Thiền sư Hakuin thường kể cho học trò nghe về bà lão chủ tiệm trà trong làng. Hakuin bảo rằng bà ấy rất sành pha trà và đồng thời lại rất thông thái về Thiền. Nhiều thiền sinh nghi ngờ điều này và muốn đích thân đến tiệm trà để kiểm tra.
Bất kỳ khi nào trông thấy các Thiền sinh đến, bà lão biết ngay là họ đến để dùng trà hay đến để khảo hạch bà về Thiền. Những ai đến vì bà, bà phục vụ rất chu đáo và tận tình.
Những người đến để hỏi Thiền, bà đuổi họ ra cửa và tấn công họ bằng chiếc que cời lửa bằng thép. Hiếm ai thoát khỏi sự tấn công của bà lão.
Lời bình được đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ:
1. Nếu bạn thật sự muốn hiểu Thiền, bạn phải là một người nhạy bén.
2. Hiểu thiền từ việc uống trà còn hơn là bàn luận về Thiền.
3. Có thể có điều gì đó quan trọng khi hiểu thiền bằng một cú đánh hoặc một tiếng hét.
4. Bà lão dường như không thích những kẻ tò mò.
5. Bà lão mong muốn những người đồng hành, chứ không phải là những người đi tìm kiếm niềm tin vào một điều gì.
6. Bà lão không muốn sử dụng kiến thức về Thiền. Có lẽ đó là điều mà bà lão muốn truyền đạt cho các Thiền sinh. Bạn không thể đạt thiền từ một người khác.
7. Trà đại diện cho điều tốt và Thiền đại diện cho điều xấu. Người ta thường phải đối diện với sự lựa chọn này. Tôi nghĩ bà lão muốn thuyết phục mọi người hãy chọn trà.
8. Tất cả các sở hữu khác có thể bị đánh cắp, nhưng kiến thức thì không bao giờ bị đánh cắp.
Bình của nguyenducquyzen:
A. Bình đối với câu chuyện:
Nếu tôi là những Thiền sinh đó, thì tôi sẽ học võ thuật trước khi đến gặp bà lão.
B. Bình đối với ý kiến bình luận được đăng:
I. Tổng bình:
Người bình luận chẳng biết gì về Thiền cả, “dốt lại hay nói chữ”.
II. Bình chi tiết:
1. Nếu bạn thật sự muốn hiểu Thiền, bạn phải là một người nhạy bén.
Bình:
Nhầm!!!
Ta không thể hiểu thiền bằng trí não, dù có nhạy bén đến đâu.
Chỉ có một cách duy nhất để hiểu thiền là sống trong thiền.
2. Hiểu thiền từ việc uống trà còn hơn là bàn luận về Thiền.
Bình:
Không phải người bình luận đang bàn luận về thiền đó ư?
3. Có thể có điều gì đó quan trọng khi hiểu thiền bằng một cú đánh hoặc một tiếng hét.
Bình:
Ðã luận về thiền thì đừng dùng từ “có thể”.
“Hiểu thiền bằng một cú đánh hoặc một tiếng hét”, đó chưa phải là hiểu thiền một cách đích thực.
4. Bà lão dường như không thích những kẻ tò mò.
Bình:
Nếu quả thật bà lão như “người bình luận” nói, thì bà ta chưa hiểu gì về thiền. Bởi vì người hiểu thiền không có tâm “thích” hay “không thích”; và cũng không có thấy người khác “tò mò” hay “không tò mò”.
5. Bà lão mong muốn những người đồng hành, chứ không phải là những người đi tìm kiếm niềm tin vào một điều gì.
Bình:
Làm sao người bình luận biết là: “Bà lão mong muốn những người đồng hành, chứ không phải là những người đi tìm kiếm niềm tin vào một điều gì.”?
Người bình luận hiểu về thiền của bà lão, qua cái hiểu xuẩn ngốc của mình về thiền – thật tức cười!
Người sống trong thiền làm gì có tâm “mong muốn” hay tâm “không mong muốn”. Ðối với họ, ai mà chả là kẻ đồng hành.
6. Bà lão không muốn sử dụng kiến thức về Thiền. Có lẽ đó là điều mà bà lão muốn truyền đạt cho các Thiền sinh. Bạn không thể đạt thiền từ một người khác.
Bình:
Bà lão chẳng phải người bình, người bình chẳng phải bà lão! Chớ nên gán ghép chỗ hiểu của mình cho bà lão!
Càng nói càng dở!
Người bình về thiền mà chẳng biết một chút gì về thiền cả.
7. Trà đại diện cho điều tốt và Thiền đại diện cho điều xấu. Người ta thường phải đối diện với sự lựa chọn này. Tôi nghĩ bà lão muốn thuyết phục mọi người hãy chọn trà.
Bình:
“Người bình luận” này có đầu óc tưởng tượng rất là phong phú, Nhưng như vậy thì lại không hợp với thiền.
8. Tất cả các sở hữu khác có thể bị đánh cắp, nhưng kiến thức thì không bao giờ bị đánh cắp.
Bình:
“Người bình luận” này lại đang ăn cắp kiến thức của người khác đây.
Để lại một bình luận