Thời gian gần đây, ở nước ta rộ lên thông tin về những hiện tượng đặc biệt trong tâm lý con người như: ngoại cảm (gồm thần giao cách cảm, thấu thị, tiên tri và hậu tri), viễn di sinh học hay tác động của tinh thần lên vật chất (chẳng hạn bẻ cong thìa bằng ý nghĩ) và các hiện tượng liên quan với sự tồn tại sau cái chết (như kinh nghiệm cận kề cái chết, xuất hồn hay thoát xác, luân hồi, ma nhập…).
Thực ra những hiện tượng này không có gì bí ẩn cả. Sở dĩ nó bí ẩn và khó giải thích là do những quan niệm sai lầm của chúng ta về bản chất của thế giới mà chúng ta đang cảm nhận. Thực ra những sự vật, hiện tượng mà chúng ta đang nhìn thấy mỗi ngày không phải là những sự vật, hiện tượng tồn tại thực sự trong thực tại khách quan. Chúng chỉ là những hiện tượng biểu kiến, là sự phản ánh của những hiện tượng thực sự xảy ra trong thực tại khách quan, được các giác quan của chúng ta ghi nhận lại mà thôi. Về bản chất nó không khác gì những sự vật, hiện tượng hiện ra trong giấc mơ của chúng ta chỉ khác nhau ở nguồn gây ra kích thích mà thôi. Thế giới trong mơ hiện ra là nhờ sự hoạt động của hệ thống thần kinh bên trong tự tác động (tương tự như những hình ảnh hiện ra trên màn hình máy tính nhờ việc truy xuất những file được lưu trong máy tính). Còn thế giới mà chúng ta thấy hành ngày hiện ra nhờ những kích thích được gửi tới từ môi trường bên ngoài (tương tự như những hình ảnh hiện ra trên màn hình máy tính nhờ việc thu hình trực tiếp của webcam).
Trong bài viết này, tôi xin trình bày quan điểm cá nhân của mình về những vấn đề nói trên.
1. Cơ thể con người như một cái máy thu phát vô tuyến truyền hình.
Hoạt động phát thông tin.
Mọi hoạt động nhận thức, hành động, suy nghĩ, cảm xúc,… của chúng ta đều làm xuất hiện những dòng xung điện chạy trong các nơron thần kinh. Những dòng điện này sẽ làm xuất hiện điện từ trường biến thiên trong không gian và theo thời gian mà chúng ta thường gọi là sóng điện từ. Các sóng điện từ này sẽ mang thông tin của các hoạt động sống nói trên truyền ra không gian và người khác có thể thu nhận được. Ngoài ra, trong quá trình truyền sóng, các sóng này có thể bị vật chất xung quanh hấp thụ và lưu giữ dẫn đế hiện tượng lưu giữ thông tin của vật chất xung quanh nguồn phát thông tin. Bản thân các vật chất này lại có khả năng phát ra các thông tin này vào môi trường xung quanh thông qua quá trình bức xạ.
Hoạt động thu và giải mã thông tin
Cơ thể con người có cấu trúc cho phép thu nhận thông tin được gửi đến từ môi trường. Đây là điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Cơ quan để thu nhận các thông tin đó chính là một số giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt thu nhận các sóng ánh sáng có mang thông tin và giải mã ra thành cách hình ảnh, màu sắc. Tai thu nhận sóng âm có mang thông tin và giải mã ra thành các âm thanh. Thân có thể thu nhận các loại sóng khác nhau có mang thông tin và giải mã ra thành cảm nhận về thân thể. Tuy nhiên, còn có một số giác quan khác nằm sâu bên trong mà ít ai biết tới. Các giác quan này có thể thu nhận trực tiếp các sóng có mang thông tin từ môi trường gửi tới và giải mã nó ra thành hình ảnh, âm thanh, mùi, cảm giác…. Đối với những người thông thường vì họ không biết tới giác quan này nên không sử dụng nó, các giác quan không bị kích hoạt lâu ngày có thể trở nên bị thui chột lúc nào không biết.
