Nhìn lại về đường Tu (Phần 1) – Bước Đầu Tìm Hiểu, Bước Đầu Ngộ

Giới thiệu danh sách bài hồi ký tu tập

  1. Nhìn lại về đuờng Tu (Phần 1) – Bước Đầu Tìm Hiểu, Bước Đầu Ngộ – LBK
  2. Nhìn lại về đường Tu (Phần 2) – Hồi ký tu tập – CDT
  3. Nhìn lại về đường Tu (Phần 3) -Quá Trình TU Học – Cô Tám
  4. Nhìn lại về đường Tu (Phần 4) – Quá trình tu học – Phương
  5. Nhìn lại về đường Tu (Phần 5) – Hồi ký tu hành – Chị Quy
  6. Nhìn lại về đường Tu (Phần 6) – Quá trình nhận thức – LHL

Ghi chép của LBK

Tôi sinh ra trong gia đình theo đạo Phật, bố tôi 25 năm liền trường chay, sau khi đi tham quan Liên xô về bố tôi lại ăn chay tiếp. Người thường đi hộ niệm công đức cho nhiều nơi, nhất là gia đình bạn hàng mẹ tôi ở chợ Đồng Xuân và quê tôi ở ven đô vì họ hay cúng lễ. Họ quan niệm cụ ăn chay trường tụng kinh thấu tới Phật, người ốm nặng qua khỏi, là qua khỏi ngay, có đi thì đi ngay, nhẹ nhàng, không làm vất vả cho người thân…  Khi làm công quả, cụ không nhận tiền xe đi về, không nhận nhiều lộc. Sau khi cúng, gia đình họ có mời ăn, nhưng cụ chỉ ăn chay và vẫn còn uống rượu. Thấy vậy nhiều người mang lộc đến nhà biếu. Mẹ tôi sai tôi mang gửi lại vì “đi tụng kinh để lấy phúc, chứ không để lấy lộc”.

Do vậy nhiều người nhờ bố tôi lắm, có người cho rằng: sư mà ăn mặn tụng kinh không tốt bằng. Tiếp xúc với đồng đạo của bố tôi, với các sư, tôi thấy họ đời thường quá. Không phải là người tu, là nhà sư như tôi nghĩ. Lời kinh các cụ tụng, khi thì tôi không hiểu, khi thì thấy ngô nghê. Do vậy tình cảm của tôi với Đạo Phật còn hạn chế.

Khi bố tôi mất, các sư đến hộ niệm rất đông. Lúc đưa đám, người đưa và người xem nhiều đến nỗi tắc đường Bờ Hồ, riêng các sư đã 1 ôtô chưa kể một số sư say ôtô đi bằng xe máy (lúc đó tắc đường ít xảy ra). Vì thế các bạn tôi đến rủ tôi đi ăn cỗ chay, làm công quả các chùa lớn trong thành phố (năm 1992). Lúc đó ăn cỗ chay ở chùa còn mới lạ, còn là mốt của một số người. Tôi làm công quả khá tích cực, đưa bà gì, bà bác, bạn của các cụ và hai con tôi cùng đi, lúc đó hai cháu mới học mẫu giáo và lớp 3. Các bạn tôi và tôi được nhà chùa trọng vọng lắm, vì họ công tác ở thành phố và quận. Sau đó, tôi thấy việc hành đạo ở các chùa không thể hiện tính từ bi bác ái, không bình đẳng, lời giảng nhiều chỗ không thuyết phục tôi. Tôi cảm tưởng như mình bị lôi cuốn theo số đông và sự uy nghi. Đến khi cơ chế thị trường xuất hiện trong một số chùa, tôi từ từ rút lui – tôi nghĩ đến chùa để vui, thì tôi có nhiều nơi khác vui hơn, nguồn vui ấy chính đáng hơn.

Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn tôi hướng dẫn tôi tụng kinh, nhưng tôi không tụng, mà chỉ thắp hương, đọc kinh trước bàn thờ Phật; tôi cho rằng, mình còn nhiều việc đời thường như: nhẩy đầm, picnic, rượu chè…  mà mặc áo dài nâu, ngồi gõ mõ tụng kinh là nói dối Phật. Khi đọc kinh tôi cầu mong Thần, Phật trừng trị những kẻ độc ác với bố con tôi thôi.

Rồi thời gian qua đi, sóng gió qua đi, quan niệm của tôi về tín ngưỡng, về đạo Phật vẫn như thế.

Tứ Diệu Đế

Khoảng tháng 8-2002, tôi có dịp tiếp xúc với A do bà Lý tình cờ giới thiệu, tôi hỏi A về thiền, tôi rất thích nhưng tôi bị vọng động, không ngồi tĩnh được, A  nói: có cách thiền động bao trùm mọi cách thiền. Nó cơ bản hơn, thực hành tốt rồi sẽ thiền tĩnh được. Chúng tôi nói chuyện với nhau gần hết một ngày, A nói về khái niệm ảo: những gì ta nhận biết được đều là ảo, Ví dụ, ngôi sao trên vũ trụ đã tắt một năm rồi, nhưng hàng ngày, hàng năm sau ta vấn nhìn thấy, tuỳ ngôi sao ấy lúc tắt cách xa ta bao năm ánh sáng…  Nhiều điểm tôi chưa chấp nhận được, nhưng tôi không vội phủ nhận. Tôi nghĩ điều A nói đến chắc phải có tính khoa học mà tôi chưa biết đến. Lúc nói chuyện với A  tôi luôn bị đau đầu, do đề tài khó hiểu, khó chấp nhận. Điều thuyết phục tôi nhất trong ngày hôm đó là A nói về Tứ Diệu Đế.

Cách đây mấy năm, Thu Hà có cho tôi mượn quyển “Đức Phật và Phật pháp”, tôi đọc thấy giáo lý của Đạo Phật hay quá, khoa học quá. Khác hẳn những gì tôi biết về Đạo Phật, nó thuyết phục, không như quyển kinh Tân ước và Chuyện về Kinh Thánh mà tôi có – với trình độ về Phật học có hạn, cách đọc sách hay bị đau đầu, tôi chỉ đọc được phần Đức Phật. Đọc phần Phật Pháp đau đầu lắm.

