Thiền cũng như cuộc sống, vốn là không có giới hạn! Mọi giới hạn mà chúng ta đặt ra cho Thiền, đều chỉ là những sản phẩm tồi tệ của tâm trí hạn lượng (tức tâm phân biệt hay trí nhị nguyên) của chúng ta mà thôi. Thiền là Thiền, cũng như cuộc sống là cuộc sống, đều không thể định nghĩa được. Khi ta đưa ra một định nghĩa về Thiền, tức là ta đã tạo lập ra một giới hạn cho nó. Thiền mà có thể định nghĩa được thì đó không phải là Thiền đích thực. Nó không còn là Thiền nữa.
Thiền chính là cuộc sống
Thực ra Thiền chính là cuộc sống! Chúng ta vốn vẫn đang sống trong Thiền, cũng như cá sống trong nước. Nhưng chúng ta lại không tự mình nhận thức ra được điều đó, mà ở trong đó phát sinh vọng tưởng (nhận thức sai lầm) rằng chúng ta đang sống trong vọng động. Và do vậy mà chúng ta thấy rằng cuộc sống của chúng ta là cuộc sống vọng động. Để rồi từ đó phát sinh ra ý muốn thoát ly cái cuộc sống vọng động này để tìm đến với Thiền. Chúng ta không biết rằng cái Thiền mà chúng ta đang tìm đến đó chỉ là sản phẩm của một sự vọng động. Và do vậy nó cũng là một sự vọng động nốt. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ mặc kệ, cứ việc sống là đúng! Là ở trong Thiền! Bởi vì chính đó lại là một định nghĩa, một sự tạo lập mới về Thiền.
Làm sao để đến được với Thiền?
Như đã nói chúng ta vốn đang sống trong Thiền. Nhưng chúng ta lại không tự mình nhận thức ra được điều đó, mà ở trong đó phát sinh hoang tưởng (nhận thức sai lầm) rằng chúng ta đang sống trong vọng động. Nếu chúng ta thấy vọng động thì cuộc sống đâu đâu cũng là vọng động, và đó không phải là Thiền. Còn nếu chúng ta thấy Thiền thì cuộc sống đâu đâu cũng là Thiền.
Như vậy muốn trở lại với Thiền, thoát ly khỏi vọng động, thì chỉ có một cách duy nhất là thấy rõ mình đang sống trong Thiền. Và tất nhiên đây là một sự thấy rõ thường hằng (thường thấy). Vì nếu đó là một sự thấy rõ không thường hằng, lúc thấy lúc không thấy, thì chúng ta không thể gọi là sống được trong Thiền đích thực được.
Bởi vì Thiền đích thực thì phải là thường hằng. Và sự biết rõ chúng ta đang sống trong Thiền cũng phải là sự biết rõ thường hằng, Đó chính là thường biết. Mà đã là thường biết thì chúng ta vẫn đang biết là mình sống trong Thiền từ xưa đến nay, có lúc nào không biết đâu? sao lại còn muốn biết thêm làm gì? Dư rồi! Và sao lại nói là chúng ta không tự nhận thức được là mình đang sống trong Thiền.
Nhưng chúng ta lại không tự mình nhận thức ra được điều đó, mà ở trong đó phát sinh hoang tưởng (nhận thức sai lầm) rằng chúng ta đang sống trong vọng động? không phải là mâu thuẫn sao? Và sự nhận thức sống trong vọng động của chúng ta từ đâu mà ra?
Đúng vậy!
Mới nghe qua thì dường như có mâu thuẫn. Nhưng thực ra không phải là như vậy!
Bởi vì: biết mình đang sống trong Thiền, là cái biết thường hằng của trí huệ (Trí Bát nhã), biết mà không biết (tri vô tri) ở bên trong. Còn biết mình đang sống trong vọng động là cái biết của ý ở bên ngoài, hay nói rõ hơn là cái biết của tâm trí hạn lượng (trí nhị nguyên). Sự biết này là sự biết sanh diệt, không thường hằng.
Như vậy để trở lại với Thiền, thì chúng ta chỉ cần làm sao cho sự nhận biết sanh diệt của ý ở bên ngoài, khế hợp với sự nhận biết thường hằng của trí huệ ở bên trong. Nghĩa là chúng ta phải tiêu diệt sự hoang tưởng (nhận thức sai lầm) của chúng ta, là sự nhận thức rằng chúng ta đang sống trong vọng động, để chuyển hoá nó thành sự nhận thức là chúng ta đang sống trong Thiền.
