Thiền về bản chất là một phương pháp nội quan (quan sát nội tâm) mang tính khách quan. Nó vốn là một phương pháp rèn luyện tinh thần, trí tuệ, hay sâu hơn: là một lối sống, có nguồn gốc từ tôn giáo (Phật giáo và Ấn độ giáo). Tuy thiền có nguồn gốc từ tôn giáo, nhưng nó là tài sản chung của cả nhân loại, ai cũng có quyền biết đến thiền, thực hành thiền và được hưởng những lợi ích của thiền, chứ thiền không phải là sản phẩm độc quyền, là đặc quyền dành riêng cho tôn giáo, cho giới tu sĩ.
Ngày nay thiền đã được công chúng biết tới nhiều hơn, thậm chí đã được giới khoa học nghiên cứu và đưa ra ứng dụng trong cuộc sống. Nhưng những lợi ích mà nhân loại đang được hưởng từ thiền vẫn còn quá ít, không thực sự tương xứng với những gì mà thiền có thể mang lại.
Nguyên nhân là bởi vì hai lý do:
- Lý do thứ nhất: Các phương pháp và kỹ thuật thiền mà cộng đồng đang biết tới, cũng như ứng dụng hiện nay vốn là những loại thiền dành cho giới xuất gia, có thể dành toàn bộ thời gian của cuộc đời mình để thực hành theo mới có thể đạt được thành tựu cao. Khi đem loại thiền này áp dụng cho giới tại gia, là giới còn phải dành nhiều thời gian cho việc mưu sinh thì không phù hợp, do vậy kết quả không cao, lợi ích mang lại không nhiều.
- Lý do thứ hai: Những người đưa thiền ra cộng đồng, phần lớn là những người chưa dành nhiều thời gian cho việc thực hành thiền, chưa có sự hiểu biết sâu sắc về thiền, cho nên họ thường hiểu về thiền một cách hời hợt, nông cạn, cho nên rất khó có thể mang lại lợi ích lớn về thiền cho người khác. Còn với những vị sư, cao tăng có thâm niên về thiền thì họ cũng chỉ có thể hướng dẫn được những phương pháp, hoặc kỹ thuật thiền dành cho giới xuất gia, vốn rất kém hiệu quả đối với giới tại gia.
Chúng tôi là những người đã có diễm phúc được biết đến thiền, tiếp xúc với thiền, thực hành thiền và hưởng nhiều lợi ích từ thiền trong mọi mặt của cuộc sống. Và nay, chúng tôi muốn đưa thiền rộng rãi ra cộng đồng, nhưng không qua hình thức tôn giáo, và được trình bày lại một cách khoa học hơn, lớp lang hơn, dễ thực hành hơn, nhiều lợi ích hơn và kết quả dễ thấy hơn. Cả người xuất gia và tại gia đều có thể thực hành được một cách dễ dàng.
Đó chính là lý do vì sao mà Thiền Việt nam được ra đời.
Để lại một bình luận