2. Những sự vật, hiện tượng mà chúng ta nhìn thấy giống như những hình ảnh ta nhìn thấy trên màn hình ti vi
Theo một quan niệm thông thường nhất, khi chúng ta nhìn (cảm giác thị giác) một vật nào đó, và chúng ta thấy được hình ảnh, màu sắc của nó. Thì chúng ta hay tự cho rằng: mắt ta nhìn thấy những vật – có hình đáng, và mầu sắc như vậy – ở bên ngoài ta, trong thế giới khách quan. Nó tồn tại độc lập với ta, không phụ thuộc vào ta.
Có thật như thế không?
Điều này hoàn toàn là sai lầm, thực tế diễn ra không phải là như những gì chúng ta tưởng. Những gì mà chúng ta nhìn thấy (hình dáng và màu sắc), không phải là những vật thể có thực, tồn tại ở bên ngoài “Ta”, độc lập với “Ta” trong thế giới khách quan. Mà chúng chỉ là những ảo ảnh, được phóng chiếu ra, từ trong tâm thức chủ quan của “Ta”, tồn tại trong cảm giác chủ quan của “Ta”, và phụ thuộc vào chủ quan của “Ta”. Và bây giờ, tôi sẽ chứng minh sự đúng đắn của điều đó, bằng những kiến thức khoa học hiện đại.
Trước hết, chúng ta hãy xem xét xem tiêu chuẩn để phân biệt giữa thực và giả, mà chúng ta vẫn dùng xưa nay có chính xác hay không?
Theo nhận thức thông thường, thì chúng ta cho rằng: những cái gì thuộc về mắt thấy tai nghe, tay sờ mó được, thì nó là có thực, là cái tồn tại trong thế giới khách quan, độc lập với chủ quan của con người. Mới thoạt nghe thì tưởng đúng lắm, nhưng thực ra không phải như vậy. Để thấy rõ điều này, chúng ta hãy xem xét trường hợp bị ảo giác. Những ai có hiểu biết về môn tâm thần học trong y học, đều biết đến một chứng bệnh, đó là bệnh ảo giác. Những người bị bệnh ảo giác có thể nhìn thấy những vật thể, với hình dáng và màu sắc, tương tự như những vật thể thật, mà thực tế nó hoàn toàn không có. Những người khác không hề nhìn thấy (ảo thị giác). Họ không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Mà họ nhìn thấy tất cả là như nhau. Hoặc tai họ nghe được những âm thanh giống như thực, nhưng thực tế không hề có. Những người khác không hề nghe thấy (ảo thính giác); Mũi họ ngửi được những mùi giống như thực, nhưng thực tế không hề có. Những người khác không hề ngửi thấy (ảo khướu giác); Miệng họ cảm nhận được những vị giống như thực, nhưng thực tế không hề có (ảo vị giác); Thân họ cảm nhận được những trạng thái, hoặc những sự xúc chạm giống như thực, nhưng thực tế không hề có (ảo thân giác, ảo xúc giác). Đặc điểm chung là họ không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Mà họ cảm nhận thấy tất cả là như nhau. Chúng ta hãy đọc một đoạn mô tả, được trích ra trong một cuốn sách “Tâm thần học” :
“ảo giác là cảm giác về một tri giác đã có trước, mà không hề có một kích thích nào mới của ngoại cảnh phù hợp với nó (Goldstein). Đối với người bệnh, ảo giác là một tri giác có thật, chứ không phải là một điều gì tưởng tượng. Trong trạng thái ảo giác, người bệnh trông thấy, nghe thấy, ngửi thấy thật, chứ không phải tưởng tượng ra, hình dung ra. Đối với người có ảo giác, cảm giác chủ quan trở nên có thật, cũng y như những cảm giác bắt nguồn từ thế giới khách quan (Griesinge).
