Nhập môn tìm hiểu Phật pháp – Phần 1

Những lá thư thay lời giới thiệu

Thu: excuse me!!!!!!!!, được gởi lúc 22:25 – 25/01/2002

Có thể hỏi bác một chút được không? Em rất thích nghiên cứu về đạo Phật bác có thể giới thiệu cho em đầu sách hay tương tự thế! Thật cảm tạ nhiều lắm!!!!!!!

Thu: RE: excuse me!!!!!!!!, được gởi lúc 22:58 – 26/01/2002

Thực sự tôi rất thích nghiên cứu về đạo Phật, dù không phải là Phật tử gì. Nhưng thật sự là tôi không biết nên bắt đầu từ đâu! Bạn có thể nào hướng dẫn cho tôi không? Đa tạ nhiều lắm!!!!

Bạn thích liên lạc theo hình thức nào, tôi thì sao cũng được, nhưng có lẽ mail là tiện nhất, vì vấn đề thời gian và … kinh phí! Bạn cho tôi biết ý kiến của bạn nhé! Một lần nữa xin cảm ơn nhiều! Bạn thật là một người nhiệt tình!!!!!

Thế được không?

Thu: RE: excuse me!!!!!!!!, được gởi lúc 20:44 – 27/01/2002

Cảm ơn bạn!

Tôi nhất định sẽ ‘theo học’ đạo Phật cùng bạn! Tôi hy vọng bạn cũng sẽ kiên trì ‘dạy’ cho tôi!

Chúng ta bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi thực sự không biết phải bắt đầu như thế nào? Hãy mở cho tôi một con đường? Được không?

Cần thơ ngày 27-01-2002

Bạn Ly thân mến!

Tôi không biết có phải bạn tên là Ly không, nhưng tôi tạm gọi bạn như vậy nhé.

Để tìm hiểu về Đạo Phật, trước hết bạn phải tìm hiểu về giá trị của nó đối với cuộc sống của chúng ta. Mà như vậy có nghĩa là bạn phải bắt đầu tìm hiểu xem ý nghĩa cuộc sống của chúng ta là gì?

Theo bạn thì ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên cõi đời này là gì?

Bạn hãy suy nghiệm và trả lời cho tôi nhé, càng nhanh càng tốt. Bạn nhớ là suy nghiệm và trả lời theo sự hiểu biết của bản thân bạn, chứ đừng trả lời theo sách vở nhé.

Chào bạn!
NĐQ

Thu: RE: excuse me!!!!!!!!, được gởi lúc 19:26 – 28/01/2002

Đúng vậy, tôi cũng đã định vậy, nhưng một là chưa có thời gian, hai là, … ngại quá! Nhưng ra Tết nhất định sẽ làm một cái từ tế!!! Cám ơn bạn nhắc nhở!!!!!! Bạn gọi tôi là Ly ư! Tôi thích cái tên đó, nhưng đó không phải là tên của tôi. Tên tôi là ****! Trả lời câu hỏi của bạn, tôi sẽ dùng mail nhé! Tạm biệt!!!!!!!

Thứ hai, Ngày 28 tháng 1 năm 2002.

Chào bạn!

Tôi trả lời câu hỏi của bạn nhé! Theo đúng những gì tôi nghĩ về cuộc sống của cá nhân tôi, của những người xung quanh tôi!

Trước đây, tôi nghĩ mình hiểu về bản thân và cuộc sống của mình lắm, thực sự tôi đã nghĩ, cuộc sống giống như một quá trình đấu tranh vậy, từ khi sinh ra đã như vậy rồi! Tôi đã cố gắng rất nhiều, thậm chí đấu tranh rất nhiều, để cuộc sống của tôi, sẽ tốt đẹp hơn theo những gì tôi nghĩ về nó! Càng ngày thì ý nghĩ đó càng bị xụp đổ đi! Và đến giờ thì thực sự tôi không còn nghĩ rằng mình hiểu về nó nữa! Nó quá đa dạng, quá phức tạp, quá tàn nhẫn!

Tôi không hiểu chúng ta được là CON NGƯỜI, liệu có sung sướng gì hơn loài vật không? Những cái toan tính, lọc lừa trong cuộc sống, liệu có mang lại cho ta hạnh phúc hơn người khác không? Câu trả lời, rất tiếc là lại là KHÔNG, ngược lại, nó càng mang lại đau khổ nhiều hơn, toan tính nhiều hơn! Vậy thì tại sao, mọi người lại không thể sống hết mình vì nhau! Khó lắm, người không vì mình sao được! Tôi tốt với người ta, người ta bảo tôi ngu, hoặc họ nghi ngờ tôi có ý xấu nào đó!

Bạn có tin được không, nếu như tôi nói cho bạn biết rằng, ước mơ của tôi về cuộc sống, chỉ đơn giản là sự bình yên trong tâm hồn tôi! Tôi vẫn mong mình có thể SỐNG CHO RA SỐNG! Tôi thấy vui nhất khi mình có thể làm được một điều gì đó tốt đẹp cho những người xung quanh mà tôi vẫn yêu quý! Thực sự tôi thấy như thế rất vui!

Thế nhưng tôi nghiệm ra rằng, ta càng tha thiết cái gì, thì càng không có được nó!

Xin lỗi bạn, tôi dài dòng quá, nhưng đây là những cảm nhận rất thật của tôi về cuộc sống!

Theo bạn thì sao?

Mail cho tôi sớm nhé! Cám ơn bạn đã dành thời gian nói chuyện với tôi!

Cần thơ, ngày 28-01-2002

Bạn **** thân mến!

Thư của bạn tôi đã nhận được, sau đây là một số ý kiến của tôi.

Bạn **** ạ! Theo như thư bạn viết, thì bạn đã có được một số những kinh nghiệm đáng quý trong cuộc sống đó.

Bạn viết:

Bạn nhận thức được như vậy là rất tốt! Nhưng từ nhận thức đó bạn đi đến kết luận:

Thì đây là chỗ kẹt của bạn đó.

Tại vì sao?

Đó là vì bạn có ý muốn cho mọi người hiểu ra điều đó, để mọi người thấy rằng cần phải sống hết mình vì nhau.

Bạn thấy ra được rằng những toan tính lọc lừa trong cuộc sống chỉ làm cho ta thêm đau khổ mà thôi. Và do vậy bạn thấy rằng mình cần phải sống vì mọi người, rất tốt! Nhưng người khác có suy nghĩ như bạn không? họ có nhận thức như bạn không? Và do vậy họ có thấy rằng cần phải sống vì người khác hay không? bạn hãy suy nghĩ thử xem.

Mặt khác có phải con người ta sống vì mình có phải là không tốt cả không? Ví dụ bạn sống sao cho có được một sự bình yên trong tâm hồn, thì đó là bạn sống vì người khác hay là sống vì chính bản thân bạn? Và sống như vậy là điều nên làm hay không nên làm? Bạn hãy suy nghĩ đi nhé!