Nhưng làm sao để tiêu diệt được sự nhận thức sai lầm này?
Muốn vậy chúng ta phải truy nguyên nguồn gốc của nó. Và nguồn gốc đó là do tri kiến nhị nguyên, hay sự nhận thức sai lầm (hoang tưởng) về thế giới xung quanh và về chính bản thân chúng ta. Sự nhận thức sai lầm gì?
Đó là sự nhận thức sai lầm cho rằng thế giới mà chúng ta cảm giác được là thực có, là có thể sở hữu được, và sự nhận thức cho rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ta. Và do vậy ta có thể biết được ta. Phật thích ca gọi đó là Vô minh.
Do sự Vô minh này, mà chúng ta thấy mình đang sống trong vọng động. Vì thế muốn giải quyết được vấn đề thì chúng ta phải tiêu diệt Vô minh. Tức là tiêu diệt sự nhận thức sai lầm về thế giới xung quanh, và về chính bản thân chúng ta.
Con đường chân chính để trở lại với Thiền
Con đường chuyển hoá sự nhận thức của mình, con đường diệt Vô minh, chính là con đường chân chính để trở lại với Thiền.
Thiền quả
Khi Vô minh bị diệt, Minh sáng lên, chúng ta sẽ thấy rõ là mình vẫn đang sống trong Thiền từ vô thỉ tới giờ, và chẳng có việc gì để làm thêm nữa! đó Chính là Thiền “quả”!
Nhưng chúng ta nên lưu ý rằng: sự nhận thức của chúng ta có nhiều tầng, nhiều lớp thô tế khác nhau. Vì vậy sự Vô minh cũng có nhiều tầng nhiều lớp thô tế khác nhau. Việc tiêu diệt vô minh cũng phải trải qua nhiều tầng bậc, từ chỗ phá vỡ vô mình ở những lớp ngoài (thô) để đi vào phá tiếp Vô minh ở những lớp trong (tế), Và Vô minh chỉ bị tiêu diệt hoàn toàn, khi lớp Vô minh ở trong cùng bị tiêu diệt đó mới là đến đích thực sự.
Một lớp Vô minh bị phá vỡ, là chúng ta thâm nhập sâu thêm vào Thiền được một mức, thoát khỏi vọng động được một mức. Quá trình phá vỡ Vô minh từ ngoài vào trong, là quá trình chúng ta thể nhập vào Thiền.
Để giúp cho việc nhận ra Vô minh, và giúp cho quá trình thể nhập vào Thiền, chư Phật, Tổ đã phương tiện lập ra một thứ Thiền khác gọi là Thiền “nhân”, bởi vì nếu chúng ta thực hành theo cái Thiền này, thì đó là nhân để đi đến chỗ phá Vô minh, Ngộ nhập được vào Thiền quả.
Thiền nhân
Và cái Thiền thường được chúng ta nói tới, chính là cái Thiền “nhân” này. Trong Thiền “nhân” do chư Phật Tổ lập ra thì có nhiều loại, nhưng chúng ta có thể phân nó ra làm hai loại chính là: Thiền hành và Thiền tham.
Thiền hành
Thiền hành là thứ Thiền được biết đến nhiều nhất. Đó là thứ thiền được chúng ta thực hành sau khi đã biết được cách thực hành nó. Việc nhận biết được kỹ thuật Thiền hành này có thể do chúng ta học được từ nơi người khác, học được ở trong Kinh sách… (Thiền Kỹ thuật); hoặc có thể do ta tự mình khám phá ra – tự mình Ngộ ra được (Thiền sống với Ông chủ, sống với chính mình).
Trong Thiền hành chúng ta lại có thể phân làm hai loại là Thiền chỉ và Thiền quán.
-Thiền chỉ là loại Thiền được thực hành với mục đích là để được định tâm. Sự định tâm này có thể là sự định tâm trên một cảnh (Có chỗ trụ – hữu sử trụ); và cũng có thể là sự định tâm không ở trên một cảnh nào cả (không có chỗ trụ – vô sở trụ). Trong Thiền chỉ thì không khởi trí tuệ, không khởi tư duy, thậm chí không khởi nhận thức.
