Giới thiệu danh sách bài hồi ký tu tập
- Nhìn lại về đuờng Tu (Phần 1) – Bước Đầu Tìm Hiểu, Bước Đầu Ngộ – LBK
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 2) – Hồi ký tu tập – CDT
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 3) -Quá Trình TU Học – Cô Tám
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 4) – Quá trình tu học – Phương
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 5) – Hồi ký tu hành – Chị Quy
- Nhìn lại về đường Tu (Phần 6) – Quá trình nhận thức – LHL
Ghi chép của LHL
Hồi còn nhỏ, tôi thường tha thẩn chơi một mình và thường suy nghĩ về cuộc sống, không hiểu mình sinh ra để làm gì? Nhiều lúc có cảm giác rằng mình như là một tế bào trong cơ thể của một người khổng lồ nào đó bao trùm cả vũ trụ. Nhiều đêm, tôi nhìn lên bầu trời ngắm các vì sao và hình dung về chúng, không biết bên ngoài khoảng không gian vô tận kia liệu có giới hạn không và ngoài giới hạn đó là gì? Trước khi sinh thì không biết mình như thế nào, sau khi chết thì mình như thế nào, có phải chết là hết không… ? Có nhiều lúc, tôi cảm thấy cuộc sống thật vô vị, con người ta sinh ra rồi chết đi, vậy thì sống để làm gì, thà chết quách luôn đi cho xong hay là mình tự tử cho đỡ khổ… Một lần trời mưa to, tôi đứng nhìn ra ngoài trời mưa, thầm ước trí tuệ mở mang để hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống.
Từ năm học lớp năm trở đi, sau khi chuyển đến trường khác, tôi bắt đầu tự ý thức cố gắng học tập để mở rộng tầm hiểu biết nên lao đầu vào học. Năm lớp bảy, lớp tám đã bao quát được những điều mình đã và đang học. Nhất là vật lý học đã đưa lại cái nhìn sâu sắc hơn vào các quy luật trong cuộc sống. Vào PTTH, học hành lẹt đẹt do mải mê sưu tầm những tài liệu liên quan đến những điều kỳ lạ xảy ra trong cuộc sống, vũ trụ và con người.
Vào năm 19 tuổi, tôi đọc một cuốn sách có tựa đề “Yoga, Quyền năng và Giải thoát” của Tinh Tiến. Đây là phương pháp tập luyện để giúp có sức khoẻ và đi đến giải thoát, cái mà tôi đang cần. Vào hôm sinh nhật lần thứ 19, tôi nảy ra ý nghĩ là mình cố gắng tinh tấn tập yoga và thiền để tới năm 28 tuổi phải có một bước chuyển biến và xác định được đường đời một cách rõ ràng vì bấy giờ tôi vẫn như một con thuyền lênh đênh trên đại dương cuộc sống mà chẳng biết đi về đâu! Từ đấy, bắt đầu tập yoga và thiền (thiền yoga – quán hơi thở).
Trong thời gian vừa làm bảo vệ ở một vườn cảnh vừa đi học CĐ, xảy ra một sự kiện: Do bảo vệ ban đêm nên bị nhiễm lạnh, dịch tràn màng phổi, thời gian đó thân thể chỉ còn là bộ xương di động, cái chết gần kề. Tôi phải bỏ học, bỏ làm vài tháng để chữa bệnh. Sau đợt “ngàn cân treo sợi tóc” đấy, lao đầu vào nghiên cứu Y học… nghiên cứu sâu hơn về con người và đi sâu dần vào thực hành Thiền quán hơi thở của yoga – Minh sát tuệ và bắt đầu để ý quan sát các hành động của thân thể (Tứ niệm xứ – quán thân trên thân).
Sau đợt này, tôi quen Hải, một người bạn cũng thích thiền. Chúng tôi thường gặp nhau để trao đổi về thiền. Một hôm, Hải đưa cho mượn bộ “Thiền luận”, mà trước đó tôi thấy bán bộ sách này ở một hiệu sách, nhưng không mua được. Có lẽ đây là lần đầu tiên được làm quen với Thiền tông. Khi đó, đọc các công án thiền tôi không hiểu nhưng cảm thấy rất tò mò về Thiền tông.
Một lần, đọc trong cuốn “Phương pháp phòng và chữa bệnh theo phương pháp Thực dưỡng”, thấy có địa chỉ quán cơm chay “Tao ngộ” , tôi cùng Hải đi tìm quán cơm chay ấy và được làm quen với nhiều người bạn ở đó.
Một thời gian sau, đọc sách “Giáp mặt cuộc đời” của Kristnamurti, rồi đọc đến “Nhịp đập Tuyệt đối” và nhiều sách khác của Ohso. Nhờ đọc những sách này, tôi hiểu sâu hơn về Thiền và dần dần theo thời gian bắt đầu thực hành Thiền ở mức sâu hơn là ngoài quan sát hơi thở, hành động, còn quan sát thêm ý nghĩ, tâm trạng (Tứ niệm xứ – quán thọ trên thọ).
Sau khi học xong CĐ, thi tiếp lên ĐH và học được một năm thì tôi cảm thấy chán học, thấy việc học hành thi cử thật vô nghĩa nên bỏ học vào Nam đi làm. Ở trong Nam, tôi sống ở nhà người quen, trong lúc đứa em tôi ở chung với người quen thì nó thấy bị gò bó, còn tôi vẫn thấy thoải mái trong sự gò bó đó. Làm việc trong này được một năm, tôi bắt đầu chán vì thấy cuộc sống thật vô nghĩa, cứ đi làm rồi lại về nhà như là một người máy. Sau đợt tết về thăm nhà, tôi trở lại Nam, sự chán chường đó ngày càng gia tăng đến mức trong người cảm thấy dường như là có một ngọn núi lửa… nên đã quyết định bỏ làm. Nhân ngày Lao động quốc tế 1/5/1999, tôi bỏ về Hà Nội nhưng chưa về nhà ngay mà qua bên quán bà Lý và hôm sau cùng hội anh Châu vào trong Cốc, một thung lũng nằm sâu trong Chùa Hương. Hội anh Châu ở đó 2-3 ngày rồi về, còn tôi ở lại ba tuần sau đó.
Thảo luận về vấn đề nhận biết
Một lần vào năm 2000, chị Trâm rủ tôi đến nhà cô ánh để nghe một người nói chuyện về thiền. Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh A. Lần ấy, anh A thảo luận về vấn đề nhận biết. Anh giơ vật gì đó lên và hỏi là mọi người có thấy gì không, mọi người nói “có”. Anh A cất vật đó đi và hỏi lại mọi người có thấy gì không thì mọi người lại nói là “không”. Câu trả lời phải là “có”. Ta vẫn thấy, nhưng lúc này cái thấy là thấy “không đối tượng”. Cũng như vậy, khi gõ thì ta nghe thấy tiếng, còn khi không gõ ta vẫn nghe. Lúc này, tôi mới hiểu ra là Ta vẫn luôn luôn nhận biết, còn cái biết và cái bị biết nương nhau lúc có, lúc không. Một lần khác, anh A hỏi về mục đích cuộc sống của tôi. Lúc đó, tôi vẫn nghĩ mục đích của mình là giải thoát, còn giải thoát khỏi cái gì thì tôi không để ý đến. Anh A đặt những câu hỏi để đưa tôi nhận ra mục đích cuộc sống của mình, là thoát khổ. Nhưng tôi vẫn chưa nhận ra sâu nên về sau tôi thấy dường như anh A áp đặt mục đích đó lên tôi. Sau đó, tôi ít gặp anh A có lẽ cũng vì lý do ấy….