Bạn viết:

Bạn có tin được không, nếu như tôi nói cho bạn biết rằng, ước mơ của tôi về cuộc sống, chỉ đơn giản là sự bình yên trong tâm hồn tôi!

Tại sao bạn lại chỉ muốn có được một sự bình yên trong tâm hồn? Bạn đã bao giờ nghĩ đến điều này hay chưa? Và tại sao bạn không hài lòng về ước mơ đó?

Bạn viết:

Theo bạn như thế nào là sống cho ra sống?

Bạn viết:

Bạn thấy được như vậy là rất tốt. Thực ra tất cả chúng ta ai cũng cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái khi giúp đỡ được một người nào đó, một cách vô tư bất vụ lợi, bất kể người đó là ai.

Viết thư cho tôi, bạn đừng ngại viết dài, cốt nhất là có thể viết ra được hết tất cả những suy nghĩ của mình là tốt nhất.

Bây giờ bạn hãy chiêm nghiệm thêm nhé:

Theo bạn thì những người khác như một người quét rác, một người ăn xin, một tên ăn trộm, ăn cướp, một nhà chính trị gia, một nhà tư bản,… thì mục đích cuộc sống của họ là gì?

Chào bạn nhé!
NDQ

Hà nội 29/1

Gửi bạn !

Bạn nói đúng, có lẽ những ước muốn của tôi trong cuộc sống, cũng chỉ là cho tôi mà thôi! Nhưng thật sự tôi không nghĩ rằng điều đó không có nghĩa là cho người khác nữa!

Bạn ạ! Bạn hỏi tôi là những ngời khác có nghĩ như tôi không? Họ không nghĩ như tôi, cho nên họ không nghĩ rằng mình phải sống vì người khác? Tôi không nghĩ rằng mọi người đều sống vì mình cả, tuy rằng trong cuộc sống này có nhiều người như thế! Tôi vẫn rất tin vào lòng nhân ái của mọi người, kể cả những người mà xã hội cho là xấu nhất.

Hôm chủ nhật xem bộ phim của Việt Nam (đầu đề tôi quên rồi), không hiểu bạn có theo dõi không, một cô gái ở Quảng Ninh khi vào làm việc ở một cơ quan, bị chèn ép, xúc phạm, đã nói với cô gái Hà Nội đã buông lời nói xúc phạm mình là “các chị chỉ hơn tôi một tấm giấy hộ khẩu mà thôi”. Tôi thực sự thấy thầm câu nói đó! Trong cuộc sống, ngẫm lại, nhiều khi người ta hơn nhau chỉ ở cái xuất thân, ấy vậy mà người ta tự cho mình cái quyền được đứng trên người khác, được coi khinh người khác! Dị hợm thật! Nhưng đó chính là sự phân hoá xã hội.

Cũng chính vì thế, tôi thực sự không bao giờ cảm thấy khinh những người có địa vì kém tôi, mà nói thật, nhiều khi tôi còn thấy họ hơn tôi nhiều quá.

Theo bạn thì những người khác như một người quét rác, một người ăn xin, một tên ăn trộm, ăn cướp, một nhà chính trị gia, một nhà tư bản,… thì mục đích cuộc sống của họ là gì?

Bạn hỏi tôi về mục đích sống của họ ! Nói thật là tôi chưa từng nghĩ tới trước đây! Cái đó không nói được, vì chúng ta, nhìn họ theo con mắt của ta, không thể hiểu được họ, cũng như những kẻ buôn bán không hiểu được cái điên của những thi sĩ chẳng hạn! Tôi cũng đã từng nghĩ đến rất nhiều cuộc sống khác nhau, như những người bạn nêu ra cho tôi, người nào cũng phãi tất bật, vất vẩ, bon chen, thậm chí bán mạng để kiếm sống, nuôi thân, và hơn nữa, là gánh vác cả gia đình! Mục đích sống của họ phải chăng chỉ có thế! Nói thật, ai chẳng mong có một cuộc sống nhàn hạ sung sướng, nhưng “trời không cho thì ta phải chịu”. Nói rằng cuộc sống của mình là do mình quyết định, có thật sự đúng hay không

Thật ra là HỌ KHÔNG CÓ CƠ HỘI. Nếu những tên ăn trộm được sinh ra trong một gia đình triệu phú, thì mọi chuyện có lẽ sẽ khác! Nếu nói về độ tàn nhẫn, thì một thằng ăn trộm và một tên tài phiệt có khác gì nhau đâu? Nếu nói về độ khốn nạn, thì nói thật, một nhà tư bản chính gốc còn hơn một kẻ ăn xin nhiều lần! Vậy ở mỗi một mảnh đời, họ hơn nhau cái gì? Tôi không thể trả lời được câu hỏi đó! Bạn giúp tôi được không?

Ngay cả bản thân tôi cũng hay tự nghĩ về mình! Nếu tôi không được học hành tử tế, điều này là cái quý nhất mà cha mẹ tôi cho tôi, thì cách nghĩ của tôi bay giờ sẽ khác nhiều lắm!

Có lẽ tôi sẽ không phải dằn vặt vể cuộc sống, mổ xẻ nó, đục khoét nó, và như vậy cũng chẳng có cơ hội được nói chuyện với bạn phải không?(hihi). Nếu tôi cứ an phận với những gì tôi có, thì tôi chắc sẽ sung sướng lắm! Nhưng tôi đã không làm được như thế!

Tôi nhìn thấy được, nỗi khổ của trí thức, nó khác với nỗi khổ của giới kinh doanh nhiều lắm.

Nói thật, nhìn vào thì ai cũng thấy là giới tri thức sướng hơn, và chính vì thế mà họ giở quẻ hay sao ấy! Chuyện của mình không lo, chỉ chăm chăm bực tức những chuyện đâu đâu chẳng liên quan gì đến mình! Vậy thì ai sướng hơn ai nhỉ? Tôi cũng không thể trả lời được.

Bạn giúp tôi được không?

Bạn thấy tôi có dài dòng không? Đó là những suy nghĩ thật sự trong lòng tôi đó!

Hen gặp lại bạn!
****

Hà Nội 10/2/2001

Bạn Quý thân mến!