–Thiền quán là loại Thiền được thực hành với mục đích để nhận rõ được các pháp và nhận rõ tính chất vô thường, vô ngã,… của các pháp. Tất nhiên trong Thiền quán thì phải có khởi trí tuệ, có khởi tư duy, có khởi nhận thức ở các từng mức khác nhau.
Thiền tham
Thiền tham là thứ thiền được thực hiện nhằm mở rộng sự nhận thức của ta. Vì vậy nó là thứ Thiền làm nảy sinh kiến thức mới, thứ Thiền làm nảy sinh sự sáng tạo.
Tham thiền là quá trình mà chúng ta nỗ lực suy nghĩ, tìm tòi để giải quyết một vấn đề còn vướng mắc. Tất nhiên đây là một quá trình nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi người nhằm giải quyết vấn đề.
Tham thiền sẽ tự động xuất hiện một cách tự nhiên khi phát sinh ra một vấn đề mà ta không biết, không hiểu, hay hiểu biết không rõ ràng. Khát vọng hiểu biết (còn được gọi là sự tò mò của tâm trí) sẽ thôi thúc ta đi giải quyết vấn đề. Quá trình đào sâu để giải quyết vấn đề đó được gọi là quá trình tham thiền.
Trong lịch sử Thiền Tông có việc thực hiện pháp thiền “Tham công án” chính là pháp Thiền tham này. Ngoài ra nó chưa được đề cập tới ở đâu cả, nhưng nó lại được thực hiện một cách tự nhiên vô ý thức trong tâm mỗi người hành giả khi tu Thiền.
Từ trước đến nay có nhiều người không hiểu, hay hiểu sai về Thiền, nên đã đưa ra những kiến giải nhằm gạt bỏ sự tham thiền tự nhiên này đi, khi có một nghi vấn, một sự thắc mắc khởi lên trong tâm của họ. Đó thật là một sự sai lầm hết sức vì nó sẽ là một chướng ngại rất lớn ngăn cản sự hoạt động của trí huệ của họ trong quá trình tu tập.
Lời bình: chính vì lý do này nên chúng ta phải tìm cách gây sự cãi nhau với càng nhiều người càng tốt. Như vậy với dễ trở thành ZEN 😀
Hỏi đáp
Câu hỏi 1:
Em cũng xin tham gia chút với bác Quý
Mọi phiền não đều xuất phát từ vòng ảo vọng do tâm thức xoay chuyển. Khi cơn giận nổi lên, người ta thành ác quỷ. Cũng như thế dục vọng khiến con người thành súc vật (đoạn này em chép nguyên văn thôi đấy nhé). Khi nào còn bị phiền não và ảo vọng trói buộc chúng sinh vẫn còn lăn theo luân hồi trong vòng sinh tử, không thể nào đạt đến cảnh giới an lạc được.
Nếu tự mình giải thoát khỏi sự ràng buộc của dòng tư tưởng và hình thức, hành giả sẽ cắt đứt được mối dây phiền não và vượt lên trên các hiện tượng nhân quả vô thường.
Nên biết rằng nuôi dưỡng thiện ý là 1 nhân lành, ắt sẽ được thiện quả; rằng làm việc ác độc và sai trái là 1 nhân xấu, ắt sẽ lãnh ác báo. Tuy nhiên, tất cả đều là nghiệp quả vô thường. Lìa xa mọi phiền não ảo vọng mới chính là con đường thoát ly sinh tử ( chỗ này đọc ghê quá).
Có vọng tưởng ắt sẽ phát sinh phiền não. Đạt đến tâm viên giác, hành giả trực nhận sự vật 1 cách rõ ràng, không bị chi phối bởi tỉnh thức và ảo vọng nên không bạn phiền não.
Trả lời 1:
Rất hoan nghênh bác tham gia vào chủ đề này. Bài viết của bác khá hợp ý em. Nhưng nếu có thể, em xin bác là rõ thêm nhưng vấn đề sau:
– Ảo vọng là gì? làm sao diệt nó?
– Tình thức là gì? làm sao diệt nó?
