ngoài là mê tín, hơn nữa khi tu mà chỉ mong được siêu thoát về cõi Phật sau khi chết thì sẽ làm thối chí người tu, tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại mà không cố gắng tinh tấn để giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại này. Do đó tôi vẫn tiếp tục theo cách tu hành vẫn làm trước kia.
Trong một dịp nghe giảng Pháp ở Quan Thánh, tôi may mắn được gặp Sư phụ tôi hiện nay và được Sư phụ nhận làm đệ tử, được Sư phụ làm lễ quy y với pháp danh Tâm Pháp. Trong thời gian này, tôi cũng được thọ giáo nhiều điều rất thiết thực đối với sự nghiệp tu hành của mình (hầu hết những điều đó cũng giống như những gì đã được Thầy N.Đ.Q chỉ dạy thêm sau này, nhưng Thầy dạy ở mức độ cao hơn và ứng dụng vào thực hành ngay). Sư phụ tôi có dạy tôi cách ngồi thiền cho đúng (trước đây không có ai dạy tôi cả, tôi toàn tự nghiên cứu sách rồi học theo, hoặc ngồi theo kiểu Yoga), cách niệm thân, niệm tâm (luôn chú ý vào việc mình đang làm, suy nghĩ mình đang theo). Đặc biệt Sư phụ đã khai mở cho tôi một điều vướng mắc nhất là: thiền định chỉ giúp cho người ta đi đến nhất tâm và làm cơ sở cho bước tiếp theo là quán để phát khởi trí tuệ, còn nếu chỉ cho rằng tu là thiền định rồi an trú vào cảm giác an lạc, nhất tâm do thiền tạo ra thì nhất định sẽ không tiến lên được. Thiền định sâu như vậy chỉ khởi phát được thần thông mà không khởi phát được trí tuệ. Do đó, sau khi định tâm rồi thì phải quán chiếu, quán vô ngã. Ngay cả trong lúc đi đứng nằm ngồi cũng phải quán, quán tôi đang đi, quán thân đang đi này do tứ đại hợp thành, có sinh có diệt, do đó không tồn tại vĩnh hằng, không phải là ta. Chẳng hạn quán hơi thở: thấy hơi thở ra vào, thấy đó là luồng không khí phải nương vào niêm mạc mũi để tạo cảm giác hơi thở di chuyển như vậy, thực sự cũng không có hơi thở mà chỉ do mũi và không khí nương nhau tạo nên. Phải thấy chúng đang “như là” như vậy, chúng là vô ngã chứ không phải niệm chúng là vô ngã. Sư phụ tôi cũng chỉ dẫn cho tôi rằng cần phải nhìn sự vật như là đúng nó như vậy, không được phóng tưởng. Ví dụ: khi nhìn cái cốc, biết đó là cái cốc, chứ còn phân tích cái cốc này làm bằng gì, đẹp hay xấu… thì cái cốc đó đã không còn là cái cốc thực sự ban đầu nữa (sau này tôi hiểu đó chính là thấy biết như thật). Một điểm tôi hết sức tâm đắc là: khi trả lời thế nào là tu hành, Sư phụ nói: “tu hành là khám phá chính bản thân mình”, sau này nhiều lúc nghiệm lại, tôi thấy thật chính xác.
Gặp thầy ĐQ
Tuy có một quá trình tiếp cận và thực hành tu tập tương đối lâu như vậy, song tôi chỉ thực sự nhận thấy được sự tinh tấn mạnh mẽ của mình sau khi gặp thầy ĐQ và được thầy tận tình chỉ dạy thêm. Có thể nói sự tinh tấn của tôi được nhận thấy rõ từng ngày, rất nhanh và ngày càng sâu sắc, và chỉ trong 3 tuần học Thầy tôi tự nhận thấy đã tiến bộ hơn mấy năm trời tu tập đã qua. Nhân duyên đưa đến lớp học này là do Phương kể cho tôi nghe Phương một lớp do một thầy trong Miền nam dạy, cách học rất lạ, tập trung vào truy hỏi để phá chấp. Tôi nghe và hiểu đây là kiểu của Thiền Đốn ngộ và bảo Phương dẫn đến học.
Ngày đầu tôi đến, thầy hỏi tôi:
-Em tu được bao lâu rồi?
Tôi đáp:
– Em tu được 4 năm rồi.
Em tu để làm gì?
-Tôi đáp: em tu để giải thoát.
Giải thoát khỏi cái gì?
Giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
-Tại sao phải giải thoát khỏi luân hồi sinh tử ?
-Để thoát khỏi những điều khổ ải của thế gian.
Thầy kết luận:
Như vậy mục đích tu là để thoát khổ, thế nếu muốn thoát khổ thì cần phải làm gì?
-Cần phải biết khổ là gì.
-Vậy khổ là gì?
-Khổ là những cái mình không vừa ý, mình muốn mà không được.
Thầy giải thích thêm:
Khổ có 2 loại: khổ tâm và khổ thân. Khổ thân là những đau đớn, khó chịu về thể xác như bệnh tật. Khi có thân thì phải chịu khổ thân, chỉ khi nào thân diệt mới hết khổ thân. Khổ tâm là những nỗi dằn vặt, không bằng lòng với hiện tại gây nên, nó là những loại tình cảm như nóng giận, ghen tức, bất mãn…Vậy để diệt khổ cần phải làm gì? cần diệt ngay những cái khổ đó hay diệt nguyên nhân gây ra khổ? Ví dụ có một nguồn nước ngầm chảy vào nhà em, muốn không cho nước chảy vào nhà thì phải làm gì?
-Phải bịt nguồn nước đó lại.
-Đúng vậy, để diệt khổ cũng phải diệt nguyên nhân gây ra khổ. Vậy nguyên nhân gây ra khổ là gì?
-Là có thân này.
-Thân này gây khổ thân, ta phải chấp nhận có khổ thân chừng nào còn có thân này. Thế khổ tâm có diệt được không? nguyên nhân gây ra khổ tâm là gì? khi em muốn người khác làm việc gì mà người ấy không làm thì em có tức giận không?
-Có ạ.
-Thế nguyên nhân tạo ra tức giận đó có phải là do em muốn người ta làm việc đó không? Nếu em không muốn thì em không tức giận đúng không?
-Đúng vậy.
-Vậy ham muốn là nguyên nhân gây khổ đúng không?
-Đúng vậy.
-Thế nếu em nhìn một gói vàng rơi trên đường em có muốn không?
-Có muốn.
-Cũng một gói vàng đó, nhưng em nhìn thấy ở trên TV thì em có muốn không?
-Không muốn.
-Vì sao không muốn?
-Vì biết nó không phải thật.
-Đúng vậy, khi ta biết đó là thật thì ta không ham muốn phải không?
-Đúng vậy.
-Vậy tại sao em biết gói vàng rơi trên đường kia là thật?
