Phẩm Ngoại đạo: Khổ do đâu mà sanh?

IV. Ngoại Ðạo (S.ii,32)

1)… Trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvana (Trúc Lâm).

2) Tôn giả Sàriputta vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực.

3) Rồi Tôn giả Sàriputta suy nghĩ: “Thật là quá sớm để vào Vương Xá khất thực. Ta hãy đi đến vườn của các du sĩ ngoại đạo”.

4) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến vườn của các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Tôn giả liền ngồi xuống một bên.

Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:

5) — Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Này Hiền giả Sàriputta, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.

6) Ở đây, này Hiền giả Sàriputta, Sa-môn Gotama thuyết như thế nào, tuyên bố như thế nào? Và chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Sa-môn Gotama tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Sa-môn Gotama không đúng sự thực. Pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.

7) Chư Hiền giả, Thế Tôn đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Thế Tôn tuyên bố, không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, pháp được trả lời là thuận pháp, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích.

Ở đây, này chư Hiền, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm; khổ ấy chính do duyên xúc… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.

9) Ở đây, này chư Hiền, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Và những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra. Và những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.

10) Tôn giả Ananda nghe câu chuyện giữa Tôn giả Sàriputta với các du sĩ ngoại đạo ấy.

11) Rồi Tôn giả Ananda, đi khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda đem tất cả câu chuyện xảy ra giữa Tôn giả Sàriputta và các du sĩ ngoại đạo trình bày lên Thế Tôn.

12) — Lành thay, lành thay, này Ananda! Sàriputta trả lời như vậy là trả lời một cách chơn chánh. Này Ananda, Ta nói rằng khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật, và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn, cũng không tìm được lý do để chỉ trích.

13) Ở đây, này Ananda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm, khổ ấy chính do duyên xúc. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.

14) Ở đây, nàyAnanda, những Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương

về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc, sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh, họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.

15) Này Ananda, một thời Ta trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

16) Rồi này Ananda, vào buổi sáng Ta đắp y, cầm y bát đi vào Vương Xá để khất thực.

17) Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Thật là quá sớm đi vào Vương Xá để khất thực. Vậy Ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo”.

18) Rồi này Ananda, Ta đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến Ta nói lên với những du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, Ta ngồi xuống một bên.

Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Ta đang ngồi một bên:

19) “– Này Hiền giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm. Này Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do người khác làm. Này Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm và do người khác làm. Nay Hiền giả Gotama, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh.

20) Ở đây, Tôn giả Gotama thuyết như thế nào? Chúng tôi trả lời như thế nào để đáp đúng lời Tôn giả Gotama tuyên bố; chúng tôi không xuyên tạc Tôn giả Gotama không đúng sự thật; pháp chúng tôi trả lời là thuận pháp và một vị đồng pháp nào muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích?”

21) Khi được nói vậy, này Ananda, Ta nói với các du sĩ ngoại đạo ấy:

“– Này chư Hiền, Ta đã nói khổ do duyên mà sanh. Do duyên gì? Do duyên xúc. Nói như vậy là đáp đúng lời Ta tuyên bố, không xuyên tạc Ta không đúng sự thật; pháp được trả lời là thuận pháp; và một vị đồng pháp nào có muốn cật vấn cũng không tìm được lý do để chỉ trích”.

22) Ở đây, chư Hiền giả, có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ do tự mình làm; khổ ấy chính do duyên xúc. Có những Sa-môn, Bà-la-môn nào… (như trên)… Có những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp, tuyên bố khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, khổ do tự nhiên sanh; khổ ấy chính do duyên xúc.

23) Ở đây, chư Hiền giả, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp tuyên bố khổ do tự mình làm; họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc, sự kiện như vậy không xảy ra. Những Sa-môn, Bà-la-môn… (như trên)… Những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương về nghiệp tuyên bố khổ không do tự mình làm, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh. Họ chắc chắn có thể tự cảm thọ không cần đến xúc; sự kiện như vậy không xảy ra.

24) — Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Làm sao tất cả nghĩa được nói chỉ trong một câu. Bạch Thế Tôn, nếu nghĩa này được nói rộng ra, nghĩa này sẽ sâu thẳm và có vẻ được xem là sâu thẳm.

25) — Vậy này Ananda, Ông hãy trình bày nghĩa ấy ở đây.

26) — Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, già, chết lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?” Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: “Già, chết, thưa các Tôn giả, lấy sanh làm nhân, lấy sanh tập khởi, lấy sanh tác sanh, lấy sanh làm hiện hữu”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

27) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời: “Sanh, thưa các Tôn giả, lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

28) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: “Hữu, thưa các Tôn giả, lấy thủ làm nhân, lấy thủ tập khởi, lấy thủ tác sanh,

lấy thủ làm hiện hữu”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

29-31) Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, thủ lấy gì làm nhân… ái lấy gì làm nhân… thọ lấy gì làm nhân… (như trên)..”. Bạch Thế Tôn, nếu họ hỏi con: “Này Hiền giả Ananda, xúc lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: “Xúc, thưa các Hiền giả, lấy sáu xứ làm nhân, lấy sáu xứ tập khởi, lấy sáu xứ tác sanh, lấy sáu xứ làm hiện hữu. Thưa các Hiền giả, do sự ly tham, đoạn diệt hoàn toàn các xúc xứ, xúc được đoạn diệt. Do xúc diệt, thọ diệt; do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status