Thầy Quý trình kiến giải ở TV Trúc Lâm

Thiền Viện Trúc lâm, một thắng cảnh mới của Thành phố Đà Lạt. Du khách về tham quan thành phố cao nguyên này mà không đến viếng công trình kiến trúc độc đáo trên có thể nói là một thiếu sót. 

Tọa lạc trên ngọn đồi có diện tích 21 mẫu, Thiền Viện dựa lưng vào núi Phụng Hoàng, bốn mùa bao phủ màu Thông xanh biếc. Bên phải là đồi Thanh Lương, bên trái là đồi Trà bạt ngàn xanh ngát. Giữa cảnh trí hữu tình ấy, Thiền Viện Trúc lâm nổi lên như một bông hoa tươi thắm. 

Thiền Viện được xây dựng từ năm 1975. Đến nay các công trình chính gần như đã được hoàn chỉnh. Lối kiến trúc của Thiền Viện là sự kết hợp hài hòa giữa hai thể kiến trúc Đông – Tây: vừa cổ kính, vừa tân kỳ. Công trình tạo tác này tuy không hoành tráng lắm nhưng rất công phu, sắc sảo. Mặt tiền của Thiền Viện được ghép bằng những khung gõ chạm khắc tinh tế, vô cùng hoa mỹ. Cột kèo làm toàn bằng gỗ quí, bóng loáng. Mái lương cấp uốn cong, lợp bằng ngói đỏ, vừa tráng lệ vừa uy nghi. Trần viện cũng được gắp bằng những ván sơn màu nâu bóng lộn. Trong cùng của nội viện là đức Phật tổ sơn son thếp vàng ngự trên một bệ thờ trạm trổ tinh vi… 

Bên phải thiền viện là ngôi nhà khách có một tầng gác, làm bằng gỗ rất trang nhã, bên trái là tham vấn đường. Trước đó một chút là lầu chuông, cũng mái lưỡng cấp, bên trong treo chiếc đại hồng chung có trọng lượng 1,1 tấn. 

Phía trước Thiền viện, dưới triền đồi, giáp với hồ Tuyền Lâm là cổng Tam quan rất uy nghi. 

Nằm ở triền đồi, giữa Thiền viện và cổng Tam quan là hồ Tĩnh tâm, có diện tích khoảng 200 m2. Nếu ở trên thiền viện nhìn xuống thì thấy hồ được xây thành hình chữ “Tâm” rất sắc nét. Ai cũng đánh giá là một công trình văn hóa độc đáo. 

Kết hợp với các công trình trên là những khuôn viên, những bồn hoa với đầy những hoa thơm cỏ lạ… Tất cả tạo thành một thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn du khác từ mọi miền đất nước hội tụ về đây. 

Vào một ngày cuối tháng, sau tết nguyên đán năm Bính Tý (1996), khoảng 2h30’ chiều. Lúc này, trong khuôn viên Thiền viện có khoảng hơn 300 du khách. Họ đến trên những chiếc xe đò từ khắp mọi miền của đất nước để tới đây. Hơn một nửa là khách du lịch, trẻ có, già có, họ đi thành từng gia đình. Cũng có một số nam nữ học sinh, sinh viên đi thành từng đoàn mươi mười lăm người, mang theo những bình nước đá và giỏ trái cây. Họ thả bộ đi xung quanh khuôn viên Chùa dành cho du khác, trong những vườn bông, hoặc lên xuống theo những bậc thang xi măng, dẫn thẳng từ đỉnh đồi xuống tới tận chân đồi, sát mặt hồ Tuyền Lâm. Tất cả bọn họ đều sạch sẽ, mặc những bộ quần áo mới nhất, đẹp đẽ nhất như đi dự lễ hội. 

Số còn lại là những Phật tử tới mong ước được gặp Hòa Thượng Viện trưởng, mong được Hòa Thượng chỉ dạy thêm trên con đường tu thiền. Ta rất dễ nhận ra họ qua chiếc áo tràng màu xanh xám, dài đến ngang đầu gối mà họ mang trên người. Họ trang nghiêm kính cẩn đi vô chánh điện lễ Phật, rồi qua phòng tri khách cũng có một có một số người đi tản bộ xung quanh Chùa.