Khi ấy, A  nói cho tôi về Tứ Diệu Đế tôi thấy bừng tỉnh ra, tôi hỏi đi hỏi lại, nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc, tự nhiên tôi thấy trọng vọng A hơn, bỏ qua phần nào hình thức bên ngoài của A, tôi tự nhủ khi có điều kiện sẽ đến tìm hiểu giáo lý Đạo Phật ở nơi anh.

Sau đó A cho tôi quyển “Bàn về Tâm linh và cách lý giải các hiện tượng dị thường” tôi đọc không hiểu, đọc nữa thì đau đầu. A cho biết, đau đầu là do tâm trí và muốn tìm hiểu bằng kiến thức của mình, chứ không phải bằng thông tin có trong sách, lúc đó tôi không hiểu lắm, nếu cố đọc sách khó hiểu thì đầu đau như vỡ ra – sau này anh có cho tôi tài liệu “Kỹ thuật đọc sách” do anh viết. Từ đó tôi tập đọc sách, nghiền ngẫm theo cách khác trước, dần dần có hiệu quả.

Vài buổi nói chuyện sau, tôi chỉ hỏi A về Tứ Diệu Đế còn các vấn đề khác tôi bỏ qua, hoặc nghe lớt phớt, dù A có đề cập vấn đề khác, tôi cho là: biết điều gì chắc điều ấy, cái khó quá không phải là của mình, hơn thế nữa còn bị đau đầu, là mua khổ vào thân, mình sao thành Phật, thành Sư được. Cái ý muốn của tôi là làm sao cho hết khổ – trước mắt là đọc sách, nghiên cứu để không bị đau đầu – cứ thử xem sao.

Riêng Tứ Diệu Đế thì nó hay quá, A nói vấn đề nay cũng rất hay. Sau này tôi mới biết, mình hiểu được và bước đầu ngộ được là do pháp Tứ Diệu Đế dùng lôgich biện chứng để lập luận, môn này tôi đã học ở đại học, nên tiếp thu được.

Còn pháp nhìn thế giới, con người là ảo tôi chỉ tạm chấp nhận để tìm hiểu sâu hơn chứ chưa công nhận. Rất nhiều điều lúc bấy giờ tôi không thể thông được, nhưng với mục đích tìm hiểu Phật Pháp để mình bớt khổ. Cụ thể là không bị đau đầu khi đọc sách, nghiên cứu – trước mắt tôi tạm thời chấp nhận và tìm cách gặp A. Nhưng duyên chưa tới, mấy lần gọi điện không gặp anh, có lần gọi đến nhà bác ánh thì anh không thể tiếp tôi được do nhà bác ánh chật. 

Tóm lại: Giai đoạn mở đầu kiến thức của tôi cũng vào loại kha khá, ỷ vào kiến thức, với thói quen làm việc cũ tôi rất đau đầu. Trong cuộc sống luôn thấy mình khổ sở. Sau này mới biết là do “Vô minh”.

Được A giảng về Tứ Diệu Đế tôi cũng thử tìm hiểu để mình lý giải được KHổ và bớt KHổ thôi – nếu làm tôi khỏi đau đầu trong đọc sách và nghiên cứu càng tốt. Mục đích thật nhỏ nhoi và đầy cầu may, chứ không phải là tiếp thu được kỹ lưỡng và có cách làm việc khoa học như sau này.

Khoảng tháng 10 – 2002 tôi tạm dứt được công việc làm ăn, tôi tìm đến A , 

vừa hay lúc này anh Tiến, cô Liên đang theo học (tìm hiểu). A  hướng dẫn theo cuốn “Bạn và cuộc đời pháp luân”  tôi thấy mù tịt như đọc Ôsô, hơi ngại – tôi tự động viên: thì cứ thử xem, có người hướng dẫn, có khi hiểu được và hiểu được Ôsô như Thu Hà ca ngợi, càng hay – lúc đấy tôi rỗi rãi. May sao, sau một hai buổi A đổi sách, nếu không tôi đã xa rời A  từ đó.

Kàlàmà

Khi A hướng dấn đoạn kinh trong kinh Tăng Chi, chương III, 3 Pháp, Phẩm Lớn là:

  • Chớ có tin vì nghe theo truyền thuyết.
  • Chớ có tin vì theo truyền thống
  • Chớ có tin vì nghe người ta nói
  • Chớ có tin vì kinh tạng truyền tụng
  • Chớ có tin nhân lý luận siêu hình
  • Chớ có tin đúng theo một lập trường
  • Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện
  • Chớ có tin vì phù hợp với định kiến
  • Chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền
  • Chớ có tin vì vị Sa môn là đạo sư của mình

Sau khi đọc tôi thấy khác hẳn, nghe A giảng xong tôi ngộ ra: Đây là đạo lý mình cần phải học. Chứ không phải là học thử, có càng tốt không có chẳng sao như trước. Tôi nghĩ đây là giáo lý không áp đặt, đưa mình lên, tự chủ và tự quyết định, nói một cách không khiêm tốn cho lắm, mình cũng chịu học, được học trong thời gian khá dài, trong nhiều môi trường học vấn. Sao mình cứ phải tin theo những điều không chắc chắn, hay để người khác dắt mũi mình. Sau đó tôi đọc lại chương IV Bốn Pháp (3): Mất gốc nói về tán thán và không tán thán, tín nhiệm, không tín nhiệm. Tôi không thấy ngô nghê, đơn giản như lúc đầu.