-Bởi vì em có thể nhìn thấy nó, cầm lấy được nó, cảm nhận được nó.
-Em có chắc là những gì em cảm nhận được là thật không?
-Chắc ạ.
-Thế những cái em không cảm nhận được thì là không thật phải không?
-Đúng vậy.
-Thế trong trường hợp những người bị bệnh ảo giác, họ nhìn thấy, nghe thấy và có thể nói chuyện với một người khác mà ta không nhìn thấy người ấy thì sao? Hoặc người mù màu người ta chỉ nhìn thấy màu đen và trắng, theo lý luận của em thì tức là thế giới phải không có màu nào khác ngoài hai màu đó phải không?
-!!!
-Vậy từ 2 trường họp đó có thể kết luận rằng những gì ta nhận thức được là có giới hạn, và tất cả những thứ ta nhận thức được chưa chắc đã phải như thực nó có. Tại sao có thể kết luận như vậy, bởi chân lý thì không có ngoại lệ, nếu đã là chân lý thì phải đúng trong mọi trường hợp. Chỉ cần chỉ ra một trường hợp sai là có thể phủ nhận toàn bộ chân lý đó. Không phải những thứ ta không thấy được là không tồn tại, và cũng không phải những thứ ta thấy đã chắc chắn là thực tồn tại. Để chứng minh anh đưa ra một ví dụ: có 2 chiếc xe đạp A và B ở cửa hàng. Em mua chiếc xe A về và sử dụng, trong quá trình sử dụng em phải thay dần những bộ phận hỏng. Mỗi lần thay một bộ phận của chiếc xe B chuyển sang. Mỗi lần thay như vậy em vẫn gọi chiếc xe A là A, xe B là B đúng không. Cho đến tận khi hoàn toàn mọi bộ phận của chiếc xe B đã chuyển sang chiếc xe A, vậy lúc đó ta gọi xe đó là A hay B? Vẫn gọi là xe A đúng không, nhưng thực sự nó đã là xe B. Ngay từ khi thay bộ phận đầu tiên, nó đã không là xe A nữa rồi. Ví dụ khác: có một đàn chim bay trên trời xếp thành hình con cò, ta nhìn thấy có con cò, nhưng thực ra không có con cò mà chỉ có những con chim xếp lại thành hình con cò thôi. Con cò đó do ta tưởng tượng ra. Mọi thứ cũng vậy, ngay cả bản thân ta, luôn luôn có những dòng hạt Phôton liên tục chảy vào và chảy ra khỏi cơ thể. Chúng ta và vạn vật là những dòng diễn tiến liên tục của các dòng Phôton chứ không thực có chúng ta và vạn vật, cũng như nhìn dòng nước chảy ta thấy có một khối nước không đổi, nhưng thực ra không có khối nước nào cả mà chỉ có dòng chảy của nước mà thôi.
Ta có ham muốn bởi ta cho rằng những thứ ta ham muốn là có thật. Vì không có trí tuệ để nhận biết được thực sự bản chất của sự vật, cho rằng mọi thứ ta thấy là có thật như vậy nên gọi là vô minh. Vô minh là nguồn gốc của ham muốn, và cũng là nguồn gốc của khổ.
Thầy hỏi tiếp:
-Thế em thoát khổ bằng cách nào?
–Em thoát khổ bằng cách tu tập Giới, Định, Tuệ.
-Tu tập Giới Định Tuệ là tu tập gì?
–Là giữ giới và thiền định để định tâm và khởi phát trí tuệ nhằm phá vô minh.
-Tại sao biết làm vậy sẽ phá vô minh được, nhỡ không phá được thì sao?
Tôi không giải đáp được.
Sau đó thầy hỏi:
Khi muốn xây một ngôi nhà hay tiến hành công việc làm ăn, người ta phải làm gì đầu tiên?
–Người ta phải có một bản thiết kế ngôi nhà hoặc một kế hoạch kinh doanh.
-Đúng vậy, khi tu cũng vậy, sau khi xác định được mục đích tu hành thì cần phải có kế hoạch tu hành.
Thế em xây dựng kế hoạch đó như thế nào?
-Tôi trả lời: tu tập theo Bát Chánh đạo.
-Thế làm thế nào biết được Bát Chánh đạo đưa đến giải thoát được?
Tôi thấy cũng phải, chả có căn cứ nào để biết được cả, chẳng qua mình cứ theo kinh sách mà thôi. Thầy nói tiếp:
-Muốn biết Bát Chánh đạo có đưa đến giải thoát hay không thì ta phải dựa vào chính mình, nhưng mình đang vô minh thì làm sao biết được con đường đó đúng hay sai? Ta phải dựa vào “như lý tác ý”.
Tôi hỏi: Như lý tác ý là gì?
Thầy nói: cái đó thì từ từ đã. Và thầy chuyển sang phần tiếp theo.
1. Phá chấp ngôn ngữ
Sau cuộc trao đổi nói trên, Thầy phá chấp ngôn ngữ và làm cho tôi nhận ra cách chỉ thẳng.Thầy lấy trong túi ra một chiếc hộp bằng kim loại, hình tròn màu xanh, một mặt có đục các lỗ hổng chư bao giờ tôi nhìn thấy và không biết nó để làm gì, đưa cho tôi xem và hỏi:- đây là cái gì?
Tôi trả lời: -em không biết.
Thầy hỏi:- Em không biết à?
Thầy giơ cái bút hỏi tôi: – đây là cái gì?
Tôi trả lời: – “đó là cái bút”.
Thầy hỏi lại: – thế “cái bút” là cái này à?
Tôi hơi phân vân, cảm thấy có gì đó không ổn, nhưng không hiểu.
Tiếp theo, Thầy gõ 3 tiếng vào bàn hỏi tôi: – đó là gì?
Lần này tôi suy nghĩ một chút, và nói: – đó là âm thanh.
Nhưng thầy cũng hỏi: – âm thanh là cái đó à?
Tôi nghĩ ra là không phải bởi không thể đồng nghĩa âm thanh chỉ là tiếng gõ đó, vì âm thanh có nghĩa rộng hơn rất nhiều, song cũng không biết trả lời sao cho phải.
Thầy hỏi tiếp: – “Creo creo” là gì?
Tôi chịu không biết.
Sau đó, để gợi ý Thầy gọi một người khác trả lời.
Thầy cầm cây bút hỏi:- Đây là cái gì?
Anh ta chỉ thẳng vào cây bút thầy cầm trên tay và nói: “là cái đó”.