Một lần, tôi cùng chị Trâm đến nhà anh Việt, người dịch sách Osho. Lúc về, chị Trâm hỏi tôi: “Em thấy anh Việt thế nào?”. Tôi trả lời: “Em thấy như thế!”. Trả lời xong, tôi cảm thấy ngạc nhiên về cách trả lời của mình lúc đó. Nghĩ lại, tôi cảm thấy câu trả lời đấy mới thực sự đúng với sự thật, còn nếu tôi trả lời khác đi như thấy anh ấy thế này, thế nọ là đưa tâm trí đánh giá, nhận xét của mình vào, đưa chủ quan, kinh nghiệm của mình để phán xét người khác. Nhiều trường hợp khác cũng vậy, đấy mới là cái nhìn đúng với sự thật. Lúc đấy, tôi chợt nghĩ đến cách Phật tự xưng là Như Lai có ý nghĩa gì đó như là người thấy như thực, như nó vốn thế. Giờ đây, nhớ lại thì tôi thấy câu trả lời đó chính là thấy biết như thực.
Khoảng đầu năm vừa rồi (2002), có một người bạn kể về bộ sách “Đường về xứ Phật”. Trong đó, thầy Thích Thông Lạc phân tích ra đâu là Kinh nguyên thuỷ đâu là các kinh sách thêm thắt về sau. Tôi thắc mắc không biết liệu có đúng không. Vậy thì các sách mình đọc từ trước đều là vớ vẩn sao? Mình tu tập từ trước đến giờ có lẽ chẳng đi đến đâu cả! Thời điểm này, nhiều băn khoăn, thắc mắc lại nảy sinh, tôi cảm thấy bứt rứt khó chịu như có lửa đốt trong lòng, chẳng biết từ trước đến giờ mình đi như vậy có đúng đường không? Mà thiền bao lâu rồi chẳng thấy biến chuyển gì cả!?
Hôm 30/4, tôi rủ Hải đi vào Cốc, sau đó Hải về trước còn tôi ở lại trong đó hai tuần. Trong thời gian này, tôi nảy lên một thắc mắc rằng Thiền là quan sát. Vậy quan sát là gì? Quan sát hơi thở, hành động, ý nghĩ, trạng thái sao? Vậy thì có những lúc mình làm nhiều việc cùng một lúc thì quan sát ra sao? Hình như quan sát tâm bao gồm cả quan sát thân? Đúng lúc đang đọc cuốn “Nghiệp và Kết quả”, đọc đến đoạn nói về lo giữ gốc tâm thì tôi mới à lên: hoá ra: “chăn trâu” là thế này đây. Ngay trong điều tâm đã bao gồm cả điều thân rồi! (Tứ niệm xứ – quán tâm trên tâm).
Sau hôm về vài ngày, tôi rủ Thuỷ, Thuỳ và Hải đến quán bà Lý chơi và định nói với Hải điều tôi nhận ra khi ở trong Cốc. Chiều hôm trước, bà Lý bảo là bà ấy nhận ra điều gì đó mà lúc đó tôi chưa rõ, rồi bà Lý bảo tôi cứ gặp Hải thì sẽ biết. Lúc Hải đến, Hải gọi tôi lại nói chuyện. Lúc đó, tôi không nhớ rõ Hải đã nói gì với tôi, kể điều gì với tôi nữa. Nhưng tôi cảm thấy những điều Hải nói có một cái gì đó gần giống như điều tôi nhận ra trong Cốc – điều tâm – nhưng nó lại khác hẳn so với sự nhận ra đó. Ở đây, không phải là điều tâm mà là chỉ thẳng tâm ra, không thông qua tâm trí. Đêm đó, tôi suy nghĩ về cách chỉ tâm và suy nghĩ về các công án, mọi công án đều rõ ràng. Tôi thấy rằng từ trước đến nay mình đã sống trong hành động, nhận thức sai lầm…Mà sự nhận ra này hình như các Thiền sư gọi là “Ngộ” thì phải. Cái ngộ này là do ý của mình nhận ra vậy thì cái ngộ này chắc là “Ngộ của ý” (ngộ lý) chứ chưa phải cái ngộ đích thực – ngộ của Trí. Cái ngộ này liệu có phải là kiến tánh không, nếu là kiến tánh sao mà mình vẫn không khác gì mấy so với lúc trước. Nếu vậy thì đây có lẽ là Kiến tánh khởi tu và kiến tánh này là kiến tánh trên bề mặt ý thức, tư duy chứ chưa phải là kiến tánh của Trí. Vậy muốn kiến tánh thật sự ta phải làm sao?
Thời gian sau, tôi đọc lại các công án và thấy có nhiều công án mình hiểu nhưng vẫn còn có những công án mà các Thiền sư trả lời rất bình thường hoặc trả lời rất dài dòng hoặc trả lời bằng các bài kệ… mà tôi cảm thấy vẫn còn có cái gì đấy mà mình chưa hiểu. Tôi tự nhủ có lẽ mình còn phải bảo nhậm miên mật hàng ngày và phải bành trướng nó cho đến khi nào có cái ngộ thực sự thì mới hiểu được các công án đó. Hỏi Hải điều đó thì Hải cũng cùng một ý như tôi. Trong nhà thiền có một câu: “Đốn ngộ, tiệm tu” thì chắc bây giờ là lúc mình phải bảo nhậm chỗ “sở ngộ” đó.
Vào tháng 9, tôi lại vào Cốc. Lần này, tôi ở một cái thất nhỏ và ngồi thiền ở đó. Trong lúc thiền, nhiều nghi ngờ, thắc mắc nổi lên như: Bảo nhậm chỗ thấy đó thì lúc nhớ lúc quên và có cách nào để mà ngay trong lời nói, hành động bình thường vẫn “ở trong đấy” không? Rồi các công án khó hiểu?… Tôi nghĩ lúc về gặp Hải hoặc gặp ai đó để hỏi. Lần trước, tôi gặp thầy Tâm Thuần, nghe thầy nói chuyện tôi cảm thấy thầy đã ngộ rồi thì phải, lần này về mình thử hỏi (trình) xem chỗ thấy của mình có đúng không? Hình như anh A cũng nhận ra chỗ này rồi thì phải? Trước khi vào đây, mình thấy chị Trâm bảo nhận được thư của Hưng, trong thư có gửi kèm thư của anh A gửi cho Hưng viết về cái gì đấy mà chị Trâm đọc bảo không hiểu, thấy toàn một lũ điên… tôi mượn đọc nhưng không còn ở đấy nữa. Không biết bao giờ anh A ra để mình hỏi nhỉ??? Một lô những thắc mắc, câu hỏi, dự định nảy lên… Một tuần rồi, cũng đến lúc phải về! Ra khỏi Cốc phải đi bộ 5-7 km đường rừng rồi 5-6 km đường bộ mà chẳng thấy ô tô về Hà Nội gì cả. “Thôi, ta đi bộ vậy. Mà “ta có đi đâu” cho nên vài ngày về đến nhà cũng không sao cả”. Đang đi thì một người ghé vào bảo đèo giúp. Thật là cái duyên kỳ lạ. Nhưng kỳ lạ hơn nữa là… lúc về đến quán bà Lý thì:
– Ơ! Anh A ra rồi à? Hay quá nhỉ. Đợt này về lại may mắn làm sao…
Một vài hôm sau, tôi đến gặp anh A và hỏi về Kinh Bát Nhã. Anh A bảo tôi đọc câu đầu trong bài kinh đó.
Tôi đọc: “Quán tự tại bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.
Anh A hỏi: “Em giải thích từng câu trong đoạn đấy xem”?