Những phần sau của kinh Tăng chi như :

– Như lý suy tư (Chương III Ba Pháp – Phẩm người ngu)

– Thấy những gì cần thấy (Chương IV Bốn Pháp Phẩm Uruvelà (24) Kàlaka)

– Như lý tác ý (Chương I Một Pháp II..Phẩm đoạn Triền Cái)

Đặc biệt: Phần như lý tác ý nói về tịnh tướng, ngại tướng, tham dục, càng nghe giảng tôi càng thấy hay. Tôi chợt nghĩ: Hay thật, sao các sư vớ vẩn thế, cơ chế thị trường thế, có giống lý thuyết rất hay của CNXH không? Và tôi cảnh giác.

Khi A nói: Tu là tu cho chính mình. Biến đổi mình, không biến đổi người khác, biến đổi thế giới. Hiểu được như vậy tôi mới yên tâm học tiếp.

Tôi học được cái gì? Trong hàng loạt: Chương, Phẩm, Pháp, Đoạn… 

Thấy Biết Như Thực

Xin thưa, tôi học một điều rất đơn giản mà hết sức khó đó là Thấy Biết Như Thực, thực vậy, từ xưa mình làm khổ mình như anh cầm đèn chạy trước ôtô, gần 60 tuổi nhiều kiến thức, lắm kinh nghiệm. Bất cứ sự việc gì mình cũng đưa ra nhận định, đánh giá theo chủ quan của mình, rồi phòng xa, ngăn chặn, đón đầu…  Cho nên đọc sách toàn đưa ý kiến của mình, đào sâu suy nghĩ quá, có khi hiểu sai ý tác giả, nếu chưa hài lòng với chủ quan của mình lại đào sâu tiếp cho đến khi loạn đầu thì thôi. Nên A  dặn tôi: đọc sách như đọc tiểu thuyết, lướt qua để nắm nội dung, sau đó đọc lại để tìm hiểu ý của tác giả, nếu chưa hiểu thì đọc chậm lần nữa, hoặc để đấy lúc khác xem lại &  không nên cố sẽ sa lầy hoặc hiểu theo chủ quan của mình trong thời điểm bấy giờ.

Ít ai nghĩ rằng trong đời sống hàng ngày mình thấy biết không thật, ra đường nhiều người đi xe máy quên kéo chân chống, ra về đã khoá ngăn kéo bàn làm việc, tủ, cửa phòng chưa cũng không nhớ, gặp mặt người này người kia tự nhiên có cảm tình, hoặc mất cảm tình, chỉ vì khuôn mặt đó, dáng điệu đó, lời nói đó mình đã gặp ở đâu trong hoàn cảnh vui vẻ hay bực mình, có khi chỉ gặp trong phim. Đã thấy biết không thật thì ứng xử của mình có thật đúng không? Ta tự làm mệt ta với một loạt ý nghĩ: vui vẻ, bực dọc, đề phòng & chúng ta hay gặp nhất là trường hợp “chửi chó, mắng mèo” của ai đó mà mình không ưa, thì cứ cho là họ chửi sỏ mình.   

A  có đưa ra ví dụ điển hình “gâu, gâu.. “  chúng ta liên hệ ngay là chó, mà quên điều đơn giản đó là âm thanh. Còn “Crêu, crêu…”  chính là âm thanh nghe rõ lại cho là không biết. Giơ cái hộp lên trông rõ thấy mà cho là không biết, thực ra là không biết tên hoặc công dụng mà thôi…  Điều đơn giản này làm cho cuôc sống của chúng ta phức tạp, mệt mỏi đến vô nghĩa, như trên tôi nói: cầm đèn chạy trước ôtô, tự mình làm khổ mình… 

Nếu ta sống với pháp Thấy Biết Như Thực hàng ngày hàng giờ thì cuộc sống nhẹ nhàng biết bao, nó sẽ chính xác và tiêu hao ít năng lượng như máy tính cầm tay của người bán hàng. Không phải trả giá, mà cả thêm bớt phức tạp rồi không biết mình làm đúng hay sai. Không suy đoán, đặt vấn đề này nọ với mọi người. Chỉ thấy vậy là vậy, sư việc đến đâu ta sử trí đến đó 

Tôi có nói với A : Đạo Phật dậy buông bỏ, là không luỵ trần thế, là dũ bụi trần. Buông bỏ, không có nghĩa là mặc kệ, nếu sống trong pháp thấy biết như thật là buông bỏ một cách khoa học – nói như kinh Tăng chi: “không bị người có trí chỉ trích”.

Thấy biết như thực là pháp quan trọng bậc nhất với người mới học như tôi, trong kinh tế nó như “đầu vào”  mà kết quả tu tập là “đầu ra”. Hay nói một cách dân gian nó là “bột”  để ta “gột nên hồ”. Trước hết, nó làm cho ta nhẹ nhàng đầu óc, thanh thản tâm trí, tiếp thu những thứ thật cần thiết, gạt bỏ những thứ vô bổ vào mình, nó là thứ “bột”  tinh khiết và cần thiết để ta “gột nên hồ” .

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương IV Bốn Pháp, III. Phẩm Uruvelà (IV) (24), Kàlaka:

Như vậy, này các Tỳ kheo, Như lai là vị:

Đã thấy những gì cần thấy, nhưng: 

  • Không tưởng tượng điều đã được thấy
  • Không tưởng tượng những cái gì không được thấy
  • Không tưởng tượng những gì cần phải thấy
  • Không tưởng tượng đối với người thấy

Đã nghe những gì cần nghe, nhưng :

  • Không tưởng tượng điều đã được nghe
  • Không tưởng tượng những cái gì không được nghe
  • Không tưởng tượng những cái gì cần phải nghe
  • Không tưởng tượng đối với người nghe

Đã cảm giác những gì cần cảm giác, nhưng :

  • Không tưởng tượng điều đã được cảm giác
  • Không tưởng tượng những cái gì không được cảm giác
  • Không tưởng tượng những gì cần phải cảm giác
  • Không tưởng tượng đối với người cảm giác

Đã thức tri những gì cần thức tri, nhưng :

  • Không tưởng tượng điều đã được thức tri
  • Không tưởng tượng những cái gì không được thức tri
  • Không tưởng tượng những cái gì cần phải thức tri
  • Không tưởng tượng đối với người thức tri

Như vậy, này các Tỳ kheo, Như Lai với các pháp được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, nên vị ấy là người như vậy. Lại nữa, hơn người như vậy, không có ai khác tối thượng hơn và thù thắng hơn, Ta tuyên bố như vậy.