Bỗng xuất hiện ở hông của Thiền viện, một người thanh niên. Chàng trai vừa xuất hiện lập tức thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Chẳng ai biết anh đến đây bằng cách nào. Trông anh độ chừng 30 tuổi. Nhìn anh, ta thấy ngay sự tương phản với toàn bộ cảnh vật và mọi người ở đây. Người thanh niên có vẻ như mới từ một cái hang hốc nào mới ra. Không ai ngờ rằng: chỉ vài tiếng trước đây, anh còn đang ở trong một căn nhà tương đối sang trọng của nội ô thành phố Hồ Chí Minh. Thân hình hơi dong dỏng, cao khoảng gần 1m70, nặng không hơn 50kg, tóc trùm kín chiếc cổ và hai tai, bù xù như một cái ổ quạ. Cổ và hai cánh tay trần của anh phơi ra dưới ánh nắng mặt trời, làm người ta thấy rõ những khoang đốm vằn vện của những cáu ghét do lâu ngày không tắm. Móng ở mười đầu ngón tay nhô ra đen sì, nham nhở. Chàng trai mang trên người chiếc áo thun cổ lọ màu vàng sẫm đầy bụi đường xa. Trước ngực có hàng chữ bằng tiếng Anh, thêu nổi màu trắng: “Model Sport”, dưới đó là hình thêu một người đàn ông mang bộ đồ trượt tuyết, dưới cùng là hàng chữ: “World confing to 2000” thêu bàng chữ màu xanh lá cây – chiếc áo phủ dài đến ngang đùi, che hết phần trên của chiếc quần Seelen màu xám nhạt bắt nhịp vào bản hòa tấu nói trên. Chân chàng mang một đôi dép lê mủ màu nâu, quai và đế rách tơi tả, gót mòn vẹt vì đã mang lâu ngày. Tay trái vắt ngược lên vai để giữ một chiếc Ba lô bàng vải Ximili màu xám nhạt sau lưng, loại Ba lô mới thịnh hành ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Chiếc Ba lô cũ kỹ và dúm dó, vải của nó đã bị ố ở nhiều chỗ vì ẩm mốc lâu ngày. Vì đường chỉ may dây đeo vào phần thân trên của Ba lô đã bị đứt vì mục nước, cho nên chàng phải quàng nó vắt ngang miệng Ba lô, dùng dây cột miệng ba lô để giữ chịu nó lại, và cuối cùng mới đóng nắp lên trên. Khi chàng cầm dây đeo ở hai bên nắp, thì do lực kéo của dây này, cái nắp bị co lại dúm dó theo chiều ngang. Đồ đạc trong đó không biết là thứ gì mà nó như bị nổi u lồi lõm không đều, làm cho hình thù chiếc ba lô càng trở nên kỳ dị. Mùi hôi từ thân chàng phát ra làm cho những người đứng gần đó từ từ lảng ra xa. Nhìn chàng lúc này giống như một kẻ bụi đời hay một gã lang thang, nếu chàng không đeo trên vai phải của mình một chiếc tay nải màu sẫm còn mới và một cặp mắt sáng ngời, hiền hòa nhìn mọi người. Bắt gặp cái nhìn của chàng, ta như gặp lại một người bạn thân thiết, mà lâu ngày mới tìm thấy.

Dừng chân trước cổng một chút, sau khi đã quan sát toàn bộ khuôn viên Thiền viện xong, chàng hướng thẳng về phía Chánh điện bước tới. Hạ gót chân xuống đất, lăn bàn chân từ gót đến đầu các ngón chân, nhấc bàn chân lên khỏi mặt đất, rồi lại hạ gót chân chạm đất v.v… Cứ thế, chàng thong thả kẻ một đường thẳng xuyên qua mấy bậc thang, tới giữa cửa chính của Chánh điện. 

Đức Quý – Đó là tên của chàng thanh niên, nhìn vào bên trong. Vẫn khung cảnh quen thuộc của Chánh điện các tông phái thiền. Chính giữa là bệ thờ, trên đó có đặt một pho tượng Phật Thích Ca lớn. Phía trước bức tượng là một lư hương, nhang cắm trên đó đang cháy nghi ngút. Phía bên phải của bàn thờ, nhìn từ ngoài vào, có một vị sư già, mảnh khảnh làm hương đăng. Ông đang cầm trên tay một bó nhang đã châm lửa, phân phát cho những người tiến đến bàn thờ Phật, mỗi người một cây. Dưới đất, phía trước bàn thờ, cách khoảng vài mét, có bốn, năm người, cả đàn ông lẫn đàn bà đang quì gối lễ Phật. Trong khi đó, có mấy người nữa đang tiến đến thầy hương đăng. 

Hạ ba lô từ trên vai xuống xách trên tay xong, Đức Quý men theo vách tường bên trái đến vị trí để đồ đạc của khách. Thả chiếc ba lô và tay nải vào đó, đưa tay vuốt sơ mái tóc, chỉnh lại quần áo xong, chàng từ từ tiến lại gần thầy hương đăng. Không gian lúc này như trầm xuống, không khí thật mát mẻ trong Chánh điện đã xua tan cái nóng nực bên ngoài tự bao giờ. Lúc này, trong Chánh điện chỉ còn lại có một mình Đức Quý. Nhận lấy cây nhang từ tay thầy hương đăng xong, chàng ra đứng trước tượng Phật. Cầm lấy cây nhang ở giữa, hai bàn tay chấp lại trước trán, chàng xá một cái. Sau đó tới cắm cây nhang vào lư hương, rồi chàng lui lại vài bước xuống phía sau và quì xuống. Đức Quý cúi lạy đồng thời với một tiếng chuông ngân nga vang lên. Chàng như hòa tan vào tiếng chuông đó… 10 phút đã trôi qua. Đức Quý đứng dậy sau khi đã lạy xong ba lần. Nét mệt mỏi sau một chuyến đi xa hầu như đã mất hẳn, khi chàng quay ra lấy đồ đạc, để sang phòng tri khách.

Nhẹ nhàng băng qua hàng hiên, Đức Quý dừng bước trước cửa chính của căn phòng khách, nó nhìn ra hồ Tuyền Lâm. Trong phòng đầy khách. Chàng ước lượng có khoảng 50 đến 60 người. Họ ngồi thành 3 nhóm. Thầy tri khách đang ngồi chung với nhóm đông nhất. Trông thầy trạch 50 tuổi, người tầm thước, mập mạp tốt tướng, nét mặt hiền hòa. Ông đang bày vẽ cho đoàn khách này cách xông đại vô gặp Hòa thượng, mà không xin phép. Ông dặn đi dặn lại là đừng nói do ông xúi bảo. 