– Tôi trả lời: “Quán tự tại bồ tát” là người thực hành quán tưởng (quán ngũ uẩn tự tánh vốn không) đạt đến mức an nhiên tự tại. “Hành thâm” là thực hành thâm sâu. “Bát nhã” là Bát chính đạo.
Anh A bảo tôi hiểu sai nghĩa “Bát nhã” và giải thích: “Bát nhã” theo tiếng Phạn là Trí bát nhã, Trí tuệ. Nghĩa của bài Kinh này là ta phải dùng Trí bát nhã để tu và bài kinh này chỉ dành cho người đã hiểu Trí bát nhã. Trí bát nhã là gì, thì cái này hơi sâu và phải bắt đầu lại, anh phải hỏi em vài thứ khác!
Sau đó anh A hỏi tôi về một số vấn đề như Ta có nhớ, có biết được ta không?…
Tôi trả lời về những gì mà tôi thấy, tôi nhớ trước đó. Anh A hỏi lại là cái mà tôi thấy đó thì là tôi hay là đối tượng nhận biết của tôi. Tôi chợt nhận ra là từ nãy đến giờ mình chỉ kể về đối tượng nhận biết (ta thường kể về ta ở nơi ngũ uẩn, nghĩa là ta đồng hoá ta với sắc, thọ, tưởng, hành, thức), chứ không phải kể về tôi, chủ thể nhận biết. Ta là chủ thể nhận biết và ta không thể biết được ta. Nếu ta biết được ta thì thành ra là có hai ta, cũng giống như mắt không thể nhìn thấy mắt vậy. Vì vậy vấn đề tìm Ta cũng giống như cưỡi trâu đi tìm trâu, trên đầu chồng thêm đầu. Vậy mà mục đích từ trước đến giờ tôi cứ đinh ninh là đi tìm cái Ta, đi tìm Bản lai diện mục của chính mình. Vậy mục đích tu của ta là gì? Mục đích là giải thoát, giác ngộ thì giải thoát cái gì, giác ngộ ra lẽ gì?
Cuộc sống trước kia, ta chấp thân này là ta (chấp thân). Qua thời điểm Kiến tánh (cách ly ngôn ngữ và tư duy) ta ngộ ra cách chỉ tâm, chỉ ra Ta. Nếu ta sống với cái thấy này thì lần nữa ta lại rơi vào cái thấy ta, coi tâm là ta (chấp tâm).
Liệu ta có thể biết được Ta, được Trí bát nhã không? Ta không thể biết được Trí bát nhã mà chỉ biết thông qua dụng của Trí bát nhã mà thôi. Như nhờ lá cây rung mà biết có gió, nhờ đèn sáng mà biết có điện vậy.
Đây là thời điểm phá chấp “ta biết trực tiếp Trí bát nhã”.
Có những câu trả lời của các Thiền sư mà trong đó vẫn có ý. Có khi lại hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt nào đó mà tôi không hiểu nổi. Tôi đem thắc mắc này ra hỏi. Anh A có chỉ cho tôi nhưng tôi vẫn không nhận ra. Gần cuối buổi, anh A chép bài thơ Luận đạo và luận đời, bảo tôi về tìm hiểu bài thơ đó.
Vài ngày sau, tôi vẫn chưa tìm ra nghĩa hai huyền: luận đạo và luận đời trong một câu nói. Bây giờ nhớ lại, tôi không nhớ nổi là mình đã nhận ra ý nghĩa hai huyền như thế nào nữa. Tôi chỉ nhớ, sau hôm nhận ra ý nghĩa hai huyền trong một câu nói, gặp Hải, tôi nói với Hải là tôi mới nhận ra ý nghĩa hai huyền trong một câu nói và hỏi Hải: “Phật là gì?” Hải trả lời: “Để lát nữa về nhà bà Lý tôi trả lời cho ông!” thì tôi đã thấy câu trả lời ở ngay câu nói đó rồi.
Dụng của Trí bát nhã cũng ở ngay trong câu nói hành động (hành) thông thường. Vậy nói năng, hành động bình thường đâu có lỗi, lỗi là tại nơi ta bị cảnh lôi mà thôi. Đây là thời điểm phá chấp ngôn ngữ thực sự – ngôn vô ngôn.
Trước kia, tôi hiểu thiền là dứt bặt mọi suy nghĩ, dừng mọi vọng tưởng. Nhưng nếu ta cố gắng dùng niệm này để dừng niệm kia thì có khác gì lấy đá đè cỏ. Dừng được vọng tưởng này thì vọng niệm cố gắng dừng đó lại là một vọng niệm rồi.
Nhớ có lần anh A nói điều gì đó? Tôi chợt nghĩ ra từ “Tâm trí” có nghĩa là Trí tuệ của tâm mà qua đó Trí bát nhã tư duy, tìm hiểu mọi nghi ngờ, thắc mắc. Ta có thể tác ý để suy nghĩ về những vấn đề mà ta đang cần tìm hiểu (quán). Đây chính là diệu dụng của Trí bát nhã qua tư duy, suy nghĩ.
Một hôm, anh A bảo tôi giấu Ông chủ đi. Tôi trả lời: “Em không giấu được”. Anh A hỏi tiếp: “Trước khi tu thì có Ông chủ không?” Tôi trả lời: “Có!”. “ừ nhỉ! Thế thì từ trước đến giờ mình vẫn sống với ông chủ”. Tôi chợt nhận ra là từ trước đến nay mình vẫn luôn luôn chỉ ra ông chủ…
Ta đâu cần gì phải chỉ ra dụng của Trí bát nhã. Trí bát nhã từ vô thuỷ đến giờ vẫn vậy, đâu cần chỉ ra mới là Trí bát nhã. Dù ta có chỉ hay không thì Trí bát nhã đâu có thêm bớt gì! Trí bát nhã vẫn hiển lộ hằng ngày, trong mọi hành động, nhận thức của ta.
Vậy thì, từ trước đến giờ mình tu là công cốc à? Quay đi quay lại thì chẳng khác trước tý gì cả sao? Tôi đem điều này ra hỏi anh A. Anh A cười hỏi lại tôi: “ừ, có khác không?”. Tôi trả lời: “ Em thấy chẳng khác gì cả”. Anh A bảo: “ Em thử tìm xem có gì khác so với trước khi tu không?”. Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Có khác, khác ở chỗ giờ đây ta biết còn trước kia thì ta không biết”. Anh A hỏi: “Sống trong này thì có mục đích hay không có mục đích?”. Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “ừ, sống trong này thì không mục đích thật. Vậy thì khác nhau là ở hai chỗ này đây”
Toàn bộ đời sống đều là diệu dụng của Chân tâm, mọi hành vi, ý nghĩ (hành, thức) đều là hiển lộ của Phật tính, của Trí bát nhã – đây chính là thời điểm Tâm bình thường là đạo.
Vào một tối, lúc tôi đang đi trên đường, tôi thử an trú vào trong tâm không phân biệt giống như lúc nhìn hai chữ KHÔNG mà không khởi ý (thấy mà không thấy, chữ KHÔNG trở nên một hình ảnh vô nghĩa). Khi an trú vào đó, tôi cảm nhận tất cả mọi người đi lại như là những hình ảnh, những con rối, những người gỗ. An trú sâu hơn tôi nhận thấy tôi và mọi người, mọi cảnh vật như là một giấc mơ không thật có, như hoa đốm trong hư không. Lúc đó, tôi nhận thấy là qua từng tầng mức của thiền ta có một sự nhìn nhận về thế giới một cách khác nhau và sống trong Ông chủ cũng khác nhau, bị cảnh lôi mỗi tầng mức cũng khác nhau.