Vậy, xem như ta đã có “bột” tinh khiết, còn “gột” là việc của như lý tư suy tư, như lý tác ý.

Xin trở lại với thấy biết như thật trong đọc sách, A  dặn không nên đọc trong sự so sánh, bình phẩm, đánh giá, nhận xét….  về nội dung đang đọc, về tác giả, tác phẩm. Sau hơn hai tuần thực hành theo cách đó trong đọc sách, trong nghe giảng tôi dần dần bớt đau đầu, gần tháng sau hầu như không bị đau đầu nữa.

Cũng như vậy, trong đời sống, trước mọi việc tôi không vội so sánh nhận xét mà chỉ tâm niệm rằng, mình chỉ biết mình, làm sao đoán được ý nghĩ người khác. Sở dĩ tôi viết là không vội bởi vì tôi chưa thành thói quen để thực hiện lời dặn của A  là không nếu những người mới học như tôi mà không được hoàn toàn chắc đầu óc sẽ nhẹ nhõm biết bao, để năng lượng ấy làm việc khác hữu ích hơn.

Trí tuệ

Có “bột” rồi, “gột” là việc của như lý tác ý, như lý tư duy..  Nhưng lý nào đây? Người Mèo có lý của người Mèo, người Mường có lý của người Mường, giang hồ có luật giang hồ, CNXH có nguyên lý của CNXH, CNTB có nguyên lý của CNTB, cái lý của ta là gì? Tôi nghĩ cái lý của ta, hay nền tảng cơ bản nhất của ta là TRÍ TỤÊ Người ta nói Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi, tôi nghĩ trí tuệ là cơ bản, từ bi chỉ là hệ quả của trí tuệ – do vậy Đạo Phật không phải là đạo mê tín, không phải là tín ngưỡng đơn giản và uỷ mị của Từ BI, Đức Phật không ban phúc cho ai, không giáng hoạ cho ai, nếu có thì mâu thuấn với luật nhân quả, luật cơ bản nhất của Đạo Phật, nếu có khỏi phải tu hành, chỉ cầu xin Phật độ trì mọi mặt. Đức Phật quảng đại từ bi mà! tất phải cứu độ chúng sinh! Tôi hiểu, Đức Phật trải qua bao năm cực khổ tìm Đạo, rồi sau 49 ngày đêm thiền định dưới gốc bồ đề Ngài giác ngộ ra Đạo Pháp và chỉ dẫn cho chúng sinh con đường đi đến giác ngộ, Ngài không đặt ai vào con đường thiện, không đẩy ai vào con đường ác, Ngài chỉ đường cho tự đi, Đạo Phật không lôi kéo tín đồ bằng phép lạ, không chủ trương khuyến khích thần thông, phù hợp với mọi người, không chỉ dành riêng cho người có tài năng đặc biệt.

A  có đọc cho tôi ghi một câu trong kinh Kim Cương :

Tôi nhẩm vài lần thì thuộc, với tín ngưỡng khác, chỉ cần tin vào đấng tôi cao, rồi đấng tối cao đó sẽ ban phúc, xoá tội cho (rửa tội). Nhưng với Đức Phật thì: Chớ Có Tin Vì Vị Sa Môn Là Bậc Đạo Sư của Mình, chỉ khi nào Tự Mình Biết Rõ.

Do vậy Lý của ta là trí tuệ – trí tuệ ở đây là trí tuệ Bát Nhã

Đạo Phật chỉ cho chúng tôi: mỗi người có sẵn trí tuệ Bát Nhã hay còn gọi là Phật tính, ta sống trong thế gian bị thế gian tập nhiễm nên vô minh che lấp, Đức Phật chỉ cho chúng ta con đường tu tập để dần dần xoá bỏ vô minh, rồi trí tuệ Bát Nhã hiển lộ là tới đích, chân lý thật giản di nhưng rất Trí Tuệ, và đúng Như Thực.

A  có yêu cầu chúng tôi hiểu rõ và thuộc câu này :

Rất tiếc trong nhóm chúng tôi có người hiểu một cách máy móc, cho là thành Phật dễ đến thế ư? Nghĩ rằng tu đến đắc đạo thì chết mới được Phật đón về Niết Bàn. Chúng tôi cho là tu tập để hiển lộ dần trí tuệ Bát Nhã, để có thể sống an nhiên từ tại trong xã hôi tiêu cực kinh khủng khiếp này.

Hiểu như vậy, nên lời dậy của Đức Phật “Ta là Phật đã thành, còn các người là Phật sắp thành” là nguyên lý, nền tảng, là tiêu chí của Đạo Phật, chứ không phải câu nói marketing, câu nói quảng cáo tiếp thị.

Có lẽ chết mới về Niết Bàn (thành Phật ) là sai, lịch sử Phật Giáo ghi rõ: các Ngài A -Nan, Ca-Diếp và các tôn giả khác chứng quả A-La-Hán khi còn tại thế, các Ngài vẫn đi thuyết pháp, vẫn đi khất thực, chứ có lên nóc tủ – hồi đó chưa có chùa – hay có lên trời ngay đâu.

Tôi hiểu mình còn khổ (không vừa ý) là quả nghiệp của kiếp này và kiếp trước nếu có, tu tập để mở mang trí tuệ Bát Nhã mà sống an nhiên tự tại với gia đình, với người thân, với xã hội, còn bạn tôi (LKG) viết : 

Sông kia chẩy tự bao giờ

Mà chưa rửa hết bùn nhơ cõi trần

Nửa đời tóc bạc bao lần

Kẻ quyền bạc mặt người thân bạc lòng

Biết như vây, viết như vậy, anh ta tìm cách ăn chơi cho đã đời chứ không tìm Niết Bàn ở thế gian này, dù anh cực thông minh. Thôi thì mỗi người một cơ duyên.