Đức Quý chú ý đến một người cư sĩ cao và ốm, khoảng ngoài 50 tuổi. Trên đầu ông đội một cái mũ len xám nhạt. Ông đang lau bàn. Đức Quý từ từ đi vào bên trong phòng, sau khi đã thận trọng hạ chiếc ba lô và tay nải xuống cạnh cửa. Lách qua khe hở giữa hai hàng ghế, chàng tiến về phía người cư sĩ. Ông đang chăm chỉ lau những vết nước trên mặt bàn. Tay trái cầm chiếc bình bông màu trắng giơ lên. Tay mặt cầm khăn và lau bàn. Ông đã lau tới giữa chiếc bàn. Dừng lại bên trái cách ông khoảng nửa mét, Đức Quý quan sát người cư sĩ đang chăm chú làm việc. Cuối cùng công việc của người cư sĩ cũng kết thúc. Hạ chiếc bình bông vào đúng tâm điểm của mặt bàn xong, ông quay ra. Đúng lúc đó Đức Quý chắp hai tay vào nhau ở giữa ngực, lễ phép cúi đầu chào ông: 

– Chào chú! 

Nhẹ nhàng đưa một tay lên để trước ngực, người cư sĩ cúi đầu đáp lễ. 

– Xin chú cho con gặp Hòa thượng. – Đức Quý nói tiếp. 

– Chú muốn gặp Hòa thượng hả? 

– Dạ! 

– Chú có đi chung với đoàn này không? 

– Dạ thưa! Con đi một mình. 

– Vậy chú cứ nghỉ ở đây uống nước – Ông chỉ tay vô chiếc ghế cạnh đó, rồi nói tiếp: – chờ thầy tri khách tiếp đoàn đó xong, rồi chú ra xin phép với thầy cho gặp Hòa thượng. 

– Dạ!! – Đức Quý đáp. 

Nói rồi, người cư sĩ tiếp tục lau bàn. Còn Đức Quý, chàng trở ra cửa lấy ba lô, tay nải và đi tới ngồi vào chiếc ghế đã được chỉ định, tay nải để trên một chiếc ghế khác. Còn ba lô, chàng đặt dưới sàn nhà cạnh chiếc ghế. Ngồi một lúc, chàng định lấy khăn mặt ra, đi rửa mặt mũi, chân tay, thì đúng lúc đó thầy tri khách kết thúc cuộc nói chuyện của mình. Đoàn khách đi ra ngoài, để đến gặp Hòa thượng. Người cư sĩ chỉ tay vào Đức Quý, nói với thầy tri khách: 

– Có chú này muốn xin gặp Hòa thượng. 

Thầy tri khách quay về phía Đức Quý, chàng đứng dậy chắp hai tay cung kính cúi đầu chào. 

– Con muốn gặp Hòa thượng hả? – Ông hỏi. 

– Dạ! 

– Vậy con ngồi chờ đây một lát, đi chung với đoàn khách này nghe, họ cũng đang chuẩn bị gặp Hòa thượng – Vừa nói ông vừa chỉ tay về phía đoàn khách còn lại và nói tiếp – Hòa thượng không tiếp khách một mình. 

– Dạ! Đức Quý ngồi trở xuống.

Bỗng thầy tri khách đổi ý. Ông tiến tới gần Đức Quý, ngồi xuống chiếc ghế cùng bàn và đối diện với Đức Quý. 

– À! Con có muốn trình bày điều gì với Hòa thương, thì cứ trình bày trước với Thầy, nếu thầy thấy được sẽ cho con vô gặp Hòa thượng. 

Không nói gì, Đức Quý một tay thong thả nhấc bình nước trà lên, tay kia lật ngửa một cái ly thủy tinh nhỏ dùng để uống trà, đặt trên mặt bàn. Sau đó chàng dùng cả hai tay nghiêng bình nước. Một sợi nước màu vàng nhạt, trong veo, đường kính bằng khoảng cây đũa xuất hiện, nối liền đầu vòi của chiếc bình với cái ly. Còn khoảng phân nữa là đầy ly, sợi dây nước bỗng biến mất. Dùng hai bàn tay, nhẹ nhàng nâng ly trà lên, Đức Quý cung kính: 

– Mời thầy uống nước. 

– Con cứ để đó cho thầy – Thầy tri khách giơ tay mặt ra, ngăn ly nước Đức Quý đang chuyển tới. 

– Con trình bày đi – Ông nói tiếp. 

– Mời thầy uống hết ly nước này – Đức Quý nói. 

Ly nước lúc này đang nằm trên mặt bàn. Không thể từ chối, thầy tri khách cầm ly nước trên mặt bàn lên uống sạch. Sau khi bỏ chiếc ly không xuống bàn, ông lại nói: 

– Thầy đã uống nước rồi, bây giờ con trình bày đi! 

– Con mới trình bày – Đức Quý trả lời. 

– Mời cậu đi về – Giọng thầy tri khách bỗng trở nên gay gắt. 

– Ở đây chúng tôi còn đang tu, không dám tiếp những người nhảy vọt – vừa nói ông vừa đứng dậy. 