Đến đây, tôi chợt hiểu ra. Đó là mình luôn luôn bị trói buộc bởi ngôn ngữ văn tự mà không nhìn thấy bản chất thực của sự việc. Luôn luôn gắn sự vật với những khái niệm nhất định, và đồng hóa chúng với khái niệm đó. Đó là bởi ta luôn luôn bị tâm trí điều khiển, khi ta nhận biết sự vật, đó là tâm trí nhận biết và gán khái niệm cho vật đó. Khi muốn chỉ ra cho người khác thấy một vật gì, một hiện tượng gì mà ta lại dùng ngôn ngữ mô tả, tức là ta chỉ cho người ta xem cái mà ta đang tưởng tượng thôi (vật đó được ta nhận biết, khi bị hỏi ta lại tả cái vật trong nhận biết của ta-thì vật đó đã qua nhiều tầng nấc trung gian để đến được người hỏi: nhận biết của ta về vật, lời tả của ta – sự nghe của người hỏi, sự nhận biết-tưởng tượng của người hỏi về vật ta tả), còn vật thực-chính là sự miêu tả chân thực nhất- ta lại không chỉ. Như vậy khi người khác hỏi ta vật đó là vật gì, ta phải dùng cách chỉ thẳng vật đó cho người đó thấy thì mới là cách trả lời chân thực. Khi nhìn cái vật tròn tròn màu xanh ở trên, rõ ràng ta biết nó, ta nhìn thấy nó, ta chỉ không biết tên và công dụng của nó mà thôi. Thế mà ta vẫn nói là không biết nó, bởi ta gắn ngay vật đó với tên của nó và suy ra không biết tên thì là không biết vật đó.
Vì nhận ra được như vậy, khi thầy viết hai chữ : “cái bút” lên tờ giấy và bảo tôi nói lại cho mọi người xem thầy viết cái gì, lúc đầu tôi chỉ cái bút cho mọi người xem, nhưng thầy nói không đúng, anh bảo em diễn tả lại cho mọi người xem anh viết cái gì chứ không bảo là đọc lên. Tôi suy nghĩ và chợt sáng ra, vừa rồi tuy mình không bị vướng vào ngôn ngữ-là chữ “cái bút” thầy viết-nhưng vẫn bị ngôn ngữ lừa, vẫn hiểu chữ “cây bút” của thầy là để chỉ cây bút thật. Khi nhận ra, tôi liền cầm cây bút và viết lại 2 chữ: “cây bút” và đưa cho thầy xem. Trúng phóc! (tuy nhiên, khi về đến nhà tôi nghĩ ra là vẫn có chỗ sai: lẽ ra phải chỉ thẳng vào chữ thầy viết, chứ mình còn viết lại thì là không đúng mất rồi-chữ viết lại là chữ của mình chứ không phải chữ của thầy. Nhưng có lẽ lúc đó thầy thấy tôi nhận ra được đến thế là đạt yêu cầu cho buổi đầu tiên nên bỏ qua).
Tiếp theo thầy hỏi tôi:- Cái cốc là cái gì?
Tôi không bị mắc lừa, chỉ thẳng vào cái cốc: “là cái đó”.
Nhưng thầy nói: – Không phải, anh nói cái cốc là cốc ở trong chùa Hương, là một cái hang đá hay vào tu hành.
Tôi nghĩ thầm: nói như vậy thì làm sao mà biết được, bởi cốc có bao nhiêu nghĩa, cốc còn có nghĩa là cốc vào đầu nữa. Làm sao mà mình biết thầy đang nói đến cái nào.
Thầy kết luận: như vậy là trong câu hỏi vừa rồi em không hiểu được ý anh phải không?
Tôi đáp: Đúng vậy.
Thầy nói tiếp: ta không thể hiểu được ý người khác, cái ý mà ta tưởng là của người khác thực ra là ý của mình, mình cho rằng mình hiểu được ý người khác nhưng thực ra không phải vậy.
Tôi thấy có lý quá, đúng là từ trước đến nay ta thường hay suy diễn, người ta nói một đằng mình hiểu một nẻo bởi vì mình cứ lồng cái hiểu của mình vào và cho rằng đấy là ý của người ta.
Thầy nói tiếp: em đã hiểu được chỗ này thì khi nhà hàng xóm (đang xích mích với em) chửi chó mắng mèo thì em có thấy họ chửi xéo em không?
-Không ạ, bởi mình thấy người ta chửi xéo mình là do ý của mình thôi.
-Đúng vậy, thấy người ta chửi chó mắng mèo thì chỉ biết người ta chửi chó mắng mèo thôi.
Đấy là thấy biết như thật.
2. Phá chấp thân và chấp tâm:
Khi Thầy hỏi: em là ai?
Tôi trả lời: em là Tú.
Thầy hỏi lại: thế Tú là em à? Thế em ở đâu?
Tôi suy nghĩ rồi nói, em ở đây, là cái thân này.
Thầy nói: vậy nếu cắt dần từng phần một cái thân đó thì em ở phần nào?
Đến chỗ này tôi bí, tôi không biết là mình ở đâu, và nói nếu như vậy thì không có em.
Thầy nói: không có em thì ai đang nói?
Tôi hiểu rằng rõ ràng là tôi biết có tôi đang tồn tại, tôi đang suy nghĩ, nói năng đây nhưng lại không thể nói ra được tôi ở chỗ nào. Từ chỗ đó, tôi hiểu ra rằng nếu ta chấp ta là những thứ như thân thể, suy nghĩ, sự nhận biết của ta là hoàn toàn sai lầm, vì đó chỉ là đối tượng nhận biết của ta chứ không phải là ta. Nhưng chính vì nhận thức được như vậy, tôi lại hoang mang với một câu hỏi là: vậy thì không có ta hay sao? Nếu có thì ta ở đâu? Khi chết đi thì ta đi đâu?
Từ trước đến nay, tôi thường tụng kinh Bát nhã và vẫn hiểu rằng tinh thần của kinh Bát nhã nằm ở câu: “sắc chẳng sắc không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc”, tức là vạn pháp đều không có thật, nhưng còn cái thân này có thật hay không, tôi vẫn chưa nghĩ đến (thực ra vẫn cho là có thật). Sau khi đọc cuốn Kinh tụng hàng ngày của Thầy, có một đoạn ngoại đạo hỏi Phật: sau khi thân ngũ uẩn đoạn diệt thì Phật còn hay mất? Phật trả lời: “sắc chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta; thọ chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta; tưởng chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta; hành chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta; thức chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta”. Đọc lần đầu, tôi không hiểu sao Phật trả lời sai câu hỏi như vậy. Tôi suy nghĩ và cho rằng Phật nói như vậy để cho người hỏi hiểu rằng Phật không chấp 5 uẩn: sắc-thọ-tưởng-hành-thức là tự ngã của Phật, để chỉ ra câu hỏi “Phật còn hay mất sau khi ngũ uẩn đoạn diệt” là vô nghĩa. Bởi không chấp 5 uẩn là ta, là của ta, là tự ngã của ta nên dù 5 uẩn đoạn diệt cũng không có liên quan gì đến ta. 5 uẩn diệt cũng như ta nhìn thấy người ta đốt lá cây rừng vậy, lá cháy nhưng ta đâu có vì lá cháy mà còn hay mất, vì lá đâu phải là ta. Ở đây, Phật không trả lời trực tiếp vào câu hỏi vì nếu trả lời là Phật mất khi ngũ uẩn đoạn diệt, người hỏi sẽ rơi vào chấp đoạn diệt, cho rằng khi thân ngũ uẩn này mất thì ta cũng mất theo. Nếu trả lời là Phật còn sau khi ngũ uẩn đoạn diệt, thì người hỏi sẽ bị rơi vào chấp thường kiến, cho rằng Phật sẽ sống mãi. Cả hai thái cực có ta và không có ta đều sai, bởi vì khi đặt vấn đề có ta hay không, tức là đã chấp ngũ uẩn là ta rồi. Điều này rất quan trọng, bởi vì cũng như ngoại đạo, từ trước đến nay tôi vẫn loanh quanh tìm câu trả lời cho câu hỏi ta từ đâu đến và đi về đâu, và vẫn chấp vào một trong hai câu trả lời: chết là hết không còn gì và sau khi chết vẫn còn ta. Nay tôi đã nhận rõ sự sai lầm của mình, nhận rõ nguyên nhân của suy nghĩ sai lầm đó là vì tôi chấp tôi là ngũ uẩn. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn ở chỗ: rõ ràng là có ta, bởi vì ta biết được là có ta thông qua hành động, suy nghĩ, cảm nhận của ta hàng ngày. Nay nếu nói không chấp ta nơi ngũ uẩn thì ta ở đâu? Ta vẫn biết là có ta, nhưng không tìm thấy ta ở đâu.