Những lời sau đây của người bệnh minh họa cho đặc điểm của ảo giác: “Tôi nghe thấy những tiếng nói, bởi vì tôi nghe thấy những tiếng nói. Việc ấy xảy ra như thế nào tôi không biết, nhưng những tiếng nói đó đối với tôi cũng rành rọt như tiếng nói của anh; nếu như tôi phải tin những lời của anh là có thật, thì xin phép cho tôi tin những lời mà tôi nghe thấy cũng là có thật. Cả những lời của anh, cả những lời kia tôi đều có thể cảm thấy ở mức độ như nhau””[1] .
Ảo giác có thể có ảo giác đơn lẻ, hoặc ảo giác phức hợp. Trong ảo giác phức hợp chúng ta có thể nhìn thấy một món đồ, và rờ, chạm vào nó, thậm chí cầm nắm nó lên, đập nó bể tan, và nghe được âm thanh va đập của nó. Hoặc chúng ta có thể nhìn thấy một người nào đó, có thể rờ chạm vào người đó, và nói chuyện với người ấy như với một người thật.
Bây giờ giả sử chúng ta là những người bị bệnh ảo giác phức hợp. Thì ở đây, chúng ta lấy tiêu chuẩn nào, để phân biệt được đâu là hình ảnh ảo giác (giả), và đâu là vật thể thật, mà không cần nhờ sự giúp đỡ của một ai? Tiêu chuẩn mắt thấy tai nghe, tay sờ mó, có còn dùng được nữa hay không?
Câu trả lời là không! Chúng ta không thể phân biệt được đâu là thực, đâu là ảo. Tiêu chuẩn mắt thấy tai nghe, tay sờ mó không thể dùng được. Điều đó có nghĩa là tiêu chuẩn mắt thấy tai nghe, tay sờ mó, để nhận biết một vật là có thực, không thể dùng được. Chúng ta dùng nó là không chính xác. Điều này cũng phải thôi. Vì rõ ràng có cái, chúng ta có thể mắt thấy tai nghe, tay sờ mó rõ ràng, mà vẫn là ảo ảnh, không có thực cơ mà.
Vậy tiêu chuẩn chính xác để phân biệt thực và giả là gì?
Ở đây chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất chính xác. Đó là: một sự vật, hay hiện tượng nào đó, được gọi là “có thật”, khi và chỉ khi, nó thuộc về thế giới khách quan, tồn tại ở bên ngoài, độc lập, và không phụ thuộc với chủ quan của con người.
Bây giờ tôi sẽ chứng minh tất cả những gì mà chúng ta nhìn thấy, đều là ảo ảnh, không có thực. Ví dụ sau đây sẽ minh chứng rõ ràng điều đó:
Giả sử vào thời điểm t=t1, tại điểm A, có một ngôi sao A tức thời được sinh ra và phát sáng. Ngôi sao này tồn tại trong vòng nửa năm. Đúng thời điểm t=t1+0,5 năm, ngôi sao A tức thời bị hủy diệt. Câu hỏi được đặt ra là ta ở điểm C trên trái đất, cách điểm A một năm ánh sáng, sẽ nhìn thấy ngôi sao A được sinh ra, tồn tại và hủy diệt vào thời điểm nào.
Câu trả lời rất dễ dàng: Ta sẽ thấy ngôi sao A được sinh ra vào thời điểm t= t1+1 năm, tồn tại trong vòng nửa năm, từ thời điểm t= t1+1 năm, đến thời điểm t= t1+1,5 năm, và nó sẽ bị hủy diệt vào thời điểm t= t1+1,5 năm.
Vấn đề được đặt ra ở đây là: ngôi sao A mà ta nhìn thấy, được sinh ra và tồn tại, sau khi ngôi sao A thực đã bị hủy diệt nửa năm. Vậy ngôi sao A mà ta nhìn thấy, có phải là ngôi sao A thực (ngôi sao A thực này được gọi là ngôi sao vật lý), tồn tại trong thế giới khách quan hay không?