Về vấn đề có phải cứ sống cao thượng là “sống như được sống” không? Tôi không nghĩ thế! Cuộc sống của mỗi người có những cái cho mình, hầu hết là như thế. Khi làm một điều gì đó cho người khác, nếu họ không yêu cầu một sự trả ơn, thì họ cũng hi vọng một sự ghi ơn! Bản thân tôi, nhiều lúc cũng đã nghĩ mình có thể sống vì người khác, nhưng những cái tôi vì họ mà làm (thậm chí điều đó có ảnh hưởng không tốt đến bản thân tôi), khi biết được họ không trân trọng điều đó, hay khinh thường điều đó, tôi thấy thật sự thất vọng, và tôi đã nghĩ đến việc kết thúc sự hi sinh đó! Tôi có ích kỷ không bạn! Thế mà tôi vẫn tự nhận mình sống cũng cao thượng! Đó chính là suy nghĩ ích kỷ phải không? Bạn có bao giờ làm điều gì mà không nghĩ cho mình dù chỉ một chút không? Lúc đó bạn cảm thấy thế nào! Nếu người khác phủ nhận sự hi sinh của bạn thì bạn nghĩ gì, phản ứng ra sao?

Bạn hỏi tôi, có phải cứ sống vì mình là không tốt không? Bản thân tôi nghĩ rằng, không hẳn! Người ta sinh ra đã có lòng ích kỷ, và phải biết quý trọng bản thân mình thì mới có thể tiến bộ, thành công, thậm chí nhiều hơn nữa! Nhưng đó là vì mình để cố gắng, nếu như điều đó làm ảnh hưởng xấu đến người khác, thì lại nghiêng sang chủ nghĩa cá nhân mất, và điều đó không dám nói là xấu, nhưng theo tôi là không tốt! Làm sao ta có thể tính được hết những điều xảy ra trong cuộc sống của mình, ngày xưa có câu “tính già hoá non”, theo tôi chính là để đả phá tư tưởng cá nhân ích kỷ nữa! Tiếc rằng trong xã hội chúng ta đang sống, tự khi bước ra khỏi gia đình bé nhỏ của ta, là ta đã tiếp xúc ngay với thói vì mình, nếu không sẽ bị dìm xuống! Tôi sẽ phải trở thành người biết sống tốt với những người tốt, và xấu với những người xấu! Tôi phải làm nhiều điều tôi không muốn! Bây giờ thì tôi cũng thấy nó bình thường rồi! Chính vì thế tôi luôn muốn mình được sống một cách bình thản, khong ưu tư, không ân hận! Mọi chuyện tôi cố gắng vì bản thân tôi, tôi tự thấy mình có thể thực hiện được. Duy chỉ có “sự bình yên” là tôi thấy thật khó để có nó! Tôi không làm điều ác với ai, nhưng khi thấy cách họ đối xử với mình, nhiều người lợi dụng mình, tôi thực sự cảm thấy buồn lắm! Tôi đến với họ bằng tấm lòng của tôi, tại sao họ lại đối xử với tôi như thế! Nhiều chuyện tương tự như thế, khiến tôi cảm thấy không yên! Tôi chưa học được cách coi đó là chuyện bình thường, đối mặt với nó tôi vẫn cảm thấy khó chịu! Phải trở thành người như thế nào đây! Tôi nghĩ đó cũng là một thách thức lớn trong cuộc sống, không chỉ của tôi phải không?

Bạn nghĩ gì về những điều tôi nói với bạn, nó có ngây thơ và mơ hồ quá không?

Hi vọng bạn đừng cười tôi, đó là những suy nghĩ rất thật!

Hẹn gặp lại bạn thư sau!

****

Cần thơ, ngày 11-2-2002

Chào bạn ****!

Thư của bạn, tôi đã nhận được. Sau đây là một số ý kiến của tôi, về một số vấn đề.

Vấn đề thứ nhất, bạn viết:

Thực ra lá thư ngày 29/1, bạn gởi tôi đã nhận được rồi, và không hề bị thất lạc như bạn tưởng. Và lá thư ngày 30/1 tôi gởi cho bạn (mà bạn không đọc được, sau này tôi đã gởi lại hai lần nữa vào ngày 1/2, và 7/2 không biết bạn có nhận đủ không?) chính là để phúc đáp cho lá thư ngày 29/1 đó của bạn. Bạn hãy đọc kỹ lại sẽ rõ.

Về vấn đề bạn xác định rõ vấn đề: “Chính tôi là người đề nghị cơ mà!”, điều này rất tốt cho bạn đó. Có rất nhiều người rất mau quên vấn đề này, ban đầu họ đề nghị tôi trao đổi với họ. Một thời gian sau họ tưởng là tôi muốn trao đổi với họ, và họ hạ cố, trao đổi với tôi vì nể nang tôi, mà quên đi cái đề nghị ban đầu của họ. Còn bạn vẫn nhớ được như vậy là rất tốt.

Về vấn đề tôi giận hay không giận, thì bạn đừng quan tâm đến làm gì. Bởi vì như bạn thấy đó, bạn đề nghị trao đổi với tôi, và tôi nhiệt tình đáp ứng lại. Còn nếu bạn không muốn trao đổi nữa thì thôi, tại sao tôi lại phải giận bạn? nếu tôi giận bạn vì bạn không trao đổi với tôi nữa, thì chẳng hóa ra là tôi muốn bạn phải trao đổi với tôi hay sao? Đó bạn hãy suy nghĩ kỹ xem có phải không nhé! Và vì vậy bạn đừng lo tới việc tôi có giận hay không giận bạn. Vấn đề đó không có ở nơi tôi.

Vấn đề thứ hai, bạn viết:

Nhân đây, tôi xin kể cho bạn một trong số các kinh nghiệm của tôi:

“Cách đây mười mấy năm, hồi tôi còn đi học. Tôi có một người bạn học cùng lớp. Một lần vào buổi sáng, anh ta hỏi mượn tôi cái máy tính điện tử (cầm tay). Tôi đồng ý cho anh ta mượn. Nhưng sau đó chờ mãi mà chẳng thấy anh ta sang lấy, làm tôi chờ sốt cả ruột. Chịu không nổi, sau đó tôi đưa nó sang cho anh ta. Sau đó, anh ta làm mất cái máy tính. Tôi phải đòi đi đòi lại nhiều lần, đến ba năm sau anh ta mới đền cái máy khác cho tôi. Nhưng đó không phải là vấn đề tôi muốn nói tới ở đây, vấn đề tôi muốn nói tới ở đây là:

Trong thời gian đi đòi đó, tôi nghe một người bạn khác nói lại rằng: anh ta nói là: đúng là anh ta có hỏi mượn tôi cái máy tính đó thật, nhưng sau đó không cần nữa, nên anh ta không qua lấy. Nhưng sau đó, khi tôi mang máy sang cho anh ta mượn, anh ta đành phải nhận vì thấy tôi tội nghiệp quá.

Lúc đó, khi nghe kể lại như vậy, tôi tức lắm. Vì rõ ràng là tôi cho anh ta mượn, tôi giúp anh ta, đáng lẽ anh ta phải là người biết ơn tôi mới phải, đằng này anh ta lật ngược lại là anh ta giúp tôi chứ không phải là tôi giúp anh ta.

Và tôi phải là người biết ơn anh ta. Thực là quá phi lý!