3. Nhận ra ông chủ
Một buổi đến Thầy, thầy hỏi tôi: em biết là có em hay không? tôi đáp: Em biết là có em.
Thầy nói: vậy chỉ cái Em như thế nào, chỉ ra cho anh coi? Tôi rất bối rối, không biết chỉ làm sao, bởi tôi đã biết ngũ uẩn này không phải là ta, nên không thể chỉ chúng là ta được. Thế thì ta ở đâu? Thấy tôi bí, Thầy hỏi một câu khác: bây giờ có điện trong cái quạt này hay không? em hãy chỉ điện ra cho anh. Tôi đang suy nghĩ thì anh Kim bật quạt lên, quạt quay. Đến đây tôi chợt hiểu, ta biết có điện bởi vì điện làm cho quạt quay, như vậy là ta nhận biết điện thông qua dụng của điện. Tương tự như thế, ta chỉ có thể nhận biết được ta thông qua “dụng” của Ta, tức là những hành động hoặc sự nhận biết của ta mà thôi. Khi ta làm một hành động, như câu nói “hôm nay trời đẹp quá”, thì tức là ta biết được chính Ta đang điều khiển hành động đó-cũng như khi nhìn thấy quạt quay thì biết là có điện. Từ đây tôi mới nhận thấy là ta không thể chỉ ta được, ta chỉ có thể biết được ta qua hành động và sự nhận biết của ta mà thôi.
Mặc dù trước đây tôi cũng đã đọc về Thiền Lâm Tế và một số sách về dòng thiền Đốn ngộ song thực sự cũng không hiểu, tôi chỉ cảm thấy hình như Tông phái này dạy người tu hành phải sống thực với bản chất của mình, nghĩ sao nói vậy, làm vậy, có vẻ hơi xa lạ với cuộc sống và với các Tông phái khác. Thấy rõ được Ông Chủ là một trong những bước đột phá lớn nhất, làm cho tôi nhận thức rõ được sai lầm của mình cũng như của hầu hết mọi người là luôn luôn sống trong cảnh, bị cảnh lôi đi xềnh xệch mà không biết, tự mình trở thành nô lệ, hoàn toàn mất tự do đối với chính bản thân mình. Trong cuộc sống bình thường, chúng ta hoàn toàn hành động, suy nghĩ, nói năng … theo những suy nghĩ và kinh nghiệm, thói quen cũ mà ta tưởng là của ta, song thực sự đó chỉ là ta bị cảnh bên ngoài dẫn dụ và sai khiến mà không biết. Ta có thể liên hệ đến những ví dụ đơn giản mà ai cũng thực hiện hàng ngày: khi ta làm việc gì, ta nói cái gì có phải lúc nào ta cũng ý thức được hết những việc đó không? Và kể cả khi ta ý thức đươc điều đó thì cũng có thực sự là ta chủ động ý thức làm điều đó không, hay đằng sau nó vẫn là bị cảnh dẫn dụ một cách khéo léo, tế nhị đến mức ta không thể nhận ra? Đôi khi vì mải suy nghĩ chuyện cơ quan, tôi đi xe máy trên đường và đầu óc chạy theo những dòng suy nghĩ miên man, cho đến một lúc nào đó chợt giật mình nhận ra quãng đường vừa rồi mình không biết là đã lái xe thế nào, chỉ biết đi một cách vô thức trong khi đầu óc vẫn để tận đâu đâu. Rõ ràng là bị cảnh lôi quá. Khi trả lời một câu hỏi bất chợt của ai đó, ta có luôn biết được mình suy nghĩ gì trước khi trả lời không? hay là hầu hết là ta chỉ trả lời lập tức, theo phản xạ, theo nếp tư duy và bản chất con người ‘của mình” ? Hãy suy ngiệm xem, có phải trong hầu hết các câu trả lời của mình trong cuộc sống hàng ngày là như vậy?! Tuy câu trả lời đó ta cho là khôn ngoan, hợp lý song thực tế ta đã bị cảnh lôi mà không hay biết bởi vì ta tư duy chỉ thuần tuý dựa vào cảnh và những phán đoán, suy nghĩ chủ quan của ta mà thôi.
4. Bảo nhậm Ông chủ (sống với chân tâm)
Một lần, thầy ra một câu đố: mình bị người ta nhốt trong nhà sắt, khoá cửa chặt, bên ngoài chất củi để chuẩn bị nổi lửa thiêu mình, vậy phải làm thế nào để thoát ra được? Tôi nghĩ mãi không thể trả lời được, chắc chỉ có thần thông may ra mới thoát ra được thôi. Thấy tôi bí, thầy ra tiếp một câu hỏi nữa và nói nếu trả lời được câu này thì sẽ trả lời được câu trước: trước mặt là một bình nước và một cái cốc, không được đụng tay vào bình nước và cái cốc, làm thế nào để nước ở trong bình chảy sang đầy cốc được? Khó quá! Chắc phải có thần thông nữa. Tôi tập trung suy nghĩ mọi khả năng, từ việc dùng ống hút đưa nước từ bình sang cốc, nhưng thấy không ổn. Rõ ràng đây phải có ngụ ý gì đằng sau. Thế rồi, khi bị yêu cầu phải đưa ra câu trả lời, tôi chợt vươn tay ra, một cách rất vô thức, rót nước từ bình sang cốc. Thế là cốc đầy nước! Thực ra trước đó tôi vẫn chưa nhận ra được cách trả lời đâu, mà thấy mình làm việc đó một cách vô thức như có ai sai khiến tôi mới ngạc nhiên và quan sát việc mình làm, chợt bật ngay ra lý do mình trả lời bằng hành động: đó là mình bị thầy cho ăn cỏ ngon quá! Mình bị ngoại cảnh-tức câu đố của Thầy-cuốn đi mà không biết, cứ dùng tâm trí đi tìm câu trả lời mà quên mất ông chủ. Bởi khi mình nhớ đến ông chủ thì đâu có bị ngôn ngữ lừa như vậy! (về sau nghĩ lại tôi thấy cũng có cái gì đó không bình thường và buồn cười, vì câu trả lời đến một cách ngẫu nhiên như vậy. Ngay cả khi mọi người thấy tôi rót nước và nghĩ rằng tôi đã trả lời được, thì chính tôi cũng còn chưa biết tại sao mình làm thế. Mà chỉ đến tận lúc đang rót nước ra-sau lúc cầm bình lên khoảng 5-10 giây, tôi mới nhận ra câu trả lời của mình. Có một cái gì đó hơi bí ẩn đằng sau chuyện này-cứ như là có cái gì đó đằng sau xui khiến tôi làm vậy).