Khi bị cảnh lôi, niệm khởi lên mà ta không rõ biết. Các đặc điểm từ thô tới tế như các trạng thái tình cảm khởi lên, sâu hơn nữa là ý phân biệt so sánh khởi lên, sâu hơn là niệm khởi vô ý thức.
Để vĩnh viễn không bị cảnh lôi trong tương lai ta phải diệt trừ tận gốc khởi điểm của niệm. Nhưng niệm tự tánh vốn sinh diệt nên ta chỉ cần rõ biết tự tánh sinh diệt của niệm thì sẽ rõ biết các pháp.
Một lần, anh A rủ tôi đến nghe anh và mọi người trong một lớp học trao đổi về mục đích cuộc sống. Anh A hỏi về mục đích cuộc sống của mỗi người là gì? Mọi người mỗi người trả lời một ý, nhưng dần dần, mọi người cũng xác định được mục đích cuộc sống là thoát khổ. Vậy khổ là gì? Khổ là khổ thân (sinh, già, bệnh, chết) và khổ tâm (sầu, bi, khổ, ưu, não). Tóm lại, khổ là bất như ý. Muốn thoát khổ ta phải xác định được nguyên nhân gây ra khổ là gì? Nguyên nhân của mọi nỗi khổ thì không ngoài khổ tâm và nguyên nhân của khổ tâm là do ham muốn. Còn nguyên nhân của ham muốn do ta chấp trước ta và mọi cảnh vật là thật có nghĩa là chấp ngã và chấp pháp. Ta chấp ngã và chấp pháp là thật có là do sự không sáng tỏ, rõ biết về chúng nên Phật gọi đó là Vô minh. Muốn diệt trừ khổ thì phải diệt tận gốc rễ của khổ là diệt Vô minh. Con đường diệt khổ, diệt vô minh là con đường Bát chính đạo, con đường duy nhất đi đến giác ngộ, giải thoát. Đây chính là Tứ Diệu Đế, Chân lý mà Đức Phật đã tuyên thuyết cách đây 25 thế kỷ. Nay tôi mới hiểu rõ ra…
Anh A sau đó có nói về vấn đề “vô thường”, “vô ngã” cho mọi người. Như một con búp bê không cốt và một con búp bê có cốt nhựa bên trong, nếu ta bỏ từng lớp từng lớp áo của con búp bê có cốt nhựa trong cùng thì đến cuối cùng sẽ lộ ra cốt nhựa đó, ta nói con búp bê đó có “tự ngã” riêng của nó, còn con búp bê kia, khi bỏ hết các lớp áo đi, ta sẽ thấy trống không, không còn gì nữa, ta nói “con búp bê đó không có ngã”. Vậy thì cái chén, cái bàn, mọi vật và nói chung mọi pháp có tự ngã hay không? Cũng tương tự như phương pháp tìm xem con búp bê có tự ngã, có cái ta riêng của nó hay không, ta cũng tách dần từng lớp của mọi pháp. Ví dụ như cái chén, ta bẻ một miếng ra, cái chén vẫn còn, ta bẻ tiếp miếng nữa, cái chén vẫn còn đó, cứ thế, cứ thế cho đến miếng cuối cùng, trong tay ta chẳng có gì gọi là cái chén cả. Cũng giống như một đàn chim bay trên trời xếp thành hình một con cò đang bay. Nhìn từ xa, ta tưởng đó là con cò, nhưng khi lại gần ta mới hay đó chỉ là tập hợp của đàn chim, không có con cò nào cả.Mọi pháp cũng tương tự như vậy, ta cứ đi tìm tự ngã của các pháp ta sẽ thấy các pháp vốn không có tự ngã nào cả, ta nói các pháp vốn vô ngã. Thân ngũ uẩn này cũng thế là tập hợp của các tế bào mà không có cái ngã nào cả. Mọi pháp cũng vậy, nó chỉ là tập hợp của những pháp khác, pháp khác đó khi mổ xẻ ra ta cũng không thấy có cái ta riêng nào cả.
Pháp “Thấy biết như thực”
Về pháp “Thấy biết như thực”, anh A hỏi mọi người trong lớp về chỗ thấy của mình đối với các pháp. Đầu tiên, anh A đưa ra một vật mà mọi người trước đó chưa hề nhìn thấy và hỏi “mọi người biết cái này không?”. Mọi người trả lời là “không biết”. Anh A giơ cái bút lên hỏi “mọi người biết cái này không?”. Mọi người trả lời là “cái bút”. Anh A hỏi tiếp: “thế cái bút giống hay khác với vật ban nãy”. Mọi người trả lời: “Khác”. Anh A bảo “mọi người đã biết là khác nhau thì phải biết cái vật lúc nãy chứ, sao lại bảo là không biết”. “Hai câu hỏi “mọi người có biết cái này không?” và “mọi người biết cái này tên là gì không?” là giống nhau hay là khác nhau? . “Là hai câu hỏi khác nhau”. Sau đó anh A giơ cái bút lên hỏi tiếp “cái này tên là gì?”. Mọi người trả lời “nó tên là cái bút”. Anh A hỏi tiếp “Thế tên của nó có phải là chính nó không?”. Thường lúc đầu mọi người nói “tên của nó là chính nó”. “Vậy thì đứa trẻ khi mới sinh chưa có tên, sau đó đặt tên thì tên nó có phải là chính nó không?”. “Không!”. Chuyển sang âm thanh, anh A hỏi “gâu gâu là gì?” . Mọi người lại nói: “Tiếng chó sủa”. Anh A hỏi lại: “Vậy thì cháu là chó à?”. Mọi người cười ồ lên. Anh A hỏi tiếp “Thế crù crù là gì?”. Anh A gõ thước lên bàn theo nhịp bài “Như có Bác Hồ” và hỏi mọi người có nghe thấy bài “Như có Bác Hồ” không? Mọi người đều nói là có nghe thấy bài hát đó. Anh A hỏi tiếp: “Thế bài hát đấy là do cái thước hay cái bàn hát?”. Mọi người trả lời: “không phải do cái thước mà cũng chẳng phải do cái bàn”. “Vậy thì sao mọi người nghe thấy bài hát, bài hát ở đâu ra? Nếu cháu gõ bản nhạc mà mọi người chưa nghe bao giờ thì có nghe thấy bản nhạc ấy không”. Mọi người bảo là “không biết” (cô Khê thì bảo đó là “tiếng con gì đó mà cô không biết”). Viết đến đây, tôi nhớ ra là có lần tôi và anh A đến chơi ở một ngôi chùa ven hồ Tây, anh A có hỏi tôi về pháp này: anh A hỏi tôi là “Em đang nghe thấy anh nói gì?”. Tôi trả lời là “Em đang nghe thấy anh nói”, anh A bảo “Không đúng!”. Tôi trả lời những câu khác nhưng anh A đều bảo là không phải. Lúc đó, tôi nghĩ là nhiều điều mình vẫn còn chưa biết và những điều đó chẳng khác nào công án cả. Anh A gõ xuống ghế và bảo tôi nghe có giống bài “Như có Bác Hồ” không? Tôi đáp là “Có”. “Vậy bài hát ấy từ đâu ra?”. “Từ trong ký ức của em ra”. “Vậy thì đừng đưa ký ức của em ra, thử nghe xem nó là gì nhé!