Sau đó tôi tự nguyện với lòng mình rằng, sau này tôi sẽ không nhiệt tình với người khác như vậy nữa. Nhưng tính tôi nó như vậy rồi, không thể sửa được. Và những sự việc như vậy cứ xảy ra hoài hoài. Tôi rất khổ sở vì điều đó lắm, tôi giận mình tại sao không thể nào khắc phục được sự nhiệt tình đó của mình.

Sự dằn vặt, khổ sở như vậy diễn ra trong tôi mấy năm. Sau đó khi được tiếp xúc với Kinh sách của Đạo Phật, và nghiên cứu nó, tôi mới biết rằng những việc mà tôi làm mà tôi nghĩ là giúp người ta đó, thực ra không phải tôi làm vì họ, thực ra những công việc giúp đỡ người khác đó, nhằm mục đích tạo ra sự thoải mái trong tâm tôi mà thôi. Khi tôi làm những việc đó, thì trong tâm tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi làm là vì tôi, để thỏa mãn ý muốn của tôi. Mà như vậy thì việc tôi đòi hỏi họ phải biết ơn tôi là một điều thực sự vô lý. Tại sao lại bắt người khác phải biết ơn mình về những điều mình làm, nhằm mang lại lợi ích cho mình? Thật là vô lý!

Sau khi đã thông suốt được điều đó, khi gặp chuyện tôi vẫn vui vẻ làm, vẫn làm những việc giúp đỡ những người xung quanh, nhưng tôi xác định rằng đó không phải tôi làm vì họ, mà là tôi làm là vì tôi, tôi làm để có sự thoải mái trong tâm hồn tôi. Vì vậy tôi không cần họ phải biết ơn tôi về điều đó, dù sau này họ có hại cho tôi thì tôi cũng không hối hận vì những gì mà tôi đã làm trước kia cho họ.

Vấn đề thứ ba, bạn viết:

Những vấn đề này, tôi đã trình bày cho bạn ở phần trên rồi, nhưng ở đây tôi muốn nói thêm với bạn rằng, đó là những nhận thức của tôi, hồi mới tìm hiểu Phật pháp, còn bây giờ thì khác. Hiện nay những hành động của tôi bạn không thể hiểu nổi đâu, dù tôi có nói gì thì cũng vô ích mà thôi, nếu bạn kiên trì trao đổi với tôi đến cùng, thì có thể sau vài ba năm, tự bạn sẽ hiểu, mà không cần tôi phải nói.

Vấn đề thứ tư, bạn viết:

Phần này chủ yếu bạn trình bày về vấn đề:

Còn ba vấn đề:

Bạn viết:

Theo bạn như thế nào là sống cho ra sống?

Bạn hãy suy nghĩ tiếp và trả lời cho tôi nhé.

Liên quan đến câu hỏi thứ nhất và thứ hai, trong thư bạn có viết: “tôi luôn muốn mình được sống một cách bình thản, không ưu tư, không ân hận!” và: “Duy chỉ có “sự bình yên” là tôi thấy thật khó để có nó!”.

Bạn “muốn mình được sống một cách bình thản, không ưu tư, không ân hận”, và ý muốn có “sự bình yên” của bạn.

Vậy tôi xin hỏi bạn:

Tất cả những ý muốn đó là vì bạn, hay là vì người khác? Đó có phải là sự ích kỷ của bạn hay không?

Tại sao bạn lại có những ý muốn đó?

Và một điểm rất quan trọng là: có phải cứ sống cho mình là ích kỷ hay không? Nói một cách khác là việc đồng hóa việc sống cho mình với tính ích kỷ, với chủ nghĩa cá nhân là có hợp lý hay không?

Bạn hãy suy nghĩ và trả lời cho tôi một cách cụ thể, chi tiết và rõ ràng từng câu hỏi một nhé.

Vấn đề thứ năm, bạn viết:

Tại sao bạn lại sợ sự ích kỷ? Tại sao bạn thích mình là người cao thượng?

Bạn sợ sự ích kỷ thực sự hay bạn sợ cái DANH mình là người ích kỷ? Bạn muốn mình là người cao thượng thực sự, hay bạn muốn mình có cái DANH mình là người cao thượng?

Nếu bạn muốn mình có cái DANH mình là người cao thượng, tránh cái DANH mình là người ích kỷ, thì đó là ích kỷ thực sự, hay cao thượng thực sự?

Vấn đề thứ sáu, bạn viết:

Bạn ạ! Những dằn vặt về cuộc sống của bạn, là món quà có giá trị nhất mà bạn nhận được đó. Bạn hãy trân trọng nó. Điều này không phải ai cũng có được đâu! rất nhiều người được gọi là trí thức, nhưng họ cũng không có được những dằn vặt đó của bạn đâu. Nhưng nói thật, có nhiều người mù chữ, thất học, nhưng họ vẫn có được những dằn vặt về cuộc sống như bạn đó bạn ạ! Tất nhiên là không nhiều lắm. Chính nhờ những dằn vặt đó, mà con người luôn luôn hướng tới một cuộc sống trở lên cao thượng hơn, có ý nghĩa hơn.

Về những vấn đề mà bạn hỏi, sau này, không lâu lắm đâu, tự bạn sẽ khám phá ra, không cần tôi phải trả lời trực tiếp cho bạn đâu.

Có một vấn đề bạn hãy tìm hiểu thêm nhé, đó là tất cả mọi người, thuộc đủ mọi thành phần khác nhau trong xã hội, có thể cùng có chung một mục đích duy nhất hay không?

Bạn hãy tìm hiểu về vấn đề này sau đó cho tôi biết nhé, nhưng vấn đề này để sau cũng được, bạn hãy tìm hiểu về những vấn đề ở trên (liên quan đến sự ích kỷ) trước nhé.

Thôi thư đã hơi dài, tôi xin ngừng ở đây. Bạn viết như thế là rất tốt đó, đừng có ngại gì cả, cứ thế phát huy, cần nhất là phải nói ra những suy nghĩ thực của mình, đừng có sợ, đừng có ngại gì cả, thì việc trao đổi giữa chúng ta mới có kết quả tốt, mới đem lại lợi ích cho bạn, bạn à!

Chào bạn nhé!

Hà Nội 17/2/2002

Bạn Quý thân mến!

Tôi vừa đi chùa Hương về đến đây. Năm nay có nhiều thay đổi lắm, trật tự và có tổ chức hơn mọi năm nhiều lắm! Chắc bạn cũng biết việc họ phá đi cái gọi là chùa giả, động giả rồi phải không! Hàng quán cũng trật tự hơn, thuyền bè thì ít chen lấn xô đẩy… Bạn cảm nhận về chùa Hương như thế nào, xét trên mọi khía cạnh! Riêng tôi thì cứ cảm thấy không thoải mái về một số điểm (theo ý kiến chủ quan của tôi mà thôi), tôi cứ cảm thấy các sư sãi ở chùa sao cứ bị phàm tục hoá hay sao đó! Hay đó chỉ là những người được cử ra trông nom các bệ thờ tài chùa! Tôi không biết nhiều, nên chỉ đi những chùa chính như Hương Tích, Long Vân hay Tuyết Sơn! Những am chùa bạn đã đi đó, có lẽ mới là những nơi thanh tu phải không bạn!