Thông qua buổi trao đổi trên, tôi đã nhận biết được cái ta (tức ông chủ) vẫn thường luôn có, điều khiển mọi hành động của ta hàng ngày mà ta không nhận thức được điều đó. Thay vì đi tìm ta ở nơi nó vẫn hiển hiện, ta cứ đi tìm ta ở những chỗ mà ta ngộ nhận là ta như thân thể, suy nghĩ, sự nhận biết… Vì vậy, để không bị cảnh lôi, để không bị tâm trí sai khiến, luôn luôn nhận biết và làm chủ được mọi hành động của mình, ta phải luôn luôn sống trong Ông chủ (chân tâm). Vấn đề là làm thế nào để luôn sống trong ông chủ? Chỉ có cách duy nhất là ta phải luôn luôn nhớ đến ông chủ, bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Và khi giữ được ông chủ liên tục như vậy thì ta sẽ sống được với Ông chủ. Đây chính là cách bảo nhậm ông chủ. Tuy nhiên, việc mình có rời ông chủ hay không, chỉ một mình mình biết, vì vậy để thể hiện ông chủ ra, ta phải làm một hành động, mà hành động (hoặc câu nói) đó phải không ăn nhập gì với câu nói, để người hỏi thấy được ông chủ của ta. Đây chính là pháp “nói Đông chỉ Tây”, giúp cho ta luôn giữ được ông chủ.
Trong các buổi học sau đó, do lo giữ ông chủ nhiều, tôi ngày càng bảo nhậm được nhiều hơn, trở nên cảnh giác hơn khi bị lừa. Tôi nhận thức được rằng pháp “Nói đông chỉ tây” là để thể hiện rằng mình không bị cảnh lôi, rằng mình vẫn luôn bám vào Ông Chủ chứ không rời ông chủ để chạy theo lời nói hoặc cảnh vật bên ngoài. Điều này tôi đã biết sơ qua khi đọc “Thiền sư Trung hoa” và “Pháp Bảo Đàn Kinh” trước đây (lúc đó khi đọc các công án, tôi hiểu rằng khi các thiền sư trả lời trậc lấc như vậy là lúc họ đang sống với thực bản tâm của họ, nghĩ gì nói nấy, không quan tâm đến câu nói. Nhưng lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa của việc này). Đến đây tôi mới hiểu được một công án trong Thiền sư Trung Hoa, khi Tăng hỏi: Phật là gì?. Sư trả lời: “ba cân gai”. Trước đây tôi không hiểu, không biết sao ông này trả lời như người đãng trí vậy, hoặc hiểu là ông ấy nói vậy là vì lúc đó ông ấy đang nghĩ đến 3 cân gai nên tiện mồm nói ra khi bị hỏi. Nay tôi hiểu rằng Sư nói vậy để cho Tăng thấy đằng sau câu nói “3 cân gai” chính là ông chủ, chính là Phật, bởi vì ông chủ điều khiển thân người nói ra câu nói đó.
Từ đó, tôi cố gắng bảo nhậm Ông Chủ của mình, cố không để bị cảnh lôi, kể cả khi sinh hoạt trong gia đình, làm việc hoặc đi lại trên đườn. Ban đầu chỉ những lúc rỗi rãi chợt nhớ đến phải bảo nhậm, sau này ngay cả trong lúc nói chuyện tôi cũng cố gắng nhớ. Đến lớp học là lúc tôi và mọi người nhớ đến Ông chủ nhiều nhất vì nếu không nhớ là bị ăn cỏ ngay lập tức. Khi bị hỏi, tôi cố gắng giữ không bị lôi theo câu hỏi đó, và tìm cách trả lời lệch với câu hỏi để cho thấy rằng mình không bị cảnh lôi.
Tuy nhiên, bảo nhậm ông chủ trong cuộc sống hàng ngày thật là khó. Thường thường là mình bị quên nhiều hơn nhớ. Nhưng thỉnh thoảng khi nhớ được để không bị lôi theo cảnh thì lại không dám sử dụng pháp “nói Đông chỉ Tây” vì sợ bị người ta cho là điên, ngớ ngẩn. Tôi chỉ thỉnh thoảng mới áp dụng, làm ra vẻ đãng trí hoặc nghễnh ngãng.ở nhà thì áp dụng được nhiều hơn, vì người nhà mình cũng không chê trách nhiều, có chê cũng không sợ. Tuy nhiên, tôi cho rằng pháp này không thể là pháp thực, chỉ là một pháp phương tiện lúc đầu bởi pháp thực phải luôn luôn áp dụng được, không phải bảo nhậm khổ sở thế này. Đồng thời tôi cũng nhận thấy có khi mình trả lời theo cảnh, nhưng mình tự biết vẫn không rời ông chủ. Vậy thì có nhất thiết phải luôn ứng dụng pháp “nói Đông chỉ Tây” để giữ ông chủ không? hay là chỉ cần không lúc nào rời ông chủ là được, còn nói thế nào không quan trọng.