Câu trả lời dĩ nhiên là không! Có một số người sẽ lý luận rằng: phải có ngôi sao A thực, thì mới có ngôi sao mà ta nhìn thấy. Điều này không sai, nhưng chúng ta chưa cần quan tâm đến vấn đề đó. Vấn đề mà chúng ta cần quan tâm ở đây là: ngôi sao A mà ta nhìn thấy, không phải là ngôi sao A thực, trong thế giới khách quan. Điều đó có nghĩa là: ngôi sao A mà ta trực tiếp nhìn thấy, không phải là một vật thể có thực, tồn tại ở bên ngoài ta, độc lập với ta trong thế giới khách quan. Nó không phải là một ngôi sao vật lý. Khoảng thời gian chênh lệch giữa sự xuất hiện, tồn tại và hủy diệt của ngôi sao A thật (vật lý), với sự xuất hiện, tồn tại và hủy diệt của ngôi sao A, mà ta nhìn thấy là 01 năm. Nó được gọi là độ lệch pha.
Từ ví dụ về ngôi sao đó, chúng ta suy ra rằng: tất cả những gì mà chúng ta nhìn thấy, không phải là những vật thể có thực, tồn tại ở bên ngoài “Ta”, độc lập với “Ta” trong thế giới khách quan. Chỉ có điều, so với ngôi sao A, thì khoảng cách của chúng đến chúng ta gần hơn. Nên độ lệch pha của chúng cũng nhỏ hơn rất nhiều, có thể coi như bằng không. Điều đó làm cho chúng ta có một sự nhận thức sai lầm, về sự đồng nhất giữa các vật thể vật lý (có thật), tồn tại thực sự trong thế giới khách quan, với những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy. Mà trong thực tế, chúng hoàn toàn không phải là một, hoàn toàn không đồng nhất với nhau .
Tóm lại, tất cả những gì mà chúng ta nhìn thấy, đều là ảo ảnh, không có thực. Vì chúng không thuộc về thế giới khách quan. Và chúng tồn tại phụ thuộc vào chủ quan của con người.
Trở lại với ví dụ ngôi sao A, một vấn đề khác được đặt ra là: ngôi sao A mà ta nhìn thấy nửa năm sau từ đâu mà ra? và nó nằm ở đâu? khi mà nó không phải là một vật thể có thực, tồn tại trong thế giới khách quan. Nếu chúng ta cho rằng: nó nằm trong thế giới khách quan bên ngoài “Ta”, thì có hợp lý hay không?
Cảnh vật mà ta cảm giác được là từ đâu mà ra?
Về nguồn gốc của ngôi sao mà ta nhìn thấy, chúng ta đã biết rằng: nó không phải là một ngôi sao thật, tồn tại trong thế giới khách quan ở bên ngoài “Ta”. Nên dĩ nhiên, nó không thể có nguồn gốc từ thế giới khách quan, ở bên ngoài “Ta” được. Và như vậy thì chắc chắn, nó phải được sinh ra từ trong thế giới tâm thức chủ quan của “Ta” mà thôi, không thể khác được.
Điều này có đáng nghi lắm không?
Chẳng có gì đáng nghi ngờ cả. Vì tâm thức chủ quan của chúng ta, vốn hoàn toàn có khả năng phóng chiếu ra những hình ảnh như vậy trong thực tế, như là một cái máy chiếu phim. Tôi có hai dẫn chứng.