Khi đã nhận thức Đạo Phật là trí tuệ, đã biết và bước đầu thực hành pháp thấy biết như thực là đã biết hướng đi tới cái lý, lý nào đây để tác ý, để suy tư? Coi như có “bột” tinh khiết rồi, “gột” thế nào đây để “nên hồ”?

Tính không

Không phải lúc bấy giờ, mà gần đây tháng giêng năm 2003, tôi mới nhận ra là nền tảng của cái lý là tính không của tất cả các pháp. Hồi tháng 8 – 2002 tôi và A  nói chuyện với nhau gần hết một ngày về tính ảo của thế giới này, mà tôi không thông, rồi nhiều lần khác nữa mọi người đề cập tới, tôi cũng chưa hiểu được, nay tôi đã nhận ra pháp này là nền tảng quan trọng nhất của Đạo Phật. Tôi hiểu tính không như thế nào, ra sao?

Trước hết, về mặt vật lý, thế giới này cái gì cũng không và cũng có hết. Sinh vật cấu tạo bởi tế bào, tế bào cấu tạo bởi phân tử, phân tử cấu tạo bởi nguyên tử, nguyên tử cấu tạo bởi hạt nhân, giữa chúng đều có khoảng cách (khoảng không). Còn các chất hữu cơ, vô cơ cấu tạo bởi tinh thể, cao phân tử, tinh thể, cao phân tử cấu tạo bởi phân tử, phân tử cấu tạo bởi nguyên tử…  giữa chúng đều có khoảng không. Ta không nhìn thấy bằng mắt thường thì nhìn bằng kính hiển vi các loại. Cái mà ta cho là khoảng không đây lại có biết bao là hơi nước, bụi, ôxy, nitơ… 

Trong thế giới này, từ con người (sinh vật nói chung) đến mọi sự vật, sự việc đều có quy luật để hình thành, quy luật để tiêu huỷ. Đạo Phật gọi quy luật đó là duyên hợp, duyên tan, gọi chung là nhân duyên.

Tính không trong Đạo Phật được định nghĩa thế nào? Chả lẽ là không có gì!!!

Đến đây, ta quay trở lai hồi học sinh cấp I. Muối được định nghĩa là thức ăn, không thể thiếu cho người và động vật và dùng để sát trùng, ta chỉ có khái niệm muối để ăn, mua nó tính bằng lạng, cân, tấn là cùng. Lên cấp II, muối được định nghĩa là hợp chất gồm kim loai kết hợp với gốc axít, vậy cứ bỏ kim loai vào axít là ta có muối, muối này có ăn được đâu? Đá vôi để đổ bêtông xây nhà rải đường cũng là muối, muối đầy đường, muối khắp nơi theo định nghĩa muối của hoc sinh cấp II. Nhắc lại khái niệm này, khi định nghĩa tính không của Đạo Phật ta không ngỡ ngàng.

Tôi hiểu, Đạo Phật định nghĩa: Bất cứ sự vật, sự việc gì trên thế giới này có sinh có diệt (có hình thành, có tiêu huỷ) đều là có tính không. Xin lưu ý có tính không chứ không phải là không có. Nó không có chủ thể, bởi nó hình thành bằng các chất khác, rồi cũng tiêu huỷ đi bởi quy luật nào đó.

Với định nghĩa trên thì tất cả các pháp đều có tính không. Tính không và trí tuệ Bát Nhã quan trọng đến mức người xuất gia từ khi vào chùa đến lúc già, đêm nào cũng tụng kinh Bát Nhã, mà câu đầu của kinh Bát Nhã là: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Sách đã dịch đại để là: Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu sắc bằng trí tuệ Bát Nhã, nhận rõ ra thế giới này, cụ thể là con người này thể hiện bằng năm uẩn đều là không, liền qua hết khổ nạn (theo quan điểm của phương Đông con người là vũ trụ thu nhỏ).

Khi tôi hiểu điều này một cách tự nhiên, thành thục, không hiểu một cách chấp nhận như trước, tự nhiên nhìn đời thoải mái hơn, gặp sự việc gì ngang trái mình có thể lý giải một cách dễ chịu hơn, khoa học chứ không phải kiểu yếm thế, số phận, hay kiểu tấm tức AQ.

Khi biết và bước đầu thực hành pháp thấy biết như thực, hiểu được tất cả các pháp đều có tính không, là đã nắm được đường đi đúng đắn để đến với Phật Đạo. Có đuợc hiểu biết này, tôi đã trải qua thực hành pháp nói Đông chỉ Tây, bảo nhậm nó ra sao, rồi nhận ra ông chủ như thế nào?

Pháp chỉ Đông, nói Tây

Lúc A  hướng dấn nhóm chúng tôi pháp chỉ Đông, nói Tây và thấy biết như thực, có người thấy buồn cười, thậm chí có người phản ứng đến quyết liệt, cho là trò đùa, coi thường họ, rồi bỏ đi với sự tấm tức. Còn tôi, tôi hiểu đây là bài tập rất quan trọng để đi đến cái gì lớn lao hơn trong thực tế. Cũng như chúng ta học cộng trừ nhân chia, rút gọn phân thức đại số, giải phương trình bậc nhất, bậc hai toàn: x, y, z, a, b, m, n&  để rồi giải bài toán thực tế là: vừa gà vừa chó 36 con, bó lại cho tròn 100 chân chẵn. Hỏi có bao nhiêu con gà, con chó??…  Hoặc lúc 7 giờ có người đi xe máy từ A đến B, lúc 10 giờ người khác đi ôtô từ B đến A, hỏi họ gặp nhau lúc mấy giờ, tốc độ bao nhiêu, A-B dài bao nhiêu km?? Bài toán năng suất lao động v.v..