(?)”. Sau đó, tôi nhận ra được câu trả lời cho câu hỏi “Em đang nghe thấy anh đang nói gì?” đó. Qua những câu hỏi của anh A và câu trả lời của mọi người, ta thấy thường chúng ta đưa ký ức, kinh nghiệm vào trong câu nói, câu trả lời của mình mà không biết câu trả lời hiện tiền ngay đó. Để loại bỏ ký ức, tâm trí không xen vào giữa ta và thực tại, ta chỉ nghe và thấy chúng như chúng vốn thế. Đây chính là pháp “thấy biết như thực”, thấy và nghe như thế nào thì thấy và nghe như thế. Như nghe thấy tiếng gõ đó thì chỉ nghe thấy tiếng gõ đó mà không đưa ký ức vào và suy diễn đó là bài hát này, bài hát kia. Như vậy, mọi câu trả lời đều rất rõ ràng, sáng tỏ và đơn giản, chỉ do tâm trí mà mọi thứ như nó vốn thế bị tâm trí làm méo mó đi. Tiếng gõ bàn là tiếng gõ bàn chứ chẳng có bài hát nào ở đấy cả, “crù crù là crù crù”, “gâu gâu là gâu gâu”, “cái bút là cái bút”,… “vật đó” là “vật đó”….. Pháp “Thấy biết như thực” là nền tảng để cho chánh tri kiến phát triển, đấy chính là câu “như thị” mà trong các Kinh điển ghi lại câu “như thị ngã văn” hoặc câu đầu tiên mà ta thường thấy trong các bài kinh thuộc các bộ Kinh nguyên thủy “Một thời, Thế Tôn ngụ tại…. tôi nghe… “. Các bài kinh miêu tả như thực lại những gì mà ngài Anan nghe và thấy như vậy chứ không đưa ý của mình vào. Pháp “Thấy biết như thực” đem lại cho ta cái nhìn chân thực vào mọi pháp mà không sinh tâm phân biệt, phán xét, yêu ghét…
Pháp “Như lý tác ý”
Sâu hơn nữa, ứng dụng của pháp “Thấy biết như thực” là pháp “Như lý tác ý”. Như lý tác ý nghĩa là ta tác ý vào các pháp để nhận biết rõ hơn về các pháp đó, ở đây phải sử dụng tư duy logic, hợp với chân lý khách quan, do đó ta sẽ không khởi lên ý kiến chủ quan. Chẳng hạn khi nói về vấn đề “khiêm tốn”, ta phải tác ý vào để nhận ra thực sự của vấn đề “khiêm tốn” đó là gì? Giống như một người đi qua cái cửa thấp hơn mình, họ phải cúi xuống để đi qua đó. Thì tính khiêm tốn cũng vậy, nó chỉ ra tính ngã mạn chứ chẳng phải “khiêm tốn” gì cả. Hay câu “Tôi nói ra chẳng phải để khoe khoang” thì ta phải tác ý vào để nhận ra rằng câu nói đấy đã chính là đang khoe khoang rồi, câu nói đó tự mâu thuẫn với chính nó… Thực hành pháp “Như lý tác ý” là ta đã sử dụng đến Trí tuệ để tìm hiểu các pháp. Lúc này, ta phải khởi Trí tuệ để phân biệt đúng sai của các pháp, để tìm hiểu rõ hơn về các pháp.
Pháp “Nói đông chỉ tây”
Qua pháp “Thấy biết như thực” ở trên, mọi người thấy rõ tâm trí xen vào toàn bộ cuộc sống như thế nào, anh A đưa ra pháp “Nói đông chỉ tây” để giúp mọi người cách ly tâm trí. Khi trả lời câu hỏi, ta sẽ nói một câu nào đó để cho người hỏi thấy là ta không bị đưa tâm trí vào câu hỏi, không bị cảnh ở đây là câu hỏi lôi đi. Chú Tiến đã ứng dụng ngay được pháp “Nói đông chỉ tây” đó lúc về nhà. Hôm đó, chú Tiến kể là hôm trước chú về nhà muộn, sau khi nói chuyện với ông bạn lâu ngày mới gặp, thì bà vợ chú ấy hỏi chú là “sao đi với O nào về muộn thế?”. Chú Tiến “đánh trống lảng” bằng cách hỏi lại “hôm nay cháu ở nhà với bà như thế nào?”. Thế là bà xã chú Tiến kể về đứa cháu một cách vui vẻ mà quên mất việc “đi với O nào đó của chú Tiến”. Qua ứng dụng của chú Tiến pháp “nói đông chỉ tây”, ta thấy pháp này làm cho dịu bầu không khí căng thẳng trong gia đình hoặc mình có thể lái vấn đề câu chuyện sang ý của mình như là một người hướng dẫn chương trình. Pháp “Như lý tác ý” đem lại cái nhìn sâu sắc hơn vào các pháp, pháp “nói đông chỉ tây” là bước đầu để giúp ta cách ly tâm trí trong các câu nói, câu trả lời của ta trong khi giao tiếp. Còn bước sau là để giúp cho thiền. Đó là Thiền tông.
Thiền tông
Một thời gian sau, khi mọi người đã luyện pháp “Thấy biết như thực”, “Nói đông chỉ tây” được một thời gian, anh A chuyển sang Thiền tông. Hôm đầu tiên, anh A có nêu ra tôn chỉ của Thiền:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Các cách để chỉ tâm là có hai cách, một là chỉ gián tiếp thông qua ngôn ngữ văn tự, gọi là Giáo tông. Hai là chỉ trực tiếp, chỉ thẳng vào tâm, đưa tâm ra. Nhưng trước khi đưa mọi người tới Thiền tông, anh Quý có đưa ra một vấn đề là “Ta có thể biết được Ta không”. Ta không thể biết được ta, mà ta chỉ có thể biết được dụng của Ta, như ta không thể biết trực tiếp được điện mà chỉ biết được điện thông qua công dụng của nó như thấy đèn sáng, quạt quay biết là có điện hay nhìn thấy lá rung biết ngoài trời đang có gió. “Có ta không?” Câu trả lời là “Có ta”, ta biết là có ta thông qua các hành động, lời nói và nhận biết của ta. Vậy làm cách nào để chỉ được ta. Chỉ ra ta thì không thể chỉ ra được trực tiếp mà phải chỉ một cách gián tiếp qua dụng của Ta, qua các hành động tạo tác của ta. Một câu nói, một hành động khi ta đưa ra là chỉ ra ta, chỉ ra Tâm, chỉ ra Ông chủ, chỉ ra tác dụng của Phật tánh. Đó là “Trực chỉ nhân tâm”, mà không thông qua một ngôn ngữ, văn tự nào hết. Trước tiên, ta phải cách ly tâm trí, không dùng ngôn ngữ văn tự, dùng “vô ngôn” để chỉ ra Ông chủ. Đó là cách “Nói đông chỉ tây” mà trước đây mọi người đã biết, nhưng ở đây mới là tác dụng chính của cách nói đó. Nó giúp ta không bị cảnh lôi, ngôn ngữ lừa. Đó chính là cách chỉ tâm ở mức một huyền để mọi người nhận ra Ông chủ nơi mình.