– Ảo vọng và Tình thức là hai tên gọi của cùng một vấn đề, hay là hai vấn đề khác nhau?
– Vọng tưởng là gì? làm sao để diệt?
– Đạt đến tâm viên giác nghĩa là thế nào? làm sao để được?
Câu hỏi 2:
Bác Nguyễn Đức Quý có thể giải thích giùm em chữ “giác ngộ ” trong đạo Phật được không ạ ……sau đó em sẽ nói cho bác biết thiền của người tu là thế nào ……mà em hỏi thiệt bác có đi tu không vậy ……hay bác chỉ đơn thuần là người say mê nghiên cứu Phật Pháp ….?? ;D
Trả lời 2:
Bác Nguyễn Đức Quý có thể giải thích giùm em chữ ‘ giác ngộ ” trong đạo Phật được không ạ
– Người bình thường rõ biết (nhận thức tự nhiên liên tục, và không khởi ý niệm) các đồ vật mà ta nhận biết là có thực, và rõ biết cái mà ta nghĩ là ta đó, là TA thực!
2- Với người tu hành thì đạt đến chỗ rõ biết các đồ vật mà ta nhận biết là không có thực, và rõ biết cái mà ta nghĩ là ta đó, không phải là TA thực!
Thời điểm mà người tu chuyển từ sự rõ biết thứ nhất sang sự rõ biết thứ hai gọi là thời điểm Giác Ngộ Trong sự tu tập của Đạo Phật.
……sau đó em sẽ nói cho bác biết thiền của người tu là thế nào ……
Em đã nói xong rồi bây giờ đến lượt bác nhé! 😉
mà em hỏi thiệt bác có đi tu không vậy ……hay bác chỉ đơn thuần là người say mê nghiên cứu Phật Pháp ….?? ;D
Bác hãy cho em biết bác hiểu chữ TU như thế nào? như thế nào là TU? sau đó em sẽ trả lời cho bác!
Câu hỏi 3:
Mà có câu này em không hiểu hết nghĩa nhờ bác Quý giúp :
– Thế nào là sinh tử vô thường?
Trả lời 3:
Chào bác nxt!
Các cụm từ “sinh tử” và vô thường” thì em đã từng được nghe rồi, và em có thể giải thích được.
Còn cụm từ: “sinh tử vô thường” thì em chưa nghe nói đến bao giờ, và em xin chịu không giải thích được!!! bác cảm phiền vậy nhé! 😀
Câu hỏi 4:
Lạ thiệt đó. Lâu rồi mới thấy bác Quý thế này? Bác cho là không đáng để trả lời?
Em có nghe nói Sinh tử là việc hệ trọng mà sự đời vô thường lại chóng qua không biết có đúng thế không? Nhưng cũng có câu: Tử vốn chẳng chóng thì muộn, Sinh vốn chẳng trọng khinh. Đọc chẳng hiểu thế nào mới thử nhờ bác đó!
Trả lời 4:
Lạ thiệt đó. Lâu rồi mới thấy bác Quý thế này? Bác cho là không đáng để trả lời?
Chán bác quá!
Bác hỏi em một câu hỏi mà em không thể trả lời được, và em trả lời cho bác là em không thể trả lời được. Bác lại quay qua vành vẻ em là không chịu trả lời. 😛
Em xin nói lại nhé:
Nếu bác hỏi em:
– Thế nào là “vô thường”?
hay:
– Thế nào là “sinh tử”?
Thì em có thể trả lời cho bác. Còn nếu bác hỏi em:
– Thế nào là sinh tử vô thường?
Thì em xin chịu! không biết câu trả lời như thế nào cả! 😛
Em có nghe nói Sinh tử là việc hệ trọng mà sự đời vô thường lại chóng qua không biết có đúng thế không?
Còn tuỳ theo quan niệm của mỗi người!
Nhưng cũng có câu: Tử vốn chẳng chóng thì muộn, Sinh vốn chẳng trọng khinh. Đọc chẳng hiểu thế nào mới thử nhờ bác đó!
Bác muốn nhờ em làm cái gì vậy?
—
Đọc xong bài viết, các bạn có ý kiến hoặc thắc mắc gì cần trao đổi, vui lòng để lại nội dung trong phần bình luận bên dưới cho Thiền Việt Nam biết với nhé.
Để lại một bình luận