Bàn về ẩn ức (1): Những màng lọc thông tin

I. ẨN ỨC LÀ GÌ?

Ẩn ức là những cảm xúc tiêu cực xuất hiện lặp đi lặp lại, không được nhận thức, không được chấm dứt hoặc chuyển hóa, dẫn đến tích dồn theo thời gian.

Nói cách khác, ẩn ức xuất hiện khi tâm trí con người không xử lý được thông tin, không chuyển hóa được cảm xúc, và không hoàn tất được hành động. Ẩn ức là một mầm ung thư cảm xúc, là tình trạng sa lầy tâm trí có khả năng lan tỏa theo hiệu ứng domino. Vậy nên ẩn ức làm con người suy yếu.

ẩn ức
ẩn ức

II. ẨN ỨC THẬT VÀ ẨN ỨC GIẢ

Nhiều người rơi vào ẩn ức thật, do họ thật sự mắc kẹt trong những vấn đề có thật trong đời sống của mình. Trong khi đó, nhiều người lại khởi đầu bằng việc cố tỏ ra rằng mình có nhiều ẩn ức. Họ chạy theo những xu hướng thời thượng, theo đó càng có nhiều ẩn ức và phô ra nhiều ẩn ức, người ta càng được xem là sâu sắc, từng trải, vĩ đại, đáng ngưỡng mộ hoặc đáng thương. Thường thì họ hấp thụ xu hướng bệnh hoạn này từ một mốt văn học, phim ảnh, tư tưởng, âm nhạc, tôn giáo hoặc thời trang nào đó. Khi tụ vào với nhau, họ tạo thành những cộng đồng đóng kịch, nơi con người càng tỏ ra suy yếu và bệnh hoạn thì càng được đề cao. Trong những cộng đồng này, người ta giao tiếp với nhau qua lớp mặt nạ ẩn ức. Ẩn ức trở thành quần áo, thành phép lịch sự, thành bằng cấp và huân chương.

Khi ẩn ức được coi như một tiêu chuẩn xã hội, kẻ mạnh mẽ sẽ bị tẩy chay, và kẻ yếu ớt bệnh hoạn được xem là gương mẫu. Vì vậy, những cộng đồng ca ngợi ẩn ức là những ổ bệnh, nơi kẻ yếu tụ lại để ngăn nhau khỏi bệnh, để trao đổi vi khuẩn, để chế nhạo những người chưa ốm và để truyền bệnh ra xung quanh. Ba căn bệnh mở đầu: ghen tị với kẻ mạnh, hèn nhát trước khó khăn, và giả dối để kết đàn. Vì những cộng đồng này coi ẩn ức là chuẩn mực, và tồn tại để lan tỏa chuẩn mực đó ra xung quanh, những thành viên của chúng phải được coi như nguồn bệnh để tiêu hủy hoặc cách ly, thay vì như những nạn nhân cần chạy chữa.

Đâu là sự khác nhau giữa kẻ giả vờ ẩn ức với người có ẩn ức thật? Có thể phân biệt hai loại người đó dựa trên những điểm sau:

_ Người có ẩn ức thật thật sự gặp vấn đề trong cuộc sống, còn kẻ giả vờ không sống đủ nhiều và đủ thật để gặp vấn đề.

_ Người có ẩn ức thật thường xấu hổ, lảng tránh hoặc che giấu ẩn ức của mình, trong khi kẻ đua đòi thường mang vỏ bọc ẩn ức ra để thể hiện, khoe mẽ.

_ Người có ẩn ức thật muốn tìm giải pháp để chấm dứt ẩn ức, xử lý vấn đề và đả thông tâm trí mình, trong khi kẻ đóng kịch thích kể lể ẩn ức để tỏ ra sâu sắc, vĩ đại hoặc đáng thương.

Có thể giúp người có ẩn ức thật vượt qua bằng cách hướng dẫn họ đối mặt cảm xúc và vấn đề của mình. Nhưng những kẻ giả vờ ẩn ức đều là bọn làm giả cảm xúc, vấn đề và suy nghĩ. Chỉ có một loại người chuyên làm giả cảm xúc: bọn vô cảm. Chỉ có một loại người chuyên giả vờ có nhiều suy nghĩ: bọn thiểu năng. Chỉ có một loại người chuyên giả vờ gặp vấn đề trong đời sống: những con zombie chưa sống bao giờ. Kẻ giả cảm xúc không đáng thương, kẻ giả suy nghĩ không đáng bận tâm, kẻ giả vờ sống không đáng sống.

III. ẨN ỨC DO NHỮNG “MÀNG LỌC THÔNG TIN”

Trong nhiều trường hợp, ẩn ức bắt nguồn từ việc tâm trí con người gặp lỗi khi xử lý thông tin. Lỗi này khiến ta mắc kẹt trong vấn đề và sa lầy trong cảm xúc.