5-6. Nhận ra cách nói hai huyền và buông sở đắc
Khi đến lớp, thầy hay luyện cho mọi người cách nói một huyền (tức là một nghĩa-nói Đông chỉ Tây) để bảo nhậm ông chủ. Một hôm tôi mới đến, ngồi vừa yên vị, thầy đang hỏi một câu gì đó và mọi người ai cũng bị lừa ăn cỏ, tôi biết thầy hỏi như thế này để xem mọi người có bị cảnh lôi không đây ăn cỏ là khi mình bị tâm trí xen vào làm mình rời ông chủ, bị cảnh lôi). Lúc sau, Thầy đột nhiên chỉ tôi trả lời, tôi trả lời ngay tắp lự, hoàn toàn không phải suy nghĩ, vẫn luôn ý thức nhớ đến ông chủ, nhưng câu trả lời của tôi không được chấp nhận-bởi vì câu trả lời đó thuận cảnh (cũng như mọi người trả lời bình thường). Mọi người cho rằng tôi cũng bị ăn cỏ lên cười ồ cả lên. Vô lý quá, tôi có rời ông chủ đâu! Tôi vẫn đang ở trong ông chủ trả lời đấy chứ, nhưng có điều là câu trả lời tự nhiên bật ra khế hợp với cảnh mà thôi! Thế là tôi cãi lại. Tuy nhiên, thầy gạt qua một bên và bảo tôi trả lời như thế là sai vì có rời hay không thầy không biết, nhưng trên câu nói như vậy là đã rời ông chủ. Trên đường về tôi suy nghĩ mãi và không thấy tôi sai chỗ nào. Lại liên hệ thêm với những thắc mắc trong quá trình bảo nhậm ông chủ ở trên, tôi vẫn quyết định rằng hành động tự nhiên hợp với cảnh không phải là rời ông chủ mà chính khi ta tự nhiên trong cuộc sống mà vẫn không rời ông chủ mới là mục đích của thiền. Nhưng vẫn còn băn khoăn, không lẽ Thầy sai sao? Phải tìm hiểu xem liệu thầy có sai không, hay là thầy còn giấu.
Hôm sau, tôi đến. Thầy cho tôi đọc một công án: Thần Hội đến gặp Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi : “ý chỉ Tào Khê thế nào?”, Thần Hội chỉnh thân rồi thôi, Hoàng Bá quở: “vẫn còn đeo ngói gạch”. Thầy hỏi tại sao Thần Hội còn đeo ngói gạch? Tôi đáp ngay: vì việc chỉnh thân là không cần thiết. Kiến giải này rất hợp với những suy nghĩ thắc mắc của tôi trước đó. Sau khi Thầy làm rõ thêm những điều tôi đã nhận ra, tôi thực sự thoải mái, giải phóng hoàn toàn khỏi mối nghi. Việc Thần hội còn đeo ngói gạch tức là còn luỵ vào hành động chỉnh thân để cho Ngài Hoàng Bá thấy là mình không bị câu hỏi của Ngài lôi. Nhưng thực ra có lúc nào Thần Hội không trả lời ngài Hoàng Bá đâu, ngay cả trước khi hỏi đã trả lời rồi, vì lúc nào mà Thần Hội không sống với ông chủ. Vì ngài Thần Hội không thể dấu ông chủ đi được nên đâu cần phải chỉnh thân mới là mang ông chủ ra khoe cho ngài Hoàng Bá thấy.
Từ đó, tôi hiểu một thực tế rằng ta không lúc nào rời ông chủ cả, vì ông chủ chính là chân tâm, luôn điều khiển mọi hành động của ta, từ vô thỉ đến giờ có lúc nào ta rời ông chủ đâu. Ta muốn rời ông chủ cũng không được vì ngay cả ý nghĩ thử rời ông chủ mới móng lên đó cũng là do ông chủ điều khiển. Sau khi nhận ra được điều này, tôi thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn hẳn. Không còn gò bó, căng thẳng giữ ông chủ như trước nữa. Ngay trong câu trả lời người ta, cũng có ông chủ điều khiển và mình biết rõ câu mình sẽ nói, đang nói này là do ông chủ đưa ra, như vậy ta vẫn sống cuộc sống bình thường, nói năng-làm việc bình thường mà chẳng rời ông chủ. Hơn nữa, nếu khi bị hỏi mà còn phải gò vào pháp “nói Đông chỉ Tây” để cho người ta thấy mình không bị cảnh lôi, thì tức là mình đã bị chấp vào cái đó rồi- chấp vào việc làm sao không cho người ta thấy mình bị lôi.
Do nhận ra được Buông sở đắc, nên khi vào pháp chiến, tôi cứ nói khơi khơi như bình thường. Chỉ mình biết mình trong ông chủ, còn người đấu pháp mà cho mình bị cảnh lôi thì chính họ đang bị tôi lừa mà không biết. Tự nhiên, tôi hiểu được ngay cách nói hai huyền và thông ngay câu thơ: “trong một câu sẵn có hai huyền, điều ảo diệu ấy kẻ ngu sao biết”. Trong câu nói đó, một nghĩa là để đưa ông chủ của ta ra, nghĩa thứ 2 được hiểu theo như nghĩa bình thường của thế gian. Người nói chuyện với ta chỉ thấy ta đang nói chuyện bình thường mà không biết ta đang bảo nhậm ông chủ, chỉ ta mới biết ta có bị rời ông chủ hay không thôi.
Sau khi nhận ra, tôi bắt đầu sống với ông chủ trong cuộc sống hàng ngày và thấy thật khác. Lúc nào cũng thoải mái, không bị gò ép, bất cứ việc gì mình làm, cái gì mình nghĩ cũng biết có ông chủ đằng sau. Khi mình nói, tức là mình đang đưa ông chủ của mình ra cho người ta thấy, chủ không phải là ta nói theo tâm trí nữa. Khi nghe cũng vậy, ta nghe tiếng người ta nói là ta thấy được ông chủ của người ấy, chứ không phải thấy được nội dung của câu nói. Nếu thấy được nội dung của câu nói và chạy theo, tức là đã bị cảnh lôi. Chính thông qua việc sống với ông chủ này mà tôi càng ngày càng thấy làm chủ được mình hơn, biết được việc mình đang làm, ý nghĩ mình đang nghĩ. Tất nhiên cũng thường bị tuột ra, chạy theo cảnh, suy nghĩ theo tâm trí.
Mặc dù nghỉ vào hôm thầy giảng pháp “cho nhau ăn cỏ” nhưng vì đã nắm được việc sống với ông chủ nên tôi vẫn giữ được mình không bị ăn cỏ. Khi mình không chạy theo câu nói, câu hỏi của người ta, mình trả lời mà vẫn trong ông chủ trả lời- thì lúc đó mình không bị người ta cho ăn cỏ. Còn nếu mình hiểu theo câu hỏi, bị nội dung câu hỏi lôi và tìm cách trả lời cho đúng thì tức là trả lời trong tâm trí, bị cảnh lôi-tức ăn cỏ. Như vậy, tôi thấy với việc sống với ông chủ, ta biết được cách trả lời khế hợp, người hỏi chỉ thấy ta trả lời đúng câu hỏi và tưởng ta đã bị ăn cỏ, nhưng thực ra có ăn cỏ hay không chỉ mình ta biết. Ta trả lời như vậy để tỏ ra bị ăn cỏ và thông qua câu trả lời khế hợp để đưa lại cỏ cho người hỏi. Nếu người hỏi thấy mình bị ăn cỏ, tức là chính họ đang bị ăn cỏ của ta.