Dẫn chứng thứ là những hình ảnh, phong cảnh trong những giấc mơ. Chúng hoàn toàn là sản phẩm của tâm thức chủ quan của chúng ta. Chúng do tâm thức chủ quan của chúng ta phóng chiếu ra. Rõ ràng là tâm thức chủ quan của chúng ta, có khả năng phóng chiếu ra các hình ảnh, cảnh vật, như là một cái máy chiếu phim. Tất nhiên, đây là những hình ảnh hư ảo, không có thật. Nhưng ở phần trên tôi cũng đã chứng minh được rằng: những hình ảnh, cảnh vật mà chúng ta nhìn thấy, và cho là thật từ xưa tới nay, cũng chỉ là những hình ảnh hư ảo, không có thật, như những hình ảnh trong mơ đó mà thôi. Tất nhiên giữa chúng có một số khác biệt nào đó, về nguyên nhân xuất hiện, mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Nhưng đó chỉ là những điều nhỏ nhặt, không quan trọng.
Dẫn chứng thứ hai chính là hiện tượng ảo giác, đã được nói đến ở trên. Chúng ta thấy rõ ràng: các hình ảnh ảo giác, không thể có nguồn gốc từ bên ngoài, trong thế giới khách quan được. Mà nó được phóng chiếu ra từ trong tâm thức chủ quan, của người bị ảo giác. Và ở đây, sau khi xuất hiện. Thì đối với người bị ảo giác, nó cũng thực không kém gì các loại đồ vật khác, mà chúng ta cho là thực. Vấn đề được thấy ở đây, không phải là vấn đề đồ vật ảo đó giống với đồ vật thật, như chúng ta vẫn nghĩ xưa nay; Mà thực ra, vấn đề là: cái chúng ta gọi là đồ vật thật đó, cũng chỉ là ảo ảnh như là đồ vật ảo đó mà thôi. Tất cả chúng đều được phóng chiếu ra, từ tâm thức chủ quan, của người bị ảo giác. Thực ra tất cả chúng ta đang sống trong một ảo giác tập thể, chứ chẳng có gì lạ.
Tóm lại ngôi sao đó, và tất cả những hình ảnh mà chúng ta thấy hàng ngày xung quanh đây, được phóng chiếu ra từ trong tâm thức chủ quan của chúng ta và nằm trong tâm thức của mỗi con người tương tự như những cảnh vật ở trong mơ.
3. Kết luận
Cơ thể chúng ta giống như một cái ti vi mà con mắt giống như camera, và những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy giống như hình ảnh hiện ra trên màn hình ti vi. Chỉ có điều hình ảnh chúng ta nhìn là hình ảnh 3D trên màn hình 3D khác với những hình ảnh 2D trên màn hình 2D thông thường. Mỗi người chúng ta đều có một màn hình 3D của riêng mình và mỗi người quan sát thế giới khách quan qua cái màn hình 3D đó. Tòan bộ cảnh vật mà mỗi người chúng ta nhìn thấy trước mắt là những hình ảnh hiện ra trên một cái màn hình 3D của mỗi người và ta gọi đó là những hiện tượng biểu kiến.
Giữa những hiện tượng biểu kiến và hiện tượng thực có mối liên hệ khắng khít với nhau. Bất cứ một sự thay đổi của một hiện tượng nào trong thế giới khách quan cũng đều được phản ánh bằng một sự thay đổi tương ứng, trong thế giới biểu kiến (cảm giác) của chúng ta. Và ngược lại, bất cứ một sự thay đổi nào, diến ra trong thế giới biểu kiến của chúng ta, cũng đều là sự phản ánh của một sự thay đổi tương ứng, diễn ra trong thế giới khách quan.
(Bài trích trong Kỷ yếu hội thảo Tâm Linh 2010, tác giả Nguyễn Đức Quý)
——————————————————————————————-
[1] “Tâm thần học”, Sách của nhà xuất bản “MIR” – Maxtcva, phối hợp với nhà xuất bản y học – Hà nội xuất bản năm 1980. Các tác giả: O. V. KECBICOP, M.V. COCKINA, R. A. XNHEGIƠNHEPXKI .
Để lại một bình luận