TA LÀ AI?
Ta vẫn thường hiện hữu,
Trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng chẳng thấy được ta,
Ở nơi mà ta biết.
Móng tâm đi tìm ta,
Ta mất liền tức khắc.
Cho nên ta tuy có,
Bỗng lại biến thành không.
Ta là ai? Chẳng biết!
Bởi chẳng biết được ta.
Tột cùng biết ta đó,
Âm thầm sống mà thôi.
Chớ khởi lên kiến giải,
Mà làm theo như vậy.
Nếu cứ âm thầm sống,
Chẳng thể biết được ta!
TVTC 1-1-1998
ÔNG CHỦ
Ông chủ là giả lập,
Thật không có Ông chủ.
Ðừng phát sanh kiến giải,
Rơi vào chỗ tuyệt không.(1)
Với Ông chủ không thể:
Nói có hay nói không!
Nếu có, là đối tượng?
Nếu không, ai đang hành?
Rời tất cả ngữ ngôn,
Ngoài truy tìm của ý.
Móng tâm biết Ông chủ,
Ông chủ mất tức thì.
Nên Ông chủ tuy có,
Bỗng lại hóa thành không!
Tột cùng biết Ông chủ,
Thầm thầm thể nhập thôi.
TVTC 28-7-1998
Giải thích:
1- Rơi vào chỗ tuyệt không.
Tức là cho rằng tuyệt đối không có một cái gì gọi là Ông chủ cả.
TÁNH GIÁC
Tánh giác vốn hằng giác,
Chẳng nhờ giác mới giác.
Nhưng nhờ giác mới giác,
Tánh nó là hằng giác.
Giác đó, giác Tánh giác.
Ðừng chấp vào ngữ ngôn,
Phát sanh lầm kiến giải:
Tánh giác là đối tượng,
Nên giác được Tánh giác.
Nếu thực giác được nó,
Tánh giác, kẻ bị giác,
Vậy người giác là ai?
Thế nên phải biết rằng:
Tánh giác không bị giác,
bởi nó là người giác.
Nghĩa của giác Tánh giác,
Là sống với Tánh giác.
Giác ấy mà không giác,
Là chơn giác Tánh giác.
TVTC 28-7-1998
LUẬN THẤY ÔNG CHỦ
(Phần cuối)
Mê:
Vậy làm sao biết có Cái thấy?
Giác:
Nhơn sắc, biết có thấy,
Nhơn thanh, biết có nghe.
Những cái kia cũng vậy.
Mê:
Cái gì biết có thấy?
Cái gì biết có nghe?
Giác:
Tự sanh tâm phân biệt,
Trên đầu trông thêm đầu,
Cưỡi trâu đi tìm trâu.
Mê:
Vậy không thể khởi tâm biết nó được à?
Giác:
Khởi tâm biết tức quấy,
Cùng nó càng cách xa.
Mê:
Vậy không khởi tâm biết nó là đúng chăng?
Giác:
Không khởi tâm biết nó,
Thêm tăng trưởng vô minh.
Mê:
Vậy phải làm sao?
Giác:
Phải làm sao cũng trật!
Với những người chơn Ngộ,
Khởi tâm biết cũng đúng,
Không khởi tâm cũng được,
Làm thế nào cũng trúng,
Bởi không kẹt hai bên,
Còn đối với những người,
Tầm cầu qua suy luận,
Dù làm sao cũng trật.
Bởi tâm chưa thoát được,
Trói buộc của ngôn từ.
TVTC 28-7-1998
KHÔNG
Buông hết mọi kiến giải!
Trí tuệ tự lưu thông!
Không! ấy không kiến giải!
Không kiến giải, cũng không!
Hà nội, ngày 20-9-2002
Phần Hỏi đáp
Câu hỏi
Bác Quý này, thế nếu sau khi nhập Niết Bàn thì có ta không?
Trả lời
Bác hỏi vậy tức là chưa hiểu gì về Phật pháp cả!
Niết bàn đâu phải là một vị trí một nơi chốn không không gian và thời gian đâu mà cho bác nhập vào hay xuất ra!
Khi nhận thức sai lầm của bác về bản thân bác và về thế giới bị đoạn tận, thì đó gọi là niết bàn!
Mà cụ thể là khi bác không còn nhận những thứ mà xưa nay bác cho là mình, là của mình thì đó là Niết bàn vậy thôi!