Tôi xin trả lời những vấn đề chúng ta thảo luận luôn:

Tại sao tôi lại chỉ mong có được sự bình yên trong lòng thôi? Tôi đã nói với bạn rồi! Thực ra tôi cũng có nhiều mơ ước như những người khác. Nhưng những cái tự bản thân tôi có thể làm được, tôi sẽ cố gắng hết mình, để ít nhất không phải ân hận vì mình đã không cố gắng. Nhưng “sự bình yên trong lòng tôi”, thật sự nhiều lúc đó là cái mà tôi cảm thấy mình không thể có, nó cũng không phụ thuộc vào bản thân tôi nữa. Cho nên mới thấy, nếu mình có thể giải quyết được thì nó đã không còn là vấn đề! Có lẽ tôi đã tham lam chăng?

Sự bình yên mà tôi mong muốn đó, tất nhiên là cho bản thân tôi chứ! Tôi nhận thức được điều đó! Và tôi cũng hiểu, rằng điều đó cũng có nghĩa là tôi không vụ lợi, không làm điều ác với ai, không chuốc oán với ai! Tất nhiên, tôi không nói rằng điều đó có nghĩa là sống vì người khác, nhưng chẳng phải là cũng vì người khác đó sao. Bạn đừng nghĩ rằng tôi muốn người ta phải nhớ ơn tôi (hay tương tự thế) vì điều đó, tôi không nghĩ thế! Tại sao tôi lại không hài lòng về ước mơ đó ư? Thực ra tôi cũng cảm thấy vui mừng vì mình đã nghĩ được như thế, nó khác tôi của những năm về trước nhiều lắm! Nhưng điều làm tôi không yên chính là bản thân tôi nhiều khi không giữ được lập trường đó, ngoại cảnh tác động không nhỏ phải không bạn! Tôi thực sự muốn điều tốt cho người khác, nhưng người ta cứ muốn đâm lưng tôi! Những lúc như thế tôi cảm thấy thật chán nản, và tự nhiên cứ thấy mình giống như một con ngố! Nhưng bản tính đã như vậy rồi! Nên chỉ thấy buồn quá, và dao động nữa!!! Cho nên tôi luôn tự nhủ với mình” Sống cho ra sống”, chính là sống sao cho đến khi nhìn lại, không cảm thấy hổ thẹn, bứt rứt! Tôi thật là mâu thuẫn phải không bạn!

Tôi không đồng hoá việc sống vì mình với chủ nghĩa cá nhân làm một! Tôi chỉ cảm thấy mình đã ích kỷ thôi! Khi nào mà sự “sống vì mình” đó làm tổn hại đến người khác, thì đó mới thực sự là chủ nghĩa cá nhân, tôi nghĩ thế.

Tại sao tôi sợ sự ích kỷ? Nói thật với bạn là tôi ghét thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình! Khi nhìn thấy sự ích kỷ thú thực tôi rất ghét! Tôi không muốn mình cũng như thế! Thực tâm tôi không muốn mình là người ích kỷ, vì nếu thế thì chẳng hoá ra tôi khinh ghét chính bản thân mình hay sao! Nhưng thú thực với bạn, khi nghe câu hỏi của bạn tôi nhận thấy mình cũng không cao thượng thật sự! Vì tôi cũng mong đuợc cái Danh cao thượng! Có lẽ đó là cái khổ của tôi phải không bạn!

Vấn đề về mục đích sống của con người, theo tôi mỗi người quan niệm một khác, chính vì thế họ chọn cho mình cách sống khác nhau! Ai cũng phải lo cho cuộc sống của mình! Cái đó cũng phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống của họ nữa! Cò một bức thư tôi đã trình bày với bạn về vấn đề này rồi phải không? Nhưng cuối cùng, cũng là để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn mà thôi! Người ta coi trọng cái gì, thì sẽ phấn đấu vì cái đấy!

Tôi nghe bạn kể rằng bạn có đi tham dự những khoá tu Phật thất phải không? Tôi cũng muốn được nghe giảng về kinh Phật! Không hiểu có phù hợp không nhỉ, nếu được bạn có thể hướng dẫn cho tôi được không? Cảm ơn bạn rất nhiều!

Thôi tôi xin dừng bút tại đây!

Chào bạn!
****

Cần thơ, 19-2-2002

Chào bạn ****!

Thư bạn gởi ngày 17 tôi đã nhận được. Nay tôi xin phúc đáp cho bạn như sau:

Vấn đề thứ nhất, bạn viết:

Tôi xin trả lời với bạn rằng: những điều tôi và bạn đang trao đổi mấy rày đây cũng chính là Phật pháp đó, tất nhiên là chỉ mới ở giai đoạn nhập môn. Nhưng cái gì cũng phải từ từ, có trước có sau. Muốn học phép tính vi phân, tích phân, thì trước hết ta phải học phép tính cộng trừ, bạn thấy có phải không?

Tôi thì tôi không nhận mình là người hướng dẫn, mà chỉ nhận là trao đổi thôi, nhưng nếu bạn muốn coi đó là hướng dẫn thì cũng được. Đây chỉ là sự khác nhau trên danh xưng, còn thực chất thì như nhau cả.

Vấn đề thứ hai về vấn đề chùa Hương, tôi xin phép bạn bỏ qua nhé, vì không cần thiết. Riêng về vấn đề “thanh tu”, thì theo tinh thần của Đạo Phật, “thanh” hay không là do ở nơi tâm ta. Nếu tâm ta “thanh”, thì ở đâu cũng “thanh”. Còn nếu tâm ta “tục”, thì ở đâu cũng “tục”; “Cảnh làm sao tâm ta là vậy”.

Vấn đề thứ ba: chúng ta đi vào phần chính của vấn đề. Trong thời gian vừa qua, tôi và bạn đã trao đổi với nhau về một số vấn đề, trong đó cho thấy là bạn rất muốn có “một sự bình yên trong tâm hồn”. Nhưng bạn vẫn chưa biết làm thế nào để có được nó, có phải không?

Nếu bạn nhớ lại, trong lá thư ngày 27/1 tôi có viết rằng: “Để tìm hiểu về Đạo Phật, trước hết bạn phải tìm hiểu về giá trị của nó đối với cuộc sống của chúng ta. Mà như vậy có nghĩa là bạn phải bắt đầu tìm hiểu xem ý nghĩa cuộc sống của chúng ta là gì?”. Bạn có còn nhớ không?