Cách đây một tuần, chị Trâm gọi điện thoại đến bảo tôi là có một vị thầy tên là Tuệ Hải giỏi lắm…. rồi rủ tôi đi vào trong Chùa Hương cùng thầy và vài người nữa. Hôm đầu, thầy ngồi nói chuyện về thiền. Thầy chỉ xuống sàn và nói về lớp nhận thức là khi ta nhìn thanh tre ta biết đấy là thanh tre màu vàng… (khởi tưởng hành), còn sâu hơn nữa là khi nhìn thấy thanh tre đó, ta thấy nó mà không khởi lên ý phân biệt nó màu gì… tiếp nữa là khi thấy nó, ta thấy nó cũng đồng một lúc như thấy các vật xung quanh. Một lớp sâu hơn nữa là khi chưa khởi niệm thì… thầy hỏi lúc đó nó là cái gì, tôi trả lời “ngoài trời đang mưa”. Đáng lẽ ra phải chỉ luôn vào đấy, thế thôi – thấy biết như thật – vậy mà tôi trả lời trật lất. Nghĩ lại, tôi thấy lúc đó tôi trả lời có mục đích bên trong là chỉ cho thầy thấy chỗ thấy ông chủ của mình nên trả lời không khế hợp. Sau đó, thầy dạy mọi người cách ngồi thiền: “Tứ niệm xứ là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát”, như lời thầy nói, hơi thở liên quan đến định. “Ngồi thiền để hơi thở ra vào tự nhiên và phải rõ biết hơi thở, lúc hít vào rõ biết đang hít vào, lúc thở ra rõ biết ta đang thở ra.. “. Khi càng vào định thì hơi thở càng nhẹ nhàng.
Cũng như vậy, máu huyết có tốt thì cung cấp lên não mới đủ để rung động màng não một cách nhẹ nhàng, dễ đi vào định hơn nên ăn uống quân bình cũng ảnh hưởng đến thiền. Nghĩa là có hai yếu tố để dễ đi vào định là hơi thở và máu huyết. Với định nông hay sâu thì ta phải nương vào hơi thở, còn với máu huyết tốt thì tạo ra khí lực khoẻ và thần kinh tốt.
Còn một điều nữa là phải rõ biết từng niệm sinh diệt chứ không phải là diệt niệm, đến một lúc nào đó khi ta “hay ra” tự tánh sinh diệt của niệm thì ta sẽ ngộ ra sinh tử vì nguồn gốc sâu xa của sinh tử là niệm – Niệm khởi thì sinh tử khởi. Hôm sau, lúc chị Trâm nói chuyện với thầy về tôi, chị Trâm bảo tôi một lần vào trong Cốc ra thấy “nó nói là nó ngộ gì đó”. Thầy hỏi là tôi ngộ ra điều gì? Tôi trả lời: “Nãy giờ con vẫn chỉ đấy thôi”. Thầy hỏi chỉ lúc nào? Tôi trả lời “lúc nào con chẳng chỉ”. Thầy hỏi: “chú nói rõ hơn xem nào”. Tôi nghĩ một lúc rồi trả lời câu gì đó, nhưng thầy nói “hỏng rồi, có ý thức chen vào rồi”. Thầy bảo đấy chỉ là kiến giải (thầy nói là ngộ giải) chứ chưa phải là Ngộ tánh, ngộ tánh là mình và pháp giới không còn phân chia, chỉ người nào ngộ tánh mới biết và qua vài câu hỏi sẽ biết người kia đã ngộ tánh hay chưa. Cũng giống như người ở trong nhà mới biết những gì ở bên trong, còn người vẫn ở ngoài thì dù tả, dù nói thế nào thì người ở trong cũng biết rõ người kia đã vào nhà hay không. Sáng hôm sau, tôi cùng mọi người vào trong Cây Khế thăm nhà anh Vĩ Hải. Thầy xem nhà anh Hải và nói ở đây thì bị giáp mặt với người qua lại, không ở yên để tu được. Tôi chỉ sang nhà anh A và hỏi thầy: “thế thầy thấy nhà anh A ở vị trí kia có được không?”. Thầy bảo rằng ở vị trí đó thì yên ổn nhưng người chọn vị trí đó chứng tỏ là người không cần nghe ý kiến người khác nữa, họ tự coi là mình đúng rồi… Buổi chiều, lúc chị Khanh đến chơi, thày giảng về sự vô thường của vạn pháp và tự tánh sinh diệt của từng niệm: Niệm khởi là sinh tử khởi, nguồn gốc của sinh tử là niệm (nguồn gốc của sinh tử liệu có phải là niệm không?) và ta phải “hay ra” tự tánh sinh diệt của từng niệm (hay ra đó là của ý hay của Trí). Ta phải luôn để ý quan sát từng niệm móng khởi trong tâm để rõ biết tự tánh sinh diệt của từng niệm (một chớp mắt khoảng 20000 sát-na, một niệm móng khởi còn nhỏ nhiệm hơn và liệu có thực có không?). Cũng như vậy, mọi cảnh và mọi âm thanh, nói chung là các pháp xung quanh ta luôn luôn biến đổi, vô thường, sinh rồi diệt nối tiếp nhau như một dòng sông.
Vài hôm sau, mọi người trở về, anh Vĩ Hải, chị Trâm và thầy đi tiếp lên Yên Tử dự lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm 2. Còn tôi qua lớp học và kể lại mọi chuyện về chuyến đi đó cho mọi người nghe.
Anh A hỏi là tôi có nói gì với thầy không?
Tôi kể lại việc trình kiến giải của mình cho thầy Tuệ Hải và thầy bảo đấy chỉ là kiến giải thôi chứ chưa phải là thấy tự tánh.
Anh A bảo “Đúng là em chỉ ở mức kiến giải”.
Anh A hỏi tiếp là “Em thấy việc trình như vậy có mục đích gì?”
Tôi trả lời là “Để biết mình đã dám sống với cái thấy đó hay chưa?”
Hôm sau, tôi cùng ba người nữa đi đón thầy trên Yên Tử về. Đến lớp học, mọi người trình kiến giải của mình. Lúc đầu là cô Huế. Cô Huế hỏi về việc diệt các niệm khởi lên lúc ngồi thiền, thầy bảo chỉ cần nhận ra tự tánh sinh diệt của niệm chứ không phải là diệt niệm… Sau đó, thầy hỏi về ông chủ, ai trong lớp đã biết ông chủ là gì thì trả lời cho thầy nghe… Anh Tú chỉ ông chủ qua câu nói “mời thầy uống nước”. Thầy đáp lại bằng cách uống nước và hỏi “còn gì nữa không?” Anh Tú hỏi tiếp về “sáu hoà hợp thu về một tinh minh” trong Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu. Thầy trả lời… Sau đó, thầy đưa ra câu chuyện “một nhà sư sống trong một túp lều trên mảnh vườn của một bà già, hàng ngày nhà sư được bà lão cúng dường cơm nước. Sau nhiều năm, một lần muốn thử xem nhà sư đã đạt đến đâu, bà lão sai một cô gái đến ôm nhà sư. Khi cô gái ôm nhà sư, nhà sư đẩy cô ta ra và nói bài kệ ý nói nhà sư giờ đây như một cây khô, không còn cảm giác gì cả. Bà lão nghe cô gái kể lại liền đến đốt căn lều và đuổi nhà sư đó đi. Thầy kể tiếp: nhà sư ra đi và sau một thời gian tu tập nhà sư quay trở lại nhà bà lão, lần này, bà lão lại sai cô gái nọ ra ôm nhà sư. Lần này, nhà sư đó nói với cô gái là: “tôi biết, cô biết, đừng cho bà ấy biết”. Thầy bảo anh Tú giải thích xem câu nói “tôi biết, cô biết, đừng cho bà ấy biết” là ý làm sao? Anh Tú đang ngần ngừ chưa trả lời được thì anh A ra trả lời…
Sáng hôm qua, thầy có nói với tôi là câu trả lời của anh A là không khế hợp với câu hỏi của thầy vì thầy chỉ bảo giải thích chứ không phải là trả lời theo cách chỉ thẳng của thiền. Thầy bảo là anh A mới chỉ đạt đến mức độ hiểu thiền chứ chưa ngộ tánh. Người ngộ tánh thì trả lời khế hợp trong từng câu hỏi….