Đức Quý vẫn bình tĩnh: 

– Thầy nói vậy đâu có được! 

– Thôi cậu về đi, ở đây chúng tôi không dùng ngôn vô ngôn – Thầy tri khách đi qua nơi khác. 

– Sao thầy biết ngôn vô ngôn – Đức Quý hỏi, nhưng ông không trả lời. 

Đức Quý vẫn ngồi yên, việc bị đuổi không làm chàng bối rối. Một lúc sau, chàng cúi xuống mở ba lô, lấy ra một chiếc khăn mặt, rồi cột miệng ba lô trở lại như cũ. Sự bình tĩnh và hành động của Đức Quý làm cho thầy tri khách chú ý. 

– Con ở đâu đến đây? – Ông hỏi khi Đức Quý cầm khăn mặt đứng dậy đi ra ngoài. Giọng ông đã dịu lại. 

– Dạ, con ở thành phố – Chàng trả lời và đến ngồi vào chiếc ghế cạnh thầy tri khách. 

– Con đi theo đoàn nào? 

– Dạ, con đi một mình. 

– Thôi con về đi, những người như con, Hòa thượng không tiếp đâu. Nói xong, ông đi dậy và bỏ đi nơi khác.

Đức Quý cũng đứng dậy, nhưng chàng không đi theo thầy mà bỏ ra ngoài, đi rửa mặt mũi chân tay. Trong lúc đó, người cư sĩ tiến tới: 

– Sao chú lại làm cho thầy giận vậy? – Ông hỏi. 

– Không sao đâu chú. – Chàng đáp. 

Người cư sĩ đi vòng ra đằng sau. Sau khi làm vệ sinh xong, chàng thong thả bước vô phòng khách và trở về chỗ cũ. Cúi xuống mở miệng chiếc ba lô, chàng lấy ra một cái quần, và một cái áo tràng màu xanh xám nhạt, còn mới nguyên, đặt chúng lên chiếc ghế bên cạnh. Rồi chàng cẩn thận thắt miệng chiếc ba lô, đóng nắp lại và cuối cùng, lấy chiếc khăn mặt đã được vắt khô nước, choàng qua dây đeo chiếc ba lô và buộc thắt nút lại. Chàng đứng dậy, cầm lấy chiếc quần, và nhanh nhẹn mặc vào người, trùm lên chiếc quần tây. 

– Không được mặc đồ ở đây – Thầy tri khách gắt lên, nãy giờ ông đang chăm chú quan sát những hành động của Đức Quý. 

– Thưa thầy! Tại sao ạ? Đức Quý hỏi lại. 

– Đây là phòng khách, không phải nơi mặc đồ, muốn mặc đồ phải ra nhà tắm ấy. 

– Vậy thì con xin lỗi, tại con không biết – Đức Quý nói tiếp – Thưa thầy, nhà tắm ở đâu ạ? 

– Bên đây này! Ông chỉ tay về phía nhà tắm. 

Đức Quý quay người lại, chàng lấy chiếc áo đang đặt lên chiếc ghế và đi ra ngoài. Chưa ra tới cửa, chàng đã bị thầy tri khách chận lại. 

– Cậu đi đâu đó? 

– Thưa thầy! Con đi mặc áo. – Đức Quý dùng hai tay đưa chiếc áo lên cho thầy tri khách coi. 

– Không được mặc! – Ông nói vẻ dứt khoát. 

– Thưa thầy! Mặc áo có lỗi gì? – Đức Quý hỏi vặn lại. 

– Không có lỗi, nhưng ở đây không chứa chấp cậu. 

– Thầy yên tâm, con không có ý định ngủ đêm tại đây đâu! – Đức Quý đáp. 

Thầy tri khách đành phải tránh qua một bên để cho Đức Quý đi ra.

Một lúc sau, Đức Quý quay trở vào, trông chàng lúc này đã khác hẳn. Đầu tóc được chải bóng mượt, chiếc áo trông còn mới phủ choàng lên người, cùng với chiếc quần, che giấu hết sự mệt mỏi trước đây. Đức Quý ung dung tiến thẳng qua bên kia căn phòng, lựa một vị trí thích hợp, dựa lưng vô tường, mặt quay ra nhìn bao quát cả căn phòng. Chàng từ từ ngồi xuống, lưng dựa thẳng, hai tay để vòng trên mặt bàn, bàn tay đan vào nhau. Mắt chàng nhìn thẳng như xuyên thủng bức tường đối diện. 

Chờ mãi không thấy chàng có hành động gì thêm, thầy tri khách lên tiếng. 

– Cậu đi về đi, Hòa thượng không tiếp cậu đâu. 

– Thưa thầy! mấy giờ du khách mới rời chùa ạ? – Đức Quý hỏi: 

– 6 giờ! 

– Vậy 6 giờ con sẽ về. – Chàng kết luận. 

Thầy tri khách đến ngồi vào chiếc ghế đối mặt với Đức Quý, lưng dựa vào vách tường bên kia căn phòng. Du khách lúc này đã ra ngoài hết. 

– Bây giờ, tôi yêu cầu cậu ra khỏi căn phòng này. 

– Con không ra! vừa nói xong Đức Quý mỉm cười với thầy tri khách. 

Câu trả lời này làm thầy tri khách bất ngờ, ông rót một ly nước đưa lên miệng uống. 