Và bây giờ tôi có thể nói cho bạn biết rằng: 

Đức Phật thuyết pháp chính là để chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để có được sự bình yên trong tâm hồn đó bạn ạ! Nếu ta làm theo sự chỉ dạy của người thì ta sẽ đạt được sự bình yên trong tâm hồn một cách vĩnh viễn.

Và bây giờ thì chắc bạn đã hiểu giá trị của Phật pháp là gì rồi chứ? Đó chính là những kiến thức cần có của chúng ta để có thể biết được cách đạt được “sự bình yên của tâm hồn”.
Sự bình yên của tâm hồn này có hai cấp độ:

Cấp độ thứ nhất: là đạt được sự bình yên của tâm hồn một cách tương đối, chưa phải là vĩnh viễn.

Cấp độ thứ hai: là đạt được sự bình yên của tâm hồn một cách tuyệt đối, và vĩnh viễn. Đây là mục đích tối hậu của người tu theo Đạo Phật. Yêu cầu của nó cao hơn, đòi hỏi một công phu tu tập cao hơn nhiều, so với trường hợp ở trên. Hiện nay chính bản thân tôi cũng chưa đạt được nó.

Như vậy bạn còn có thắc mắc gì về giá trị của Phật pháp nữa không?
NĐQ

Hà Nội ngày 22/2/2002

Bạn Quý thân mến!

Tôi đã hiểu ý bạn nói rồi ? Xin lỗi bạn nhiều! Chúng ta hãy từ từ trao đổi được không?

Tôi cũng hi vọng mình đạt được “sự bình yên” như bạn nói đó! Có bạn giúp đỡ thật là hay!

Tôi tin những điều bạn nói!

Chúng ta vẫn cứ trao đổi tiếp với nhau nhe!

Hẹn gặp lại bạn

Cần thơ, ngày 23-2-2002

Chào bạn ****!

Bạn viết: “tôi đã hiểu được ý bạn rồi!”. Bạn có thể nói rõ cho tôi biết là bạn hiểu ý tôi như thế nào không? Tất nhiên là nếu bạn không ngại!

Bạn viết: “Xin lỗi bạn nhiều!”. Bạn có thể cho tôi biết bạn có lỗi gì với tôi, hay không? Mà bạn lại phải xin lỗi vậy!

Bạn viết: “Tôi cũng hi vọng mình đạt được “sự bình yên” như bạn nói đó!”. Nếu thực sự là bạn muốn thì chắc chắn là bạn sẽ được. Nhưng còn lâu hay mau là do ý muốn đó, Và sự nỗ lực của bạn để đạt được nó mạnh đến đâu, bạn sẵn sàng trả giá cho nó đến cỡ nào?

Nếu nhanh thì có khi chỉ vài tháng, còn nếu chậm thì cũng vài năm, nếu bạn nhiệt tình thực sự!

Bây giờ chúng ta đi một chút vào nội dung cần trao đổi.

Như vậy bạn đã biết mục đích của đạo Phật là chỉ ra con đường “đem lại sự bình an cho tâm hồn”, như tôi đã trình bày trong lá thư trước có phải không?

Bây giờ bạn hãy suy nghĩ về hai vấn đề này nhé:

1. Đi tìm cách đạt được sự bình an cho tâm hồn. Và

2. Đi tìm cách tiêu diệt sự không bình an cho tâm hồn.

Bạn hiểu ý nghĩa của chúng như thế nào? và hãy so sánh ý nghĩa của chúng với nhau, sau đó cho tôi biết nhé!

Chào bạn!

Hà Nội ngày 24/2/2002.

Bạn Quý thân mến!

“tôi hiểu ý của bạn”, tức là những sự thoả thuận của chúng ta về cách trao đổi thư từ cũng như cách hiểu vấn đề mà tôi cần phải nhận định đúng đó mà! Không có gì cả đâu. Còn tôi nói xin lỗi bạn, là vi tôi tự nhận thấy trong cách nói của tôi có nhiều điều không hợp lý, ví dụ như tôi dã đề nghị bạn nói về nơi nghe giảng kinh Phật! Tôi biết bạn không phải là người chấp vặt nhưng cá nhân tôi thấy cần phải nói lời xin lỗi, có vậy thôi!

Vấn đề bạn hỏi tôi, theo cách nghĩ của tôi thì nó có sự khác nhau:

1. Đi tìm cách đạt được sự bình an cho tâm hồn. Điều này giống như tìm lấy một cái gì mình không có, hoặc chưa có! “sự bình an” là cái phải tìm. Đạt được sự bình an cho tâm hồn là cái đích, tức là mình chưa có được điều đó, và mình phải tìm cách để đạt tới nó.

2. Đi tìm cách tiêu diệt sự không bình an cho tâm hồn. Điều này khác ở chỗ là tránh đi cái mình đã có, và mình không muốn có. Sự không bình an chính là cái mình muốn tránh. Sự bất an đó nó có sẵn ở trong lòng mình rồi, mình phải tìm cách tiêu diệt nó đi!

Theo tôi thì đây chính là hai bước của 1 qua trình Ði tìm sự Bình yên, trong đó “tiêu diệt sự không bình an cho tâm hồn” là bước đầu, có phần đơn giản hơn và cụ thể hơn. Cũng có thể nói nó là một bộ phận của vấn đề kia, nhưng theo tôi thì nó vẫn có sự khác biệt.

Nhưng xét cho cùng thì chúng đều đi đến một cái đích chung là tiêu diệt sự phiền não, đạt tới cánh giới “vô ưu”, có phải không?

Tôi nghĩ như vậy đúng hay sai?

Hẹn gặp lại bạn thư sau!

Cần Thơ, ngày 25-2-2002

Bạn **** thân mến!

Thư của bạn tôi đã nhận được, sau đây là một số ý kiến của tôi. Nói chung ý kiến của bạn khá chính xác. Nhưng có một số điểm cần phải lưu ý như sau: Trước hết là điều khẳng định của bạn:

Đúng là như vậy, về nguyên tắc thì mục đích của chúng chỉ là một.

Phần phân tích của bạn:

cũng khá là chính xác. Nhưng có một điểm tôi muốn lưu ý thêm là phần bạn viết: “Sự bất an đó nó có sẵn ở trong lòng mình rồi, mình phải tìm cách tiêu diệt nó đi!”, chỉ mới đúng được một phần mà thôi. Theo như bạn trình bày, thì đó chính là tiêu diệt sự không bình yên trên quả. Nghĩa là ta tiêu diệt sự không bình yên ngay trong khi đang không bình yên. Nhưng thực ra còn một loại tiêu diệt sự không bình yên nữa, đó là tiêu diệt cái nguyên nhân gây ra sự không bình yên. Nghĩa là tiêu diệt cái mầm mống gây ra sự không bình yên ngay từ khi đang bình yên, chưa bị bất an. Tiêu diệt sự không bình yên ngay khi đang bình yên, chính là cách mà Đạo Phật chỉ đường cho chúng ta.