Nên tôi hiểu đây là bài tập, sau này gọi là Pháp để ta bỏ thói quen “cầm đèn chạy trước ôtô”, hay thói quen suy đoán, suy diễn một cách tự động nhanh chóng ở trong ta bao nhiêu năm, mà ta cứ tưởng là đúng, qua pháp này phân tích một cách khoa học thấy rõ nó sai. A  đưa ra ví dụ: “gâu, gâu, meo, meo.. “  thường ta liên hệ tới con vật mà không nghĩ bản chất nó là âm thanh, vật lạ ta chưa biết tên hay công dụng thì ta nghĩ ngay là chưa biết, dù ta đang cầm nó trên tay-tức là ta đang biết nó v.v… 

Khi A  vẽ trên giấy hình loằng ngoằng, bảo ta diễn giải cho người khác bằng ngôn ngữ cho thật chính xác thì ta chịu, lúc này chúng tôi mới thấy tác dụng của thây biết như thực, có thể ví như lắm lúc ta cứ tưởng có thể dùng I thay Y, khi viết chữ máy, bay, cây…  mới thấy không thể thiếu chữ Y trong bảng chữ cái (Mẫu tự). Cũng như thế, màu đỏ, hồng, đỏ điều…  không thể diễn đạt chính xác được màu sắc trong kỹ thuật dệt nhuộm, may mặc, nếu không có bảng mầu đánh số 1,2,3…  để đối chiếu. Trong mỹ thuật, nghệ thuật, không văn vẻ nào diễn tả nổi ngoài xem trực tiếp. Đó chính là thấy biết như thực, là chữ Y không thể thiếu được trong bảng mẫu tự, có nghĩ tới, nhắc tới mới nhận ra.

Có những việc tưởng như máy móc, ngớ ngẩn – Như cầm đồ vật trên tay hỏi: Cái này là cái gì? Gần như 100 % chúng ta nói tên hay công dụng của nó mà không trả lời đúng bản chất của nó là: Cái này là cái này – Ai trả lời: Cái này là cái này liền bị coi là người ngớ ngẩn.

“tâm trí”

Ai thấy biết không thực? Chẳng ta thì ai? Chẳng lẽ ta ngu đến mức cầm đèn chạy trước ôtô. Đây là vấn đề tại sao ta mắc sai lầm ấy, mắc như thế nào?

A  nói là do “tâm trí” dẫn dắt ta, ta rời xa ta để “tâm trí” dẫn dắt, thế “tâm trí”  là cái gì mà nó dẫn dắt được ta? Tôi hiểu “tâm trí” là sự vội vàng, ngộ nhận, suy diễn cảm tính, liên tưởng vội vàng không khoa học, không chính xác v.v…  Mà nói nôm na là “tôi cứ tưởng” &  Thực ra là không thấy biết như thực đã trở thành thói quen thâm căn cố hữu trong ta, phải chăng đây là “vô minh”  thường gặp nhất?

Pháp nhận ra “ông chủ” và giữ “ông chủ”  (bảo nhậm)

Làm thế nào để “thấy biết như thực”, để không bị “tâm trí” dẫn dắt. Tức là để ta nhận ra ta, ta chỉ huy ta trong mọi tình huống? A  bảo đó là pháp nhận ra “ông chủ”  và giữ “ông chủ”  (bảo nhậm), rồi anh hướng dẫn chúng tôi pháp này, như trên đã nói, pháp chỉ Đông nói Tây chỉ là bài tập bổ trợ cho pháp này.

Do vậy “ông chủ”  là ta sống trong pháp “thấy biết như thực” với chính ta, là ta nhận ra “ông chủ”. Ta ứng xử với thế giới bên ngoài, trong pháp “thấy biết như thực” là giữ “ông chủ” .

Khi nhận ra “ông chủ” và vai trò của “ông chủ”. Lúc đó tôi chia thế gian này có ba quyền là: 

– Thế quyền

– Thần quyền

– Nhân quyền tức là ông chủ

Lưu ý khái niệm này do tôi đặt ra để học tập, chứ không phải là khái niệm của sách giáo khoa, của xã hội nói chung. Cụ thể là:

1, Thế quyền: ở đây không phải là ông công an, ông Chủ tịch, ông Tổng Thống, mà là thế lực ta hay dựa vào để hùa theo, để ta đánh mất ta (rời xa ông chủ).

Tôi quan niệm thế quyền là: ông Giáo Sư, Ô. Tiến Sỹ, Ô Hiệu trưởng Đại học, bà Cán bộ Giảng dậy, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, tướng tá về hưu mạnh dạn nói lên ý kiến của mình, nhà doanh nghiệp thành đạt v .v…  Tóm lại, những người mà ta trọng vọng, hoặc có thể không trọng vọng lắm như các chức sắc tôn giáo… 

Khi ta quyết định vấn đề gì, làm việc gì thường bắt chước họ, dựa theo cách của họ. Thậm chí lấy việc làm của họ làm định lý, tiên đề để lý luận, tranh cãi, làm mẫu cho mình và người khác theo. Mà không đưa chính kiến của ta, tức là tự làm mất quyền của ta, là thế quyền lấn áp nhân quyền. Phật dậy: Chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Đạo Sư của mình — Chỉ khi nào tự mình biết rõ.

2, Thần quyền: là Thần Phật mình cầu, xin độ, che chở, sám hối. Thậm chí chỉ là cây đa, cây đại, nấm đất có bát hương&  Thần quyền còn là vong linh người thân đã khuất.

Ta biết Phật không độ ai, không phạt ai. Khi đến chùa ta vẫn cầu xin điều này, điều nọ, ngay lúc này vẫn chưa bỏ. Lúc khó khăn, ta đi cầu các chùa, đền miếu mạo, vong linh người thân cứu giúp mà không tin ở chính bản thân mình. Tức là thần quyền lấn nhân quyền, tự ta không tin ta, ta làm mất quyền của ta.