Lỗi xử lý thông tin có thể có nhiều lý do. Nó có thể bắt nguồn từ việc bạn không có đủ năng lực để suy nghĩ. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể bắt nguồn từ việc quá trình xử lý thông tin của bạn bị chệch hướng do các “màng lọc thông tin”.

“Màng lọc thông tin” là gì? Có thể tạm hiểu chúng như những phần mềm sơ chế thông tin được cài vào tâm trí chúng ta trong quá trình sống. Mỗi lần thông tin đi qua các màng lọc này, chúng lại bị làm cho sai lệch đi theo lối cắt xén, bóp méo hoặc phóng đại… Càng bị lắp nhiều màng lọc thông tin, bạn xử lý thông tin càng thêm nhanh và bớt chính xác.

Màng lọc thông tin chủ yếu xuất phát từ ba nguồn:

_ Những kiến thức mà bạn hấp thu từ nền giáo dục. Điển hình của loại màng lọc này là trò “tư duy hệ thống” – một mốt thời thượng gần đây mới rộ lên. Về mặt bản chất, “tư duy hệ thống” chẳng là gì khác ngoài những hệ điều hành và phần mềm xử lý thông tin tự động mà bạn phải trả tiền cho nhà trường để được họ cài vào đầu. Khi đã được cài phần mềm, bạn chỉ cần nhập liệu, và phần mềm sẽ tự động vận hành để cho bạn đáp án.

Trong thực tế, rất nhiều ẩn ức của chúng ta khởi phát từ những hệ điều hành trí não tập thể như vậy. Chẳng hạn: các hệ thống tôn giáo, luân lí, chủ nghĩa chính trị, tiêu chuẩn xã hội và thước đo thành công. Những hệ điều hành này đều nguy hiểm ở chỗ thay vì giữ vai trò một công cụ để giúp con người xử lý thông tin, chúng lại kiểm soát hoàn toàn quá trình xử lý thông tin và ra quyết định của một cộng đồng người. Từ đó, một hệ thống máy móc được tạo ra để làm công cụ phục vụ con người sẽ biến con người thành máy móc vô tri để làm công cụ phục vụ cho hệ thống.

Muốn hạn chế tác hại của màng lọc thông tin này, bạn phải hội đủ hai điều kiện.

Một: hiểu rằng mọi hệ thống đều là máy móc, và công dụng của máy móc là sơ chế thông tin đầu vào của quá trình tư duy, chứ không phải là tư duy.

Hai: có khả năng thu thập và xử lý thông tin tốt hơn một cái máy. Nhờ đó bạn mới biết nghi ngờ cái máy đang sử dụng bạn. Và mới có đủ khả năng xử lý thông tin mà không cần hệ thống, hoặc dùng nhiều hệ thống cùng lúc để xử lý thông tin.

_ Những kinh nghiệm mà bạn đúc rút ra từ quá trình sống. Kinh nghiệm sống cung cấp những định kiến cá nhân có công dụng tăng tốc độ sàng lọc và sơ chế thông tin của bạn. Chớ vôi tưởng bạn là người tự tin. Khi bạn nghĩ thế, rất có thể bạn chỉ đang đặt niềm tin nơi những định kiến mà bạn thu thập được trong quá khứ, chứ không hề đặt niềm tin nơi chính bản thân mình. Nếu thật sự tin tưởng nơi ý chí của bản thân, sẽ có lúc bạn sẵn sàng vứt bỏ mọi kinh nghiệm từng có của mình, cùng những ẩn ức mà chúng góp phần tạo ra, để có can đảm chơi trò chơi theo một cách khác.

_ Những chấn thương tâm lý mà bạn từng gặp. Về bản chất, cái mà bạn có được từ chấn thương chỉ là nỗi sợ – một biểu hiện của sự thất bại và yếu đuối không hơn. Tuy nhiên, đa số những người bị chấn thương lại không chấp nhận sự yếu đuối của mình. Họ có khuynh hướng tự lừa bản thân rằng nỗi sợ đó cũng là một kinh nghiệm sống. Họ lầm to: về bản chất, kinh nghiệm được rút ra từ việc tổng hợp nhiều thông tin đã xử lý xong, trong khi đó, nỗi sợ chỉ là hậu quả của một đợt xử lý thông tin thất bại. Kinh nghiệm bao gồm thông tin về giải pháp để chiến thắng, trong khi đó nỗi sợ chỉ bao gồm lời cảnh báo thất bại thúc giục bạn đầu hàng hoặc rút lui. Khi bạn tưởng nỗi sợ của mình là một kinh nghiệm hữu dụng, bạn đã tôn một vấn đề tồn đọng lên thành giải pháp để xử lý vấn đề. Càng dùng một vấn đề cũ để xử lý những vấn đề mới phát sinh, bạn càng làm các vấn đề tích dồn, và từ đó ẩn ức xuất hiện.

Vậy khi đi qua những màng lọc thông tin kể trên, thông tin có thể bị làm cho sai lệch theo cách nào?