– Tôi yêu cầu cậu ra khỏi đây ngay! Ông gằn giọng.. 

– Con không ra! 

– Lấy tư cách chủ nhà, tôi mời cậu đi ra khỏi căn phòng này. – Thầy tri khách lớn tiếng. 

– Con không không ra! 

– Tôi không giỡn với cậu à nghe! 

– Dạ thưa! Con không giỡn. 

Cảm thấy Đức Quý đi hơi xa, ông dọa: 

– Nếu cậu không nghe, tôi sẽ mời công an đưa cậu ra. Cậu có ra hay không? 

– Thầy cứ việc mời công an đi, nếu công an đến, thì bắt buộc là con phải ra rồi – Đức Quý tiếp lời. 

– Chú Thiện Huệ, nhờ chú đi gọi bảo vệ tới đây cho tôi. – Không thể nhịn được, thầy tri khách quay qua nói với người cư sĩ, đang theo dõi cuộc đối thoại nãy giờ. 

Sau đó, một người bảo vệ, tay mang băng đỏ đi tới, gặp thầy tri khách. Trong khi thầy tri khách đang trình bày với người bảo vệ, Đức Quý bỗng xen ngang: 

– Con thử xem mức độ từ bi của thầy đến cỡ nào? 

– Trời! lại còn nói thế nữa! – Thầy tri khách la hoảng. Rồi ông chợt đổi thái độ. 

– Nếu cậu nói như vậy, thì tôi sẽ đắp y, đảnh lễ cậu, cậu có chịu ra không? 

Thấy Đức Quý không trả lời, thầy tri khách nói tiếp: 

– Không trả lời, tức là cậu đồng ý tiếp nhận sự đảnh lễ của tôi phải không? Vậy thì được. 

Nói xong, ông đứng dậy lấy áo càsa ra mặc. Trong khi đó, Đức Quý ra quỳ xuống nền nhà ở khoảng trống căn phòng. Hai tay chàng chắp lại trước ngực, đầu cúi xuống, mắt nhìn vào một điểm trên nền nhà, cách đó khoảng 6 tấc, chờ đợi. 

– Sao? Có thay đổi ý kiến không? – Thầy tri khách hỏi lại sau khi ông đã y phục chỉnh tề. 

– Không hả? Thôi được! 

Nói xong, ông tiến tới đứng đối diện trước mặt Đức Quý, cách khoảng 1,5 m và quỳ xuống, chắp tay trước ngực miệng niệm: 

– Nam  mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni… 

Đức Quý cúi đầu hành lễ bái thầy tri khách, khi ông còn chưa dứt câu. Chàng thong thả cúi mình xuống, trán tì lên mặt sàn nhà, hai bàn tay để lên hai mang tai úp xuống sàn nhà. Chàng ngừng lại một lúc ở tư thế đo, lắng nghe nhịp đập của mạch máu ở hai bên thái dương. Sau đó chàng nhẹ nhàng nhấc đầu lên khỏi mặt đất, dựng thân người thẳng lại, hai bàn tay đưa lên úp sát vào nhau ở trước ngực, trở về tư thế quì như ban đầu, xong lạy thứ nhất giữ yên một lát, rồi lại quì xuống… lạy thứ hai… lạy thứ ba. Lạy xong ba lạy, Đức Quý trở về tư thế quì ban đầu, giữ yên một lát. Chàng lắng nghe những cảm giác đang biến chuyển vi tế trong cơ thể mình – Đó là những thao tác đã trở nên quen thuộc đối với Đức Quý, khi chàng lễ bái trước tượng Phật. Trong khi hành lễ, chàng không còn biết trời đất gì nữa. Khi quay trở về với thực tại, thì thầy tri khách đã đứng dậy từ lúc nào, áo càsa đã được cởi ra. Người bảo vệ đã biến mất. 

– Rồi, thầy đã đảnh lễ con xong rồi! con đã mãn nguyện rồi chứ! – Ông hỏi tiếp – Bây giờ thì con đã có thể ra về được chưa?

Không trả lời ngay, Đức Quý từ từ đứng dậy và trở về chỗ cũ, ngồi xuống. Sau khi đã yên vị xong xuôi, chàng mới nói: 

– Con chưa về – và chàng mỉm cười. 

– Vậy làm sao con mới chịu về? – Thầy tri khách gạn hỏi. 

– Thầy cứ cho con gặp Hòa thượng, gặp xong con sẽ về. 

– Điều này thì không được. 

– Nếu vậy thì con không về – Đức Quý trả lời dứt khoát. 

Không gian trở nên im lặng. Nhìn về phía tay mặt, nơi cửa chính của căn phòng, Đức Quý thấy ở đó tụ tập một đám đông du khách đứng ngấp nghé nhìn vào trong phòng. Nhìn qua cửa phụ, gần như đối diện với chàng, hơi chếch một chút sang bên trái. Ở đấy không có ai cả. Ở chiếc bàn cạnh cửa, phía bên tay mặt, nhìn từ trong ra, đối diện với chàng, thầy tri khách đang ngồi. Ngồi cùng bàn phía bên trái ông, gần sát ngang mép cửa, là người cư sĩ. Lúc này, ở trong phòng còn xuất hiện thêm một vị tu sĩ nữa. Ông cũng trạc ngoài 50 tuổi, hình tướng cũng tương tự thầy tri khách, nhưng vẻ mặt thì cau có hơn, có lẽ là thầy phụ tá. Ông đang ngồi ở một chiếc bàn gần cửa chính, lưng quay ra ngoài. Ba chiếc bàn tạo thành các đỉnh của một tam giác cân, mà cạnh đáy là đường thẳng nối liền bàn của Đức Quý và bàn của thầy tri khách.