3, Nhân quyền: của mình bé đi do hai quyền kia lấn hết, do ai? chính là ta làm mất quyền của ta, ta thu hẹp mình lại, vì ta không dám tự mình biết rõ Quá trình để tự mình biết rõ, là quá trình lấy lại nhân quyền để sống trong ông chủ, như trên đã trình bày, là quá trình loại bỏ “vô minh”, để trí Bát Nhã hiển lộ, hay còn nói là kiến tính thành Phật.

Quy trình học tập

Sau một thời gian được A  hướng dẫn và thực hành pháp sống với ông chủ, tôi thấy quy trình học tập của mình diễn tiến như sau:

Đầu tiên là học thầy, học sách, học bạn, tự học. Đó là học bằng trí hữu sư, khi kiến thức đó đã thuần thục, tức là khi cần nó bật ra một cách tự động như ta sử dụng bản cửu chương, kiến thức đó đã thành trí vô sư. Đây là việc học để có kiến thức

Việc nhận ra ông chủ và sống với ông chủ (bảo nhậm) là quá trình cao hơn gọi là quá trình khai mở trí tuệ có lẽ là bước đầu khai mở trí bát nhã mà bản chất của nó là Thấy biết như thật. Thấy biết như thực đầu tiên nên biết là Ngũ uẩn giai không tức là tất cả các pháp đều là Không, thế nào là không, vì nó không có tự tính, các pháp đều do nhân duyên hợp thành, đều do nhân duyên mà tiêu huỷ, đều có sinh có diệt, là không thường hằng bất biến, chứ không có nghĩa là không có gì. 

Ngũ uẩn ở đây tôi hiểu là con người, hay vũ trụ, chứ không hạn hẹp là giác quan. Còn nói các Pháp đều là không, vậy Pháp là gì? Tôi hiểu : Nhất cử nhất động của tôi và của đối tượng, suy nghĩ của tôi và của đối tượng đều là Pháp, hiểu như thế này thì Pháp có nghĩa rất rộng, không han hẹp là phương pháp như cũ mà nó là toàn bộ hoạt động của con người.

Không chỉ Phật, các Tổ, các vị chức sắc…  mới có Pháp mà bất kỳ ai khi hoạt động, suy nghĩ đều thực hiện một Pháp. Vậy thì ai thực hiện pháp đó? Ta đã học và hiểu rằng ngũ uẩn không phải là ta — Trong khi ta vẫn thường hiện hữu, ta vẫn điều khiển cái thân ngũ uẩn này. Ở đây “người điều khiển, thường hiện hữu” được gọi là “Phật tính”  đang thực hiện mọi pháp của ta.

Hiểu như vậy, tất cả hành động, suy nghĩ của ta và mọi người là thực hiện một pháp, quá trình thực hiện pháp đó là thể hiện “Phật tính”, cho nên trước mọi hành động của người khác ta chỉ thấy đó là thể hiện “Phật tính”, nên trong tâm không khởi lòng yêu ghét,  mến giận hờn, nếu khởi lên quá nữa, chỉ nghĩ (quán) là: hành động đó là do quả lành hay do nghiệp lôi đưa tới, thì tâm trí ta nhẹ nhõm biết bao, ta có nhiều cơ hội, điều kiện để thấy biết như thật, mà thấy biết như thực là sự nhận thức thế giới khách quan quan trọng bậc nhất của chúng (chúng ta gọi là pháp thấy biết như thực). Hiểu như vậy, thấy cảnh ngoài xã hội như công an đuổi bắt ăn cắp, ta không khởi lòng yêu ghét, vô tư nhìn nhận sự việc một cách thực sự khách quan. Tức là làm tròn nghĩa vụ công dân, giúp công an bắt ăn cắp chứ không nổi xung lên đánh ăn cắp, không lờ đi, bỏ trốn trách nhiệm. Nếu cần lý giải thì lý giải theo hướng ăn cắp là quả nghiệp của họ, họ bị nghiệp lôi, việc làm của công an và người tham gia bắt ăn cắp là công quả, là quả phúc. Tất cả việc làm đó là các pháp của họ, là thể hiện “Phật tính”. Ta không để tâm lâu vào việc đó, là ta buông bỏ sự đời một cách khoa học, dành tâm trí cho việc hữu ích.

Sau này tôi hiểu buông sở đắc chính là sự tự chủ chín chắn, điềm tĩnh của mình trong mọi tình huống. Tôi hiểu “Phật tính”  trong trường hợp này là như vậy, cũng như chúng ta hiểu muối theo định nghĩa hoá học, chứ không hẹp là muối ăn trong bếp. Còn “Phật tính”  là trí Bát Nhã, là Ông chủ, là tấm gương vốn trong sáng bị bụi “vô minh”  che lấp…  cũng là Phật tính, tất cả các tên gọi đều chỉ một bản chất của vấn đề, tôi nghĩ không nên chú ý quá vào ngôn từ, bản chất nó là quy ước. Nên lấy lời Phật dạy làm kim chỉ Nam: “Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này không bị người có trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiên và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc…  thời nayKalà mà, hãy đến và an trú…  ( kinh Tăng chi, chương III Ba Pháp). Từ hiểu biết như thế này, thì việc nhận xét đánh giá người khác là không đúng, chỉ nhìn họ đúng như đã nhìn, thấy họ đang thực hiện một pháp, đang thể hiện Phật tính của họ, ta đang thể hiện Phật tính của ta, ta không suy diễn, không tưởng tượng, sự việc gì liên quan thực sự đến ta, ta giải quyết trong sự điềm tĩnh, chín chắn (trong Ông chủ).

Đọc sách nghe giảng là ý của ta hay ý của thầy, của tác giả?

Với tinh thần đó, ta thấy đọc sách nghe giảng là ý của ta hay ý của thầy, của tác giả? Hãy xem ta ăn uống, ta ăn để thức ăn chuyển hoá trong ta, rồi nuôi sống ta, ăn uống sai sinh bệnh – Hoàn toàn do ta.

Khi đọc sách, nghe giảng tất cả đều chuyển hoá trong ta, trí hữu sư ấy phát triển trong ta, ta thực hành, ta kinh nghiệm. Cũng là truyện Kiều, hồi còn học tiểu học ta thấy hay một cách, lên trung học ta thấy hay cách khác, lên đại học thấy hay cách khác nữa. Về già lại thấy hay một cách khác hẳn. Cụ Nguyễn Du có chữa lại chữ nào đâu? 

Cùng một thầy giảng dạy, làm bài có ai giống ai đâu, ai cóp bài của ai, thầy biết ngay, kể cả môn dễ giống nhau nhất là toán.

Đến đây, có thể hiểu được câu nói: Đọc sách, nghe giảng là ý của ta chứ không phải là ý của thầy, của tác giả, nó là hai mặt của một vấn đề. Điều quan trọng nhất là: trí hữu sư ấy ở trong tôi, trong anh thì nó là của tôi, của anh – Thầy, tác giả chỉ là phương tiện (chỉ là thức ăn, không phải là dinh dưỡng trực tiếp duy trì sự sống của ta, dinh dưỡng của mỗi cá thể hoàn toàn khác nhau). Người ta chỉ có thể tiếp tuỷ, tiếp máu cho nhau nếu cùng gen, cùng nhóm máu, chứ không thể tiếp dinh dưỡng cho nhau được.

Lão Tử nói: Được cá quên nơm, được ý quên lời – Hiểu ra, đó chỉ là không cố chấp, chứ không phải là vô ơn – Đây là bản chất của vấn đề.

Tóm lại: Do Tứ Diệu Đế mà tôi thực sự đến với Đạo Phật, rồi tôi hiểu đến với Đạo Phật là đến với chính mình, vì mình đã tự đánh mất mình từ lâu — Do vậy Pháp Sống Với Ông Chủ là sống với mình thực sự.

Thực hành Phật Đạo

Để thực hành Phật Đạo, thì việc đầu tiên và việc quan trọng nhất là thực hành Pháp Thấy Biết Như Thực, sau đó hiểu định nghĩa thế nào là Pháp, thế nào là KHÔNG. Lúc đầu chấp nhận khái niệm này là khó, tôi chỉ hiểu nó như một định nghĩa, một tiên đề (không chứng minh) để đi tiếp phần sau.

Với luật nhân quả, tôi dễ dàng qua được vì đã học ở triết học Mác Lê, nhưng ở đây cụ thể hơn, không máy móc như hồi học đại học. Một khi đã chấp nhận (lúc đầu chưa thừa nhận) Tất Cả Các Pháp Đều Là KHÔNG với thấy biết như thật và luật nhân quả tôi có thể tiếp thu sâu hơn Giáo Lý, lúc đầu tưởng chừng không tiêu hoá được.

Thực hành pháp thấy biết như thực, với hiểu biết thành thục rằng tất cả các pháp đều là không và luật nhân quả là bước đầu tôi sống với chính tôi, tôi sống với ông chủ. Nói ngắn gọn vậy, nhưng thực hành đâu dễ.

Kể cả người kiên trì nhất, cũng phát chán lên vì A  làm đi làm lại biết bao lần pháp chỉ Đông nói Tây, cái này là cái gì?, “gâu, gâu”  là gì? “creo, creo” là gì? Cứ có người mới đến lại làm đi làm lại đến nửa ngày. Điệp khúc “biết rồi khổ lắm nói mãi” cứ diễn tiếp. Vậy mà đến nay pháp này đã trở thành trí vô sư trong chúng tôi đâu, nó vẫn còn là trí hữu sư. Lúc này mới biết công sức lớn lao, tận tuỵ của A  và tự trách mình chủ quan thế!!!

Bảo nhậm ông chủ là viêc khó khăn lúng túng như ta làm bài tập rút gọn phân thức đại số, quy đồng mẫu số đã lôi thôi rồi, hở ra là nhầm dấu là sai — Nhưng đó chỉ là bài tập. Để buông sở đắc là bài toán cụ thể hấp dẫn hơn.

Nhưng đầu vào là Thấy Biết Như Thực, Tất Cả Các Pháp Đều Là KHÔNG ta đã có trong ta thuần thục chưa mà giải. Khi những hiểu biết ấy vẫn còn là trí hữu sư thì sống với ông chủ, buông sở đắc chỉ là khiên cưỡng, gượng gạo. Đấy là nhược điểm của tôi, tôi còn phải thực hành nhiều hơn nữa để theo kịp con đường A  đã chỉ dẫn.

Với hơn hai tháng được A  hướng dẫn, lại vào đúng vụ hàng Tết bận rộn, hơn một tháng tập đánh máy và viết ghi chép này, tôi không mặc cảm, không tự hào những gì mình đạt được.

Cũng phải nói lời cảm ơn cô Liên, đã tạo môi trường phù hợp cho tôi tiếp thu pháp của A  trong lúc đấu tiên, rồi tôi mới đi tiếp được bước sau. Bởi sau thời kỳ mở cửa, tôi thường làm việc trong điều kiện thuận tiện. Lúc ấy quyết tâm, giác ngộ của tôi chưa cao. Chắc gì tôi được như hôm nay.

Những điều tôi hiểu hôm nay, mấy tháng trước chắc hẳn tôi cho là vớ vẩn, vô lý. Tôi sẽ tự làm khổ tôi vì những chuyện không đâu.

Ghi nhận thực tại của tôi nhất là, sau hơn một tháng A  hướng dẫn tôi hầu như không đau đầu khi học tập nghiên cứu.

Như trên tôi đã nói, tôi còn phải thực hành miên mật để theo kịp con đường A  chỉ dẫn.

Hà Nội, ngày 24-2-03

Ấn chia sẻ, nếu bạn thấy bài viết này hữu ích cho ai đó đang cần!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết mới đăng

CẬP NHẬT THÔNG TIN VÀ CÁC KHOÁ HỌC THIỀN VIỆT NAM

Đăng kí nhận thông tin mới

DMCA.com Protection Status
Mục lục