Qua dịp này tôi nhận thấy mình vẫn chưa dám sống hoàn toàn với chỗ nhận ra của mình và vẫn chưa có sự chắc chắn và rõ biết về con đường đi của mình.
Sau đó Nhờ anh A chỉ ra mà tôi đã thấy được những sai lầm của mình. Và tôi đã viết cho thày Tuệ Hải lá thư sau:
————————————————————————————-
Hà Nội, ngày 16 – 12 – 2002
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thưa thày!
Mục đích tu hành của ta có phải là để ngộ ra tự tánh hay không? Trong những ngày vừa qua con được gặp và nghe thày giảng về tự tính sinh diệt của mỗi niệm, sự “hay ra” của tự tánh là con đường giải thoát sinh tử. Thày có nói đi đến giác ngộ giải thoát có nhiều con đường. Trong đó “ngộ tánh” là con đường mà các Tổ đã chỉ bày. Con đã nảy sinh một vài thắc mắc là tại sao Đức Phật không nêu bày ra con đường đó, liệu có phải Đức Phật không thấy được, hay tại Đức Phật thấy con đường đó là con đường mà những chúng sinh có căn cơ hoặc giành cho thời mạt pháp? Trước đây, con có đọc bài Kinh “Tự hoan hỷ” trong Kinh trường bộ. Trong đó, Đức Phật có đồng ý với Ngài Ca Diếp là muốn đi tới giác ngộ giải thoát chỉ có một con đường duy nhất là con đường Bát Chánh Đạo. Vậy tại sao các Tổ lại chỉ bày con đường thẳng tắt là “ngộ tánh” mà trong toàn bộ Kinh nguyên thuỷ ghi lại lời của Đức Phật không nêu bày con đường đó, không nêu lên sự “ngộ tánh”? Liệu có phải “ Ngộ tánh” chỉ là cái cơ do các Tổ sư (chỉ thấy ở Trung Hoa) sáng kiến ra. Người “ngộ tánh” là ngộ được ý chỉ của Tổ hay là giác ngộ giải thoát? Liệu có phải khi ta vào định sâu, đồng thời đang mang mối nghi về các công án, thì lúc ấy, trong trạng thái bặt năng sở, ta ngộ ra được ý chỉ của các Tổ sư.
Vừa rồi, con qua nhóm học và kể lại chuyện con gặp thày từ hôm thày qua đó cho đến khi thày về. Con kể lại chuyện thày đến nhà chị Khanh và nhận xét về anh A như thế nào. Thày nói anh A là người thông minh có kiến giải sâu về thiền chứ chưa thực sự ngộ tánh bởi vì anh A đáp lại câu hỏi của thày về việc đưa ra lời giải thích cho câu nói của nhà sư qua câu chuyện thày kể là “tôi biết, cô biết, đừng cho bà ấy biết” là không khế hợp. Người ngộ tánh phải là người trả lời khế hợp từng câu hỏi. Trong lúc đó, với câu hỏi đó của thày anh A đã trả lời không khế hợp. Thày chưa nói điều đó cho anh A vì lúc đó có mặt của mọi người, nói ra sẽ làm mất mặt anh A trước mọi người ở đó. Về điều này, anh A có hỏi con và mọi người, đại ý nội dung như sau:
Lúc thày nói với mọi người điều đó ở nhà chị Khanh thì có phải là mâu thuẫn không khi mà nói: sợ mất mặt anh A trước mặt mọi người trong khi lại nói điều đó trước mọi người và sau lưng anh A. Mà khi đối đáp với anh A thì thày còn ở trong tự tánh không khi mà thày còn sợ hay không sợ anh A mất mặt. Lúc ở trong tự tánh thày có thấy anh A, còn thấy ngã, thấy nhân không để mà nể nang và không nể nang? Với người đã ngộ tánh rồi thì còn có những cái đó không? Tại sao thày lại nói về sự chưa ngộ tánh của anh A, anh A tự nhận mình là người ngộ tánh lúc nào? Cái danh ngộ tánh quan trọng như thế sao? Trong tự tánh còn có đánh giá người này, người nọ như thế nào không? Trong tự tánh thì lúc xuất lúc nhập sao mà lúc ứng cơ đối cảnh thì mới trong tự tánh đối đáp, còn khi ra ngoài rồi lại đánh giá, phán xét. Khi đánh giá, phán xét như vậy là còn ở trong tự tánh không? Thày đưa ra tiêu chuẩn nào để nói anh A là người chưa ngộ tánh, liệu có phải là thày ngộ tánh rồi thì thày mới biết anh A là người ngộ tánh hay chưa không? Như ví dụ của thày là người ở trong nhà mới biết trong nhà có gì… Vậy sao thày biết thày ở trong nhà, là người đã ngộ tánh rồi. Liệu có phải do thày của thày ấn chứng cho thày. Nếu do thày của thày ấn chứng cho thày thì ai ấn chứng cho thày của thày? Nếu thày tự cho là mình ngộ tánh thì thày lại mắc lỗi tự chứng. Anh A có nói thiền như con dao hai lưỡi, các Tổ đã đưa ra “lỗi tự chứng” để ngăn ngừa người vào thiền rồi phải biết cách thoát khỏi thiền. “Lỗi tự chứng” như là lớp đệm cao su đằng sau sống lưng con dao thiền, khi ta đã biết sử dụng con dao thiền rồi ta lại bỏ đi lớp bảo vệ đó thì cũng con dao thiền đó sẽ chặt đứt đầu người mắc phải lỗi tự chứng. Lỗi tự chứng là để bảo vệ mình chứ không phải là để nhận xét, đánh giá người khác. Một điều nữa là sự “ngộ ra” tự tánh là của ý hay của Trí? Nếu là ngộ ra của Trí thì là thường hằng hay không thường hằng? Nếu là thường hằng thì trước lúc tu đã “ngộ ra” tự tánh của Trí hay chưa? Nếu có rồi thì tu để làm gì?
Anh A hỏi là khi con thấy thày đã kiến tánh rồi, thì lúc đó con có ngã mạn hay không? Liệu có ngã mạn hay không khi mà mình ở vị trí nào để biết người kia có kiến tánh hay không, nếu cho thày là người đã ngộ tánh thì con phải là người ấn chứng cho thày, ở trên vị trí của thày hay sao? Thứ hai là thày dạy mọi người những cái thày biết vậy thì liệu trong đó có mục đích, động cơ gì hay không? Mục đích liệu có phải là truyền dạy những cái mà mọi người chưa hiểu hay là để những người này tránh xa kẻ cư sĩ chưa ngộ đạo kia? Vậy ở trong tự tánh có mục đích hay không hay tất cả chỉ do duyên. Người cầu đạo có tâm cầu đạo, người biết pháp do duyên mà nói pháp hay là có mục đích để lôi kéo mọi người về phía mình? Anh A hỏi con là thấy từ đầu đến lúc thày về liệu có lúc nào thày không mang tâm chỉ dạy mọi người hay không? Hay là thày chỉ gợi mở để cho người học tự nhận ra bằng trí tuệ của mình? Sau đó, anh A có hỏi là nãy giờ anh có đánh giá, nhận xét thày hay không?