Khi thực hành, thấy người khác bị ăn cỏ của mình, tôi cảm thấy sung sướng. Nhưng chợt nhận ra: tại sao mình biết người ta bị ăn cỏ của mình? Nhỡ người ta giả vờ bị ăn cỏ để cho mình sướng, thông qua việc giả vờ để đưa cỏ cho mình thì sao? Thế nên đưa cỏ cho người ta phải không được thấy người ta ăn cỏ. Nếu còn thấy người ta ăn cỏ (hoặc thấy người ta không ăn cỏ của mình cũng vậy), đương nhiên mình đang ăn cỏ. Ta cứ đưa cỏ, còn ta không cần biết họ ăn hay không-đấy mới là không bị ăn cỏ lại.
Cũng từ việc này, tôi nhận ra rằng mình không thể biết được người ta thế nào, không thể biết được người ta có ăn cỏ hay không. Điều duy nhất ta biết là biết được ta có bị ăn cỏ hay không, có bị cảnh lôi hay không mà thôi. Như vậy, một câu nói của mình luôn mang hai nghĩa (một câu sẵn có hai huyền), một nghĩa thế gian là trả lời bình thường-người không biết thì tưởng ta trả lời câu hỏi của họ, một nghĩa chỉ mình ta biết là để bày ông chủ của mình ra cho người ta thấy.
Do đó, tôi nhận thấy “pháp chiến” thật là hữu ích. Nó làm cho mình luôn luôn cảnh giác, luôn luôn để không bị ăn cỏ, trong khi giữ để không thấy đối thủ ăn cỏ của mình. Muốn vậy ta phải luôn giữ câu nói 2 huyền, không để bị rơi trở lại vào câu 1 huyền. Nếu phải dùng câu 1 huyền, tức là ta bị bí. Để thực hiện pháp chiến thành công, đòi hỏi tâm phải an tịnh, không bị cảnh lôi. Đồng thời pháp chiến cũng có tác dụng làm tâm ta tĩnh tại, mặc cho lời nói tuôn ra, đối đáp không ngừng. Không những thế, Pháp chiến còn làm suy nghĩ của ta nhanh nhạy hơn, và cho thấy những chỗ ta bí để làm đề mục “tham” tiếp cho ra được chỗ bí đó.
7. Nhận ra phương pháp hỏi
Sau một số lần pháp chiến, tôi thấy đôi lúc mình cũng bị bí, nếu không nhảy sang cách nói một huyền thì mất ông chủ ngay chứ chẳng chơi. Những lúc không trả lời khế hợp được thì phải làm thế nào đây? Tôi để ý thấy thấy rất hay hỏi vặn, nhất là khi bị hỏi nhiều, khi tôi bị hỏi vặn lại như vậy tự nhiên thấy trở thành bị động. à! thì ra thầy khôn thật, hỏi vặn để thoát khỏi chỗ bí. Tôi liền ăn cắp bản quyền ngay lập tức và cứ khi nào bị bí thì hỏi vặn lại, thậm chí kể cả không bí cũng cứ hỏi, hỏi nhiều cho người ta bí. Chủ động tấn công là cách phòng thủ tốt nhất, cứ khi nào đối phương hở ra là tôi chọc. Ví dụ khi đấu pháp với một anh ở quán cơm chay, anh ta bí nói rằng những câu nói chỉ là tương đối thôi, không nên chấp vào đó. Tôi liền hỏi lại: thế điều anh vừa nói là tương đối, hay tuyệt đối? có tin được hay không? anh ta chịu thua liền. Tuy nhiên cũng có lúc mình bí hoặc là đối phương không có sơ hở để ta chọc thì lúc đó ta cần dùng đến cách hỏi định nghĩa, đề nghị giải thích nghĩa của điều đối phương mới nêu ra. Cách hỏi này rất hiệu quả, có tác dụng chọc giận cực tốt. Có điều là lại phải giữa mình không thấy đối phương giận, đừng thấy đối phương bí thì mới được, nếu không lại ăn cỏ lại thì xấu hổ lắm!!
Cũng từ việc pháp chiến, tôi nhận ra được câu nói 2 huyền của mình hoàn toàn không mang động cơ mục đích gì. Nếu còn có mục đích bên trong câu nói ra, đương nhiên ta đang bị ăn cỏ. Cũng từ đây, tôi thấy không chỉ có việc nói năng với người khác là ăn cỏ, mà ngay cả các vật vô tri vô giác khác cũng có thể cho mình ăn cỏ được. Nếu ta thấy sự việc, sự vật đó là có thật-có chắc là đúng nó có thật không, hay chỉ là phán đoán của ta? Nếu là phán đoán thì là tâm trí hay ông chủ? đương nhiên lúc đó ta đã rời ông chủ. Do đó, tôi luôn cảnh giác, ngay cả với mọi vật mọi việc. Nghe người ta cãi nhau, đánh nhau tôi không cho là người ta đang cãi nhau, đánh nhau. Thấy người này cho tiền ăn mày, tôi không cho là người ấy tốt, thấy người đánh trẻ con tôi không cho người ấy là xấu, thấy cô gái đẹp đi trên đường tôi không cho là cô ấy đẹp (nhưng mà nói thật là cũng khó lắm!!)…
Để không bị ăn cỏ quá thường xuyên như vậy, tôi luôn cảnh giác và nhận ra rằng mình không đặt mục đích vào trong mọi việc mình làm, từ suy nghĩ, nói năng, làm việc. Chính là không có động cơ trong hành động mà ta luôn ở trong ông chủ, luôn không bị ăn cỏ, và việc không đặt động cơ cũng làm cho ta sống thoả mái, an lạc hơn nhiều. Chỗ nào, lúc nào ta cũng an lạc được vì ta đâu có mong cầu cái gì. Vì không có mong cầu nên không có thất vọng và sốt ruột để đạt đến mục tiêu. Cái gì đến, để nó tự đến, cái gì đi để nó tự đi. Khi bị va xe máy, ta thấy đau, cái đau nó đến rồi nó lại đi, nó không ở mãi với mình, mình không để ý đến nó, rồi nó cũng tự mất. Khi ngồi thiền lâu, ta thấy đau chân, ta thấy cái đau nó đên, rồi nó đi-ta cứ quán sát nó, quan sát sự đến-đi, sanh diệt của nó, nó sẽ tự mất.