Còn trong kinh sách nói “nhập niết bàn” có nghĩa là mọi nhận thức sai lầm về ta và của ta bị đoạn tận, chứ đâu phải là có cái ta nào đi nhập và có nơi chốn để cho ta nhập gọi là Niết bàn như bác hiểu đâu!
Câu hỏi
Có phải tất cả các pháp thân của Phật đều sẽ vào Niết Bàn cả không?
Trả lời
Bác nói vậy tức là chưa hiểu về nghĩa Pháp thân!
Chỉ có một Pháp thân, và pháp thân đó chính là “Phật” cũng là cái TA chân thật, thể của Pháp thân tức là “Chân như” hay là chất ETE. Chỉ có Báo thân và ứng hoá thân phật thì mới có nhiều mà thôi.
Niết Bàn tức tịch diệt là một đặc tính của Pháp thân. Cũng giống như “tính trong” là đặc tính của thuỷ tinh.
Vậy câu hỏi của bác: Có phải tất cả các pháp thân của Phật đều sẽ vào Niết Bàn cả không? có hợp lý không? câu hỏi đó có khác gì với câu hỏi có phải tất cả “thuỷ tinh” đều sẽ nhập vào “tính trong” cả hay không? hỏi như vậy có hợp lý không?
Câu hỏi
Có phải thoát khổ tức là làm cho cái pháp thân không đi đầu thai nữa để từ đây chỉ còn lại mỗi cái “ta chân thực”?
Trả lời
Hic hic!!! làm gì có vụ cái pháp thân đi đầu thai bao giờ! chỉ có “thần thức” mới đi đầu thai mà thôi.
Nguyên lý để thoát khổ là thế này:
Do Vô minh nên tâm “ái dục” sanh! do “ái dục” không được thoả mãn nên sinh ra đau khổ!
Khi Vô minh bị tận diệt, thì ảo tưởng cũng hết. do ảo tưởng hết nên tâm ái dục không còn.
Do tâm, ái dục không còn nên khổ cũng không nảy sinh lên nữa! đó gọi là thoát khổ.
Câu hỏi
Thật ra em thấy hơi vô lý, vì nếu cuộc đời là một vở kịch thì cứ để vở kịch diễn ra tiếp cho vui, chứ tu tập thế nào mà đến nỗi chỉ còn sót lại mỗi một mình ông “CTNB” thì chán chết 😂
Trả lời
Bởi vậy mới nói: Phật thuyết phát tuỳ theo căn cơ! ví dụ như ngày xưa bác gặp Phật thì Phật sẽ không bao giờ nói với bác cuộc đời là một vở kịch cả, và như vậy thì bác sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để mà thắc mắc phải không? Với trình độ của bác thì điều duy nhất mà Phật nói với bác là: tất cả những gì mà bác đang làm chỉ là một điều vô nghĩa giống như “dã tràng xe cát biển đông”, Hoặc khổ là các trạng thái sầu bi khổ ưu não của tâm, các trạng thái cảm giác bất như ý, bất toại nguyện mà thôi. Và trong trường hợp như vậy thì bác thắc mắc cái gì?
Câu hỏi
Để em trình bày lại thắc mắc của em cho có đầu có đuôi: Trên đời này chỉ có 1 cái “ta chân thực” là duy nhất, còn việc mình thấy có nhiều người khác nhau thì là do cảm giác sai lầm. Bây giờ em tạm gọi các người khác nhau như cách thấy thông thường là các “người logic”.
Các câu hỏi của em là thế này:
1. Việc tu hành, giác ngộ thì phải do “ta chân thực” làm, chứ không phải là người logic làm. Thế thì từ xưa đến nay, có rất nhiều trường hợp giác ngộ đắc đạo, tức là “ta chân thực” phải hoàn thành công việc của mình từ lâu rồi mới đúng. Vậy mà sao đến nay vẫn còn thấy “ta chân thực” cứ tiếp tục phải tu hành đi tu hành lại mãi làm gì?
2. Em thấy các quả vị của nhà Phật cứ càng tới trình độ cao thì càng ít đi đầu thai. Thí dụ có ông còn đầu thai 7 kiếp nữa thì thôi không đầu thai nữa, có ông khác lại chỉ còn 1 kiếp,… Thế thì phải chăng khi nào hết vô minh tức là thoát khổ thì thôi không đầu thai nữa?
3. Cái gì phải chịu khổ và cái gì loay hoay tìm cách thoát khổ?
Trả lời
“1. Việc tu hành, giác ngộ thì phải do “ta chân thực” làm, chứ không phải là người logic làm. Thế thì từ xưa đến nay, có rất nhiều trường hợp giác ngộ đắc đạo, tức là “ta chân thực” phải hoàn thành công việc của mình từ lâu rồi mới đúng. Vậy mà sao đến nay vẫn còn thấy “ta chân thực” cứ tiếp tục phải tu hành đi tu hành lại mãi làm gì?”