Qua cuộc trao đổi đó với anh A con nhận thấy rằng mình vẫn mang tâm ngã mạn và nghi pháp. Chưa tự mình “tự thắp đuốc lên mà đi”, chưa dựa vào trí tuệ để có “chánh tri kiến”, “trạch pháp giác chi” phân biệt giản trạch sự đúng sai của các pháp. Nhưng nhìn lại, qua những ngày thày ở đây con đã học được ở thày nhiều điều bổ ích như cách ngồi thiền, tứ niệm xứ, sự ăn uống quân bình để tạo cho khí huyết lưu thông hài hoà, tạo một định lực mạnh mẽ trong sự tu tập của bản thân. Hôm vừa rồi ở nhà chị Khanh, cũng như hôm ở trong Chùa Hương, thầy nói ta phải rõ biết tự tánh sinh diệt của từng niệm. Giờ đây trong từng khoảnh khắc con vẫn luôn để ý quan sát từng niệm móng khởi lên trong tâm để tìm khởi điểm, kết thúc của niệm và tự tánh của nó. Cũng như vậy khi đối cảnh con luôn để ý quan sát tìm xem sự vô thường của vạn pháp là ở đâu? Nó vô thường sinh diệt như thế nào? Con luôn luôn an trú tâm trong sự thấy biết như thật của vạn pháp – tính vô thường sinh diệt của chúng. Đấy là những điều mà thày đã gợi mở để cho con xoay lại cái nhìn về tất cả những điều từ trước đến nay con vẫn còn mù mờ cũng như qua cuộc trao đổi vừa rồi với anh A để con nhìn ra những yếu kém của mình cần khắc phục.
Qua giai đoạn một tuần lễ vừa rồi, con đã trải qua những hoang mang dao động không rõ con đường mình đi ra sao? Nay con đã sáng ra một điều là không có sự “ ngộ tánh” mà chỉ có sự diệt khổ và con đường đi đến khổ diệt. Đó là con đường Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế mà Đức Phật đã tuyên thuyết cách đây 25 thế kỷ. Con nhận thấy mục đích sâu xa của ta là đi tìm sự hạnh phúc, nghĩa là phải diệt khổ. Khổ là gì? Khổ là khổ thân (sinh, lão, bệnh, tử) và khổ tâm (sầu, bi, khổ, ưu, não), tóm lại là những điều bất như ý. Nguyên nhân của khổ là do ham muốn. Và nguyên nhân của ham muốn là ta thấy mọi cảnh vật xung quanh là thật có và lầm tưởng cái thân ngũ uẩn là thật có (chấp ngã và chấp pháp). Đức Phật gọi sự lầm tưởng đó là vô minh. Nghĩa là muốn diệt ham muốn, diệt khổ ta phải diệt vô minh. Con đường diệt khổ là con đường Bát Chánh Đạo. Con cũng nhận ra rằng mình chỉ có một người thày duy nhất là Đức Phật Thích Ca, còn thày và anh A đều là thiện tri thức giúp mình học hỏi, chỉ bày con đường mà Đức Phật đã chỉ bày để đi đến mục đích tối hậu là giác ngộ, giải thoát!
Đọc những dòng trên đây, những gì không đúng với sự thật và không hợp lý, mong thày chỉ dạy thêm cho con để con tiến bộ trên con đường tu tập.
Con xin kính chúc thày thân tâm thường an lạc, gặp nhiều thuận duyên trên đường tu!
Rất mong sự tận tình chỉ bảo của thày!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thư
Lê Hoàng Long
————————————————————————————-
Từ khi gặp anh A đến nay, tôi nhận thấy quá trình diễn biến trong nhận thức của mình luôn luôn thay đổi. Kiến tánh giúp ta thấy một phần tác dụng của Trí tuệ, để thấy toàn bộ tác dụng của Trí tuệ, ta phải từng bước, từng bước một đột phá để thấy ra toàn bộ tác dụng của nó.
- Bước đầu tiên đó là Cách ly ngôn ngữ để ta an trú vào cái dụng “thấy biết như thực” của Trí tuệ.
- Bước thứ hai ta phải biết cách bảo nhậm Ông chủ, cách ly tâm trí, cách ly ngôn ngữ và tư duy, qua pháp “cho nhau ăn cỏ”. Bước này tôi cảm nhận như là ta phải rèn luyện Trí tuệ để ta phân biệt được Trí tuệ và tâm trí, tình thức, lúc ta mới phát hiện lại được nó.
- Sau đó, bước thứ ba là phá chỗ ta tưởng lầm là ta đã biết được Ta, thực ra ta chỉ biết được dụng của Ta (dụng của Trí tuệ).
- Bước thứ tư, ta thấy Tánh qua lời nói, hành động thông thường (“hai huyền”). Từ trước tới nay, tôi vẫn lầm tưởng là Thiền là phải cách ly tư duy, Thiền là chỉ ngồi và đừng để cho suy nghĩ vọng tưởng nổi lên. Thực ra nó chỉ là một loại thiền kỹ thuật nào đó để ta tránh bị căng thẳng trong cuộc sống nhộn nhịp này mà thôi, còn muốn đi đến giải thoát, muốn phát triển Trí tuệ ta phải dùng đến tư duy để quán xét những nghi ngờ, hay quán về pháp.
- Tư duy chính là dụng của Trí tuệ, có nó và sử dụng nó ta mới đi đến giải thoát được, và đây là bước thứ năm. Đến đây, Trí tuệ bắt đầu được ta chủ động lôi ra sử dụng (Như lý tác ý).
- Và đặc biệt, bước thứ sáu mà tôi cũng như mọi người được rất nhiều lợi lạc là “Buông sở đắc”, buông những chỗ sở đắc, chỗ thấy của mình, nếu ta không buông mà vẫn khư khư giữ như vậy thì có khác nào người ôm đầu đi tìm đầu, cưỡi trâu đi tìm trâu. Nhưng khi ta “buông sở đắc” rồi, toàn bộ cuộc sống đều là đạo, đói ăn, mệt ngủ thì ta có khác nào khi chưa tu. Tu thế hoá ra đâu vẫn hoàn đấy sao? Mặc dù, “buông sở đắc” trong cuộc sống ta có thể thấy mình an nhàn, tự tại, mọi nỗi khổ tâm hay tham, sân, si có đến rồi đi, như mây nổi nhưng một khi ta chưa diệt được nguồn gốc của nó thì ta cũng chỉ giải thoát “tạm” trong đời này mà thôi. Còn trong đời sau, chắc gì ta lại không rơi trở lại. Mà ngay khi này đây ta vẫn chưa giải thoát khỏi nó, nghĩa là chưa vĩnh viễn thoát khổ thì sao ta có thể dừng chân được.
Ngộ tánh là của ý hay của Trí, nếu là của Trí thì trước khi tu đã có chưa? nếu đã có rồi thì ngộ tánh để làm gì? Đó là câu hỏi mà qua đó ta thấy vấn đề “ngộ tánh” chỉ là một cái cơ do các Thiền sư đặt ra, và để tránh lỗi thấy mình “ngộ tánh” các Thiền sư đưa ra “lỗi tự chứng”, nghĩa là mình không được tự chứng cho mình là “ngộ tánh”. Vậy thì ai chứng cho ta, người chứng cho ta thì ai chứng cho họ? Cho nên Thiền tông chỉ là một bước trong con đường đi đến giác ngộ giải thoát.
Mục đích tối hậu của Thiền tông là giúp ta chứng ngộ được “Tâm không”, mà không thể giúp ta đi đến giải thoát rốt ráo được. Chứng đạt được “Tâm không” giúp ta biết rõ được Trí tuệ của ta, từ đó ta mới sử dụng Trí tuệ để phá tan vô minh, chấp pháp và chấp ngã. Vậy con đường của ta vẫn phải tiếp tục, ta phải tìm xem toàn bộ tác dụng của Trí tuệ, đồng thời ta phải dùng Trí tuệ để diệt Vô minh, nguồn gốc gây ra đau khổ thì mới giải thoát vĩnh viễn.
Để lại một bình luận