Ở cửa phụ, bỗng xuất hiện một chị phụ nữ, trạc 40 tuổi, ngó đầu vào hỏi: 

– Có chuyện gì vậy? 

– Tôi bị thần kinh chị ơi! – Đức Quý trả lời. 

– Thần kinh hả – Chị ta trợn tròn mắt hỏi lại rồi biến mất. 

– Con bị bệnh thần kinh hả? – Phía bên kia thầy tri khách lên tiếng. 

– Dạ con bị bệnh thần kinh. 

– Con có đi khám không? – Ông có vẻ quan tâm. 

– Dạ có! 

– Con khám ở đâu? 

– Dạ ở bệnh viện.. 

– Có giấy không? 

– Dạ có! 

– Con có mang theo đây không? 

– Con để ở nhà rồi. 

– Con khám ở bệnh viện nào? 

– Thưa thầy, con quên rồi. 

– Thôi con về đi, ở đây các thầy không chữa bệnh thần kinh đâu. 

– Nhưng bệnh của con, chỉ ở đây mới chữa được. 

– Tại sao vậy? 

– Tại bệnh của con, là do đọc sách của Hòa thượng mà ra, nên chỉ có một mình Hòa thượng mới hóa giải được nó mà thôi. 

Thầy tri khách không nói tiếp. Ngừng một lúc ông lại hỏi: 

– Con có biết, để cho thầy đảnh lễ con là có tội không? 

– Dạ con biết 

– Đã biết sao còn làm? 

– Dạ, tội của con nhiều quá rồi, nếu có thêm một chút cũng không sao! Như có một tấn mà thêm 100gr thì nhằm nhò gì – Đức Quý cười.. 

– Nói vậy, thì còn nói gì được nữa – Thầy tri khách kết luận.

Căn phòng lại trở nên im lặng. Đức Quý nhìn vào ly nước ở trên bàn. Thầy tri khách lại rót nước uống liên tục. Cuối cùng ông phá vỡ sự im lặng: 

– Thôi con về đi, ở đây các thầy còn đang tu, không đủ trình độ tiếp con được đâu. 

– Nếu Hòa thượng còn đang tu, thì sao không lo tu đi, lại thuyết pháp, viết sách để làm gì? – Đức Quý vặn lại. 

– Cậu bị tăng thượng mạn rồi, cậu có biết không? 

– Dạ con biết, nhưng mà do Hòa thượng gây ra. 

– Những loại người tăng thượng mạn như cậu, Hòa thượng đều đuổi về hết, không tiếp đâu. 

– Nếu vậy thì tội của Hòa thượng lớn lắm, chắc phải sa vào địa ngục chứ chẳng chơi. 

– Tại sao vậy? 

– Vì những người đó và con, do nghe thuyết pháp, và đọc sách của Hòa thượng mà bị rơi vào ngã mạn. Hòa thượng lại đuổi về, không chịu cứu họ và con. Có khác gì đem con bỏ chợ. Thành ra tội của Hòa thượng năng hơn họ nhiều lắm, chắc chắn phải sa vào địa ngục. 

– Họ đọc sách, nghe pháp rồi bị bệnh, mắc mớ gì đến Hòa thượng. 

– Tại Hòa thượng tạo nhân duyên cho họ bị bệnh. 

– Nếu nói vậy, Phật tổ thuyết kinh, luận cũng bị sa vào địa ngục sao? 

– Không! 

– Tại sao vậy? 

– Vì họ không từ chối gặp người bệnh như Hòa thượng. 

– Thôi, tôi không cãi lý với cậu. – Thầy tri khách đuối lý – Cậu về đi!

Ông lại rót nước uống. Đức Quý nhìn qua người cư sĩ. Ông ngồi thẳng lưng, đôi mắt nhắm nghiền, hai tay để thõng xuống nắm vào nhau. Không biết ông ta đang nghĩ gì? – Đức Quý thoáng nhanh một ý nghĩ. 

– Ở đây chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp lắm, nhưng trường hợp như cậu, tôi gặp đây là lần đầu tiên. Thầy tri khách cắt ngang suy nghĩ của Đức Quý. 

– Con ngang bướng lắm phải không thầy? 

– Cứ trông mái tóc của cậu là đủ biết rồi. 

– Ở nhà con quậy dữ lắm – Nói xong Đức Quý mỉm cười. 

Một lúc sau, ông lại nói, giọng phân vân do dự. 

– Nếu cậu chưa Ngộ, thì tội của cậu nặng lắm, còn nếu cậu đã Ngộ rồi, thì tôi không có tội, tại tôi không biết – Ông như trả giá với Đức Quý. 

– Thầy cứ yên tâm, con chưa ngộ đâu! – Đức Quý hồn nhiên đáp lại. 

Tình thế trong căn phòng lúc này, hoàn toàn do cậu làm chủ.