Em hiểu cái thắc mắc này của bác! nhưng trình độ của bác hiện nay chưa cho phép em giải thích về vấn đề này cho bác, còn nếu muốn thì bác có thể tham khảo qua ý kiến của LHL trong lá thư sau:
Trong cuộc sống cũng vậy,
Giống như có những người đang đấm đá nhau mà mình ra khuyên can vậy, nhưng giả dụ họ bảo “ơ hay, cái anh này, làm gì thế, không thấy chúng tôi đang đóng kịch hay sao?” thì lúc đấy mình mới ớ người ra, “Hóa ra là mình lầm tưởng! Giả mà tưởng thật”.
Như vậy là mình toàn thấy có “cái tôi”, có “cái ngã” nào đó (ta và người) và từ đây nảy sinh việc trái với ý của mình.
Cho nên khi thấy có “cái tôi”, “cái ngã” đằng sau mọi hành động thì sẽ bị cảnh lôi ầm ầm. Ngược lại, khi không thấy có “cái tôi”, “cái ngã” nào đằng sau thì mọi chuyện “đâu sẽ vào đó”.
“2. Em thấy các quả vị của nhà Phật cứ càng tới trình độ cao thì càng ít đi đầu thai. Thí dụ có ông còn đầu thai 7 kiếp nữa thì thôi không đầu thai nữa, có ông khác lại chỉ còn 1 kiếp,… Thế thì phải chăng khi nào hết vô minh tức là thoát khổ thì thôi không đầu thai nữa?”
Dĩ nhiên khi hết vô minh thì sẽ không đầu thai nữa!
“3. Cái gì phải chịu khổ và cái gì loay hoay tìm cách thoát khổ?”
Phật chỉ nó có khổ và có hết khổ chứ không nói có người chịu khổ, hay nói có cái gì loay hoay thoát khổ!
Bác có thể tham khảo thêm đoạn kinh sau:
Trích dẫn Kinh Tương Ưng Bộ:
- Tập II – Thiên nhân duyên
- [12] Chương I – Tương Ưng Nhân Duyên
- II. Phẩm Đồ Ăn
- XII. Moliya Phagguna (Tạp 15,10. Đại 2,102) (S.ii,12)
- II. Phẩm Đồ Ăn
- [12] Chương I – Tương Ưng Nhân Duyên
XII. Moliya Phagguna (Tạp 15,10. Ðại 2,102) (S.ii,12).
………………………………………………………………………………………………..
3) Khi được nói vậy, Tôn giả Moliya-Phagguna bạch Thế Tôn:
— Bạch Thế Tôn, ai ăn thức thực?
Thế Tôn đáp:
— Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có ai ăn”. Nếu Ta nói: “Có kẻ ăn”, thời câu hỏi: “Có ai ăn” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, thức thực là cho ai?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: “Thức thực là duyên cho sự sanh thành, cho sự tái sanh trong tương lai. Khi cái ấy hiện hữu, có mặt thời sáu xứ có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc có mặt”.
4) — Bạch Thế Tôn, ai cảm xúc?
Thế Tôn đáp:
— Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ cảm xúc”. Nếu Ta nói: “Có kẻ cảm xúc”, thời câu hỏi: “Ai cảm xúc” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, xúc sanh khởi?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi”.
5) — Bạch Thế Tôn, ai cảm thọ?
Thế Tôn đáp:
— Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có người cảm thọ”. Nếu ta có nói: “Có người cảm thọ”, thời câu hỏi: “Ai cảm thọ?” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thọ sanh khởi?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên thọ, ái sanh khởi”.
6) — Bạch Thế Tôn, ai khát ái?
Thế Tôn đáp:
— Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ khát ái”. Nếu Ta nói: “Có kẻ khát ái”, thời câu hỏi: “Ai khát ái” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, ái sanh khởi”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên ái, thủ sanh khởi”.
7) –Bạch Thế Tôn, ai chấp thủ?
Thế Tôn đáp:
— Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ chấp thủ”. Nếu Ta nói: “Có kẻ chấp thủ”, thời câu hỏi: “Ai chấp thủ” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thủ sanh khởi”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: “Do duyên ái, thủ sanh khởi. Do duyên thủ, hữu sanh khởi”. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Để lại một bình luận