Có bảy cách chính:

_ Khiến bạn tự động bỏ qua một số thông tin, theo kiểu phủ nhận sạch trơn

_ Che mờ một số thông tin quan trọng, khiến bạn không chú ý đến

_ Kích thích bạn dồn mọi sự chú ý vào một số thông tin nhất định, và bỏ qua những mảng thông tin khác trong tổng thể bức tranh

_ Khiến bạn bị bẫy vào một kết luận soạn sẵn khi chưa đủ thông tin, hoặc khi thông tin chưa được kiểm chứng

_ Phóng đại một số thông tin

_ Cắt vụn thông tin thành nhiều mảnh nhỏ rời rạc, khiến bạn bị cuốn sâu vào những chi tiết vụn vặt thay vì nhìn thấy bức tranh toàn thể

_ Dắt tư duy của bạn đi theo một lộ trình định sẵn. Ở mỗi ngã ba, ngã tư hoặc khúc quanh của lộ trình đó, thông tin gốc lại một lần được xử lý, và vì thế một lần bị làm cho sai lệch đi. Nên nếu sơ đồ tư duy phức tạp như một mê cung, thì chỉ sau vài chặng, thông tin gốc mà bạn thu thập được sẽ bị bóp méo hoàn toàn. Trong khi đó, bạn vẫn tự tin vào kết luận của bản thân, chỉ vì tưởng rằng sẽ không sao nếu mình giữ trọn nguyên tắc logic trong mọi chặng nhỏ của lộ trình suy nghĩ.

Nhìn chung, “sơ đồ tư duy” càng loằng ngoằng, với nhiều ngã rẽ và khúc quanh, thì càng có nhiều cơ hội để các màng lọc thông tin nhảy vào can thiệp. Chính bởi vậy, mà mọi loại triết học truy tìm “chân lý” đều chỉ là những màn ảo thuật thông tin. Trong các cuộc trình diễn đó, các triết gia thi nhau vẽ bùa tư duy loằng ngoằng giun dế để lừa người và tự lừa mình. Nếu các nhà nước và cộng đồng độc giả bắt họ trình bày các lập luận của mình bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, nhiều câu đơn hơn và chú trọng bằng chứng hơn, số triết thuyết mà họ đẻ ra đã không nhiều đến thế và vô dụng đến thế. Hiếm có loại người nào bế tắc trong tầng tầng ẩn ức nhiều như đám triết gia, nhưng cũng hiếm có loại người nào được đám đông tôn làm thầy nhiều như họ. Triết học đã trở thành một bệnh viện tâm thần lớn, nơi những con bệnh nặng nhất được tôn làm bác sĩ trưởng khoa. Nhìn vai trò áp đảo của triết học trong đời sống tinh thần của con người hiện nay, bạn có thể thấy các màng lọc thông tin nguy hiểm thế nào, và khi phối hợp với nhau sẽ đạt được thành công lớn thế nào.

Các tôn giáo dựa trên niềm tin cung cấp cho chúng ta một gương thành công khác. Trong triết học, các màng lọc thông tin mới chỉ được tôn vinh như một công cụ tư duy ưu việt, cao đạo và thời thượng. Còn trong trường hợp tôn giáo, các màng lọc thậm chí không còn được coi là công cụ tư duy nữa, mà được đem thờ luôn làm kết luận sau chót kiêm mục đích và đối tượng phục vụ tối thượng của quá trình tư duy. Tư duy không còn cần thiết, vì màng lọc chính là câu trả lời. Tôn giáo dựa trên niềm tin: nơi con bệnh chạy trốn một ẩn ức cá nhân bằng cách nhốt mình trong một bể ẩn ức tập thể được hệ thống hóa và chính đáng hóa.

Có một điểm chung nơi tôn giáo và triết học. Đó là khi sa vào chúng, bạn sẽ sớm quên béng vấn đề thực tiễn từng khiến ẩn ức của mình nảy sinh. Dần dần, từng bước một, bạn sẽ có khuynh hướng coi những bài toán thực tiễn kia như vài viên sỏi ven đường, đầy phàm tục và nhỏ bé, còn triết học và tôn giáo mới là đích đến cao cả của đời mình. Tỉnh ngủ đi, không có giác ngộ hoặc giải thoát đâu, bạn chỉ đang trốn chạy vào mê cung tâm trí. Đừng nghĩ rằng kẻ phải chạy trốn vài viên sỏi ven đường có thể làm được những điều vĩ đại. Đừng nghĩ rằng một hành trình vĩ đại có thể khởi đầu từ sự hèn nhát của bọn mũ ni che tai. Lí thuyết và niềm tin chỉ là công cụ để con người giải quyết những vấn đề của họ, phải ngu lắm mới coi bài toán là nhỏ bé, phàm tục, còn công cụ là vĩ đại, thiêng liêng. Hoặc bạn tìm giải pháp cho vấn đề nhỏ bé của mình, hoặc não bạn sẽ bị nuốt chửng hoàn toàn trong khối ung thư ẩn ức.

Thiền Việt Nam sưu tầm

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status