Một đoàn Phật tử đi vào, họ xin phép được gặp Hòa thượng. Thầy tri khách quay sang nói với thầy phụ tá: 

– Thầy lên gặp Hòa thượng, xin phép cho đoàn này được gặp nghe. Nhân tiện thầy trình bày luôn với Hòa thượng trường hợp của chú này giùm tôi nghe, để Hòa thượng giải quyết. Tôi giải quyết không nổi. 

– Dạ! – Thầy phụ tá đáp xong liền đi ra ngoài. Thầy tri khách chuyển sang nói chuyện với đoàn khách mới tới. Ông dạy dỗ họ điều này, điều kia. Còn Đức Quý? Chàng trở lại trạng thái im lặng. Bên kia người cư sĩ đi châm trà, phục vụ khách và lau bàn. 

15 phút đã trôi qua, Thầy phụ tá trở về: 

– Hòa thượng cho mời đoàn lên gặp – Rồi ông quay sang Đức Quý – còn chú này, Hòa thượng mắc bận, phải đi qua thất dạy học, nên không rảnh để gặp đâu! 

– Đó, cậu nghe rõ rồi chứ! – Thầy tri khách nói tiếp lời – Hòa thượng không rảnh để tiếp cậu đâu, thôi về đi! 

Nói rồi, hai ông dẫn đoàn khách đi gặp Hòa thượng..

Căn phòng chỉ còn lại có hai người. Đức Quý vẫn đang ngồi đó, im lặng. Người cư sĩ đã lau bàn. Làm việc xong, ông lấy ra một cây viết và một tờ giấy nhỏ: 

– Chú cho tôi xin cái địa chỉ nghe – Ông nói khi đưa chúng cho Đức Quý. 

Cầm lấy giấy, viết, Đức Quý biên địa chỉ mình vào đó. Trong khi đó, người cư sĩ châm trà cho chàng. 

– Vừa rồi chú làm rất hay – Ông khen, rồi đưa một tay lên trước ngực chào. 

Đức Quý mỉm cười, trao trả lại giấy, viết cho người cư sĩ. 

– Đúng như vậy đó! – Ông gấp tờ giấy và cất nó cùng cây viết vào trong túi áo. 

– Cũng chưa đúng đâu thầy ạ! – Đức Quý trả lời 

– Tôi cũng là cư sĩ thôi. – Vừa nói ông vừa lật cái mũ trên đầu để lộ tóc ra cho chàng thấy. 

– Ở Thiền viện này, chỉ có một mình tôi là cư sĩ – Nói xong ông đi lau bàn tiếp. Nhẹ nhàng đưa tách trà lên miệng, Đức Quý nhấp một ngụm. Đức Quý vừa uống xong chung trà, thì thầy tri khách quay trở vào. Hình như đã có chủ ý, giọng nói của ông trở nên tự tin, thoải mái hơn. 

– Nào, bây giờ cậu đã chịu về chưa? 

– Thưa thầy, bây giờ là mấy giờ rồi ạ? – Đức Quý hỏi lại 

Người cư sĩ nhìn lên đồng hồ. 

– Bốn giờ rưỡi! – Thầy tri khách trả lời. 

– Vậy còn một tiếng rưỡi nữa, thưa thầy! – Đức Quý cười đáp. 

– À! Còn một tiếng rưỡi nữa à, một tiếng rưỡi nữa, thì tính theo một tiếng rưỡi. – Nói xong ông đi ra.

Chắc người cư sĩ cảm thấy có điều khác lạ. Ông bước chân theo thầy tri khách. Lúc này chỉ còn lại một mình Đức Quý. Chàng tiếp tục uống trà. Người cư sĩ trở lại, trên tay cầm chiếc khăn lau, ông tiến đến lau bàn Đức Quý đang ngồi và nói: 

– Lần này chắc họ gọi công an thật – Ông nói khẽ. 

– Kệ! Cứ để cho họ gọi công an. – Đức Quý đáp. 

Ông nhanh nhẹn bước qua bàn khác, khi thấy bóng thầy tri khách ngoài xa. Lần này trở về phòng có đủ hai thầy, cùng với đoàn khách ban nãy. Sau khi đã vào chỗ ngồi, thầy tri khách lên tiếng: 

– Sao? Có chịu ra không? 

– Con chưa ra! 

– Cậu có biết, nếu nãy giờ ở nhà người ta, thì thế nào rồi không? 

– Dạ, con biết! Nếu ở nhà người ta, thì con bị ăn gậy lâu rồi. Nhưng ở đây là ở Chùa. – Chàng đáp. 

– Thôi xin con tha cho thầy, để cho mấy thầy còn tu, đừng giỡn với mấy thầy nữa, tội nghiệp mấy thầy mà! – Thầy phụ tá nãy giờ im lặng, nay lên tiếng. 

– Bây giờ tôi nói chuyện tình nghĩa với cậu, cậu có ra không? – Thầy tri khách lại nói. 

– Con vẫn không ra! – Vẫn câu trả lời đó. 

– Vậy tôi nói chuyện đạo lý với cậu, cậu có ra không? 

– Nếu thầy nói hợp lý thì con sẽ ra, nếu không hợp lý thì con không ra. 

– Nếu cậu không ra, tôi gọi công an tới đừng có trách nhé! 

– Thầy cứ gọi đi, con không trách đâu! 

– Tôi hỏi lại lần chót: cậu có chịu ra hay không? – Ông cố vớt vát lần cuối cùng. 

– Con không ra. 

– Được rồi, vậy tùy ý cậu! – Ông kết thúc. 