Còn phần trình bày của bạn:

Nó chỉ đúng với trường hợp tiêu diệt sự không bình yên trên quả như bạn nghĩ. Còn trong trường hợp tiêu diệt sự không bình yên trên nhân thì không phải là như vậy. Thực ra chúng không phải là hai bước của một quá trình đi tìm sự bình yên như bạn viết. Mà chúng chỉ là hai tên gọi khác nhau của cùng một quá trình. Dù là nói đi tìm sự bình an của tâm hồn, hay là tiêu diệt sự không bình an của tâm hồn, thì cũng là như nhau mà thôi. Nhưng do đặc thù riêng của mỗi trường hợp, mà chúng có những đặc điểm sau:

Đi tìm sự bình an cho tâm hồn, là một mục tiêu không rõ ràng, vì vậy dẽ bị nhầm lẫm giữa sự bình an đích thực và sự bình an giả tạo, vì không có một cơ sở nào để đối chứng. Mặt khác vì ta không hình dung ra được mục đích, nên ta cũng không hình dung ra được con đường để đạt được mục đích, khi ta chưa đạt được mục đích thực sự.

Còn đối với vấn đề Tiêu diệt sự không bình an thì ta hoàn toàn có thể xác định được mục tiêu một cách rõ ràng. Vì chúng ta đã biết được thế nào là không bình an. Nên lẽ dĩ nhiên khi tiêu diệt được nó, thì chúng ta cũng sẽ biết không bị nhầm lẫn.

Việc bạn đề nghị với tôi chỉ cho bạn chỗ nghe giảng Kinh Phật là một điều rất tốt và hợp lý đấy chứ, tại sao bạn lại thấy là không hợp lý nhỉ? Và bạn thấy có lỗi với tôi về điều đó mới là điều không hợp lý bạn ạ.

Thôi thư này tôi tạm dừng ở đây nhé.

Chào bạn!

Hà Nội ngày 26/2/02

Bạn Quý thân mến!

Vậy là tôi đã hiểu đúng vấn đề phải không bạn! Vấn đề tôi đề nghị bạn đó, bản thân tôi thấy không có gì là không hợp lý, cho nên tôi mới đề nghị bạn. Nhưng khi nghe bạn giải thích thì tôi thấy mình đã nóng vội, một điều tối kỵ trong cách làm việc. Tôi xin lỗi bạn vì tôi cảm thấy hành động của tôi dễ gây cho bạn cảm giác tôi không tin tưởng bạn, tôi không muốn bạn nghĩ thế! Vì tôi coi trọng nhất là lòng tin. Vậy thôi!

Thôi tôi xin dừng ở đây, hẹn gặp lại bạn!

Cần thơ, ngày 27/2/02

Chào bạn ****!

Bạn tin tôi hay không? Tôi không quan tâm lắm đâu. Thực đấy! Và bạn cũng đừng đặt nặng vấn đề lòng tin quá. Theo tôi cái quan trọng nhất là sự chân thành, đó mới là điều quan trọng. Nếu có sự chân thành, thì nó sẽ giúp ta vượt qua tất cả để đi đến đích, dù ban đầu lòng tin có hơi yếu một chút. Lòng tin phải là lòng tin có trí tuệ thì nó mới bền vững bạn ạ. Tôi mong bạn nếu có tin tôi thì phải là tin với lòng tin như vậy. Cái gì bạn không nhất trí với tôi, cứ thẳng thắn đưa ra trao đổi, đừng sợ tôi buồn này buồn nọ.

Về vấn đề bạn viết:

Nếu bạn nhận ra như vậy, thì đó sẽ là một kinh nghiệm quý báu cho bạn đấy, mà không phải ai cũng may mắn có được. Vấn đề là bạn có tận dụng được nó hay không mà thôi!
Còn vấn đề bạn hỏi: “Vậy là tôi đã hiểu đúng vấn đề phải không bạn!”. Bạn có thể nói rõ cho tôi biết là bạn hiểu đúng vấn đề gì? và hiểu nó như thế nào được không?

Thôi thư này tôi dừng ở đây nhé!

Chào bạn!

Hà Nội 1/3/02

Thân gửi bạn Quý!

Bạn nói đúng, có lẽ tôi đã quá coi trọng cái gọi là lòng tin, thực chất trong cuộc sống của tôi, lòng tin là một điều gì đó thực sự quan trọng. Nếu không có lòng tin, tôi nghĩ thật khó có thể thành công. Sự chân thành mà bạn nói đó, theo tôi nó cũng phải xuất phát từ lòng tin chứ. Tôi cũng không phải ngại bạn buồn mà không trao đổi với tôi nữa, mà là tôi không muốn bạn hiểu lầm ý tôi. Cho nên tôi thường hay giải thích, tôi muốn chúng ta hiểu nhau hơn, điều đó có lẽ sẽ tốt cho sự trao đổi của chúng ta hơn phải không. Bằng cách này hay cách khác, Vì tôi thực sự muốn trao đổi đến cùng với bạn.

Có một điều tôi muốn hỏi bạn được không. Khi trao đổi với bạn về “ý nghĩa của cuộc sống”, về ước vọng của bản thân con người, tôi cứ suy nghĩ mãi về cái gọi là “tham vọng”. Có phải ai cũng có tham vọng không? Và điều tôi thắc mắc nhất là, “tham vọng” có phải là đi trái với tinh thần của Đạo Phật không? Có tham vọng là tốt hay xấu? Bạn nghĩ thế nào về vấn đề này vậy, hi vọng bạn có thể nói cho tôi biết.

Tôi xin được dùng lại ở đây.

Chào bạn!

Cần thơ, ngày 2-3-2002

Bạn **** thân mến!

Thư của bạn tôi đã nhận được, sau đây là ý kiến của tôi.

Về vấn đề lòng tin, có hai loại:

Loại thứ nhất là lòng tin không có cơ sở vững chắc. Nó thể hiện ở chỗ: tin do người đó có uy tín mà tin; hoặc tin do ta có cảm tình với người đó; hoặc tin do trước đây ta thấy người đó nói đúng mà tin (suy ra cái gì người đó nói cũng đúng cả. Ta không suy xét mà cho là đúng), hoặc tin do ta chứng kiến được những hành động phi thường của người đó mà tin,…. Lòng tin này thực ra rất thiếu bền vững, vì ta phải dựa vào một cái gì đó để tin, một khi chỗ dựa đó mất đi thì niềm tin của ta cũng bị đổ vỡ. Trong Đạo Phật gọi nó là “y Nhân bất y Pháp”, là một điều cần tránh.