8. Phá chấp vô ngôn
Một hôm, tôi hỏi thầy: ngày xưa thầy làm thế nào mà ngộ ra được những điều này? Thầy kể một lần tìm cách chọc ông Nguyễn Lân Dũng trên TV, nghĩ ra một câu hỏi thật khó để ông ấy không trả lời được, và thầy nghĩ ra một câu hỏi ông ấy là: “cái gì không nói ra được?”. Khi đặt câu hỏi vậy, thầy tìm cách trả lời chính câu hỏi của mình, và trong một lần ngồi uống cà-phê thì trả lời được và ngộ ra, phá được mấy cửa ải của thiền. Tôi nghe và cũng suy nghĩ, câu này khó thật, phải tìm cách phá mới được. Lúc này do công phu từ trước nên tôi không bị lạc vào những suy nghĩ như: tìm cái gì thật ít người biết, thật khó để cho người ta biết cái này không nói ra được, mà tôi tìm hiểu: cái không nói ra được phải là cái có liên hệ với chính cái nói đó (như là mắt thì không nhìn thấy được mắt, cái không thể nhìn thấy được là mắt của mình-có nhìn được cũng chỉ là nhìn hình ảnh của nó qua gương). Tôi cho rằng, câu trả lời phải là: Tâm, nhất định không thể khác, vì Tâm là chính ta, nếu nói Tâm thì Tâm đó đã biến thành đối tượng của ta mất rồi, thành ra có 2 tâm-tự nó đã mâu thuẫn.
Hôm sau, tôi đến. Thầy hỏi Phương trước, Phương trả lời bằng lối nói vô ngôn, “chỉ Đông, nói Tây”, thầy nói không dùng cách trả lời ấy, dùng cách khác. Phương không trả lời được. Thầy hỏi tôi:
-Cái gì không nói ra được?
Tôi trả lời:
-Tâm không nói ra được.
Thầy vặn lại:
-Thế không phải em vừa nói ra đấy sao?
Theo những gì tôi đã suy nghĩ trước khi đến thì nhất định câu trả lời phải là như vậy, nhưng nay bị hỏi độp vào đúng chỗ bất ngờ nhất tôi không nghĩ ra được cách đối phó.
Thấy vậy, thầy bảo Phương hỏi để thầy trả lời. Phương hỏi:
-Cái gì không nói ra được?
Thầy trả lời như tôi:
– Chân tâm.
Tôi vặn lại:
-Thế chả phải thày đang nói là gì.
Thầy trả lời:
-Đấy là em nghe chỗ anh nói, chứ không nghe được chỗ anh không nói.
A! tôi chợt nhận ra, như vậy là mình chấp vào chỗ vô ngôn, từ trước đến nay vẫn cứ nghĩ rằng Tâm là một điều đặc biệt kiêng kỵ, không thể nói ra được vì sợ rằng nói ra thì ta đã rời Tâm (ông chủ) để luận về tâm. Nhưng rõ ràng ta vẫn luận được tâm mà đâu có rời tâm. ở đây tôi nhận ra mình vẫn bị ngôn ngữ trói buộc, nhưng ở mức độ tinh vi hơn. Bỏ được cái chấp không dùng ngôn ngữ để diễn tả tâm, lại rơi ngay vào cái chấp phương tiện, chấp rằng không thể nói Tâm được. Vậy thì, nay đã hiểu pháp nói hai huyền, đã buông sở đắc thì còn khư khư giữ pháp phương tiện đó làm gì. Ngộ ra được điều này tôi mới thực sự thấy tự nhiên vô cùng, và thấy mình thật ấu trĩ, cứ vác bè trên vai sau khi đã qua sông.
9. Nhận ra pháp sống tuỳ duyên
Sau khi Buông sở đắc, thầy cho tôi đọc bài thơ “Sống tuỳ duyên” như sau:
Tuỳ duyên mà tự chủ,
Chẳng phải để nghiệp lôi.
Tự chủ hợp với chân,
Nghiệp lôi hoá ra vọng.
Vọng khởi mau biết vọng,
Vọng ấy tự tiêu tan.
Tham khởi mau biết tham,
Tham ấy liền biến mất.
Và tất cả ác pháp,
Khi nó khởi mau biết.
Tất cả ác pháp đó,
Sẽ tự động mất tiêu.
Cứ vậy chuyên tâm hành,
Tuỳ duyên mặc tình sống.
Với thời gian nghiệp giảm,
Sẽ đi đến đoạn trừ.
Tôi thấy hiểu được ý của bài thơ đó, nghĩa là khi vào được buông sở đắc, ta thấy không còn phải bảo nhậm ông chủ nữa, mà mọi hành động của ta đều là do ông chủ điều khiển. Ta luôn ở trong ông chủ, sống với ông chủ, duyên đến thì ta nương theo duyên. Duyên đến rồi lại đi, ta không quan tâm, không đặt hy vọng vào đó, ta chỉ là sống theo duyên, sống tuỳ duyên. Sau khi qua bước phá chấp vô ngôn và nhận ra pháp hỏi, tôi thấy nhậm sâu hơn pháp sống tuỳ duyên này, rất tâm đắc với bài thơ và cũng đi đến một kiến giải là ta cứ sống tuỳ duyên như thế, duyên do nghiệp cũ đưa lại đến đâu, ta nhận đến đó, không tạo duyên mới và dần dần nghiệp của ta sẽ giảm đến khi nghiệp hết ta được giải thoát.
Tôi sống tuỳ duyên một vài ngày, quan sát và nhận xét. Sau đó tôi cảm thấy có cái gì không ổn, rõ ràng tuy sống tuỳ duyên những tham, sân, si vẫn khởi lên. Mặc dù khi khởi lên là ta biết ngay, khi ta biết nó cũng dần hết, nhưng rõ ràng cái gốc của tham sân si vẫn còn. Gốc tham sân si còn, tức vô minh vẫn còn, vô minh còn thì làm sao thoát khổ được, lúc này tham sân si không khởi, thì lúc khác nó lại khởi, ta chẳng thể nào diệt hết hoặc gạt nó qua một bên được cả. Như vậy pháp sống tuỳ duyên này, tuy là sung sướng nhẹ nhàng thật, làm cho người ta có cảm giác đã đắc đạo thật đó, nhưng nhất định không phải là pháp để đi đến giải thoát. Pháp để giải thoát phải làm diệt hết được chủng tử vô minh để chúng không còn có khả năng tái hiện, tạo nghiệp trong tương lai nữa-đó mới là pháp chân chính.
Từ đây, tôi liên hệ đến việc quán chiếu và thấy thực sự cần phải tiếp tục đi nữa, không được dừng lại ở chỗ này. Nếu dừng lại và hưởng thụ pháp sống tuỳ duyên này thì vĩnh viễn không bao giờ tinh tấn, không bao giờ giải thoát được nữa. Tôi trình bày với Thầy, và thấy rằng những kiến giải của mình như vậy là hoàn toàn chính xác. Thầy tiếp tục định hướng cho tôi đi sâu vào việc quán chiếu để nhận ra con đường đi của mình. Trước hết là phải giải đáp câu hỏi: làm thế nào để biết ta đang tu đúng đường? Khi tu hành, ta phải dựa vào đâu để tu: dựa vào kinh Phật thì vô số kinh, hơn nữa thật giả lẫn lộn, qua hàng ngàn năm liệu đó có phải chính là lời Phật dạy không? Dựa vào ta, ta lại đang vô minh thì khác gì tìm đường trong bóng tối?
(Còn nữa..)
Để lại một bình luận