Nói xong ông ra hiệu cho thầy phụ tá. Ông này đi ra ngoài.

Một lúc sau, một người bảo vệ đi tới – lần này là người khác. Anh ta nhanh nhẹn tiến về phía Đức Quý, sau khi nghe thầy tri khách nói vài câu ngắn gọn. Khi còn cách khoảng 1 mét, Đức Quý đứng dậy: 

– Anh yên tâm, tôi sẽ đi theo anh – Chàng nói. 

Người bảo vệ cầm lấy cánh tay trái của Đức Quý, kéo về mình nói: 

– Anh ra ngoài này, tôi nói nghe này! 

– Anh cứ bình tĩnh. – Đức Quý nói lại. 

Nhưng người bảo vệ vẫn kéo tay Đức Quý, lôi chàng ra ngoài. 

– Anh chờ một chút, để tôi lấy tay nải đã. 

Đức Quý chỉ tay về phía cái tay nải để trên một chiếc ghế. 

Người bảo vệ buông tay ra, nhưng anh lại tiếp tục lôi kéo Đức Quý, sau khi chàng đã khoác chiếc tay nải vào người. 

– Khoan đã! – Đức Quý lại nói. 

– Gì nữa đây? – Người bảo vệ hỏi. 

– Còn cái ba lô. – Đức Quý chỉ tay về phía chiếc ba lô, bị mọi người bỏ quên nãy giờ. 

Nó đang nằm trên sàn nhà, cạnh một góc bàn. 

– Còn chiếc ba lô. – Thầy tri khách chỉ tay về phía chiếc ba lô, đế theo. 

Đức Quý ung dung bước, xách chiếc ba lô lên, sau khi tay được tự do. Đa chiếc ba lô đến trước người bảo vệ. 

– Nhờ anh cầm giùm tôi. – Chàng nói với người bảo vệ. 

Trao chiếc ba lô qua tay người bảo vệ xong. Đức Quý bước tới mặt thầy tri khách, cháp hai tay trước mặt và cúi đầu chào. 

– Chào thầy, con về! – Chàng nói. 

– Ừ, con về đi! – Ông nói – Con về nhớ lo tu đi nghe, theo thầy, không phải con bị bệnh thần kinh đâu, mà là hơi ngông thôi. 

– Dạ! – Đức Quý đáp. 

– Phật tử là phải cung kính, thầy nói gì, thì Phật tử phải nghe nấy, chứ sao thầy nói một câu, đáp trả một câu như vậy… 

– Dạ, con cám ơn thầy! – Đức Quý đáp sau khi thầy tri khách đã thuyết xong bài giảng của mình. 

– Thôi bây giờ con về đi, nhớ nghe lời thầy thầy dạy nghe! – Thầy tri khách kết thúc.

Nhận lấy chiếc ba lô xong, Đức Quý đi cùng người bảo vệ ra ngoài. Đi một đoạn, Đức Quý hỏi: 

– Anh cho hỏi, gần đây có chỗ nào nghỉ trọ không? 

– Không! Anh phải trở vào thành phố mới có. 

– Không biết giá thuê phòng có cao không? 

– Chỗ rẻ khoảng 20.000 đ một ngày, để chút nữa tôi giới thiệu cho anh một người chạy xe thồ. Anh ấy sẽ đưa anh tới thẳng nhà trọ. Mấy thầy, cô cũng hay thấy ở đó. 

– Cám ơn anh, vậy nhờ anh giúp dùm cho. 

Ra tới cổng, theo bậc xi măng, họ đi xuống dưới, tới bãi đậu xe của du khách. Ở đầu bãi xe là phòng bảo vệ. Trước cửa phòng có hai chiếc ghế, ngồi trên chiếc ghế là người bảo vệ đã vô lần đầu tiên. Thấy hai người đi tới, anh ta hỏi người bảo vệ đi cùng với Đức Quý: 

– Làm sao mà anh đem được ông ta ra vậy? 

– Không sao đâu! – Đức Quý xen vào – Tôi chỉ giỡn với mấy thầy một chút thôi mà. 

– Lần sau đừng làm vậy nữa nghe. 

– Anh yên tâm, không có lần thứ hai đâu. 

Người bảo vệ cùng đi với Đức Quý lên tiếng: 

– Anh ra ngồi kia uống nước, chút nữa có xe, tôi sẽ báo cho anh hay. – Vừa nói, anh vừa chỉ tay về phía quán nước ở rìa bãi xe, mặt quay ra hồ Tuyền Lâm. 

– Dạ! – Đức Quý đáp lời, nói xong chàng đi tới đó. 

Lựa một chiếc bàn ngồi xuống và kê nước uống. Vừa uống nước, Đức Quý vừa ngắm cảnh chiều hoàng hôn trên hồ Tuyền Lâm. 

Đang say sưa ngắm cảnh, Đức Quý bỗng giật mình vì một bàn tay vỗ trên vai. 

– Có xe rồi kìa. – Người bảo vệ tới bên chàng từ lúc nào. 

Thanh toán tiền nước xong, theo sự dẫn dắt của người bảo vệ, chàng tới gặp một người lái xe thồ (Honda ôm), và lên xe sau khi đã thỏa thuận xong giá cả. Chiếc xe từ từ thả dốc, đưa chàng rời xa Thiền Viện Trúc lâm.

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status