Ví dụ: bạn có một người bạn thân, và bạn biết người đó luôn luôn nói thật, không biết nói dối bao giờ. Giả sử hôm nay bạn ấy đến gặp bạn, và kể chuyện trên đường đi, bạn ấy gặp hai người đâm nhau. Tất nhiên là bạn tin câu chuyện bạn ấy kể lại. Đó chính là lòng tin thuộc vào trường hợp này.

Loại thứ hai là lòng tin có cơ sở vững chắc, còn được gọi là lòng tin có trí tuệ. Nó thể hiện ở chỗ, bạn không cần biết người nói là người như thế nào, mà bạn chỉ quan tâm tới những điều họ nói ra. Nếu điều họ nói, bạn thấy rõ là hợp lý, tự nhiên bạn sẽ tin, sẽ chấp nhận, nếu điều họ nói là không hợp lý, tự nhiên bạn sẽ không vội tin, không vội chấp nhận. Tinh thần này trong Đạo Phật gọi là “y Pháp bất y Nhân”, nghĩa là y theo pháp (lời nói được nói ra) không y theo người nói pháp. Tinh thần này được thể hiện rõ trong bài pháp nổi tiếng sau đây của Đức Phật Thích ca:

Niềm tin có trí tuệ này là một lòng tin vững chắc không gì có thể lay chuyển nổi.

Ví dụ: bạn có một người bạn thân. Giả sử hôm nay bạn ấy đến gặp bạn, và kể chuyện trên đường đi, bạn ấy gặp hai người đâm nhau. Và giả sử đúng thời điểm xảy ra câu chuyện đó, bạn cũng vô tình có mặt ở đó, và chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối. Và bạn biết câu chuyện bạn ấy kể lại là chính xác. Thì bạn có tin câu chuyện bạn ấy kể hay không? Lòng tin này có giống với lòng tin của bạn, trong trường hợp thứ nhất hay không? Đó chính là lòng tin thuộc vào trường hợp lòng tin có trí tuệ này đó bạn ạ.

Và cái lòng tin mà bạn cần phải có, cũng là tôi mong muốn bạn có là lòng tin có trí tuệ ở vào trường hợp thứ hai này, chứ không phải là lòng tin ở vào trường hợp thứ nhất bạn ạ!

Sự chân thành thực sự thì nó không phải phát xuất từ lòng tin đâu bạn ạ, mà nó xuất phát từ tinh thần cầu tiến, từ sự ham học hỏi của bản thân. Còn nếu sự chân thành phát xuất từ lòng tin, thì đó là sự chân thành có điều kiện, nó sẽ dễ dàng bị mất đi, một khi niềm tin của bạn bị đổ vỡ, bạn thấy có phải không?.

Về vấn đề bạn không muốn tôi hiểu lầm ý bạn, thì bạn đừng lo, vì tôi sẽ không bao giờ hiểu lầm ý của bạn, hay của bất cứ một ai đâu. Với những gì bạn trình bày không rõ ràng, thì tôi sẽ hỏi lại cặn kẽ, chứ không suy đoán này kia đâu. Nhưng có lẽ, chính sự hỏi lại của tôi đó, làm cho bạn nghĩ là tôi hiểu lầm bạn chăng?

Việc bạn giải thích, thực ra không cần thiết, nhưng nếu bạn thấy cần thì bạn cứ giải thích.

Nhưng rồi sẽ đến một lúc nào đó, có lẽ không lâu lắm đâu, bạn sẽ thấy là bạn không cần phải giải thích gì với tôi cả, vì việc đó là vô nghĩa đối với tôi. Còn việc trao đổi có tốt hay không, phụ thuộc vào vấn đề bạn có chú ý quan tâm đến nội dung mà tôi trao đổi hay không (tức là quan tâm đến PHÁP). Ngày nào bạn còn quan tâm nhiều đến cá nhân tôi (tức là quan tâm đến người nói PHÁP), thì ngày đó, hiệu quả của sự trao đổi vẫn còn chưa cao.

Bạn viết:

Tôi xin trả lời cho bạn như sau: đối với người bình thường, chưa đạt đến đích tối hậu của việc tu hành, thì ai cũng có tham vọng cả, chỉ có điều tùy theo mỗi người có mức độ nặng nhẹ, thô tế khác nhau mà thôi.

Tham vọng không trái với tinh thần của đạo Phật. Mặc dù mục đích tối hậu của đạo Phật là tiêu diệt vĩnh viễn mọi tham vọng của bản thân.

Tham vọng là tham vọng, nó không có tốt hay xấu. Tốt xấu là sản phẩm của ý thức chủ quan của con người mà thôi. Nhưng theo tinh thần của đạo Phật thì tham vọng có hai loại:

Loại thứ nhất là tham vọng có ích cho sự tiến tu của bản thân mỗi người, là tham vọng giúp cho ta sống một cuộc sống bình an, nghĩa là có ích cho bản thân của mỗi chúng ta.

Đó chính là Tham vọng tiêu diệt vĩnh viễn và hoàn toàn mọi tham vọng. Bạn có thể tham khảo về vấn đề này trong bài kinh: 15.V. Bà la môn, phẩm lầu rung chuyển, chương 7, tương ưng Như ý túc, Kinh Tương ưng bộ tập 5, tr 417-420. ấn hành năm 1993. (Kinh ấn hành năm 1996 có thể số trang sai lệch chút đỉnh.)

Loại thứ hai là tham vọng có hại cho sự tiến tu của mỗi người chúng ta, là tham vọng làm cho ta đi đến khổ đau, Nghĩa là tham vọng có hại cho bản thân của mỗi chúng ta.

Đây là một vấn đề bạn cần phải đặc biệt lưu ý. Nếu không, có thể sau này bạn sẽ bị kẹt vào triết thuyết “vô cầu” (tức là không có tâm tham cầu). Thực ra là “vô sở cầu”, tức là không có chỗ cầu (có tâm cầu nhưng không có chỗ để cầu), chứ không phải là “vô cầu”, tức là không có tâm cầu như người ta vẫn hiểu xưa nay.

Thôi thư đã dài, tôi xin tạm ngừng ở đây.
————————————————–

Mời các bạn đón đọc phần 2

PS: thư trao đổi thì còn dài, nhưng những gì liên quan đến chủ đề ở đây thì đến đây là kết thúc. Mời các bạn đón đọc kỳ sau:

https://thienvietnam.org/nhap-mon-tim-hieu-phat-phap-phan-2/ (sẽ xuất bản lúc 9:00 ngày 4/6/2024, mời các bạn đón đọc nhé)

Sơ lược nội dung phần 2:

Chương I: Mục đích cuộc sống – Thoát khổ

Chương II: Tứ diệu đế và biện pháp thoát khổ

Chương III: Cảnh vật là ảo ảnh huyễn hoá

Chương IV: Ta là ai?

Chương V: Con đường thoát khổ

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục