Được làm người, là một điều hy hữu. Gặp được Phật Pháp, còn hy hữu hơn gấp bội.
Trong hai bài kinh ngắn từ Tương Ưng Bộ, Đức Thế Tôn đã ví việc tái sinh làm người sau khi đọa lạc giống như một con rùa mù, cứ mỗi trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần – và hy hữu thay, phải chui đúng cổ vào một khúc cây có lỗ nhỏ đang trôi dạt giữa biển khơi, bị gió thổi tứ tán.

Khó vô cùng.
Thế mà Đức Phật còn dạy: Chuyện ấy vẫn còn dễ hơn việc một chúng sanh đã rơi vào cõi khổ, có thể trở lại làm người.
Vì sao?
Vì ở đó – nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh – không có Pháp. Không ai giảng đạo lý. Chỉ có sân hận, oán thù, đói khát và hoảng loạn. Không ai đang bị thiêu đốt lại nhớ đến nhìn lại những sai lầm. Không ai đang rên la vì đau đớn lại có thể quan tâm đến ngăn chặn những nguy hiểm ở tương lai.
Nếu hôm nay, ta đủ duyên làm người, đủ duyên biết Phật Pháp – ấy là kỳ tích lớn của đời người. Thân người – là hiếm nhất trong các cõi. Vậy mà ta sống sao?
– Sáng mở mắt đã cáu gắt.
– Gặp chuyện trái ý là nổi giận.
– Gặp ai hơn mình là ganh tị.
– Tâm lúc nào cũng muốn hơn người, lấy phần, giữ cái lợi.
Mỗi một tâm bất thiện khởi lên – là một cú xô mình về gần cõi khổ.
Không cần ai đẩy.
Chính mình – là người mở cửa cho nghiệp ác bước vào.
Và rồi, khi cận tử đến – ai biết tâm mình sẽ khởi cái gì?
– Nếu đó là giận hờn.
– Nếu đó là tiếc nuối.
– Nếu đó là hối hận…
thì cánh cửa sanh lại làm người có khi khép lại.
Biết mình đang còn làm người – là phải sợ.
Sợ vì thân này dễ mất như nắm nước trong tay.
Sợ vì mỗi bất thiện niệm là một bước xa rời cơ hội quý giá này.
Vậy, ta sẽ sống sao cho xứng đáng? Ta sẽ hành trì và hiểu biết như thế nào để không uổng phí cơ hội vô giá này?
VII. Lỗ Khóa (2) (S.v,455)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng hay không?
— Năm khi mười họa may ra có thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài.
4) — Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại. Vì sao?
5) Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt. Vì sao?
6) Vì không thấy được bốn Thánh đế. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ… Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”… một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

VIII. Lỗ Khóa (3) (S.v,456)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2)– Ví như, này các Tỷ-kheo, quả đất lớn này chỉ toàn một bãi nước và một người đến ném xuống đấy một khúc cây có một lỗ hổng. Rồi gió phương Ðông thổi nó trôi về phương Tây; gió phương Tây thổi nó trôi về phương Ðông; gió phương Bắc thổi nó trôi về phương Nam; gió phương Nam thổi nó trôi về phương Bắc. Tại đấy, một con rùa mù cứ mỗi trăm năm nổi lên một lần.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, con rùa mù ấy sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng không?
— Thật khó được vậy, bạch Thế Tôn, con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào trong khúc cây có một lỗ hổng ấy!
4) — Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là được làm người! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Thật khó được vậy, này các Tỷ-kheo, là Pháp và Luật này do Như Lai thuyết giảng chiếu sáng trên đời.
5) Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, các Ông đã được làm người, và Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Và Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng chói sáng ở đời.
Để lại một bình luận